Sống thấp thỏm nơi sạt lở ở Sài Gòn
Sạt lở nghiêm trọng hai bờ rạch Giồng Ông Tố, quận 2, khiến ông Đào Trung phải bỏ nhà ra ở trọ; hàng chục hộ khác sống nơm nớp vì nhà có nguy cơ sụp xuống sông.
Mỗi ngày, ông Đào Trung, 59 tuổi, đạp xe hơn một km từ nhà trọ về nơi ở cũ tại phường Bình Trưng Tây, sợ sạt lở “nuốt” mất căn nhà hương hỏa cha mẹ để lại. Sài Gòn sắp vào mùa mưa, nỗi lo của ông càng nặng.
Xây năm 1995, ngôi nhà giờ hoang tàn, nằm chênh vênh bên rạch Giồng Ông Tố. Nhìn bên ngoài, căn nhà chúi mặt xuống dòng nước, tường nứt nẻ như muốn rời khỏi cột trụ, vách hoen ố, cửa sổ mục nát chỉ chực rơi. Phần cửa chính hướng ra bờ sông giờ chỉ nhìn thấy bùn đất, sình lầy. “Xót xa lắm nhưng tôi không biết làm sao, giờ nhà chỉ dùng để dụng cụ xây dựng, phơi quần áo”, ông Trung nói.
Nhà ông Trung ở vị trí sạt sở đặc biệt nguy hiểm, được chính quyền quận 2 gắn bảng cảnh báo. Ảnh: Hà An.
Sạt lở xuất hiện từ 10 năm trước. Nước kênh Giồng Ông Tố ngày càng tiến sát khu dân cư. Để giữ nhà, ông Trung thuê 5 thợ đóng hàng chục cột nhồi, đổ bêtông tạo thành “vành đai” dài hơn 10 m, rộng 4 m, tổng diện tích 40 m2 với chi phí hơn 100 triệu đồng. Chưa đầy 7 năm sau, liên tiếp các đợt sạt lở “liếm” sâu vào trong, cuốn đi những mảng bêtông mà ông gia cố, chỉ còn lại các cột nhồi nằm ngả nghiêng trong sình lầy.
Rạng sáng ngày cuối năm 2017, ông Trung bị đánh thức bởi tiếng “rào, rào” ngoài bờ sông. Bật dậy rọi đèn pin, ông giật thót người khi thấy một hố sâu hơn 5 cm dưới sàn nhà, xung quanh gạch lát nền vỡ tung tóe, tạo thành nhiều hình sắc nhọn chĩa lên trên. Ông bỏ chạy, nghĩ nhà mình sắp sụp xuống sông. Hôm sau, ông quyết định ra ngoài thuê trọ. “Sài Gòn mà chẳng khác bà con ở miền Tây bị sạt lở. Tôi có nhà mà đi ở trọ, kể chuyện này ai cũng ngạc nhiên, nhưng làm sao có thể sống ở đó trong nơm nớp lo sợ”, ông nói.
Mất ăn, mất ngủ vì sạt lở, ông bỏ luôn nghề may gắn bó với mình gần 15 năm nay. Mặt bằng xưởng ít ỏi còn lại, ông cho thuê mở cửa hàng. Đó là nguồn sống duy nhất của ông khi về già.
Đối diện nhà ông Trung, bên kia rạch Giồng Ông Tố, là căn nhà cấp bốn của bà Nguyễn Thị Hường (tổ 20, phường An Phú, quận 2). Gần 30 năm sống ở đây, miếng đất rộng 160 m2 của bà Hường bị sạt lở cuốn mất gần hết, chỉ còn khoảng 20 m2.
Hơn ba năm trước, ba cây me cao hơn 6 m trồng ở khoảng đất trước nhà bị “nuốt chửng” chỉ sau một đêm. Quán cà phê nằm sát bờ sông của bà có nguy cơ bị xóa sổ bởi mỗi năm sạt lở cứ lấn vài chục cm. Đóng xà cừ để giữ đất nhưng không ăn thua, bà Hường mua 100 xe ba gác chở hàng nghìn khối bêtông cỡ nhỏ (các công trình xây dựng đập bỏ) đổ dọc 20 m đất sát mép bờ sông. Chi phí gần 200 triệu đồng – số tiền có thể xây một căn nhà khác, nhưng chỉ để gia cố miếng đất ít ỏi còn lại. Cửa nhà bà hiện chỉ cách bờ rạch chừng 5 m.
Video đang HOT
“Hai năm nay không thấy gì nên tôi cũng yên tâm. Nếu sạt lở tiếp chắc tôi không còn xíu đất nào”, bà Hường nói, buồn rượi.
Khu vực rạch Giồng Ông Tố (xung quanh hai bờ tiếp giáp với cầu Giồng Ông Tố) có 19 hộ dân phường Bình Trưng Tây và An Phú, quận 2, chịu ảnh hưởng sạt lở ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm. Thành phố đã phê duyệt dự án làm kè bảo vệ dài 77 m mỗi bên mố cầu nhưng chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng.
Một ngôi nhà ảnh hưởng bởi sạt lở nằm ven sông Phước Kiểng. Ảnh: Hà An.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Nhàbà Phan Thị Kim Lan (tổ 2, ấp 2) và 27 hộ khác thuộc vị trí sạt lở dài 146 m. Chính quyền địa phương có kế hoạch xây kè bảo vệ với kinh phí hơn 21 tỷ đồng nhưng chưa thể triển khai, cũng do vướng giải phóng mặt bằng.
17 năm trước, bà Lan mua mảnh đất 30 m2 gần sông, xây căn nhà nhỏ 18 m2 sống với gia đình, định khi nào có tiền sẽ nới rộng hết phần còn lại. Nhưng hai năm sau, cứ mỗi lần nước triều rút, đất nhà bà lại sụt dần. Gia đình đã hai lần nâng nền với chiều cao 1,5 m, khiến trần nhà giờ chỉ cao hơn đầu người một gang tay. Để giữ đất, họ mua cừ dài 5-6 m, to bằng bắp chân đóng xuống nước, bên trên đan thêm ván, dựng thành khung làm sàn nhà.
Hiện, sạt lở đã cuốn hết phần đất dư, “ăn” luôn vào ngôi nhà nhỏ khiến nó méo xẹo, nghiêng, kéo rách tường hở gần một đốt tay, dưới lớp ván sàn nhà là mặt nước sông.
“Nghe tiếng răng rắc, rào rào, là biết đất của mình lại trôi xuống sông. Bà cháu tôi kéo nhau chạy ra đường vì nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Bị ám ảnh đến nỗi, giờ nghe tiếng xe người ta đổ đất cát ở gần đây, tôi cũng bỏ chạy như một phản xạ”, bà Lan kể.
Nhiều lần cán bộ xã xuống khuyên sang nơi khác sống tạm vài ba tháng, tránh nguy hiểm rình rập nhưng bà không đi. “Sống trong thấp thỏm vậy, nhưng đây là căn nhà tôi gắn bó bao năm, đi thấy lòng không yên. Chỉ mong nhà nước có mức đền bù hợp lý hoặc bố trí tái định cư để chúng tôi có điều kiện sống hơn”, bà Lan trải lòng.
Sạt lở khiến ngôi nhà của bà Phan Thị Kim Lan nứt nẻ, hai lần phải nâng nền cao 1,5 m. Ảnh: Hà An.
Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP HCM, toàn thành phố ghi nhận 37 vị trí sạt lở tại 9 quận huyện với tổng chiều dài khoảng 23 km. Mức độ sạt lở được chia thành hai cấp: đặc biệt nguy hiểm (19 vị trí) và nguy hiểm (18 vị trí).
Nhà Bè là huyện có nhiều vị trí sạt lở nhất với 12 điểm, trong đó có 7 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Tiếp đến là Cần Giờ (6 vị trí), quận 2 (5 vị trí)…
Nguyên nhân sạt lở là tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông; các dự án nạo vét sông làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, gia tăng xói lở bờ sông. Ngoài ra, việc người dân xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang an toàn kè bảo vệ bờ sông cũng dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún.
Theo ông Nguyễn Đức Vũ (Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP HCM), ở những vị trí sạt lở, cơ quan chức năng rào chắn, cắm biển hạn chế người dân ra vào để đảm bảo an toàn. Hiện 35/37 vị trí sạt lở đã được lập dự án xây dựng kè nhưng mới một dự án hoàn thành. Các dự án còn lại có tiến độ triển khai khá chậm hoặc đang “nằm trên giấy”.
Về các dự án chậm triển khai do vướng giải phóng mặt bằng, ông Vũ cho rằng, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng khiến nhiều hộ không muốn di dời. Ban đã đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận huyện đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án, đảm bảo an toàn cho người dân.
Sống bên miệng 'Hà bá'
Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, dòng sông Mã đã "nuốt" mất gần 100ha đất nông nghiệp của người dân xã Cẩm Vân. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo người dân, mấu chốt vẫn là do các mỏ cát trên địa bàn trước đó bị khai thác tận lực khiến dòng chảy thay đổi, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở đang diễn ra khá phức tạp tại xã Cẩm Vân.
Mất đất, mất làng...
Đã nhiều năm qua, gia đình ông Lê Xuân Bào- trú tại thôn Quan Bằng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an mỗi khi mùa mưa bão về. Chỉ trong vòng gần 3 năm trở lại đây (từ 2017-2019), con sông Mã đã lấy đi của gia đình ông hơn 3 sào đất vườn cùng nhiều cây cối hoa màu.
Dẫn chúng tôi ra phía bờ sông dựng đứng, cách sân nhà còn chưa đầy 15m, ông Bào kể: Khoảng 10 năm trước, bờ sông còn nằm tít ngoài xa. Ranh giới giữa con sông và làng là bãi bồi màu mỡ rộng hàng trăm mét. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận lũ lụt lớn, con sông giờ đã nằm ngay sát bên hiên nhà. Đêm nghe cả tiếng sóng ì oạp vỗ vào bờ và cả âm thanh của từng doi đất nhỏ lặng lẽ tụt biến vào lòng sông. Do tình trạng sạt lở có diễn biến phức tạp, hơn 20 hộ dân tại đây đã phải chuyển vào thôn Dò để sinh sống. Thậm chí cả con đường lớn nối 8 thôn chạy dọc bờ sông cũng đã biến mất như chưa từng tồn tại.
Theo quan sát của chúng tôi từ hữu ngạn sông Mã, cả một triền sông kéo dài gần 10km, chạy dọc địa phận xã Cẩm Vân tình trạng sạt lở đang có diễn biến khá phức tạp. Dọc bờ sông dựng đứng, sóng đánh âm vào, tạo những hàm ếch sâu hoắm, đất bãi bồi từng mảng lớn thi thoảng vẫn đổ ụp vào lòng sông, kéo theo nhiều gốc ngô non mới nhú mầm. Nhiều đoạn, sạt lở đã tiến sát vào khu dân cư (như tại thôn Quan Bằng).
"Rất lo lắng! Mỗi năm sông lại tiến đến sát khu dân cư hơn. Cứ tình trạng này, chả mấy chốc mà con sông sẽ "ăn" mất làng. Trong các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, bà con trong xã đều đề cập đến việc trên, xin Nhà nước khẩn trương có phương án xử lý tình trạng sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Nhiều người vẫn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do các mỏ cát hoạt động trên địa bàn hai xã Cẩm Tân và Cẩm Vân. Nhưng 2 năm qua, các mỏ cát này đều dừng hoạt động, nhưng sạt lở vẫn cứ diễn ra"- ông Bào nói.
Còn ông Nguyễn Văn Vinh (trú xã Cẩm Vân) cho rằng, tình trạng sạt lở trong nhiều năm qua (đặc biệt là trong các năm 2017-2018) là do trước đó, trên địa bàn xã có 3 mỏ cát 45, 46, 47 được cấp phép khai thác. Sự khai thác "lấy được", vô tội vạ của các mỏ cát này đã khiến dòng chảy của con sông bị thay đổi. Thậm chí vào mùa khô, các giếng khơi trong làng đều bị cạn kiệt do cát ở đáy sông đã bị tận hút quá sâu.
Nên dừng việc cấp phép cho các mỏ cát
Đây là ý kiến của khá nhiều hộ dân đang sinh sống tại xã Cẩm Vân vì theo họ, việc các mỏ cát được tái hoạt động trở lại không đem lại lợi lộc gì cho địa phương mà chỉ đem lại những phiền toái và tiềm ẩn nguy cơ mất đất, mất nhà do tình trạng sạt lở gây ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết: Từ năm 2017, khi các mỏ cát 45, 46, 47 hết hạn khai thác, UBND tỉnh Thanh Hóa cho thành lập đoàn về kiểm tra thực tế ảnh hưởng tại xã Cẩm Vân. Đồng thời, UBND xã Cẩm Vân có công văn số số 74/UBND-TNMT gửi Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa. Nội dung công văn này nêu rõ: Do trữ lượng cát sau khi khai thác còn lại rất ít. Căn cứ vào lý trình khai thác tại mỏ cát số 46 với chiều sâu là 3,9m, nếu tiếp tục gia hạn khai thác sẽ khiến lòng sông bị thay đổi dòng chảy, dẫn đến nguy cơ sạt lở đất nông nghiệp lâu dài của nhân dân xã Cẩm Vân và làm sạt lở các công trình phúc lợi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng của địa phương như trạm bơm phục vụ việc tưới tiêu cho hơn 100ha đất lúa của người dân.
Đặc biệt là nguy cơ sạt lở trong khu dân cư thôn Quan Bằng. Bãi cát lộ thiên lâu nay được bồi đắp giữ đất canh tác cho xã vừa là bãi tập kết nông sản để đưa lên đò sau mỗi vụ thu hoạch. Đồng thời, đây còn là nơi phục vụ cho việc đi lại, sản xuất của hơn 500 hộ dân thuộc 3 thôn Quan Phác, Vân Trai, Eo Lê... Vì những hệ lụy trên, UBND xã Cẩm Vân đã đề nghị không cho doanh nghiệp tiếp tục được thăm dò và gia hạn khai thác tại các mỏ cát trên địa bàn xã.
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề đã nêu trên, ông Lê Công Cảnh- Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân cũng cho biết: Tình trạng sạt lở bên tả ngạn sông Mã, đoạn qua xã Cẩm Vân là khá phức tạp và diễn ra từ nhiều năm trước. Đặc biệt là chỉ trong 2 năm, 2017-2018, toàn xã đã bị sạt mất hơn 11ha đất bãi bồi. Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án kè sông Mã đoạn qua xã với tổng mức đầu tư lên đến 40 tỷ đồng và dự án đã bắt đầu được triển khai. "Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là giải pháp nhằm giúp cho xã Cẩm Vân và các xã nằm tiếp giáp dọc sông Mã giảm thiểu tình trạng sụt lở"- theo ông Cảnh.
Nguyễn Chung
Theo ĐĐK
Đường tỉnh 873 Tiền Giang sạt lở chia cắt giao thông Vụ sạt lở nghiêm trọng đường tỉnh 873 (thị xã Gò Công, Tiền Giang) dài khoảng 30m rơi xuống sông Vàm Vé, khiến giao thông qua đoạn đường này bị ách tắc. Khoảng 16 giờ chiều 25-2, trên tuyến đường tỉnh 873 (thuộc ấp 1, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công) đoạn qua cầu Bình Thành xảy ra vụ sạt lở nghiêm...