“Sơn nữ” trồng lan rừng ai cũng mê, có Phi điệp 5 cánh trắng quý hiếm
“Nhìn hoa lan rừng nở dù có muộn phiền gì cũng đều tan biến” – đó là tâm sự của chị Hoàng Thị Loan, hội viên hội phụ nữ khối Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn ( tỉnh Lạng Sơn) khi nói về mô hình trồng hoa lan rừng của gia đình.
Chị Hoàng Thị Loan sinh năm 1984, quê gốc ở Cao Bằng, lấy chồng và lập nghiệp tại Lạng Sơn. Chị bắt đầu trồng lan từ năm 2014. Nhân một chuyến về quê, chị đã mua một xe lan rừng khoảng 50 chậu về trồng…
Chị Loan chăm sóc vườn lan rừng của gia đình.
Ban đầu, chị Loan trồng lan vì yêu thích vẻ đẹp và mùi hương của hoa lan rừng, dần dần nuôi dưỡng đam mê, chị quyết tâm lai ghép nhân giống lan rừng để kinh doanh.
Thời gian đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc lan, trồng nhưng không ra hoa, rễ ngập úng do tưới quá nhiều nước… nên vườn lan chưa đem lại giá trị kinh tế.
Không nản lòng, chị Loan đã chủ động học hỏi kiến thức trên mạng xã hội cũng như trực tiếp đến các nhà vườn trồng lan rừng để học tập để phát triển vườn hoa lan. Đến nay, vườn lan của chị rộng khoảng 300 m2 với hơn 200 chậu lan các loại từ những loại lan rừng phổ biến đến lan rừng quý hiếm như: Địa Lan Trần Mộng Thu; lan Mắt Đỏ Cánh Bầu Đại, lan rừng Phi Điệp 5 cánh, lan rừng Hoàng Thảo Chuỗi Ngọc…
Chị Hoàng Thị Loan chia sẻ: Phong lan, nhất là phong lan rừng là cây trồng rất “kỹ tính” nhưng cũng khá dễ nếu đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với trồng các loại lan rừng nói chung là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chế độ dinh dưỡng và cách phòng trừ sâu bệnh. Phải để lan rừng ở nơi thoáng mát, mùa hanh khô phải tưới nước đều đặn, mùa mưa không được để lan ngập nước, gây úng rễ.
Video đang HOT
Nhằm nâng cao chất lượng hoa lan rừng, năm 2018, chị Loan vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Lạng Sơn thông qua ủy thác của Hội Phụ nữ phường Chi Lăng để đầu tư thêm hệ thống giàn, lưới, mở rộng diện tích khu vườn lan rừng cũng như sưu tầm những giống lan rừng bản địa, quý hiếm để bảo tồn và nhân giống.
Vườn lan rừng được chị sắp xếp khoa học, chia khu theo từng độ tuổi của lan để dễ dàng chăm sóc. Ngoài ra, chị còn sáng tạo đặt tên cho các loại lan rừng mình sưu tầm được như: lan rừng Tuyết Mẫu Sơn, là loại hoa lan rừng Phi Điệp 5 cánh trắng quý hiếm.
Nhằm đưa lan rừng đến với nhiều khách hàng trên cả nước, chị đã tận dụng mạng xã hội Facebook để đăng bài, phát trực tiếp để bán hoa lan, do vậy, nhiều người biết đã tìm đến mua lan của chị.
Các loại lan có giá dao động từ 200 nghìn đồng – 50 triệu đồng/chậu, trung bình mỗi tháng, doanh thu từ bán lan đạt 50 đến 70 triệu đồng. Từ đó, chị có thêm vốn để mở rộng vườn, cuộc sống gia đình sung túc hơn. Vào thời vụ, chị còn tạo việc làm cấy ghép lan cho 3 lao động địa phương.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Loan còn tích cực tham gia hoạt động hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan cho chị em hội viên phụ nữ. Bản thân chị thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn” do các cấp hội phụ nữ triển khai, gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Nhận xét về chị Loan, Bà Hoàng Kim Ánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Chị Hoàng Thị Loan dù là một hội viên trẻ nhưng rất năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi phát triển kinh tế cũng như tích cực tham gia các hoạt động hội. Mô hình trồng lan của chị đáng để các hội viên phụ nữ học tập và noi theo.
Hotboy mắt hí trồng vườn lan rừng tiền tỷ ở đất Bình Phước
Đang là sinh viên năm cuối Trường đại học Đà Lạt, Khoa Sinh học, Nguyễn Thanh Hải ở ấp 5, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã quyết định khởi nghiệp trồng lan rừng và bước đầu thành công.
Sinh năm 1997 nhưng Nguyễn Thanh Hải đã có gần 10 năm gắn bó với cây phong lan. Ngay từ khi còn học phổ thông, vì yêu thích loài hoa phong lan này nên Hải đã tỉ mẩn chăm sóc những giò lan được người thân mua về chơi dịp tết.
Khi trở thành sinh viên Trường đại học Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (địa phương nổi tiếng về các loại hoa), có điều kiện tham quan học hỏi nhiều phương pháp cấy ghép, lai tạo các giống hoa, cây cảnh, Hải đã mày mò, áp dụng những kỹ thuật chiết, ghép đối với loài hoa mình yêu thích.
Thanh niên Nguyễn Thanh Hải ở ấp 5, xã Tân Lập (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) trong vườn lan rừng của mình.
Nhận ra giá trị kinh tế và xu hướng của thị trường đối với loài hoa phong lan này, ngoài thời gian học, mỗi ngày, Hải tranh thủ lúc rảnh rỗi tìm hiểu về lan.
Vốn năng động, Hải nghĩ ra ý tưởng kinh doanh lan rừng để tích cóp vốn và thỏa mãn đam mê. Sau khi có ít vốn, Hải đã trình bày ý định khởi nghiệp với cha mẹ. Lúc đầu, cha mẹ không đồng ý nhưng anh nhất mực xin cơ hội để khẳng định bản thân...
Ngoài lan rừng thuần chủng, Hải còn nuôi trồng được những loại lan rừng đột biến, công nghiệp. "Giá trị mỗi giò lan phụ thuộc vào độ khác biệt, đẳng cấp về đài hoa, màu sắc, độ dài, khỏe của thân... Một giò lan rừng quý có giá vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng là bình thường" - Hải chia sẻ.
Hiện nay, doanh thu mỗi tháng từ vườn lan rừng của Hải khoảng 40 triệu đồng. Để đảm bảo các giò lan rừng phát triển tốt, Hải còn đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động. Do đặc tính lan ưa ánh nắng vừa phải, nơi trồng thoáng mát nên vườn lan được Hải thiết kế bằng giàn để treo, lắp đặt hệ thống lưới che nắng mưa, giúp giảm nhiệt độ và giảm thiểu 60% ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Đồng thời, Hải lắp đặt hệ thống phun tự nhiên, sử dụng nguồn nước giếng khoan để đảm bảo tưới tiêu và giúp cây phong lan luôn giữ được ẩm.
Khi bắt đầu nghề trồng lan, Hải cũng gặp khá nhiều trở ngại. Dù đã tìm hiểu kỹ thuật trồng lan song nhiều lần Hải mua lan về do chưa thuần với khí hậu nên cây bị chết, nhiều cây sống nhưng không ra hoa. Không nản chí, Hải tìm hiểu qua bạn bè, mạng xã hội, internet, đến các nhà vườn lan lớn nhỏ trong, ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm trồng lan.
Để ươm được một chậu hoa phong lan thành công, đòi hỏi người trồng phải hiểu và nắm rõ quy trình. Sau khi tuyển chọn và đặt mua những chậu lan rừng từ các tỉnh phía Bắc hoặc ở miền Trung, Tây Nguyên, Hải sử dụng phần thân già từ cây gốc để ươm.
Ngay từ đầu phải xử lý các giá thể bằng cách ngâm qua nước vôi trong khoảng từ 2-3 ngày. Đến giai đoạn lan đã phát triển ổn định, phun thuốc khử trùng mỗi tháng 2 lần; khi cây lan nảy mầm mới chuyển sang chậu.
Chia sẻ kinh nghiệm nhân giống lan, Hải cho rằng phải chọn nguồn giống tốt. Giống lan khỏe khi nhân ra cây sẽ ít bị bệnh, phát triển tốt, ít hao hụt. Tuy nhiên, do mỗi giò lan rừng thường có giá trị cao, nếu không có kinh nghiệm nhân giống dễ dẫn đến "mất cả chì lẫn chài".
Về chăm sóc, cần kỹ lưỡng trong mùa mưa vì nếu mưa nhiều, lan dễ bị vàng lá, úa, thối nhũn hoặc bị nhiễm nấm bệnh rất khó chữa trị.
Trong quá trình chăm sóc lan chú ý giá thể phải sạch nấm, phù hợp với sự phát triển của lan... Mỗi loại lan có chế độ chăm sóc riêng, tỷ lệ phân bón, ánh sáng cũng phải được điều chỉnh phù hợp... Nếu không làm tốt, giò lan có nguy cơ bị chết hoặc không nở hoa.
Bằng sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, nuôi ước mơ làm giàu từ lan, Nguyễn Thanh Hải đã dần tạo thương hiệu cho vườn lan của mình và đang phát triển quy mô lớn, góp phần bảo tồn các loài lan rừng quý hiếm.
Theo Minh Hiền (Báo Bình Phước)
Xóm trồng lan rừng quý hiếm, có giò lan đột biến giá vài chục triệu Nhờ trồng hoa lan, đặc biệt là lan rừng quý hiếm, nhiều hộ đồng bào Khơme ở ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã có thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm ruộng. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay đã có hơn 30 hộ "nhờ lan rừng mà sống khá hơn". Những vườn lan rừng...