Sống chung với viêm khớp
Khi ổ khớp bị viêm, các hoạt động của chúng giảm tầm hoạt động, gây cứng khớp. Biết rõ các tiến trình bệnh lý này giúp chúng ta tìm ra biện pháp phòng ngừa và điều trị hữu hiệu.
Hệ thống xương khớp của con người tuyệt vời đến mức chưa một người máy nào có thể bắt chước hoàn hảo. Các thao tác, cử chỉ từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ đều có sự tham gia của các ổ khớp. Khi ổ khớp bị viêm, các hoạt động của chúng giảm tầm hoạt động, gây cứng khớp. Biết rõ các tiến trình bệnh lý này giúp chúng ta tìm ra biện pháp phòng ngừa và điều trị hữu hiệu.
Khớp gồm nhiều thành phần khác nhau: sụn khớp, bao hoạt dịch, dây chằng, cơ và gân cơ. Sụn khớp hay đầu xương bị tổn thương sẽ gây tăng ma sát hai đầu xương, dẫn đến tiến trình viêm. Viêm khớp còn do chấn thương, sử dụng quá mức ổ khớp, do bệnh lý hoặc do tuổi già (lão hoá). Hiện tượng viêm từ mức độ vi tế sẽ trở nên thấy được với những triệu chứng: sưng, đỏ, nóng, đau, cứng khớp và giới hạn biên độ hoạt động. Càng bị đau, bệnh nhân càng có khuynh hướng giới hạn cử động, cơ càng bị co rút dẫn đến cứng khớp; và vòng lẩn quẩn khiến viêm khớp nặng hơn!
Triệu chứng báo hiệu
Đầu tiên là cảm giác đau khi ấn vào khớp. Không thể gập hay duỗi khớp một cách bình thường. Đau khớp tự phát: hoặc đau các khớp lớn như khớp gối, khớp vai, khớp cổ chân… hoặc đau những khớp nhỏ như khớp bàn tay – ngón tay, khớp liên đốt ngón tay… Cơn đau gia tăng khi khớp chịu lực hay gập duỗi. Tiếng lạo xạo, cót két phát ra khi cử động khớp. Yếu cơ quanh ổ khớp.
Để chẩn đoán viêm khớp, phải dựa trên sự thăm khám kỹ lưỡng và đánh giá lâm sàng tỉ mỉ qua tổng hợp các triệu chứng. Các xét nghiệm chuyên biệt giúp sự chẩn đoán chính xác hơn. Hình ảnh X-quang chỉ thấy rõ khi tổn thương quá nặng. Vì thế, chẩn đoán sớm các bệnh lý viêm khớp rất quan trọng. Bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng, bệnh sử, tiền căn gia đình, danh sách thuốc đã sử dụng… Người thân đi theo cũng cần cung cấp thêm thông tin bệnh tật và chia sẻ với bệnh nhân những khó khăn về cả tâm lý lẫn thể chất, ghi nhớ lời dặn dò của bác sĩ. Bác sĩ điều trị dựa vào sự khảo sát lâm sàng tỉ mỉ, đánh giá tình trạng khớp, mức độ tổn thương khớp, chẩn đoán loại bệnh lý viêm khớp… từ đó sẽ quyết định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như X-quang, xét nghiệm chuyên biệt cho viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do thống phong, viêm dính cột sống, nhiễm trùng… Cuối cùng, bác sĩ cùng bệnh nhân vạch ra kế hoạch điều trị. Khác với nước ngoài, bệnh nhân nước ta thường để các bác sĩ quyết định hoàn toàn.
Một số loại viêm khớp thường gặp
Có hàng trăm bệnh lý viêm khớp nhưng thường thấy là các loại sau: thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp thiếu nhi, nhiễm trùng khớp do vi trùng sinh mủ, nhiễm trùng khớp do lao…
Thoái hoá khớp: hay viêm khớp thoái hoá có thể ảnh hưởng bất cứ khớp. Tuy nhiên thoái hoá khớp lớn thường gặp hơn, nhất là những khớp chịu lực nhiều như khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân. Nguyên nhân: do lạm dụng sức chịu đựng khớp, do chấn thương, lão hoá, mập phì, tật bẩm sinh, bệnh thống phong, tiểu đường, các bệnh lý nội tiết… Đa số thoái hoá khớp không rõ nguyên nhân liên quan đến sự lão hoá. Thoái hoá khớp không ảnh hưởng một cách hệ thống đến cơ thể như các bệnh viêm khớp khác. Triệu chứng thay đổi tuỳ từng bệnh nhân, thường thấy nhất là đau một ổ khớp hay nhiều khớp khi hoạt động quá mức và bớt khi nghỉ ngơi hay tập nhẹ nhàng. Cứng khớp hay giới hạn cử động khớp thường xảy ra vào buổi sáng, bớt khi tập luyện cử động nhẹ nhàng vài lần trong ngày.
Viêm khớp ảnh hưởng đến vài trăm triệu người trên khắp thế giới. Hiểu rõ và sống chung với viêm khớp, nhất là các loại bệnh viêm khớp mạn tính là một thái độ tích cực góp phần gia tăng chất lượng cuộc sống của chính bệnh nhân.
Viêm khớp dạng thấp: là bệnh mạn tính thường thấy ở Việt Nam, số bệnh nhân nữ nhiều gấp hai, ba lần nam giới. Viêm khớp tiến triển chậm dần theo tuổi tác nhưng gây tỷ lệ tàn tật và tử vong cao. Đây là bệnh tự miễn, do cơ thể tiết ra các chất tấn công bao khớp, xâm nhập và phá huỷ ổ khớp. Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp chưa rõ, nhưng yếu tố di truyền được xem có vai trò quan trọng. Tuổi mắc bệnh thường là trung niên nhưng vẫn có thể xảy ra ở tuổi 20 – 30. Nếu không điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng các cơ quan khác một cách có hệ thống. Triệu chứng thường là sưng đau, ấn đau, giới hạn cử động hay cứng khớp. Các khớp thường gặp là bàn – ngón tay, các lóng tay, cổ tay, cổ chân, bàn – ngón chân. Sáng ra bệnh nhân thường có cảm giác cứng, khó cử động bàn – ngón tay hay ngón chân trong nhiều giờ, càng vận động càng bớt cứng. Bệnh nhân cũng thấy tê các đầu ngón tay và ngón chân, nhất là về đêm hay vừa ngủ dậy. Triệu chứng viêm khớp thường có tính đối xứng. Bệnh nhân còn thấy chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ… Diễn biến lâu năm, các biến dạng khớp tiến triển dần do tổn thương nặng xương – sụn; xương kêu lạo xạo khi cử động; xuất hiện các nốt thấp dưới da quanh các khớp chịu lực.
Viêm khớp thiếu nhi: phần lớn nguyên nhân không được biết rõ. Đây không phải là bệnh lây lan, cũng không phải do những yếu tố như thức ăn, chất độc, sinh tố, dị ứng… Cũng không chắc có yếu tố di truyền. Nhiều triệu chứng bệnh giống viêm khớp dạng thấp người lớn. Khi bệnh tiến triển lâu, xương sụn khớp bị tổn thương nặng có thể gây biến dạng khớp, khó cử động và ảnh hưởng lên sự tăng trưởng xương khớp. Một số cháu có triệu chứng một thời gian rồi khỏi hẳn, một số cháu sẽ không khỏi nếu không được chữa trị.
Điều trị
Video đang HOT
Mục tiêu chính của điều trị là giảm đau, gia tăng tầm độ hoạt động khớp, cải thiện sức chịu lực của khớp và sức cơ quanh ổ khớp, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng gây biến dạng khớp. Mục tiêu đề ra còn tuỳ thuộc yêu cầu của từng bệnh nhân.
Có nhiều chọn lựa trong phương pháp điều trị, hoặc riêng rẽ hoặc phối hợp: điều trị bảo tồn (nằm nghỉ, thuốc men, tập luyện nhẹ nhàng, giảm trọng lượng, vận động trị liệu hay hướng nghiệp trị liệu…), phẫu thuật. Kế hoạch điều trị cần kết hợp các biện pháp khác: thay đổi thói quen sinh hoạt để cải thiện toàn diện sức khoẻ, tập luyện hàng ngày; sử dụng thuốc…
Một trong những biện pháp hữu hiệu giúp giảm đau trong viêm khớp là giảm cân. Mập quá cơ thể sẽ tăng lực chịu đựng lên các khớp, đặc biệt với những bệnh nhân thoái hoá khớp. Vì vậy cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ trọng lượng lý tưởng, giúp khớp viêm tránh tổn thương thêm. Bỏ thuốc lá cũng là một yêu cầu đối với bệnh nhân viêm khớp. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ tăng bệnh viêm khớp dạng thấp gấp hai lần người khác.
Tập luyện là một bước quan trọng giúp duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn để có thể “sống chung” với viêm khớp. Cần tôn trọng nguyên tắc “tập không đau”. Các bài tập tuỳ theo từng khớp đau. Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ hay kỹ thuật viên phục hồi chức năng về nội dung tập luyện. Chỉ nên tự tập khi đã có sự hướng dẫn và quen với các thao tác tập. Các trợ cụ tập có thể hữu ích dưới sự hướng dẫn chuyên môn.
Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành
SGTT
Phòng ngừa hạ đường huyết và bệnh đái tháo đường
Ở những người bị bệnh đái tháo đường, hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) xảy ra khi lượng đường trong cơ thể không đủ để cung cấp cho tế bào hoạt động.
Hạ đường huyết gây hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu...
Các yếu tố gây hạ đường huyết thường là: chế độ ăn uống kém do kiêng cữ quá mức hoặc tuân thủ điều trị đến thái quá, đang uống thuốc, tập thể dục quá mức, và khi bị bệnh đái tháo đường thì sự điều chỉnh lượng đường của cơ thể cũng kém hơn người bình thường.
Các triệu chứng của hạ đường huyết
Các triệu chứng hạ đường huyết xuất hiện khi lượng đường trong máu thấp hơn 70 mg/dl.
Các triệu chứng sớm có thể bao gồm:
Hoa mắt, chóng mặt.
Lẫn lộn.
Đói, run rẩy.
Khó chịu, nhức đầu.
Nhịp tim nhanh.
Da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh.
Lo âu, yếu ớt.
Nếu không được điều trị, các triệu chứng này sẽ nghiêm trọng hơn:
Nhức đầu, bứt rứt, khó chịu.
Mất phối hợp các động tác.
Mất tập trung.
Tê môi, lưỡi, miệng.
Mê man, ác mộng.
Nhìn chung, mục tiêu của các loại thuốc điều trị đái tháo đường là làm giảm lượng đường trong máu. Nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên mà gây ra hạ đường huyết, và cần phải lưu ý thêm các loại thuốc góp phần làm giảm thêm lượng đường trong cơ thể như các thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc bắc điều trị đái tháo đường mà không có mặt trong toa... và uống rượu.
Hạ đường huyết xảy ra khi nào?
Hạ đường huyết có thể xảy ra ở người bệnh đái tháo đường sau một bữa ăn chứa nhiều đường đơn, thường là bữa ăn có rất nhiều trái cây, được gọi là tình trạng hạ đường huyết phản ứng. Nghĩa là khi đưa vào cơ thể một lượng lớn đường đơn thì cơ thể đáp ứng bằng cách tiết ra một lượng lớn insulin để đưa đường vào tế bào, bởi vì ở người bệnh đái tháo đường khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu kém hơn bình thường, nên lượng đường này được đưa vào tế bào quá mức dẫn đến tình trạng hạ đường huyết.
Tình trạng hạ đường huyết cũng xảy ra nếu người bệnh bỏ lỡ một bữa ăn nhẹ, hay không ăn bữa ăn chính, ăn trễ hơn bình thường, chán ăn trong những ngày bệnh, hoặc uống rượu mà không ăn thức ăn. Do đó, nó đặc biệt quan trọng cho người bị đái tháo đường để không bỏ bữa ăn, đặc biệt khi họ đang uống thuốc.
Tập thể dục quá mức cũng gây hạ đường huyết bởi vì các tế bào sử dụng đường nhiều hơn bình thường.
Điều trị hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường
Trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh nhân có thể sẽ trải nghiệm qua một hoặc vài lần hạ đường huyết. Nếu bạn nghi ngờ mình bị hạ đường huyết thì hãy đến bệnh viện để kiểm tra lượng đường trong máu của bạn. Bác sĩ sẽ khám bệnh, chẩn đoán nguyên nhân và điều chỉnh thuốc uống phù hợp.
Ngay khi có các triệu chứng kể trên, người bệnh nên nghĩ đến tình trạng hạ đường huyết và cần phải bổ sung đường ngay lập tức. Một viên kẹo ngọt ( nên thường xuyên có trong túi người bệnh), nửa ly nước đường, 1 cốc sữa hay 1 muỗng mật ong... sẽ rất có ích. 15 phút sau khi đã ăn thức ăn chứa đường, hãy kiểm tra lại lượng đường trong máu. Nếu cảm thấy không tốt hơn và đường huyết vẫn còn thấp hơn 70 mg/dl thì dùng thêm thực phẩm có đường một lần nữa. Cần thiết phải đến bác sĩ để được điều trị tốt hơn.
Phòng ngừa hạ đường huyết
Ăn đúng giờ, chia thành nhiều bữa ăn trong ngày, có bữa ăn nhẹ xen kẽ bữa ăn chính, 2 bữa ăn không cách nhau quá 4 giờ.
Tập thể dục từ 30 phút - 1 giờ mỗi ngày, có thể chia làm 2-3 lần, có thể tập sau bữa ăn. Nếu tập thể dục vào sáng sớm khi chưa ăn sáng thì cần phải mang theo thức ăn chứa đường.
Dùng thuốc đúng giờ và kiểm tra đúng thuốc trước khi uống.
Kiểm tra đường huyết thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Đảm bảo các thành viên trong gia đình, bạn bè biết các triệu chứng hạ đường huyết để hỗ trợ khi cần thiết.
Điều quan trọng nhất là nhận ra dấu hiệu cảnh báo của lượng đường trong máu thấp và điều trị kịp thời.
Theo BS Quốc Trị
PNO
Ho ra máu - Phải gặp ngay bác sỹ Bị ho ra máu không thể xem thường vì bạn không đánh giá được ho thể nặng hay nhẹ. Tốt nhất là gặp bác sỹ vì nếu không cầm máu được sẽ dẫn đến trụy tuần hoàn và tử vong. Ho ra máu là tình trạng bệnh lý thường gặp trong cấp cứu hồi sức các bệnh đường hô hấp. Mùa đông thời...