Sóng cổ phiếu nhỏ khó bền
Theo sau đà tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn làm trụ cột thị trường, không ít cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng giá mạnh trong hai tuần qua. Giới phân tích nhận định, đà tăng của nhóm cổ phiếu này khó bền vững.
Dòng tiền chớp cơ hội
Một số cổ phiếu tăng giá mạnh trong tuần qua như SCR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, HAX của Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh, DRH của Công ty cổ phần DRH Holdings…
Theo phân tích của nhóm môi giới tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhà đầu tư không nên mua đuổi giá và cân nhắc bán ngay khi đà tăng bắt đầu yếu đi, bởi đây là nhóm cổ phiếu thường không tăng dài và không thể dẫn dắt xu hướng của thị trường. Kinh nghiệm cho thấy, nhóm cổ phiếu này chỉ vùng lên trong một thời gian ngắn, sau đó lùi bước, nhường chỗ cho các cổ phiếu khác chất lượng hơn.
Điểm chung của các cổ phiếu nói trên là phục hồi từ mức giá rất thấp trong vòng 2 năm trở lại đây.
Nói nôm na, ở mức giá thấp đó không có hàng để bán, bởi những nhà đầu tư muốn bán cắt lỗ đã bán rồi và những người đang nắm giữ cổ phiếu không có động cơ bán cắt lỗ mà chỉ bán hòa vốn khi có nhu cầu cơ cấu danh mục.
Vì thế, khi không có hàng giá rẻ hơn thì nguồn tiền bắt đầu đổ vào các cổ phiếu này với kỳ vọng giá tăng trở lại để tương xứng với mặt bằng chung của thị trường.
Đây là dòng tiền bắt đáy trong ngắn hạn, thiếu vắng các thông tin chính thức về sự chuyển biến trong hoạt động của doanh nghiệp là lý do dòng tiền mau chóng rời bỏ các cổ phiếu này.
Trung tâm nghiên cứu thị trường, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) cho biết, cổ phiếu ASM của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai, IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I, OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương,
SCR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, GTN của Công ty cổ phần GTNfoods, HQC của Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD… thu hút mạnh dòng tiền, nhưng sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trong nhóm cổ phiếu này, thể hiện tâm lý đầu tư ngắn hạn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một số mã định giá theo P/E ở mức khá hấp dẫn từ 5 – 7 lần và có một khoảng thời gian tích lũy, nay bắt đầu tăng giá trở lại như KSB của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam, CVT của Công ty cổ phần CMC…
“Cặp đôi” HAG – HNG không như kỳ vọng
Nhìn vào giao dịch của cổ phiếu Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gần đây có thể thấy, nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng với những cổ phiếu tăng giá chỉ nhờ kỳ vọng vào tương lai xa của doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư đã mua cổ phiếu HAG ở mức giá 7.000 đồng/cổ phiếu, sau khi tăng từ vùng đáy 5.000 đồng/cổ phiếu.
Mức tăng của HAG còn khiêm tốn so với cổ phiếu công ty con là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), giá tăng từ mức 10 “chấm” lên 17 – 18 “chấm”. Theo lập luận của thị trường, khi HNG tăng giá, HAG sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu đã không diễn ra theo lập luận này. Dòng tiền không đổ xô vào cổ phiếu HAG, một cổ phiếu có câu chuyện về một doanh nghiệp trên bờ phá sản có khả năng phục hồi. Hiện giá cổ phiếu HAG dao động quanh 6.000 đồng/cổ phiếu.
Video đang HOT
Nhà đầu tư đề cao mục tiêu quản lý rủi ro
Theo các chuyên gia chứng khoán, xu thế bùng nổ của các cổ phiếu đã yếu đi cả về dòng tiền và quãng thời gian bùng nổ. Lý do là nhà đầu tư đang đề cao mục tiêu quản lý rủi ro khi thị trường thế giới có nhiều biến động.
Dòng tiền tập trung lựa chọn các cổ phiếu vốn hóa lớn, hoạt động cơ bản và tăng trưởng. Ngoài ra, thị trường chứng khoán phái sinh đang ngày càng thu hút nhà đầu tư, với lợi thế tỷ lệ đòn bẩy cao, dễ đoán xu hướng, mua bán trong ngày và ít có nguy cơ bị “lái” giá.
Xu thế này dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và mức độ phân hóa giữa các cổ phiếu ngày càng cao.
Thành Nam
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Hà Tĩnh: Đội khăn tang đi thi báo hiếu bố mẹ, thi đậu rồi cậu bé giàu nghị lực ngậm ngùi nghỉ học
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì một tai họa ập đến cướp đi mạng sống của cả bố lẫn mẹ. Nén nỗi đau thương tột cùng ấy, Duy đội khăn tang tới trường quyết tâm thi đậu để báo hiếu với bố mẹ. Duy đã làm được điều đó, nhưng tới ngày khai giảng Duy đã phải ở nhà vì cuộc sống của em và đứa em trai lên lớp 9 túng thiếu đủ bề.
Bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ
Về xóm 2, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh hỏi về hai anh em Trần Công Duy, Trần Công Lý, ai cũng ngậm ngùi xót thương.
"Tội lắm, ở cái xã ni ai cũng thương cho hoàn cảnh của hai cháu. Cả bố và mẹ của hai anh cháu vừa mới qua đời sau một vụ hỏa hoạn. Giờ bà nội thì già yếu, anh em cô bác cũng nghèo, không biết rồi hai đứa chúng nó sẽ sống ra sao" - ông Tứ, một người dân vừa bước lên từ ruộng lúa đang thu hoạch, đượm buồn khi nghe chúng tôi hỏi đường về nhà của hai em.
4h chiều, căn nhà của Duy và Lý nằm ở cuối xóm 2 buồn đến não lòng. Duy cùng bà nội ốm yếu đang đội nắng cố dọn lúa vừa thu hoạch ngoài sân. Thân hình vừa phải, nhưng Duy bê từng bao lúa lớn một cách nhẹ nhàng. Cái nắng oi ả, ngột ngạt làm mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt non nớt, ướt cả lưng áo của Duy.
Cha mẹ mất, Duy vừa hết lớp 9 đã trở thành trụ cột của gia đình. Em thay bố mẹ lo lấy sào ruộng, chăm nuôi bà nội, bảo ban, dạy dỗ em trai.
Thay vì tựu trường Duy đang lo thu hoạch, phơi thải lúa mùa
Nhìn đứa cháu nội đang tuổi ăn học quần quật giữa sân, bà Trần Thị Cương nước mắt cứ lưng tròng. Thi thoảng bà nhìn vào trong ngôi nhà xây cấp 4, nơi đặt di ảnh con trai, con dâu như muốn thốt lên sao cháu bà lại tội nghiệp, bất hạnh đến thế!
"Đau lắm chú ơi! Cả tổ ấm gia đình ở đây ai cũng quý, cũng thương. Vợ chồng hòa thuận, chịu khó làm ăn. Cháu Duy, cháu Lý thì năm nào cũng được giấy khen, được nhà trường tuyên dương. Vậy mà bỗng chốc cả gia đình chúng nó gặp họa, bố mẹ bỏ hai đứa mà đi" - bà Cương rớt nước mắt bắt đầu kể về ngày oan nghiệt của gia đình đứa cháu nội.
Nhắc đến tình cảnh của hai cháu trai, bà Cương nhiều lần bật khóc. Bản thân bà cũng đổ bệnh từ ngày con trai, con dâu qua đời.
Theo lời kể của bà Cương, khoảng 17h30 ngày 1/6/2018, bà và hàng xóm thấy khói bốc lên từ căn nhà của con trai, anh Trần Công Bằng, 39 tuổi. Do sự vụ xảy ra giữa cao điểm vụ mùa, nên khi mọi người lao tới để dập lửa thì anh Bằng cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thanh (37 tuổi) bi lửa đốt cháy, thoi thóp trong phòng ngủ chừng hơn 10m2.
Dù đã nỗ lực đưa hai vợ chồng đi cấp cứu, nhưng chị Thanh đã tử vong sau nhiều giờ điều trị tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Anh Bằng được chuyển tức tốc ra Viện Bỏng Quốc gia ở Hà Nội nhưng cũng không qua khỏi sau đó 1 ngày.
Trong hai ngày đầu tháng 6, ngôi nhà của bố mẹ em Duy đã lấy đi nước mắt của bao người. Bận vụ mùa, nhưng cả làng đã nghỉ việc để lo tang ma cho bố mẹ Duy, sẻ chia, đùm bọc hai đứa trẻ. Bao thầy cô, bạn bè của trường của lớp nơi anh em Duy theo học đã tới nhà chia sẻ nỗi mất mát tột cùng. Duy và em trai như người vô hồn trong những ngày tang ma của bố mẹ. Trong đám tang, nhiều người nói trời thương anh em Duy nên đã cho hai em thoát nạn. Hôm hỏa hoạn xảy ra, anh em Duy bận chăn trâu ngoài đồng, nếu ở nhà có khi cũng đã gặp nạn như bố mẹ.
Duy trước di ảnh của bố mẹ
"Con muốn thi đậu để báo đáp bố mẹ ở nơi xa ấy"
Mất bố và mẹ chỉ 3 ngày trước kỳ thi tuyển lên lớp 10 khiến Duy không thể nào gượng dậy. Em không còn tâm trí nào để ý đến chuyện thi cử, học hành, cùng em trai bỏ ăn, trắng đêm ngồi trước bàn thờ bố mẹ. Người thân, thầy cô đến thăm đã tính đến chuyện xin cho Duy được đặc cách không phải thi.
Nhưng thật kì diệu, như lời cô giáo chủ nhiệm lớp 9 của Duy cảm động thông tin, trong giây phút đau đớn nhất, khó gượng dậy nhất, Duy cùng em trai đứng trước bàn thờ bố mẹ òa khóc, hứa bố mẹ rằng: "Bố mẹ ơi, con sẽ không bỏ thi bố mẹ ạ. Con sẽ thi đậu, sẽ cố thi đạt điểm cao để không phụ lòng yêu thương của bố mẹ. Con sẽ cố thi đậu vào Trường THPT Cẩm Bình như bố mẹ mới nói với con hôm nào. Con muốn báo đáp bố mẹ ở nơi xa ấy". Lời của Duy hôm ấy khiến cô chủ nhiệm và người thân của Duy ai cũng nghẹn lòng, không cầm được mắt.
Trong giây phút đau đớn nhất, khó gượng dậy nhất, Duy cùng em trai đứng trước bàn thờ bố mẹ hứa sẽ không bỏ thi, thi đậu để báo đáp công ơn sinh dưỡng của bố mẹ.
3 ngày sau tang ma bố mẹ, Duy đặt di ảnh bố mẹ trong tim đạp xe đến điểm thi quyết tâm biến lời hứa thi đậu vào Trường THPT Cẩm Bình với cô giáo, với người thân thành sự thật. Nói là quyết tâm, nhưng các thầy cô giáo ở Trường THCS Nguyễn Hữu Thái - những người truyền đạt kiến thức cho Duy - tin rằng, chỉ cần đủ bình tĩnh, Duy sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi bởi Duy là cậu học sinh giỏi của nhà trường.
Duy và em trai của mình là hai học sinh khá, giỏi, chăm ngoan của Trường THCS Nguyễn Hữu Thái. Đó là lí do dù đang quá suy sụp vì mất đi bố mẹ, Duy vẫn làm bài tốt trong kỳ thi
Giấy khen thành tích học tập của Duy và em trai
Và đúng như lời hứa trước vong linh bố mẹ, với thầy cô, Duy đã thi đậu vào trường mà bố mẹ em kỳ vọng vào con trai với số điểm hơn gấp đôi. Trong khi điểm chuẩn vào Trường THPT Cẩm Bình là 14, kết quả tổng điểm mà Duy giành được là 29 điểm. Một kết quả thêm lần nữa Duy khiến thầy cô, người thân, bạn bè phải bật khóc, khâm phục.
Những tưởng ngày khai giảng hôm qua (5/9), Duy đã trở thành học sinh của ngồi trường mà em đội tang quyết tâm thi đậu để đền đáp công ơn sinh thành của bố mẹ. Nhưng thật buồn, vì quá khó khăn, vì phải dành tiền mua thuốc cho bà nội đau yếu, nhường bớt áo quần cho đứa em trai cũng học giỏi, năm nay lên lớp 9, mà Duy đành chấp nhận buông trường THPT Cẩm Bình.
Đó cũng là lí do lễ khai giảng sáng ngày 5/9, Duy đã không có mặt ở Trường THPT Cẩm Bình.
"Cháu rất muốn vào ngôi trường mà bố mẹ cháu lúc còn sống muốn cháu vào học ở đấy. Cháu buồn lắm, nhưng hoàn cảnh của cháu đành phải vậy thôi chú ạ, cháu phải đi học nghề để sớm kiếm được tiền để nuôi bà, nuôi em thôi" - Duy ngậm ngùi nói.
Nhắc đến việc không thể trở thành học sinh của trường THPT Cẩm Bình do phải đi học nghề, nhiều lần Duy cúi đầu xuống buồn bã như muốn bật khóc
Chàng trai đầy nghị lực nói rằng để học nghề em đã chọn, nộp hồ sơ vào Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh. Duy không giấu được vẻ lo lắng: "Từ ngày bố mẹ cháu mất, bà cháu ốm thường xuyên, cháu còn em nữa, em cháu không thể nghỉ học được. Cháu đăng ký vậy thôi, còn tùy vào bà và em ở quê như thế nào nữa, nếu bà cứ ốm, có khi cháu phải ở nhà thôi chú ạ".
Nghe cháu nội nói, bà Cương nước mắt lại lưng tròng. Thương lắm, nhưng bà Cương không biết phải làm sao lúc này khi hàng xóm láng giềng, người thân, chính quyền đã đùm bọc 3 bà cháu bà suốt 3 tháng nay, bản thân bà đã yếu hèn, quá tuổi không thể vay ngân hàng được nữa.
Thầy Nguyễn Đình Thức - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thái cho biết: "Hai em Trần Công Duy và Trần Công Lý là những học sinh học khá, giỏi toàn diện của nhà trường. Từ hôm bố mẹ mất, nhà trường đã luôn động viên hai em.
Năm học này với em Lý (lớp 9), nhà trường đã xem xét miễn giảm các khoản đóng góp, các mạnh thường quân đến với trường, nhà trường cũng trích hỗ trợ em.
Còn với em Duy, dù không còn học ở trường nữa thì thầy cô vẫn quan tâm, sẻ chia với em, trường rất mong các cấp chính quyền, các mạnh thường quân giúp đỡ để em tiếp tục được học tập".
Nếu biến cố gia đình không xảy ra, Duy giờ đã là cậu học sinh lớp 10 của Trường THPT Cẩm Bình.
Cuộc sống của anh em Duy, Lý giờ đang quá khó khăn
Rời căn nhà nhỏ, hình ảnh Duy và em trai, hai những chàng trai giàu nghị lực, chăm ngoan, nhưng đang phải sống lay lắt, rồi có thể phải dừng lại việc theo đuổi con chữ mà chúng tôi thấy rưng rưng, cảm thương các em quá đi thôi.
Bạn đọc quan tâm, giúp đỡ em Trần Công Duy, xin liên hệ đến ông Trần Công Liêm (ông chú của em Duy), số điện thoại: 0169 384 2065; hoặc thầy Nguyễn Đình Thức, số điện thoại: 0918 112 189; số tài khoản: 0201000413589, chủ tài khoản: Nguyễn Đình Thức, Ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh.
Văn Dũng
Theo Dân trí
Phụ nữ mà còn giữ những suy nghĩ này thì đừng trách hôn nhân mãi không hạnh phúc Là phụ nữ, nhiều người sẽ có suy nghĩ nhịn được thứ gì thì nhịn, nuông chiều được cái gì thì nuông chiều, rồi cố gắng chịu đựng để gia đình được êm ấm. ảnh minh họa Khi hai người trở thành vợ chồng, cuộc sống sẽ không thể giống như lúc yêu nhau, sẽ có những vấn đề không thể lường trước...