Sống phập phồng bên miệng “Hà bá”
Nhiều năm qua, 21 hộ dân ở Xóm Đáy, ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản nhưng chưa có giải pháp khắc phục…
Đến xóm Đáy, chúng tôi tận mắt chứng kiến “Hà bá” đang hàng ngày “ăn” đất của bà con khiến cả xóm vốn có diện tích khoảng 6.000m2 đất nhưng bây giờ chỉ còn trên dưới 1.000m2.
Ông Nguyễn Văn Mum (62 tuổi) cho biết: “Căn nhà của tôi xây dựng cách bờ sông hơn 100 mét nhưng bây giờ sông đã vào tới nền nhà. Phần nhà tôi mới cất lên được ít bữa thì đã bị sóng đánh lở nền nhà khiến cho hàng cột bị sụp xuống. Tính ra mỗi năm sông lấn đất ít nhất cũng từ 5-7 mét”.
Sạt lở đã vào đến vào tận giường ngủ nhà ông Giúp.
“Năm nào cũng bị sạt lở, nhất là từ tháng 8 (âm lịch) đến tháng 12 là thời điểm triều cường nước dâng cao. Mỗi khi tới con nước, toàn bộ khu này ngập trong nước, có chỗ ngập sâu khoảng nửa mét, bà con phải kê cao đồ đạc nếu không muốn bị trôi mất. Cũng vì thường bị sạt lở nên chúng tôi phải cho đất vào bao làm bờ kè để gia cố hạn chế sạt lở nhưng không ăn thua. Nhiều gia đình bị hư nhà riết rồi không dám sửa lại, cứ cây lá, tấm nhựa che cho khỏi mưa nắng vì sửa xong lại bị sạt lở tốn kém lắm”.
Bà Phạm Thị Bay (70 tuổi, cư dân xóm Đáy), cho biết: “Bà con chúng tôi ở xóm này chủ yếu là người ở Bến Tre, do ở quê hương làm ăn khó khăn nên chúng tôi tìm đường sang Cù Lao Dung sinh sống từ những năm 1975. Lúc đó mình là người xứ khác đến, lại có nghề đánh bắt thủy sản nên bà con cùng ở chung một khu vực tạo thành xóm Đáy”.
Bờ sông bây giờ vào tận đất nhà bà Bay.
Video đang HOT
“Xóm này nằm cặp bờ sông Hậu, cách cửa biển Trần Đề khoảng 2km. Hồi đó, cả xóm là một vùng đất rộng lắm, khoảng 6.000m2 đất nhưng bây giờ sạt ở riết chỉ còn chút xíu. Tính ra đến nay chúng tôi đã qua 5 lần dời nhà vì sạt lở. Nếu tôi nhớ không nhầm thì nền nhà cũ đầu tiên của tôi cách nền nhà cũ hiện nay trên 100 mét. Cứ sạt lở như đà này thì chỉ vài năm nữa là hết đất, lúc đó không biết ở chỗ nào nữa”.
Còn ông Nguyễn Văn Lĩnh (52 tuổi), chia sẻ: “Tôi sang đây ở từ năm 1975. Hồi đó nhà của tôi ở ngoài kia, cách nền nhà hiện nay trên 100m, nhưng bây giờ thì nơi đó đã thành sông sâu hàng chục mét. Khi bị sạt lở, bà con chúng tôi cũng tìm cách đóng cừ bằng cây dừa để chống lại nhưng không được. Bây giờ chỉ còn lại chút nền nhà này nữa, cứ đà này thì vài năm nữa là hết đất, không đi đâu”.
Dẫn chúng tôi vào nơi đặt chiếc giường ngủ của gia đình, ông Nguyễn Văn Giúp, cho biết: “Mấy ngày trước, cán bộ địa phương xuống khảo sát tình trạng sạt lở, cái giường này còn nằm trên mặt đất, nhưng chỉ vài ngày sau, nước đánh vào sạt nền nhà, sạt luôn khu vực đất nơi đặt giường thành ra cái giường cũng bị hổng mất một chân. Nền nhà của gia đình tôi bị nước đánh vào sạt hết xung quanh, đêm ngủ không yên vì sợ nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào”.
Căn nhà của ông Mum bị sạt lở nặng.
Quan sát chúng tôi thấy nền nhà ông Giúp đã bị sạt lở vào rất sâu, có mấy cột nhà đã bị hổng chân, từ nền nhà xuống đến mặt nước phải hơn 1m. Theo ông Mum, khu vực xóm Đáy có 21 hộ với khoảng 70 nhân khẩu đang sinh sống. Bà con sống chủ yếu bằng đánh bắt thủy sản gần bờ, phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn, một số hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhà cửa của bà con tuềnh toàng, nhiều căn dột nát, trống trước hở sau.
Ông Trần Quốc Hoàng Kha, Chủ tịch UBND xã đại Ân 1, cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại đây, triều cường kết hợp sóng to, gió lớn gây sạt lở với chiều dài gần 500m, vết nứt sạt lở lấn sâu vào đất liền khoảng 100m, có nơi lấn sâu trên 150m và phía trong bờ vẫn thấy vết nứt, vì vậy tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra. Nguyện vọng của bà con là mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con di dời vào trong đê bao, cất lại nhà ở để yên tâm lao động sản xuất,ổn định cuộc sống”.
Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân là do đoạn sông trên uốn cong, chủ lưu dòng chảy sông Hậu ép sát bờ, kết hợp nền đất yếu gây sạt lở. Theo đó giải pháp được chính quyền địa phương và ngành chức năng thống nhất là di dời người dân đến khu vực an toàn.
Một hộ dân ngao ngán khi di dời nhà nhiều lần mà vẫn không tránh được sạt lở.
Theo ông Võ Minh Thiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, qua khảo sát tình hình thực tế, Chi cục cũng có đề xuất với lãnh đạo các ban, ngành sớm có những chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho bà con được di dời đến những nơi ở an toàn.
Đức Văn – C.Xuân
Theo CAND
Nuôi loài cá "nhát chết", khó về con giống nhưng dễ bán giá cao
Anh Lâm Thành Lâm, ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) mấy năm nay có của ăn của để nhờ thả nuôi cá bông lau trên diện tích khoảng 2.000m2. Theo anh Thành Lâm, cá bông lau là loài cá "nhát chết" nên rất hạn chế quăng chài thử cá. Mỗi khi ao nuôi có động tĩnh gì là loài cá này bỏ ăn vài ngày, thậm chí đến nửa tháng...
Năm nay là năm đầu tiên anh Lâm Thành Lâm, ở xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) thả nuôi cá bông lau trên diện tích khoảng 2.000m2. Hôm chúng tôi đến, ao cá của anh đã nuôi được 9 tháng và theo anh trọng lượng bình quân mỗi con đã đạt khoảng 700 - 800gr, nhưng khi chúng tôi đề nghị anh chài cá lên xem thì anh lắc đầu, phân trần: "Không phải là tôi mê tín dị đoan gì đâu mà tại vì loại cá này vốn rất nhát, mỗi khi ao nuôi có động tĩnh gì là chúng bỏ ăn vài ngày, thậm chí có khi đến nửa tháng".
Giải thích thêm về hiện tượng trên, theo anh Lâm, có lẽ do nguồn cá giống đánh bắt từ tự nhiên nên tính hoang dã của chúng vẫn còn, khiến chúng khó "gần gũi" với con người. Anh Lâm chia sẻ: "Cứ mỗi lần thay nước hay mưa lớn bất thường là chúng lại bỏ ăn, còn nếu mình chài, chúng thường bị hoảng, nhẹ thì bỏ ăn, còn nặng thì chúi đầu xuống ao và chết".
Thu hoạch cá bông lau ở Cù Lao Dung. Ảnh: Tuyết Xuân
Nuôi cá da trơn nước lợ-lãi cao nhưng không dễ. Đó không chỉ là nhận xét của người nuôi mà còn của cả cán bộ kỹ thuật chuyên ngành khi nói về khả năng phát triển nghề nuôi cá bông lau ở những vùng mặn, lợ của tỉnh Sóc Trăng. Và thực tế cũng cho thấy, dù mức lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng mỗi vụ nuôi, nhưng diện tích nuôi cá bông lau của Sóc Trăng hiện chỉ mới dừng lại ở mức trên dưới vài chục ha.
Hiện nay, nguồn giống cá bông lau nhân tạo đã có và giá cũng thấp hơn cá giống tự nhiên, nhưng vì sao người nuôi không sử dụng để dễ nuôi hơn? Về vấn đề này, theo anh Lâm là do giá mua cá thương phẩm được nuôi từ nguồn cá giống tự nhiên cao hơn nguồn nhân tạo đến cả chục ngàn đồng mỗi ký.
Anh Lâm cho biết: "Theo các thương lái thì cá giống nhân tạo nuôi lên thương phẩm có chất lượng không cao bằng cá giống tự nhiên do chúng không thuần chủng. Còn lý do vì sao cá giống nhân tạo không thuần chủng, theo các thương lái là có sự ghép đôi bố mẹ giữa cá bông lau với con cá tra vùng nước ngọt".
Năm nay, do nguồn con giống tự nhiên khá dồi dào, nên giá cá bông lau giống tự nhiên sau khi vèo khoảng 2 tháng đạt kích cỡ 100 con/kg giá chỉ 8.000 đồng/con, trong khi giá cá giống nhân tạo là 7.800 đồng/con. Giá cá giống thấp, diện tích thả nuôi cũng không nhiều nhưng giá cá thương phẩm lại có phần sụt giảm so với năm ngoái.
Anh Lâm cho biết thêm: "Giá cá bông lau loại 1 - 1,2kg/con hiện tại chỉ khoảng 90.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá trung bình 100.000 - 110.000 đồng/kg, có lúc cao nhất lên đến 130.000 đồng/kg".
Tương tự cá bông lau, con cá dứa cũng bắt đầu được người dân quan tâm đưa vào nuôi nhờ nguồn con giống tự nhiên khá nhiều và cá thương phẩm cũng rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, để phát triển loài cá này lên diện tích lớn là không dễ, bởi theo anh Võ Điền Trung Dũng - chủ trang trại chuyên nuôi các loài cá nước lợ ở Trần Đề, con cá dứa có sức đề kháng rất thấp nên rất dễ nhiễm bệnh và cũng rất chậm lớn. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất là thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, tập trung tại một số thành phố lớn, nên không dễ để phát triển lên diện tích lớn.
Anh Dũng cho biết: "Tuy có giá trị cao và thích nghi tốt với điều kiện nuôi vùng mặn lợ của tỉnh, nhưng sản phẩm cá dứa lại rất kén người tiêu dùng do giá cao. Vì vậy, ngoài vấn đề dịch bệnh ra muốn phát triển diện tích nuôi cá dứa cao hơn nữa cần kết nối được với thị trường tiêu thụ, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng "trúng mùa, thất giá" như một số mặt hàng nông sản khác".
Một vấn đề khác hạn chế sự phát triển của cá dứa lẫn cá bông lau chính là chi phí đầu tư khá cao và thời gian nuôi kéo dài, dù mật độ thả nuôi thấp hơn rất nhiều so với con cá tra vùng nước ngọt. Anh Lâm giải thích thêm: "Do cá bông lau và cá dứa không có bộ phận hô hấp từ khí trời như cá tra nên nhu cầu ôxy hòa tan trong ao nuôi phải đủ lớn. Do đó, mật độ thả nuôi đối với 2 loại cá này không thể cao như cá tra được mà chỉ khoảng 2 - 3 con/m2. Ở mật độ này, người nuôi vẫn phải chạy quạt ôxy thường xuyên mới đảm bảo lượng ôxy hòa tan giúp cá phát triển nhanh".
Theo Ths. Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, diện tích ao nuôi cá dứa, cá bông lau của tỉnh chủ yếu tập trung ở TX. Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Long Phú theo hình thức tận dụng một số ao nuôi tôm sẵn có là chính, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế rủi ro trong sản xuất.
Tuy nhiên, khi phát triển lên diện tích lớn, người nuôi cần chú ý đến các bệnh như: gan, thận mủ; bệnh ký sinh trùng và bệnh tuột nhớt. Ngoài ra, cũng cần chú ý kiểm tra độ pH trong ao hàng ngày, đặc biệt là ôxy cần được đảm bảo trên 4ppm/l; cho ăn theo lượng từ thiếu đến đủ, tránh dư thừa thức ăn; tẩy giun hàng tháng cho cá theo liều hướng dẫn của đơn vị sản xuất.
Theo Tích Chu (Báo Sóc Trăng)
Ngành mía đường - thay đổi hay là "chết": Đừng đổ lỗi đường lậu Áp lực Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được kéo giãn tới năm 2020 nhưng đó có phải là liều thuốc để hàng loạt nhà máy đường (NMĐ) vượt qua cơn hấp hối? Khi chương trình 1 triệu tấn đường được phát động từ năm 1995, các tỉnh đua nhau xây dựng NMĐ. Mục tiêu của các tỉnh là nhằm...