Sốt xuất huyết và sởi khiến bệnh viện tại Đắk Lắk có nguy cơ quá tải
Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết và sởi tại Đắk Lắk liên tục gia tăng khiến các cơ sở y tế phải tăng cường nhân lực, vật lực để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân.
Chăm con nhỏ 3 tuổi bị bệnh sởi đang điều trị tại khu cách ly, Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột. Chị H’Yên Niê ở xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, 4 ngày trước, con chị bị sốt nên chị đã ra hiệu thuốc mua thuốc về cho con uống nhưng bệnh không thuyên giảm. Đến khi cháu bị chảy máu mũi chị mới đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Thành phố Buôn Ma Thuột để khám. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Chị H’Yên Niê nói: “Nhập viện lúc đầu bé cũng nặng, bé nằm li bì luôn, nguyên một ngày không ăn không uống gì hết một ngày không ăn không uống gì hết, ngày hôm sau bé được 1 ly sữa nhỏ. Có thở ôxy với thở khí dung nữa.”
Số ca bệnh tăng mạnh, Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột phải kê thêm giường ngoài hành lang
Theo bác sỹ Cao Hoàng Phong, trưởng Khoa nhi, Bệnh viên Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, hơn 1 tháng nay, bệnh sởi bùng phát mạnh, số ca nhập viện điều trị tại bệnh viện tăng cao với 32 trường hợp. Cùng với bệnh sởi, Khoa cũng đang điều trị số lượng lớn bệnh nhi bị sốt xuất huyết. Bác sĩ Phong cho biết, từ đầu năm đến nay, Khoa nhi đã tiếp nhận khám và điều trị hơn 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đáng chú ý trong những tuần gần đây, lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, nhân lực không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, Bệnh viện đã tăng cường y, bác sỹ từ các khoa khác để hỗ trợ
“Trẻ nhập viện điều trị đã gây ra tình trạng quá tải trong thời gian gần đây, nhất là về mặt giường bệnh Khoa không đáp ứng kịp, đủ nên đã kê dọc hành lang. Rồi lực lượng nhân viên y tế của Khoa cũng không đáp ứng đủ nhưng được điều chuyển các nhân sự từ các Khoa khác cùng tham gia và điều trị”, Theo bác sỹ Cao Hoàng Phong cho biết thêm.
Video đang HOT
Bác sĩ Cao Hoàng Phong, trưởng Khoa nhi, Bệnh viên Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột đang thăm khám cho bệnh nhân
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong thời gian gần đây số trẻ nhập viện tại các khoa cũng tăng mạnh. Cụ thể, tại Khoa truyền nhiễm, 2 tháng qua luôn có 100 bệnh nhân nội trú, 1 nửa trong số đó là sốt xuất huyết. Trong khi sức chứa tối đa của Khoa khoảng 170 giường bệnh kể cả kê hành lang. Còn tại Khoa nhi Tổng hợp, theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, từ đầu tháng 9 đến nay có 50 ca bệnh sởi nhập viện. Riêng sốt xuất huyết, thời điểm đỉnh cao có lúc Khoa điều trị 60 ca. Bác sĩ Minh cho biết: “Đối với sởi thì các ông bố bà mẹ nên kiểm tra lại sổ tiêm phòng cho con, nếu chưa tiêm phòng thì đi tiêm phòng ngay. Đối với sốt xuất huyết thì không có muỗi đốt thì không có sốt xuất huyết, đặc biệt các cháu còn nhỏ thì rất nhiều cách để tránh muỗi đốt vì năm nay bệnh nhân mắc nhiều và bệnh nhân nặng rất nhiều. Như vậy tránh muỗi đốt và tiêm chủng sởi là hai biện pháp tốt nhất để tránh 2 bệnh này.”
Theo số liệu thống kê của Sở y tế tỉnh Đắk Lắk, đến ngày 12/9, tỉnh ghi nhận hơn 3.100 bệnh nhân sốt xuất huyết và 115 ca bệnh sởi. Bệnh tập trung vào tháng 9 với hơn 2 nghìn người bị sốt xuất huyết và hơn 100 ca sởi.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh
Ông Hoàng Nguyên Duy, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong thời gian tới, 2 bệnh này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng số ca mắc sẽ tăng. Điều này sẽ gây áp lực không nhỏ cho các bệnh viện.
Để hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh, Sở y tế đã ban hành nhiều văn bản và cuộc họp để chủ động các kịch bản đối phó với diễn biến của bệnh. Đồng thời đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phòng chống sốt xuất huyết cũng như vận động phụ huynh đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi:
“Dịch bệnh hiện đang ở mức kiểm soát được, nhưng trong thời gian tới dịch có thể bùng phát. Sở y tế cũng đã chỉ đạo bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với dịch. Nếu cấp độ bình thường thì chuẩn bị khu cách ly điều trị 30 giường, nếu trung bình là 60 giường và nếu nặng hơn là 100 giường”, ông Duy nói.
Virus mới phát hiện tại Trung Quốc có thể gây tổn thương não
Theo một nghiên cứu mới đăng tải gần đây, loại virus mới được phát hiện ở Trung Quốc có tên virus đất ngập nước (WELV) có thể gây tổn thương não trong một số trường hợp.
Virus mới phát hiện tại Trung Quốc vốn lây truyền qua ve. Ảnh: iStock
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Vi sinh và Dịch tễ học Bắc Kinh đã xác định virus này là WELV.
Virus này lần đầu tiên được phát hiện ở một bệnh nhân 61 tuổi tại thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh vào tháng 6/2019. Người này sốt, đau đầu và nôn mửa, năm ngày sau khi bị ve cắn ở vùng đất ngập nước tại Nội Mông. Tuy nhiên, đến gần đây virus mới được xác định từ nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England vào tuần trước.
WELV thuộc nhóm virus lây truyền qua ve, tương tự như virus sốt xuất huyết Crimean-Congo. Sau phát hiện ban đầu, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng ở miền Bắc Trung Quốc, nơi họ thu thập được gần 14.600 con ve từ nhiều địa điểm khác nhau. Khoảng 2% trong số này có kết quả dương tính với WELV, chủ yếu ở loài ve haemaphysalis concinna.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện loại virus này ở 17 bệnh nhân khác ở Trung Quốc có các triệu chứng sốt, nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, mệt mỏi, đau lưng, viêm khớp, sưng hạch bạch huyết và các vấn đề về thần kinh. Một số người cũng bị xuất huyết dưới da.
Sau khi dùng thuốc kháng virus, kháng sinh hoặc liệu pháp immunoglobulin (cung cấp thêm kháng thể mà cơ thể không thể tự sản xuất), tất cả các bệnh nhân đều hồi phục mà không có bất kỳ tác dụng phụ lâu dài nào đối với sức khỏe.
Khi thử nghiệm với chuột và chuột lang, loại virus này gây tổn thương não và dẫn đến tử vong.
Ông Edward Liu, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Jersey Shore, lưu ý rằng các bệnh lây truyền do ve thường không lây lan nhanh chóng như virus đường hô hấp. Theo ông Liu, virus hoặc vi khuẩn sống trong ve là đặc trưng của một số loài nhất định, do đó, chúng không tự động lây sang ve ở Mỹ. Ông kết luận: "Tôi không lo lắng về đại dịch kiểu COVID-19". Nhưng ông cũng cảnh báo rằng người cao tuổi và bệnh nhân suy giảm miễn dịch có nhiều rủi ro bởi WELV gây sốt xuất huyết.
Các chuyên gia cho biết biện pháp phòng ngừa tốt nhất đối với các bệnh lây truyền do ve là tránh bị loài vật này cắn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), điều quan trọng là phải xác định và tránh xa những khu vực mà ve có thể sinh sống, bao gồm các khu vực nhiều cây cối, cỏ hoặc bụi rậm. Chúng cũng có thể sống trên động vật. CDC khuyến nghị xử lý quần áo và đồ dùng bằng các sản phẩm có chứa 0,5% permethrin, giúp xua đuổi ve. Mọi người cũng có thể sử dụng thuốc chống côn trùng. Có thể sấy khô quần áo ở nhiệt độ cao trong 10 phút hoặc giặt bằng nước nóng để tiêu diệt ve.
Cuba nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Oropouche Ngày 30/8, các cơ quan y tế Cuba đã triển khai các nỗ lực khử trùng quy mô nhỏ tại thủ đô La Habana để ngăn chặn sự lây lan của virus Oropouche (OROV). Nhân viên khử trùng Luís Aguilar cho biết: "Trước đây, tất cả các khu nhà đều được khử trùng hằng tuần... nhưng hiện nay, do thiếu nhiên liệu, việc...