Sở Y tế TP.HCM nêu 3 nguy cơ lớn thách thức cả hệ thống y tế TP
Nhân viên y tế nghỉ việc; thiếu thuốc, vật tư y tế; dịch COVID-19 chồng dịch sốt xuất huyết là 3 nguy cơ, thách thức lớn của hệ thống ngành Y tế TP.HCM hiện nay.
Sau hơn 2 năm nỗ lực trong công tác phòng chống dịch và cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19, ngành y tế TP.HCM đang đứng trước 3 nguy cơ lớn.
Nguy cơ dịch chồng dịch
Theo Website Sở Y tế TP.HCM, hiện chưa có quốc gia nào chính thức công bố đã chấm dứt được dịch COVID-19. Mới đây, Bộ Y tế công bố biến thể phụ BA.4, BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.
Số lượng trẻ em điều trị sốt xuất huyết tăng cao.
Ngày 4/7, Viện Pasteur TP.HCM công bố phát hiện 2 mẫu dương tính với biến thể phụ BA.4 (tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) và 1 mẫu dương tính với biến thể BA.5 (tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), các mẫu này từ nguồn giám sát ngẫu nhiên.
Số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.
Video đang HOT
Hiện dịch sốt xuất huyết đang lưu hành tại các tỉnh phía Nam và tại TP.HCM, tương ứng với số ca mắc mới tăng cao, số ca nặng tăng, số tử vong tăng. Tại các tỉnh khu vực phía Nam, số ca mắc sốt xuất huyết đã lên đến 65.552 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019 (năm có dịch lớn).
Tại TP.HCM, số ca mắc đã lên tới 21.993 ca, tăng 184% so với cùng kỳ, đã có 11 tử vong vì sốt xuất huyết, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em.
Nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế
Theo Sở Y tế TP.HCM, thiếu thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm tại một số bệnh viện trên địa bàn không phải là vấn đề mới phát sinh.
Bệnh viên công thiếu thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm và thậm chí thiếu cả thiết bị y tế. (Hình minh họa)
Do tác động của đại dịch COVID-19, danh sách thuốc hiếm có nguy cơ bị kéo dài thêm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị các bệnh lý chuyên khoa và ngành y tế thành phố đang đứng trước thách thức không nhỏ.
Để ứng phó với nguy cơ thiếu thuốc, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế sớm tháo gỡ những vướng mắc. Kiến nghị lãnh đạo TP cho phép thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa của ngành y tế TP. Kiến nghị UBND TP có giải pháp hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh.
Sở Y tế thành lập tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc. Hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện cập nhật phác đồ điều trị, danh mục thuốc cần mua sắm phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện tượng một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại nhiều hệ thống y tế nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ, tính đến nay đã có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
TP.HCM đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân viên y tế công lập.
Tại TP.HCM, năm 2021 đã có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc (274 bác sĩ, 610 điều dưỡng). 6 tháng đầu năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc (199 bác sĩ và 391 điều dưỡng). Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của TP.HCM.
Để ứng phó nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Sở Y tế TP cho biết, Sở đang vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01 năm 2022 của HĐND TP về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đến năm 2025.
Thêm người tử vong do sốt xuất huyết, hãy dành 10 phút để bảo vệ gia đình
CDC TP.HCM khuyến cáo một số biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, trong đó khuyên người dân hãy dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng. Riêng từ 24/6 đến 30/6, thành phố ghi nhận 2.428 ca, tăng 158 ca (6,9%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần một người chết do bệnh này. Như vậy số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 11.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM.
TP.HCM đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết hàng năm. Để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đến nay sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
CDC TP.HCM khuyến cáo một số biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết:
Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà...Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến, tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay; ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.Trong trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị và không tự ý điều trị tại nhà.
Bà bầu mắc sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào? Bác sĩ đưa ra lời khuyên trong điều trị cho phụ nữ mang thai không may bị sốt xuất huyết. BS Lê Thị Hiếu - Khoa Khám tự nguyện I, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Mọi người đều có thể mắc sốt xuất huyết Dengue, nhiều trường hợp biểu...