Sốt xuất huyết tăng, bệnh nhân ở Quảng Ngãi phải nằm ngoài hành lang
Bệnh sốt xuất huyết đang tăng mạnh và diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện ngành y tế cùng người dân các địa phương đang triển khai biện pháp dập dịch. Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao, nhiều cơ sở y tế trong tình trạng quá tải.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện gần 2.400 ca sốt xuất huyết.
Những ngày này, Khoa Nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chật kín bệnh nhân. Người bệnh sốt xuất huyết phải nằm ghép đôi, ghép ba, nằm cả trên giường xếp kín chật ngoài hành lang.
Chị Chu Ngọc Quyên, người nhà bệnh nhân lo lắng: “Tôi vào chăm người nhà được mấy hôm rồi nhưng bệnh nhân và người đi thăm quá nhiều. Số lượng bệnh nhân quá tải nên có khả năng bệnh sẽ bị lây nhiều và lây chéo”.
Video đang HOT
Bệnh viện phải dùng bạt che chắn cho bệnh nhân.
Khoa Nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang điều trị hơn 120 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong khi tại đây chỉ có 65 giường bệnh. Trước tình trạng bệnh nhân tăng cao như hiện nay, bệnh viện đã mua thêm giường xếp kê bên trong phòng và ngoài hành lang để người bệnh nằm điều trị.
Bác sĩ Lương Văn Tuấn, Trưởng Khoa Nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết, bệnh viện tăng cường thêm 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng từ các khoa khác đến hỗ trợ Khoa Y học nhiệt đới điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đã đề nghị xem xét, nếu cần chúng ta triển khai một vị trí để điều trị số xuất huyết trong khu vực Khoa Bệnh nhiệt đới. Thời tiết hiện nay rất khó khăn cho bệnh nhân. Bệnh nhân phải nằm hành lang, che chắn. Tuy nhiên, không đảm bảo được vệ sinh, công tác khám chữa bệnh và công tác chuyên môn gặp khó khăn”, bác sĩ Tuấn nói.
Do quá tải, bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang
Bác sĩ Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận gần 2.400 ca sốt xuất huyết, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết có thể tăng cao. Theo bác sĩ Hồ Minh Nên, ngành y tế đã tăng cường nhân lực, phương tiện trang thiết bị đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
“Hiện tại, ngành y tế vẫn đảm bảo được khả năng tiếp đón và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Về hệ thống dự phòng, chúng tôi cũng đang triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp như truyền thông, vệ sinh môi trường, giám sát các ca bệnh và triển khai xử lý các ổ dịch…”, bác sĩ Nên cho biết./.
Theo VOV
Thừa Thiên - Huế: Hơn 2.100 ca mắc bệnh sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến hết ngày 10/11, trên địa bàn tỉnh TT-Huế đã ghi nhận 2.193 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (176 lâm sàng và 2.017 xác định), trong đó có 285 ca ngoại lai (mắc bệnh từ nơi khác đến). Tại địa phương chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Phun thuốc khử trùng, tiêu độc.
Cụ thể, TP. Huế ghi nhận 805 ca; Phú Lộc: 429 ca; Phú Vang: 249; Hương Thủy: 223; Hương Trà: 181; Nam Đông: 152; Phong Điền: 95; Quảng Điền: 50; A Lưới: 9 ca.
TS.BS Nguyễn Nam Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh TT-Huế cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị y tế đã vào cuộc một cách quyết liệt, khẩn trương với hệ thống tổ chức, công tác chuyên môn, công tác vận động người dân và sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế phải báo cáo hàng ngày số bệnh nhân sốt xuất huyết cho lãnh đạo UBND các địa phương biết để chỉ đạo, tăng cường các xét nghiệm khám sàng lọc để phát hiện sớm các ca bệnh sốt xuất huyết, hạn chế không để tử vong xảy ra. Tiếp tục tăng cường phòng chống sốt xuất huyết cần chú trọng kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại khu vực miền Trung, từ đầu năm đến ngày 7/11/2019 đã ghi nhận 61.851 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong (Bình Thuận 3, Khánh Hòa 2 và Quảng Bình 2).
Nếu tính số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến ngày 7/11/2019,Thừa Thiên - Huế đứng thứ 10/11 các tỉnh khu vực miền Trung.
Văn Bốn
Theo GDTĐ
Phun hóa chất diệt muỗi có 'chống' được sốt xuất huyết? Phun hóa chất là một trong các biện pháp để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tức thì khi có ổ dịch tránh lây lan bùng phát dịch bệnh. Sử dụng bình xịt muỗi tại gia đình chỉ là biện pháp diệt muỗi tạm thời trong phạm vi rất nhỏ. Ảnh minh họa: Internet Tôi muốn biết,...