Sốt xuất huyết ở trẻ em: Triệu chứng và phòng ngừa
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát ở Hà Nội, bác sĩ đều khuyến cáo người nhà cần nhận biết và chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết đúng cách, tránh biến chứng nặng cho trẻ.
Mấy ngày nay, gia đình chị Vũ Thu Lan trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội như ngồi trên đống lửa khi bé Bun 11 tháng tuổi liên tục sốt cao. Chị Lan cho biết: cháu đã khám và điều trị ở Bệnh viện Vimec nhưng bác sĩ lại cho về nhà.
Hai ngày nay, cháu sốt cao và phát ban. Khi hết sốt, nốt ban lại lặn. Bé bỏ bú và nằm li bì. Có lúc, soi nhiệt độ cho con, chị thấy nhiệt độ lên đến 40 độ C. Bác sĩ cho biết cháu bị sốt xuất huyết nhưng chị vẫn lo lắng có thể bé bị sởi.
Trường hợp con chị Bùi Hoa trú tại Gia Lâm, Hà Nội cũng bị sốt xuất huyết. Chị Hoa lo lắng “người lớn sốt xuất huyết còn đoán được chứ trẻ con thì khó lắm. Bác sĩ bảo cháu bị sốt xuất huyết thì mình biết là thế”.Con chị Hoa 3 tuổi, cháu bị sốt cao liên tục kèm theo đi tiểu ít. Khi đến bệnh viện, bác sĩ yêu cầu nhập viện vì tiểu cầu giảm.
PGS Bùi Vũ Huy – BV Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện nay đang ở thời điểm giao mùa là thời gian nhiều dịch khác có thể bùng phát ở người lớn và trẻ nhỏ trong đó có sốt xuất huyết. Ở trẻ em từ 1-15 tuổi có nhiều nguy cơ mắc bệnh, nhiều nhất là lứa tuổi 3-8 tuổi.
Trẻ điều trị bệnh tại Khoa Nhi, BV Nhiệt đới TƯ
Theo PGS Huy, dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ như sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, kèm đau bụng, xuất huyết (chảy máu) ở nhiều dạng như xuất huyết dưới da, lộ trên mặt da những đốm nhỏ màu đỏ hay vết bầm.
Có thể phân biệt những đốm đỏ này với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn. Trẻ có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng; nôn hoặc đi ngoài ra máu.
Video đang HOT
Khi trẻ bị bệnh nặng, trẻ có thể bị sốc. Đây là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Trẻ bị sốc khi bị mệt, li bì hoặc vật vã; chân tay lạnh, tiểu ít và có thể kèm theo nôn hoặc đi ngoài ra máu.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em, khi trẻ có biểu hiện sốt xuất huyết, phụ huynh có thể chăm sóc tại nhà bằng cách cho trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy nhảy, cho ăn nhẹ (cháo, súp, sữa… ); cho uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước Oresol (nước biển khô, pha 1 gói pha vào 1 lít nước, uống 100-150ml nước/kg cân nặng/ngày), nước cam vắt, nước chanh đường, hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau nước ấm khi trẻ sốt cao.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo tuyệt đối không cho trẻ uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết), không cắt lễ hay cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi trẻ đang sốt, không kiêng cữ ăn, không nhịn uống.
Khi trẻ có dấu hiệu trở nặng bất ngờ như mệt nhiều hơn, vẻ âu lo bứt rứt, li bì hoặc vật vã; tay chân lạnh, đau bụng nhiều hơn và ói nhiều, da đổi màu bầm, môi tím lại, gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, các bà mẹ nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày; không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt; thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ; đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).
Các gia đình cần phải thường xuyên dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình hoa mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.
Khánh Ngọc
Theo Infonet
Sau 'bão' sởi sẽ là siêu bão' viêm não Nhật Bản
Dịch sởi vẫn gia tăng số trẻ mắc và tử vong. Tại các bệnh viện (BV), nhiều ca biến chứng sởi nặng vẫn trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Lúc này dịch tay-chân-miệng đã bùng phát mạnh và bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cũng bắt đầu vào mùa. Tình trạng dịch chồng dịch đã đến rất gần...
Sởi vẫn "nóng" ở bệnh viện
Theo nhận định của Bộ Y tế, những ngày qua, số lượng bệnh nhân (BN) mắc sởi cũng như tử vong liên quan đến sởi không có gì đột biến, số ca mắc sởi ghi nhận trên cả nước dao động khoảng 48-50 ca/ngày. Có thêm 246 trường hợp xác định dương tính với sởi. Riêng tại Hà Nội, số BN mắc sởi mới vẫn khoảng 70-90 ca/ngày. Tình trạng BN sởi cũ biến chứng viêm phổi suy hô hấp nặng nằm viện điều trị vẫn ở mức cao, trong đó có nhiều ca đe dọa tử vong.
Tại các BV tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội, số BN sởi nằm viện điều trị vẫn ở con số hàng trăm. Tại BV Nhi T.Ư, hiện vẫn còn 268 trẻ đang điều trị, mỗi ngày, BV này vẫn tiếp nhận 20-30 ca sởi biến chứng. Tại BV Bạch Mai, số BN mắc sởi điều trị nội trú vẫn duy trì 70-80 ca/ngày, cao hơn so với thời điểm tháng 2-3, trong đó có 3 BN phải thở máy.
Vào những ngày cuối tháng 4, đã không có thêm ca tử vong do sởi, nhưng trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, Hà Nội lại thêm 3 trường hợp tử vong do sởi (2 trường hợp ở BV Bạch Mai, 1 trường hợp ở BV Nhi T.Ư), nâng số ca tử vong do sởi lên 133 trường hợp.
PGS-TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi T.Ư - nhận định: Bệnh sởi hiện tại tuy không bùng phát đáng kể về số lượng bệnh nhân nhưng vẫn xuất hiện những ca sởi biến chứng nặng, diễn biến bệnh lý bất thường... là một điều đáng lo ngại.
Bé Triệu Quang Nam (1 tuổi, ở Hà Nội) đang được y tá BV Bệnh nhiệt đới T.Ư lấy máu xét nghiệm sởi. Ảnh: Hải Nguyễn.
Hiện, tại BV Nhi T.Ư có 268 bệnh nhi sởi thì đều phải điều trị tích cực. Số bệnh nhi phải thở máy, thở ôxy khá nhiều. Tại BV Bạch Mai, hiện có hơn 70 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị, trong đó hơn chục bệnh nhi nằm ở phòng điều trị đặc biệt.
TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai - cho biết, nhiều trẻ diễn tiến bệnh rất nhanh, thậm chí có trẻ đã cai được máy thở thì vài ngày sau phải trở lại thở máy. Vì thế vẫn sẽ có những trẻ tử vong do các biến chứng nặng của sởi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 133 ca tử vong do sởi chủ yếu là ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc, trong khi đó ở các địa phương phía nam, miền Trung và Tây Nguyên lại chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do sởi.
Giải thích điều này, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho rằng, số ca tử vong tập trung khi điều trị tại BV, nên nguy cơ lây chéo cao, trên nền BN đã mắc những căn bệnh nặng.
Tay-chân-miệng - chưa có vaccine phòng ngừa
Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), đã có 2 trường hợp tử vong tại Long An và BRVT, nhiều ca phải điều trị tích cực, thậm chí phải thở máy và lọc máu.
Mặc dù số mắc giảm 20% và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013, tuy vậy bệnh TCM có số mắc cao tập trung ở khu vực miền Nam với 14.254 trường hợp, tương đương 83,5% tổng số ca mắc trên cả nước. Một số địa phương đã có số mắc tăng cao như TP.Hồ Chí Minh tăng 28,9%, BRVT tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%, Kon Tum tăng 69,7%...
Bệnh TCM đã xuất hiện tại 62 địa phương. Tại TPHCM đã có hơn 2.800 trẻ mắc TCM từ đầu năm đến nay, các tuần gần đây, mỗi tuần có khoảng 200 ca mới mắc. Tại Đồng Nai có 1.348 trẻ mắc TCM nhập viện. Trong 2 tuần qua, số ca mắc tăng cao, lên 130 ca/tuần. Tỉnh BRVT có hơn 1.000 trẻ mắc TCM, 1 trẻ tử vong, đã có 47 ổ dịch, trong đó có 4 ổ dịch TCM xuất hiện tại các trường học mầm non và tiểu học...
Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm nay bệnh TCM nhiều nguy cơ bùng thành dịch và có thể lặp lại đợt dịch "đỉnh" năm 2011 với 112.000 ca mắc làm 169 trẻ tử vong. Năm nay, bệnh TCM có nguy cơ vướng vào chu kỳ 3 năm có một đợt dịch lớn và nguy hiểm quay lại. Bệnh TCM có nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không phát hiện, xử lý kịp thời rất dễ tử vong. Hơn nữa, bệnh không có thuốc đặc trị và vaccine dự phòng nên bệnh sẽ lây lan rộng.
TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - lo ngại, trong lúc bệnh sởi vẫn đang ghi nhận các ca mắc mới hằng ngày, thì bệnh TCM quay trở lại và các dịch bệnh khác như thủy đậu, sốt xuất huyết cũng đang... vào mùa nên nguy cơ dịch chồng dịch rất có thể xảy ra. Nếu không giám sát chặt các ổ dịch, không kiểm soát được nguồn lây thì có nhiều nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Đặc biệt, rất có thể có những trường hợp một bệnh nhi cùng lúc mắc bệnh sởi và TCM. Sau sởi, TCM sẽ là bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết, dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ từ tháng 6 đến tháng 10. Tháng 6 đến tháng 8 sẽ là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía bắc. Nếu gọi sởi là "bão" thì viêm não Nhật Bản là "siêu bão", do mức độ nặng, tỉ lệ tử vong rất cao, ước tính của thế giới là 20-30%.
Theo Báo lao động
Biểu hiện cơ thể thiếu canxi Chuột rút, móng tay yếu, da khô, dậy thì muộn, loãng xương là những biểu hiện cơ thể bạn đang bị thiếu hụt canxin trong cơ thể. Canxi là một khoáng chất tự điều tiết. Nếu các cơ quan cơ thể thiếu canxi, nó sẽ tự rút ra từ xương. Nhưng nếu lượng canxi dự trữ quá ít thì cơ thể sẽ thiếu...