Sơn La: Dấu ấn thực thi Chỉ thị 25 về bảo vệ môi trường
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, tỉnh Sơn La đã quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố. Bước đầu, đã cho thấy những kết quả tích cực.
Siết chặt kiểm tra các cơ sở sơ chế cà phê có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường
Chấn chỉnh vi phạm môi trường với 90 đơn vị
Luôn xác định bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, kiên quyết không đánh đổi tăng trưởng kinh tế lấy môi trường, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn được chú trọng ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư cũng như xem xét, lựa chọn và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận cam kết bảo vệ môi trường các dự án.
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Công tác thanh, kiểm tra tập trung vào các nội dung như: Tuân thủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, đăng ký hồ sơ chủ nguồn thải, hồ sơ cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, chế độ báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hàng năm… Đặc biệt yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở có lượng chất thải lớn, các cơ sở nằm ở khu vực đầu nguồn nước, các cơ sở khai thác khoáng sản. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 90 cơ sở, dự án.
Về tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành công trình xử lý chất thải tại Bệnh viện đa khoa Sông Mã và Yên Châu, đạt 100% tỷ lệ xử lý.
Về yêu cầu tất cả các khu công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, hiện Khu công nghiệp Mộc Châu đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Khu công nghiệp Mai Sơn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng, tiến độ thực hiện đạt 85%, dự kiến đầu năm 2019 hệ thống xử lý nước thải được vận hành.
Về lắp đặt thiết bị kiểm soát, xả thải với các cơ sở có quy mô phát thải lớn, toàn tỉnh có 2 Nhà máy là Nhà máy Tinh bột sắn Sơn La – Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên; Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La – Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La, có quy mô xả thải trên 1.000m3/ngày, thuộc diện bắt buộc phải quan trắc nước thải tự động. 2 nhà máy: Nhà máy sữa Mộc Châu – Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Nhà máy đường Mai Sơn – Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; thuộc diện cơ sở khuyến khích lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Riêng Nhà máy xi măng Mai Sơn là cơ sở bắt buộc phải quan trắc khí thải tự động. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT triển khai việc lắp đặt hệ thống tiếp nhận số liệu quan trắc môi trường tự động, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018, đầu năm 2019.
Video đang HOT
Sở TN&MT tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê tại thành phố Sơn La
Về quản lý chất thải rắn, trên địa bàn thành phố Sơn La đã được đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sử dụng phương pháp ủ sinh học làm phân Compost với công suất 80 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt phát sinh tại địa bàn các huyện được thu gom, vận chuyển về 13 bãi chôn lấp rác thải tại các huyện.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường. Nội dung tuyên truyền đề cập đến nhiều vấn đề như giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, nguyên nhân, tác hại và cách phòng chống ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; phòng ngừa, bảo vệ nguồn nước sạch, biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu về bảo vệ môi trường; hướng dẫn các thủ tục môi trường; báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án cải tạo phục hồi môi trường; kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; hướng dẫn các tiêu chí bảo vệ môi trường trong nông thôn mới; hướng dẫn thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn và bao bì hóa chất bảo vệ thực vật…
Còn nhiều khó khăn
Có thể nói, qua 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 25 về bảo vệ môi trường, 100% các dự án đầu tư mới thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trên địa bàn tỉnh được yêu cầu phải thực hiện trước khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư của dự án. Chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày càng cao, cung cấp các dự báo tương đối chính xác về các tác động đến môi trường của dự án trong giai đoạn đầu tư xây dựng và vận hành.
Nhận thức về bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Các điểm nóng về môi trường đã được quan tâm giải quyết và được theo dõi giám sát chặt chẽ.
Hết năm 2018, tỉnh Sơn La hoàn thành mục tiêu 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để (Ảnh: Hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa khu vực Phù Yên)
Tuy nhiên, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ ổn định giao dự toán chi ngân sách từng năm (đảm bảo 1% chi ngân sách), song chưa đáp ứng được nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường; nhiều nhiệm vụ môi trường chưa cân đối được kinh phí để thực hiện theo kế hoạch. Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa được thường xuyên, đặc biệt là cán bộ cấp huyện, xã. Bên cạnh đó, ở cấp huyện, xã hầu hết cán bộ được phân công kiêm nhiệm và có thể thay đổi theo yêu cầu công việc, rất khó cho việc thực hiện công tác quản lý môi trường ở cơ sở.
Nhận thức của các chủ đầu tư về hoạt động đánh giá tác động đến môi trường của dự án còn hạn chế, cá biệt một số chủ dự án còn có tình trạng ủy quyền toàn bộ cho cơ quan tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; không triển khai nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2019 và những năm tiếp theo, tỉnh Sơn La đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 25. Trong đó, tập trung đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Kiện toàn cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý môi trường. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Nâng cao độ che phủ rừng, thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường trong canh tác trên đất dốc; xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm do xả nước thải tại các cơ sở chế biến…
Tỉnh Sơn La đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn các địa phương ban hành định mức kinh tế kĩ thuật, giá dịch vụ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường từng bước đảm bảo chi phí; làm cơ sở để các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn. Hướng dẫn việc quản lý, xây dựng cơ chế giải ngân từ Quỹ Bảo vệ môi trường cấp tỉnh cho hoạt động bảo vệ môi trường. Hướng dẫn chi tiết việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương.
Nguyễn Nga
Theo baotainguyenmoitruong
Sơn La: Nỗ lực cấp nước sạch cho người dân sau mưa lũ
Sau lũ, nhiều xí nghiệp cấp nước trên toàn tỉnh Sơn La bị hư hỏng nặng khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hiện công tác khắc phục sửa chữa đường ống cấp nước đã cơ bản hoàn thành và nhiều nhà máy nước sạch đã bắt đầu cấp nước cho dân.
Tại trạm cấp nước Bó Cá, Xí nghiệp cấp nước thành phố số 1, mưa lũ đã khiến bùn, cát lấp hố làm ảnh hưởng đến quá trình cấp nước sạch cho bà con vùng lũ. Công tác khắc phục từ ngày 30.8 đến nay mới vét được hết bùn, cát để vận hành cấp nước trở lại. Tuy nhiên, do độ đục cao nên nhà máy chỉ xử lý được 60% công suất.
Tại Trạm cấp nước Km 7, Xí nghiệp cấp nước số 2 thành phố, do mưa lũ tối 30.8, nước lũ tràn về làm đổ tường rào. Nhà máy ngừng hoạt động hoàn toàn để bảo dưỡng sửa chữa. Đến 15h ngày 1.9, trạm đã vận hành trở lại. Tại trạm cấp nước Km 12, dù nước ngập từ ngày 30.8-1.9 nhưng trạm đã vận hành trở lại.
Công nhân đang nỗ lực sửa sang hệ thống đường ống cấp nước, để cấp nước sạch cho người dân.
Tại Nhà máy cấp nước huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sốp Cộp và Thuận Châu, công nhân cũng đang nỗ lực sửa chữa và cấp nước trở lại cho bà con.
Trận mưa lũ vừa qua đã làm nhiều trạm bơm bị ngập bùn đất, gây hư hại nặng.
Hiện tình trạng ngập úng nhiều trạm bơm trên địa bàn tỉnh Sơn La đã cơ bản được khắc phục.
Để khắc phục hậu quả mưa lũ, Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng, nhân lực vật tư, máy móc thiết bị để xử lý sự cố, tập trung huy động các nguồn nước từ các trạm cấp nước dự phòng, hỗ trợ cấp nước phục vụ bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Tuy nhiên trên TP.Sơn La, quá trình khắc phục gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Do trạm cấp nước Bó Cá có độ đục quá lớn nên chỉ xử lý được 60 - 70% công suất. Trạm cấp nước Nậm La chưa xử lý được do nước lũ chưa giảm. Hiện các đơn vị đang tích cực lắp đặt trạm bơm cấp tạm thời bên cạnh bờ suối. Do đó, việc cấp nước đến nay vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng được nguồn nước tiêu thụ cho một số phường, tiểu khu, đặc biệt là khu vực dân cư Tỉnh ủy, khu vực Chiềng Ngần, TP.Sơn La.
Nhiều trạm cấp nước sạch đã hoạt động trở lại để cung cấp nước sạch cho người dân sau trận mưa lũ.
Theo Danviet
Cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông sau mưa kéo dài Mưa lũ lớn diễn ra trong những ngày qua, kết hợp với thủy điện xả lũ khiến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên, Sơn La chịu thiệt hại nặng nề. Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đến 4h ngày 1-9, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 32,06m (trên BĐ3 0,06m);...