“Sốt đất” bất thường ở Hòa Liên (Đà Nẵng), người mua cẩn trọng với chiêu “thổi giá”
Vài ngày qua, giới địa ốc xôn xao với chuyện “sốt” đất ở Đà Nẵng. Chỉ trong vài ngày giá nền đất tái định cư ở Hòa Liên, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng bỗng dưng tăng chóng mặt khiến nhiều người dân, nhà đầu tư đổ xô đi mua.
Chỉ trong một buổi sáng, khu vực xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang bỗng nhiên lên “cơn sốt” đất, làm mọi người hết sức ngỡ ngàng! Vài ngày qua, đã có rất nhiều người đổ về xã Hòa Liên – đặc biệt là khu vực lân cận 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc để mua bán đất nền, đất phân lô tái định cư (TĐC).
Giá đất trên địa bàn xã Hòa Liên bị đẩy lên chóng mặt kể từ ngày 5/10. Đất nền, đất phân lô dọc các trục đường 5,5 m và 7,5 m từ 700 đến 800 triệu đồng/nền bị đẩy lên 1,2 tỷ đến 1,6 tỷ/lô vào ngày 8/10.
Theo một nhân viên môi giới tên Sơn, gần đây có thông tin có nhiều dự án hạ tầng làm cảng Liên Chiểu, khu công nghệ cao được đầu tư ở khu vực này, bên cạnh đó thông tin chính quyền Đà Nẵng sẽ di dời 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc đi nơi khác…nên từ đầu tháng 10 tới nay, thị trường giao dịch chủ yếu là môi giới thực hiện mua đi bán lại để hưởng chênh lệch.
“Đây là cách đầu tư mua để bán lại kiếm lời chứ không phải từ nhu cầu chỗ ở. Thông thường số tiền của mảnh đất nhiều và ít phụ thuộc vào các vị trí và trục đường. Mảnh đất trên đường rộng 7,5m giá sẽ cao hơn đất ở đường 5,5m. Lúc trước chưa “sốt” giá dao động khoảng 800 triệu đến 900 triệu đồng/nền. Nhưng giờ đang sốt đất có giá khoảng 1,2 tỉ đồng/nền đường 5,5m và 1,5 tỉ đồng/nền đường 7,5m”, anh Sơn thông tin.
Anh Sơn cũng cho hay, đây là lần đầu tiên tại Hòa Liên có cơn “sốt” đất cao đến như vậy. Đến một thời điểm nào đó nó sẽ đứng lại và rớt giá. Vì nhà đầu tư các nơi đổ xô về mua và thổi giá đất lên nên mới có chuyện “sốt” giá đất như hiện nay.
Tuy nhiên, qua cơn sốt đất mấy ngày qua tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, một số nhà môi giới chuyên nghiệp tại TP Đà Nẵng cho biết không tránh khỏi đây còn là những chiêu trò câu khách thường thấy của các “cò” đất nhỏ lẻ. Theo một nhà đầu tư đất nền lâu năm tại Đà Nẵng, trước khi cơn sốt đất này bùng phát, một số sàn giao dịch nhỏ lẻ đã truyền tay nhau nhiều tờ rơi về dự án TĐC này, ồ ạt “tuyển dụng” người thân vào làm việc để chuẩn bị “săn” khách hàng.
“Theo tôi được biết, hiện nhiều thông tin bị tiết lộ cho thấy các cò đất trước đó ra thông báo ngầm với nhau về việc chuẩn bị dàn quân để tạo cơn sốt, bắt nhân viên môi giới đóng giả làm khách hàng, ký kết hợp đồng giao dịch giả và sau đó là hoạt động sang tay nhau mảnh đất mới mua để hưởng lợi cũng giả nốt”, vị này cho biết.
Bởi theo vị này, tình trạng sốt đất tại TP Đà Nẵng hầu như không diễn ra gần cả một năm nay, sau nhiều đợt thanh tra các dự án liên quan đến sử dụng đất.
“Nếu như không muốn nói là giá đất tại nhiều khu vực, ngay cả khu trung tâm đang trên đà giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Ngay như ở khu vực sầm uất của dự án Hòa Xuân có giá khoảng 2 tỷ đồng, hiện tại biến động còn khoảng 1,3 tỷ đồng. Đất tại làng đại học cũng đang giảm từ 2-3 triệu/m2 so với mức định giá thời điểm sốt đất. Tại Khu đô thị Nam Việt Á, giá đất 70m2 thời điểm đầu năm 2018 được định giá 2,9 tỷ đồng hiện đã giảm xuống còn 2,5 tỷ đồng.”, nhà đầu tư này cho biết thêm.
Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm H. Lân, Phó tổng giám đốc một sàn giao dịch nhà đất ở Đà Nẵng cũng tiết lộ thêm rằng việc sốt đất xảy ra ở Khu TĐC Hòa Liên 5 là do các “cò” đất đầu cơ nhằm làm tăng giá đất ở một số khu vực lân cận.
Video đang HOT
Theo đó, các lô đất được đầu cơ cũng là của các “cò” đất đầu cơ từ trước nên không ảnh hưởng gì đến người dân địa phương. “Các “cò” đất “làm giá” ở xã Hòa Liên trước để làm cho các khu vực của quận Liên Chiểu và các dự án của một công ty đầu tư địa ốc lớn gần đấy tăng lên.
Tình trạng khách hàng trước mới mua vài giây, bán lại kiếm lời hàng chục triệu đồng cũng chỉ nghe các cò “kháo” nhau, chứ không “dễ ăn” đến vậy! Sau hai ngày cuối tuần thì đến nay, tình trạng buôn bán, đầu cơ đất cũng đã giảm.
Thông tin tiết lộ về nghi vấn dàn cảnh thổi giá đất vừa qua.
Lý giải về cơn sốt đất này tại Đà Nẵng, giới “cò” đất cũng như các chuyên gia BĐS đều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do chính các nhà đầu tư đẩy giá và làm giá thông qua việc mua đi – bán lại, mua vào – chốt lãi, cứ hết F1 rồi sang F2 rồi F3…
Ngoài ra, đang có một số thành phần đầu cơ làm giả sốt đất, hỏi mua quanh, tạo tâm lý “hot” hàng; cứ người này hỏi người kia góp phần tạo thành làn sóng nóng sốt. Vậy là thành phần đầu cơ nghiễm nhiên trúng to khi lô đất tăng vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng trong vòng chưa đến 1 tháng, thậm chí chỉ qua một đêm.
Trước tình trạng giá đất sốt thất thường nêu trên, ông Lê Văn Tuấn – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng – cho biết, Sở đã kiểm tra tình hình sốt giá đất tại khu TĐC 5 vào chiều ngày 7/10. Được biết, tổng diện tích khu TĐC 5 là khoảng 29ha với tổng số lô đất TĐC là khoảng 1.000 lô.
Ông Tuấn cho hay, không rõ nguyên nhân sốt đất do đâu. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì việc thông tin di dời 2 nhà máy thép ảnh hưởng đến người dân. Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cũng đã ra thông báo khuyến cáo đến người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua để tránh thiệt hại” – ông Tuấn thông tin.
Được biết, ngày 8/10, tin từ Thanh tra TP Đà Nẵng cho biết, quá trình thanh tra 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc và việc chấp hành pháp luật về đất đai ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, cơ quan này phát hiện có thêm 714 lô đất nằm ngoài quy hoạch bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2.
Cụ thể, đất TĐC bố trí cho người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 là 500 lô, tuy nhiên, kết quả thanh tra thể hiện, trong thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 2/2018, khu vực này có tổng cộng 1.214 lô đất (thừa 714 lô so với quy hoạch).
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ
Công bố thanh tra 2 nhà máy thép Đà Nẵng
Thanh tra TP.Đà Nẵng vừa có thông báo Kết luận thanh tra về 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc. Đáng nói, cả doanh nghiệp và chính quyền đều xuất hiện những khuyết điểm.
Ngày 7/10, Thanh tra TP Đà Nẵng đã công bố kết quả thanh tra 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
Kết luận do Chánh Thanh tra Trần Huy Đức nêu rõ 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc chưa bảo đảm khoảng cách ly tối thiểu là 500m đối với nhà máy độc hại cấp II. Việc đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án nhà máy còn nhiều thiếu sót.
Công ty thép Dana Ý không thực hiện xin giấy phép xây dựng trước khi khởi công, thay đổi việc sử dụng dây chuyền luyện, cán thép có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc-Ý và thay đổi một số hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đăng ký ĐTM đã được phê duyệt.
Mặc dù đã hoạt động sản xuất theo dây chuyền hệ thống lò luyện có thay đổi so với ĐTM nhưng nhà máy vẫn chưa có ĐTM được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung theo quy định.
Người dân bao bây nhà máy thép những ngày qua. Sau khi có kết luận thanh tra, họ chờ những động thái tiếp tục từ chính quyền
Công ty này cũng không thực hiện trồng cây xanh xung quanh bảo đảm diện tích theo ĐTM do chưa được giao đủ diện tích đất theo quy hoạch... Mặc dù, đơn vị này đã từng bước khắc phục các vi phạm, tồn tại về bảo vệ môi trường nhưng vẫn chậm khắc phục xử lý chất thải rắn không đúng quy định, không bảo đảm cây xanh theo quy định, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn.
Về Công ty cổ phần thép Dana Úc, Thanh tra Đà Nẵng kết luận, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho công ty tại cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng là không phù hợp với quy định về ngành nghề theo ĐTM được phê duyệt; không phù hợp với chủ trương của UBND thành phố và vị trí nhà máy thép sát khu dân cư, không bảo đảm khoảng cách ly tối thiểu 500m...
Ngoài ra, từ khi hoạt động đến nay, công ty này vẫn chưa có ĐTM phù hợp với công suất tại giấy chứng nhận đầu tư, thay đổi một số máy móc, thiết bị nhưng không lập lại, điều chỉnh, bổ sung ĐTM không đúng quy định. Việc xử lý chất thải rắn công nghiệp từ lò luyện không đúng như cam kết và chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn...
Người dân thì cho rằng ô nhiễm, doanh nghiệp cũng kêu cứu vì mỗi ngày dừng hoạt động sẽ thua lỗ tiền tỷ. Câu chuyện 2 nhà máy thép ở Đà Nẵng cần sớm được xử lý.
Thanh tra TP Đà Nẵng cho rằng, sở Xây dựng và công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng cần tổ chức rút kinh nghiệm đối với thiếu sót trong việc lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng bảo đảm khoảng cách ly tối thiểu đối với khu dân cư theo quy định, đồng thời, rà soát lại quy hoạch tại dự án để tham mưu UBND thành phố xử lý những vấn đề có liên quan nhằm khắc phục những hạn chế theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với sở Kế hoạch và Đầu tư cùng sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Đà Nẵng kiến nghị kiểm điểm theo quy định với những sai sót của từng đơn vị này, đồng thời, yêu cầu 2 đơn vị này xử lý hành chính và tham mưu, đề xuất UBND thành phố biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của 2 nhà máy thép.
Thanh tra TP Đà Nẵng cũng cho rằng có trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng giai đoạn năm 2007 và năm 2014 trong việc phê duyệt ĐTM và Giấy chứng nhận đầu tư đối với 2 nhà máy thép và cụm công nghiệp hiện đang bị bộ Công an khởi tố điều tra, Thanh tra TP Đà Nẵng kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố có báo cáo Thường trực Thành ủy để có ý kiến chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thanh tra TP Đà Nẵng cũng yêu cầu tổng giám đốc 2 công ty trên nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục đối với các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động và bảo vệ môi trường như kết luận thanh tra đã nêu theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng ngày, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana-Ý cho biết, ông đã nhận được kết luận thanh tra này.
Ông Tân cho rằng, về báo cáo đánh giá tác động môi trường, công ty đã có QĐ 7207/QĐ-UBND và QĐ 4005/QĐ-UBND phê duyệt DTM cũng như quyết định 654/QĐ- UBND cho phép sử dụng DTM 7207.
Tuy nhiên theo yêu cầu của sở TN&MT công ty đã lập lại DTM và đã có công văn đề nghị thẩm định và phê duyệt vào tháng 1/2015 được hội đồng thông qua vào ngày 12/02/2015 với điều kiện bổ sung một số nội dung. Sau khi hiệu chỉnh nhiều lần DTM được sở TN&MT thông qua và trình UBND TP vào tháng 7/2016.
Tuy nhiên, do vướng về phạm cách ly an toàn và các chủ trương mới của thành phố về quy hoach lại khu vực nên DTM vẫn chưa được thông qua. Vì vậy, trong khi chờ DTM bổ sung doanh nghiệp vẫn thực hiện theo QĐ 7207 với nội dung cơ bản như hiện trạng sản xuất của công ty. Xét về mặt pháp lý QĐ 465/QD-UBND cho phép sử dụng QĐ7207 vẫn có hiệu lực do chưa có quyết định nào của UBND TP hủy bỏ QĐ trên.
Về tiếng ồn và phạm vi trồng cây xanh, ông Tân cho rằng, công ty đã có các biện pháp hạn chế tiếng ồn bằng cách lắp vật liệu cách âm tại tường xưởng phía nhà dân mặc dù còn hạn chế, tuy nhiên qua giám sát các năm chưa thấy bằng chứng thể hiện mức độ tiếng ổn vượt quá tiêu chuẩn hoặc vượt bao nhiêu? Công ty đang chờ kết quả giám sát độc lập được công bố.
"Về mật độ cây xanh, công ty đã cam kết phủ xanh khu vực mở rộng vành đai VSCN, tuy nhiên đến hiện nay các thủ tục liên quan đến diện tích trên chưa hoàn tất vì vậy chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai. Công ty đề nghị thành phố hướng dẫn chi tiết để sớm khắc phục tình trạng trên. Hiện, chưa có kết quả quan trắc độc lập thì mọi đánh giá về môi trường hay ô nhiễm đều quá sớm, vội vàng. Công ty cũng đang nóng lòng chờ đợi kết quả này. Hiện giờ, một ngày dừng sản xuất là công ty mất trắng khoảng 1 tỷ đồng, đền bù hợp đồng ký với các đối tác...", vị này nói.
Như vậy, liên quan đến 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc này, kết luận thanh tra đã được công bố, hiện doanh nghiệp và người dân còn một kết quả quan trắc môi trường nữa. Cả doanh nghiệp và người dân đều mong muốn, Đà Nẵng sớm xử lý dứt điểm vấn đề: Di dân hoặc di dời nhà máy.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Danh Vĩnh
Theo antt.vn
Xu hướng đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng "3 trong 1" tại Đà Nẵng Một căn hộ nghỉ dưỡng "3 trong 1", một môi trường sống thân thiện với thiên nhiên ngay giữa lòng đô thị ngày càng hiện hữu với những dự án có chất lượng cao. Cùng với việc tạo dựng không gian xanh đúng "chất" nghỉ dưỡng, hệ thống tiện ích, dịch vụ cao cấp gần như không có mấy khác biệt so với...