Sôi động chợ phiên vùng cao Lùng Phình
Sáng tinh mơ, khi núi rừng vẫn còn đậm hơi sương, từng đoàn người Mông, Hoa, Giáy, Tày, Nùng, Phù Lá…
Trong trang phục truyền thống từ các bản làng nô nức kéo nhau về chợ phiên Lùng Phình (huyện Bắc Hà, Lào Cai). Tiếng bước chân, tiếng gọi nhau, mời chào, hòa cùng tiếng vó ngựa, tiếng trâu, bò, lợn, gà… tất cả tạo thành âm thanh sôi động, náo nhiệt bao trùm cả khu chợ phiên vùng cao Lùng Phình.
Trong chuyến công tác lên với các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, dù không phải cuối tuần nhưng chúng tôi may mắn được trải nghiệm phiên chợ đặc sắc vùng cao – phiên chợ Lùng Phình.
Sôi động chợ phiên vùng cao Lùng Phình
Trước đây, chợ Lùng Phình họp vào chủ nhật hàng tuần, trùng với chợ phiên nổi tiếng Bắc Hà nên vắng vẻ tiểu thương và đồng bào tham gia. Để giúp chợ Lùng Phình phát triển, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế cho người dân, huyện Bắc Hà đã đầu tư kinh phí nâng cấp, mở rộng, xây mới nhiều hạng mục và quyết định đổi lịch họp chợ hàng tuần vào sáng thứ 6…
Chợ phiên Lùng Phình họp vào thứ 6 hàng tuần
Chợ phiên Lùng Phình điểm đến quen thuộc của người dân
Hiện nay, chợ phiên Lùng Phình đã có những thay đổi rõ nét cả về quy mô, lưu lượng hàng hóa và số tiểu thương, người dân tham gia ngày chợ. Chợ phiên Lùng Phình đã trở thành một điểm đến quen thuộc của người dân các xã khu vực thượng huyện và các huyện lân cận như Si Ma Cai, Xín Mần (Hà Giang) và từng bước thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá vẻ đẹp cũng như sự sôi động chợ phiên vùng cao.
Khu vực bán hàng được Ban quản lý chợ sắp xếp hợp lý
Video đang HOT
Chợ phiên vùng cao Lùng Phình được chia thành các khu riêng biệt: Khu bán các loại rau, củ, quả, sản phẩm thổ cẩm; Khu gia súc, gia cầm; Khu dụng cụ đồ gia dụng; Khu ẩm thực; Khu rượu dân tộc… Các dãy, khu vực bán hàng được Ban quản lý chợ sắp xếp hợp lý đảm bảo yêu cầu về công tác vệ sinh và tạo thuận lợi hơn cho người dân trao đổi, buôn bán mỗi khi đến phiên chợ.
Bức tranh đa sắc màu tại chợ phiên Lùng Phình
Sắc màu thổ cẩm
Phiên chợ Lùng Phình như bức tranh đa sắc màu giữa sương khói, màu xanh núi rừng buổi sáng mai… Sắc màu phiên chợ thật sinh động, có màu xanh của rau, củ, quả, màu vàng của ngô, của chuối, lê, màu đỏ của ớt, của hồng, cà chua… hòa quyện cùng sắc màu thổ cẩm, váy áo của phụ nữ các dân tộc tạo nên bức tranh vô cùng rực rỡ và quyến rũ. Rất nhiều hàng hóa được bày bán trong phiên chợ vùng cao Lùng Phình. Nào là vật phẩm, thực phẩm như: Ngô, rau, củ quả, thịt, cá, các vật dụng gia đình, vật dụng làm nương rẫy, quần áo, vải vóc…
Sản vật chủ yếu do bà con tự trồng hoặc làm ra
Lần đầu tiên được tham gia chợ phiên Lùng Phình, chị Hoàng Hà đến từ Hà Nội vui vẻ chia sẻ: Rất may mắn khi lên Bắc Hà đúng dịp chợ phiên Lùng Phình. Đi chợ vùng cao thích thật. Tất cả các sản phẩm ở đây đều tươi, ngon, rẻ, đặc biệt bà con rất cởi mở. Chị khoe vừa mua được 10 mớ cải chỉ có giá 60 nghìn đồng, một xâu ớt khô to dài với giá 20 nghìn đồng…
Sôi động nhất là chợ bán gia súc
Những chú trâu đang được thỏa thuận mua bán
Sôi động nhất có lẽ là khu buôn bán gia súc, gia cầm như: Trâu, bò, lợn, dê, chó, ngựa, gà, vịt… Không khí trong khu vực này thật náo nhiệt, người mua, kẻ bán, đứng, ngồi rải rác và cùng thỏa thuận mua bán với nhau. Mặc dù không nổi tiếng như chợ trâu Cán Cấu (Si Ma Cai) nhưng số lượng gia súc, trâu bò tại chợ phiên Lùng Phình cũng tới vài trăm con.
Lợn giống xem xét ngã giá
Chó được bán tại chợ
Nuôi trâu, bò là hình thức phát triển kinh tế gia đinh phổ biến nhất của bà con các huyện vùng cao. Vừa bán được chú trâu với giá 40 triệu đồng anh Vàng Văn Tuấn chia sẻ: Nhà nuôi được 2 con trâu vỗ béo, năm ngoái mua giá 25 triệu/1 con, chăm sóc hơn một năm hôm nay bán 1 con cho con ăn học, còn một con vài phiên chợ nữa bán tiếp rồi lại mua 2 con nhỏ để vỗ béo.
Sôi động không kém là khu ẩm thực tại phiên chợ Lùng Phình. Tiếng mời chào, chúc tụng, tiếng băm chặt dao thớt… náo nhiệt cả góc chợ. Tại đây, đồng bào và du khách được thưởng thức một số món ăn đặc sản dân tộc như: Món phở chua của người Phù Lá mang đậm hương vị núi rừng; Món thắng cố, món ăn đặc sắc của người Mông, nấu từ thịt ngựa cùng với thảo quả và lá rừng nên hương vị độc đáo chỉ nếm một lần là nhớ mãi.
Rượu ngô Bản Phố được bày bán tại phiên chợ
Bên cạnh đó, chợ phiên Lùng Phình cũng có khu dành riêng cho người dân bày bán đặc sản rượu ngô Bản Phố nổi tiếng miền núi phía Bắc chưng cất từ loại men làm bằng lá cây rừng và nấu bằng nước suối trên độ cao hơn 1200 mét. Từng can to, can nhỏ được người bán bày ra và người mua có thể thưởng thức hương vị của rượu trước khi mua mang về. Quả thật, hương vị của các loại rượu cũng ấm áp như tấm lòng người dân nơi đây, khiến du khách không dễ gì quên được dẫu đến đây chỉ có một lần…
Du khách trải nghiệm nét văn hóa mua sắm tại phiên chợ
Với việc quy hoạch và đầu tư phù hợp nhu cầu phát triển, chợ phiên vùng cao Lùng Phình huyện Bắc Hà đã và đang phát huy hiệu quả. Chợ không chỉ mở rộng buôn bán hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giao lưu văn hóa của người dân, mà còn là nơi du khách tìm tới để được trải nghiệm… thúc đẩy giao thương, sản xuất hàng hóa, phát huy những thế mạnh, phát triển du lịch giúp người dân vùng cao có điều kiện xóa đói, giảm nghèo hướng đến cuộc sống khá giả hơn.
Ấn tượng chợ phiên Sìn Hồ
Chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) thu hút du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vỹ và những tập quán lâu đời hình thành nên bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.
Từ cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng ở biên giới Việt - Trung, đồng hành cùng anh bạn người bản địa, theo con đường uốn lượn bên sườn núi sương giăng mây phủ, đi khoảng 30 km rẽ lên những vạt núi ở độ cao gần 1.500 m là tới chợ phiên Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây, người ta có cảm giác lạnh giá, lẻ loi lại vừa cảm nhận được sức sống từ những thung lũng rạng rỡ bừng lên trong nắng.
Sau những cơn mưa dài hôm trước, nắng đã kịp hong khô một vài chỗ trên con đường vào chợ, nhưng cứ có sức nặng đè lên là hai bánh xe lại trơn trượt, ngoặt nghẹo, khi chúng tôi tới nơi mặt trời đã ngang đỉnh đầu. Chợ phiên Sìn Hồ họp vào ngày Chủ Nhật, thu hút rất đông đồng bào dân tộc Dao, H'Mông, Lự, Phù Lá ở trong vùng, tạo nên một chợ phiên vùng cao xôn xao, ngập tràn muôn màu sóng hoa văn thổ cẩm.
Các chàng trai, cô gái dân tộc Lự trang phục đẹp từ khắp các làng bản vùng cao rộn rã tới chợ từ mờ sáng. Họ mang theo những sản vật kiếm được từ núi rừng hay các sản phẩm thủ công. Thổ cẩm của người H'Mông, người Lự ở đây có thể bán hay dùng để trao đổi hàng hóa. Những tấm lanh của người H'Mông tự tay làm rất đẹp và bền.
Sìn Hồ - cái tên được người dân nơi đây đặt tên và chọn làm nơi họp chợ từ xa xưa nay vẫn thế, khác chăng là những mặt hàng bán đã phong phú hơn trước rất nhiều. Xưa chợ chủ yếu bán các mặt hàng cuốc, thuổng, dao quắm hay các hàng thiết yếu do đồng bào tự làm, tự bán, nay chợ bán đủ thứ, chẳng thiếu gì từ cái kim, sợi chỉ đến những mặt hàng công nghiệp, đồ trang sức bằng bạc, đồng hay lâm thổ sản của vùng Tây Bắc. Quần áo từ Trung Quốc cũng góp mặt nhưng khó tiêu thụ.
Bằng chất giọng lơ lớ của người H'Mông, anh Chảo Kim My ở Tả Phìn, huyện Sìn Hồ vui vẻ cho hay: "Mình tới chợ buôn bán thắm thoắt vậy mà đã hơn 10 năm. Bà con ở đây ưa thích dùng hàng hóa, đồ nhựa, xà phòng sản xuất trong nước, nhờ vậy việc đánh hàng dưới xuôi lên bán cũng thuận lợi, khấm khá".
Các gian hàng bán rất nhiều váy hoa thêu tay và khâu tay, giá từ 400.000 - 1.000.000 đồng/chiếc. Khăn thêu tay giá chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng túi đựng bạc, vòng bạc, trang sức thủ công giá lại không hề rẻ.
Những cô gái H'Mông xuống chợ, có người tới chỉ để bán một con gà 200.000 đồng rồi mua muối, dầu ăn hay vài thứ vật dụng khác. Trong khi đó, các cô gái người Giáy trong trang phục áo thân dài nhẹ nhàng, mầu đỏ, xanh tím làm nổi bật lên những gam mầu đa sắc.
Độc đáo nhất ở đây là bán rất nhiều hoa lan, từ địa lan, lan đuôi công, lan trắng, lan tím, đến lan rừng. Phong lan, địa lan 5 mầu bán chỉ 100.000 đồng/nhành. Những giò hoa lan mang sắc hương miền sơn cước có sức sống, dáng vẻ phô diễn vẻ đẹp rực rỡ đến khác lạ khiến Sìn Hồ như một rừng hoa lan.
Anh Tô Hồng Long, Giám đốc Công ty Đông Phương Travel cho biết: "Người H'Mông ở đây bảo nhau trồng thật nhiều địa lan, phong lan để vừa làm du lịch vừa phát triển kinh tế gia đình. Thăm các bản làng trồng lan ở Sìn Hồ đang được xem là một sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với huyện vùng cao biên giới này".
Đồng bào tới chợ phiên Sìn Hồ không chỉ để giao thương mà còn để gặp gỡ, để hẹn hò, để làm duyên hay say cái men say của núi rừng Tây Bắc. Qua những lần gặp gỡ, những tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn môi, kèn lá, những bát rượu Mông Kê ướp men lá rừng, qua chén trà xanh hương thơm ngào ngạt... đã giúp nhiều người trong số họ thành vợ thành chồng.
Chị Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội) chia sẻ: "Lần đầu đến chợ Sìn Hồ, thời tiết trong lành, mát mẻ. Người dân ở đây thân thiện, mến khách đem lại cảm giác thật tuyệt! Cảnh chợ phiên nhộn nhịp, đồng bào trong trang phục truyền thống rực rỡ, thưởng thức ẩm thực vùng cao đã cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi còn mua được hạt dổi và cải rừng về làm quà. Phiên chợ thật đậm đà bản sắc, mộc mạc như người dân nơi đây".
Những chợ phiên mờ trong sương ở Sìn Hồ góp phần tạo nên sức thu hút của một Tây Bắc đẹp kỳ vĩ, nguyên sơ. Đi qua những cung đường chữ S, những thảm hoa cúc, những dãy hoa đào, hoa mai trải dài trên những con đường dẫn về bản nhỏ, là đã đủ nhớ mãi về Sìn Hồ./.
Thăm chợ phiên Cán Cấu, nét văn hóa nguyên sơ còn sót lại tại Lào Cai Cán Cấu là một trong những phiên chợ hiếm hoi còn giữ được nét đặc trưng hoang sơ vốn có của người dân tộc vùng cao. Chợ phiên Cán Cấu thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam ) Chợ cách thành phố Lào Cai gần 100km về phía Đông Bắc và cách thị trấn...