‘Sóng thần’ người Mỹ xếp hàng nhận hỗ trợ thực phẩm
Hàng chục nghìn người Mỹ xếp hàng tại một “ngân hàng thực phẩm” ở quận Queens, New York nhận cứu trợ khi Covid-19 gây ra cảnh thất nghiệp nghiêm trọng.
Chủ của ngân hàng thực phẩm La Jornada ở quận Queens, thành phố New York, Mỹ, cho biết đang phải vật lộn để theo kịp “đợt sóng thần” về nhu cầu nhận thực phẩm hỗ trợ của người dân do đại dịch Covid-19. Cửa hàng của anh đã chứng kiến dòng người xếp hàng dài tới 400 m để nhận thực phẩm miễn phí cuối tuần qua.
Pedro Rodriguez, một tình nguyện viên của ngân hàng thực phẩm, cho biết họ từng giao lượng hàng tạp hóa hỗ trợ cho khoảng 1.000 gia đình mỗi tuần. Con số này hiện tăng lên 10.000 hộ. Các tình nguyện viên cũng phục vụ bữa trưa miễn phí hàng ngày cho khoảng 1.000 người, trong đó có nhiều trẻ em.
“Chúng tôi có cảm giác như đang chìm dưới nước, chết chìm trong đợt sóng thần của người dân. Đây không giống cơn mưa nhỏ sắp đổ xuống. Đó là những con số không thể tin được”, Rodriguez nói, thêm rằng khung cảnh bên ngoài ngân hàng thực phẩm như điều từng xảy ra trong thời kỳ Đại suy thoái.
“Chúng tôi cho đi tất cả những gì mình có, nhưng điều ấy là chưa đủ”, Rodriguez cho biết thêm.
Rodriguez và đội quân tình nguyện của anh, gồm gần 400 người trải khắp quận Queens, liên tục kiểm tra danh sách nhận đồ hỗ trợ. Ngân hàng thực phẩm của họ từng theo quy trình ai đến trước được nhận đồ trước, song phải thay đổi khi những người khó khăn đến xếp hàng trước cả khi mặt trời mọc vì lo sợ sẽ hết thực phẩm.
Hàng chục nghìn người Mỹ xếp hàng nhận đồ hỗ trợ tại một ngân hàng thực phẩm ở quận Queens, New York, cuối tuần qua. Video: DailyMail.
Walter Barrera, 50 tuổi, một người xếp hàng nhận thực phẩm ở La Jornada, cho biết anh đã đến từ 6h để nhận đồ cho cả gia đình trong tuần tới, gồm gạo, khoai tây, súp đóng hộp, trái cây và rau. Barrera thường xuyên tới đây vào thứ 7 hàng tuần kể từ khi mất việc 4 tháng trước. Anh cùng hai con trai lớn 19 và 17 tuổi không thể tìm được việc, trong khi con trai út mới 11 tuổi.
Julio Moncayo, 40 tuổi, cho biết anh phải nén cái tôi và tìm đến ngân hàng thực phẩm để nhờ trợ giúp. Moncayo là một công nhân xây dựng và công việc của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, khiến anh không đủ tiền trang trải cuộc sống.
“Tôi không tự hào nổi, tôi phải tới đây. Tôi phải nuôi cả gia đình mình. Thật khó khăn. Tôi phải làm gì đây?”, Moncayo nói.
Những cảnh tương tự cũng đang diễn ra trên khắp thành phố New York và cả nước Mỹ. Tại California, ngân hàng thực phẩm Sacramento đang hỗ trợ cho khoảng 8.000 người mỗi tuần. Ở ngân hàng thực phẩm Houston, các mặt hàng cũng tăng gấp đôi kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Cục điều tra dân số Mỹ hồi tháng 7 cho biết gần 30 triệu người Mỹ nói họ không đủ thức ăn trong tuần qua. Tổ chức cứu trợ Feeding America, gồm 200 ngân hàng thực phẩm và 60.000 kho lương thực, ước tính Covid-19 có thể đẩy 17 triệu người vào cảnh không đảm bảo an ninh lương thực trong năm nay.
Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề việc làm ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 5,9 triệu ca nhiễm và hơn 180.000 ca tử vong. Theo thống kê mới nhất, gần 20% người dân New York đang thất nghiệp và gần 650.000 việc làm đã biến mất, trong đó các ngành giải trí, du lịch và dịch vụ hứng chịu thiệt hại nhiều nhất.
Hơn 23 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 23 triệu người nhiễm nCoV, hơn 801.000 người chết, trong khi WHO bày tỏ hy vọng Covid-19 sẽ chấm dứt trong hai năm.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 23.070.947 ca nhiễm và 801.545 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 258.662 và 5.618 ca sau 24 giờ, trong khi 15.674.495 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Nhân viên y tế chuẩn bị di chuyển người nhiễm nCoV ở Mexico hôm 20/8. Ảnh: AFP.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.791.749 ca nhiễm và 179.046 người chết, tăng lần lượt 48.557 và 1.727 ca so với một ngày trước đó. Bác sĩ Nhà Trắng Brett Giroir cho biết ca nCoV đang giảm trên toàn quốc trong tuần này, có thể một phần nhờ biện pháp đeo khẩu trang và cách biệt cộng đồng.
Theo Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci, chính phủ sẽ không bắt buộc sử dụng bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào trong tương lai đối với công chúng, dù các khu vực pháp lý địa phương có thể quy định bắt buộc đối với một số nhóm như trẻ em.
Giới chuyên gia nói thành phố New York, từng là tâm Covid-19 ở Mỹ, đã kiềm chế ca nhiễm tăng trở lại, Sau khi đạt đỉnh dịch hồi đầu tháng 4 với trung bình hơn 5.000 ca nhiễm mỗi ngày, New York đã giảm con số này xuống trung bình dưới 200 ca một ngày. Ruy nhiên, New York nguy cơ "vỡ trận" trở lại vào mùa thu, khi các trường học mở cửa và thời tiết lạnh giá khiến mọi người tụ tập trong nhà nhiều hơn.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong tăng lên 113.358 sau khi ghi nhận thêm 1.054 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 30.355 trong 24 giờ qua, lên 3.532.330.
Các cơ quan quản lý y tế Brazil đầu tuần này cho biết họ đã phê duyệt vaccine Covid-19 thử nghiệm của Johnson & Johnson cho giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng. Đây là loại vaccine thứ tư được thử nghiệm rộng rãi ở quốc gia này.
Mike Ryan, phụ trách mảng phản ứng khẩn cấp của WHO, ngày 21/8 nói số ca nhiễm hàng tuần ở Brazil đã ổn định, tốc độ lây lan đang chậm lại và các khoa chăm sóc tích cực chịu ít áp lực hơn. "Nhìn chung, xu hướng tình hình dịch ở Brazil là ổn định hoặc giảm nhiệt, điều đó cần phải tiếp tục", Ryan nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo thêm Brazil là một quốc gia rất rộng, nhiều phần của đất nước vẫn chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm đáng kể và vẫn còn nhiều điều phải làm ở Brazil để kềm chế dịch.
Kết quả cuộc khảo sát được công bố hôm 15/8 trên tờ Folha de Sao Paulo cho thấy 47% người tham gia tin rằng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19 tại đất nước, trong khi 11% có quan điểm ngược lại, coi đây là lỗi của ông. Giới chức chính phủ hy vọng có thể bắt đầu tiêm phòng Covid-19 cho một số người dân Brazil trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2021.
Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh và là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, báo cáo 543.806 ca nhiễm và 59.106 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.775 và 625 trường hợp.
WHO ngày 21/8 nói rằng thống kê của Mexico chưa phản ánh tình hình dịch thực sự tại nước này do khả năng xét nghiệm còn hạn chế. Cứ 100.000 người thì ba người được xét nghiệm ở Mexico, so với khoảng 150 người ở Mỹ.
Giới chức Mexico cho biết nước này cần khoảng 200 triệu liều vaccine Covid-19 và có thể bắt đầu tiêm cho người dân từ tháng 4/2021. Mexico nói với Moskva ngày 19/8 rằng họ muốn tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba cho vaccine Sputnik V do Nga sản xuất.
Chile ghi nhận 393.769 ca nhiễm và 10.723 ca tử vong, tăng lần lượt 1.920 và 52 trường hợp so với hôm trước. Chile dỡ phong tỏa trung tâm thủ đô từ 17/8, sau khi đã dỡ phong tỏa ở các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam hai tuần trước. Thị trưởng Santiago Felipe Alessandri khuyến cáo người dân vẫn nên ở trong nhà, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thường xuyên rửa tay.
Người dân có thể rời khỏi nhà vào các ngày trong tuần mà không cần sự cho phép của cảnh sát như trước đây. Họ có thể tụ tập nhóm nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có thể dần mở cửa trở lại.
Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 603.338 ca nhiễm và 12.843 ca tử vong, tăng lần lượt 3.398 và 225 ca.
Trung tâm tài chính Gauteng cùng hai tỉnh phát triển du lịch là Tây Cape và Đông Cape đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mạnh mẽ trong nhiều tháng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize tuần trước cho biết ba điểm nóng này đang dần hạ nhiệt trong những tuần gần đây, dù chưa rõ đỉnh dịch tại nước này đã qua hay chưa.
Chính phủ đã nới lỏng các hạn chế trong tuần này để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại. Nhưng Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo rằng ca nhiêm có thể gia tăng nếu mọi người lơ là cảnh giác.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 90 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 16.189. Số ca nhiễm tăng thêm 4.870, lên 946976. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.
Đợt thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả, khả năng tạo miễn dịch và độ an toàn của vaccine Sputnik V sẽ bắt đầu tại Nga từ tuần sau với sự tham gia của 40.000 người tình nguyện thuộc những nhóm nguy cơ khác nhau tại hơn 45 trung tâm y tế
Giới chức Nga cho hay họ có khả năng sản xuất tới 500 triệu liều vaccine Sputnik V trong 12 tháng tới. Quy trình sản xuất dự kiến cũng được tiến hành ở nước ngoài và các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba sẽ sớm triển khai ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Philippines.
Ngoài ra, Nga ngày 21/8 cũng phê duyệt thử nghiệm giai đoạn ba vaccine AZD1222 do Anh sản xuất với 150 tình nguyện viên tại 4 cơ sở y tế lớn tại thủ đô Moskva và thành phố St. Petersburg.
Tây Ban Nha ghi nhận 407.879 ca nhiễm, tăng 3.650, trong khi ca tử vong tăng 25 ca lên 28.838. Sau một thời gian yên bình, nước này lại đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới ở châu Âu trong vài tuần qua sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Quan chức Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm 20/8 cảnh báo "mọi thứ đang diễn ra không tốt" trong cuộc chiến chống Covid-19 khi ca nhiễm tiếp tục gia tăng. Quan chức này nhấn mạnh rủi ro chính là các bệnh viện có thể bị quá tải và kêu gọi thanh niên nâng cao nhận thức, cảnh giác với dịch bệnh.
Các chính quyền khu vực đã tái áp đặt các hạn chế đối với cuộc sống về đêm và giao thông công cộng. Madrid, Catalonia và Basque Country đều triển khai các chương trình sàng lọc quy mô lớn nhằm xác định và cách ly những người nhiễm nCoV không triệu chứng.
Pháp cũng đang chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm trở lại khi ngày thứ hai liên tiếp báo cáo 4.000 ca nhiễm mới - cao nhất kể từ tháng 5. Các cụm dịch chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Tổng cộng nước này ghi nhận 234.400 ca nhiễm, trong đó 30.503 người chết, tăng 23 ca so với hôm qua.
Anh yêu cầu người đi từ Pháp vào nước này phải xác nhận không có triệu chứng Covid-19 hoặc tiếp xúc với người nhiễm nCoV trong 14 ngày trước đó.
Iran, báo cáo 20.376 người chết sau khi ghi nhận thêm 112 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.206, lên tổng cộng 352.558 ca. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại Trung Đông, với những số liệu bị nghi ngờ về tính chính xác.
Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 69.039 ca nhiễm và 953 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.973.368 và 55.928.
Thủ tướng Narendra Modi hôm 11/8 kêu gọi các lãnh đạo địa phương tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, trong bối cảnh giới chuyên gia lo lắng hệ thống y tế vốn chịu nhiều gánh nặng không thể đối phó được đại dịch khi virus tràn lan trong cộng đồng.
Một cuộc khảo sát 15.000 người do chính quyền thủ đô thực hiện vào tuần đầu tháng 8 cho thấy 29,1% dân số New Delhi có kháng thể, có nghĩa là họ đã nhiễm virus và đã khỏi. New Delhi có 20 triệu dân và đã báo cáo gần 141.000 ca nhiễm. Điều này cho thấy tỷ lệ lây lan của virus cao hơn so với báo cáo.
Tương tự, tại thành phố Pune, phía nam Mumbai, nơi sinh sống của khoảng 3,5 triệu dân, kết quả xét nghiệm kháng thể tại 5 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 ở thành phố cho thấy 51,5% số người được khảo sát đã có kháng thể nCoV.
Trung Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 182.365 ca nhiễm và 2.940 ca tử vong, tăng lần lượt 4.786 và 59 ca. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 18/8 quyết định nới phong tỏa đối với thủ đô Manila và 4 vùng lân cận Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan sau khi lệnh phong tỏa hai tuần để ngăn Covid-19 hết hiệu lực.
Philippines hôm 14/8 cấm nhập khẩu thịt gia cầm từ Brazil sau khi hai thành phố Trung Quốc phát hiện nCoV trên hàng đông lạnh, bao gồm cánh gà từ Brazil. Họ không cho biết lệnh này kéo dài bao lâu. Brazil chiếm khoảng 20% lượng thịt gia cầm nhập khẩu của Philippines.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 147.211 ca nhiễm, tăng 2.266 trường hợp so với hôm trước, trong đó 6.500 người chết, tăng 82 ca.
Thủ đô Jakarta kéo dài hạn chế xã hội đến 27/8, yêu cầu nhà hàng, nơi thờ tự và giao thông công cộng hoạt động với công suất hạn chế. Giới chức thủ đô đang thử nghiệm chiến thuật gây sốc để cảnh báo sự nguy hiểm của Covid-19 bằng cách trưng quan tài rỗng trên ngã tư đông đúc. Dòng chữ "nạn nhân Covid-19" màu đỏ được sơn trên quan tài giả,
Trong khi đó, Bali, một trong những trung tâm du lịch của Indonesia, đang lên kế hoạch đón du khách nước ngoài từ ngày 11/9.
Ngoại trưởng Indonesia Marsudi cho biết công ty Trung Quốc Sinovac đã cam kết cung cấp 40 triệu liều vaccine Covid-19 cho nước này từ tháng 11/2020 tới tháng 3/2021. Trong đó, công ty Bio Farma thuộc sở hữu nhà nước Indonesia, sẽ được ưu tiên tiếp cận vaccine này cho tới cuối năm 2021.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.216 người nhiễm, tăng 117 ca, và 27 người chết vì nCoV. Singapore hai tuần trước hoàn tất xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá. Các biện pháp hạn chế dần được dỡ bỏ để phục hồi kinh doanh và kích thích kinh tế.
Singapore ngày 21/8 cho biết sẽ mở biên cho người đi từ New Zealand và Brunei từ 1/9 - những bước nới lỏng đầu tiên sau khi đóng biên từ hồi tháng ba.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/8 bày tỏ hy vọng Covid-19 sẽ kết thúc trong hai năm. Ông so sánh Covid-19 với đại dịch cúm Tây Ban Nha kéo dài từ tháng 2/1918 đến tháng 4/1920
"Bằng cách sử dụng tối đa công cụ sẵn có và với hy vọng rằng chúng ta có thể có thêm các công cụ khác như vaccine, tôi nghĩ chúng ta có thể chấm dứt Covid-19 trong thời gian ngắn hơn so với dịch cúm năm 1918".
New York nguy cơ 'vỡ trận' Covid-19 vào mùa thu Chuyên gia nói thành phố New York, từng là tâm Covid-19 ở Mỹ, đã kiềm chế ca nhiễm tăng trở lại, song có nguy cơ "vỡ trận" vào mùa thu. "Tại New York, có sự liên kết giữa chính quyền bang, hệ thống y tế và giới truyền thông về những điều cần làm, cụ thể là khóa mọi thứ lại. Phong tỏa...