Sợ tuyển VN hụt quân vì chấn thương, 4 CLB đề xuất không có suất rớt hạng V-League
Trong cuộc họp trực tuyến giữa VPF và 13 CLB sáng 31-3, có 4 đội bóng đề xuất ý tưởng V-League sau khi trở lại sau dịch Covid-19 sẽ đá mà không có suất rớt hạng vì… lo cho đội tuyển Việt Nam
Đại diện 4 đội bóng SLNA, Nam Định, SHB Đà Nẵng và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đề xuất ý tưởng V-League 2020 không có đội rớt hạng
Sáng 31-3, VPF đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các đội tham dự V.League 2020, xoay quanh phương án và thời điểm có thể tổ chức trở lại giải đấu. 13/14 đội (ngoại trừ HAGL không tham dự) đã thống nhất sẽ không tổ chức V-League 2020 trong tháng 4, thời điểm mà Chính phủ và nhân dân đang quyết liệt chống dịch Covid-19.
Có một điểm khá thú vị trong cuộc họp là có 4 CLB cùng có chung quan điểm rằng V-League 2020 không nên có đội xuống hạng mà chỉ có tranh chức vô địch. Theo tìm hiểu, 4 đội bóng cùng có ý tưởng đó là SLNA, SHB Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Dược Nam Hà Nam Định. Lý do mà 4 đội bóng đưa ra là nếu V-League phải thi đấu dồn toa mà chạy đua trụ hạng sẽ khiến các đội bóng áp lực, cầu thủ thì căng thẳng, dễ dẫn đến những chấn thương ngoài ý muốn, làm tổn thất lực lượng của đội tuyển Quốc gia trong bối cảnh chuẩn bị đá nốt các trận vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Giám đốc điều hành CLB SLNA Hồ Văn Chiêm chia sẻ: “Khi nào giải đấu được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì sẽ tổ chức trở lại. Nếu giải không tổ chức thì càng nguy hiểm hơn khi ảnh hưởng đến nguồn thu, nguồn tài trợ từ giải, từ CLB. Vì vậy nên lên phương án thi đấu, hoàn thành giải đấu. Nhưng có một ý nữa mà tôi muốn nói là năm nay không nên có đội xuống hạng. Cầu thủ sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho đội tuyển Quốc gia ở giải đấu khu vực. Tất nhiên đó là ý kiến của SLNA. Còn được hay không thì VFF và VPF cần xem xét”.
Có ý kiến lo ngại việc V-League thi đấu dồn, lại còn đua trụ hạng sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều cầu thủ của tuyển Việt Nam đối mặt với chấn thương
Ông Bùi Xuân Hòa, Giám đốc điều hành của SHB Đà Nẵng cũng đồng ý với đề xuất của ông Hồ Văn Chiêm. “Tôi chờ cuộc họp này để có ý kiến trực tiếp luôn. Nhìn từ phương án mà VPF đưa ra thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa giải quyết được nên tôi không đồng ý. Nhưng phải nói là VPF đã cố gắng, nỗ lực để tìm ra phương án giải quyết trong bối cảnh hiện tại. Tôi nghĩ nếu giải trở lại, với mục tiêu đảm bảo cho đội tuyển Quốc gia có thời gian và lực lượng tham gia những giải đấu được định sẵn thì sẽ gặp nhiều áp lực, có thể xảy ra chấn thương đáng tiếc”.
“Vì vậy để giải quyết vấn đề thời gian, vấn đề đội tuyển hay áp lực đối với CLB thì tôi đồng tình với ý kiến của anh Chiêm, tức là V-League có thể không xuống hạng. Ngoài ra chúng ta có thể thi đấu mà không có cầu thủ ngoại và chỉ đá 1 lượt thôi. Cầu thủ nội sẽ được tham gia nhiều, việc tuyển chọn cũng dễ hơn, tránh chấn thương đáng tiếc. Còn nếu V-League không có xuống hạng thì hạng Nhất sẽ ra sao? Tôi đề xuất năm sau áp dụng 2 đội V.League xuống hạng và 2 đội hạng Nhất thăng hạng”, ông Hòa cho biết.
Đại diện hai đội Nam Định và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng có chung quan điểm nếu không có đội xuống hạng thì CLB đỡ áp lực hơn. Các cầu thủ có thể rèn luyện tố chất, phục vụ cho đội tuyển Quốc gia vào dịp cuối năm.
Anh Dũng
LS V-League 2020: Nam Định không ủng hộ, Hà Nội FC bỏ ngỏ thời gian tổ chức lại
Nam Định không ủng hộ phương án tổ chức LS V-League 2020 khi dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, CLB Hà Nội FC đề xuất bỏ ngỏ thời điểm dự kiến V-League trở lại.
Theo kế hoạch, hôm nay (ngày 31/3), VPF cùng 14 đội bóng có cuộc họp trực tuyến để bỏ phiếu quyết định có hay không thông qua đề xuất của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), về việc tổ chức lượt đi giải bóng đá VĐQG LS V-League 2020 tập trung tại 7 sân bóng khu vực miền Bắc.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến do VFF và VPF tổ chức để tìm giải pháp LS V-League 2020 thi đấu trong bối cảnh dịch Covid-19, phần lớn các đội bóng ở khu vực miền Bắc ủng hộ phương án tổ chức V-League của VPF.
4 đội không phản đối nhưng cũng chưa có ý kiến đồng ý thi đấu trở lại từ ngày 15/4 trên các SVĐ phía Bắc. Riêng 3 đội không ủng hộ kế hoạch của VPF trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến trước đó là Nam Định, Bình Dương và Quảng Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thể thao Hà Nội, do miền Bắc có tới 7 đội bóng tham dự V-League nên có thể VPF đưa ra đề xuất đá tập trung tại khu vực này. Tuy nhiên, việc thi đấu ở địa phương nào và thời gian ra sao thì các đội vẫn có thể cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng ở cuộc họp. Điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo sự an toàn sức khỏe của cầu thủ, BHL và các thành phần liên quan.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành CLB Nam Định Trần Thái Toán bày tỏ quan điểm: "Đề xuất thi đấu lượt đi LS V-League 2020 tập trung ở miền Bắc của VPF không hợp lý. Các đội vẫn phải di chuyển rất nhiều. Vẫn có các đội tới từ vùng dịch như Hà Nội, TP.HCM...
Hà Nội và Nam Định có quan điểm trái ngược nhau về ý tưởng thi đấu tập trung của VPF. Ảnh: Hoàng Linh
Nếu đá tập trung hẳn vào một khu thì khác. Còn đá tập trung trên khoảng 7 sân miền Bắc thỉ chỉ khác mỗi không đi máy bay. Các đội vẫn phải di chuyển, vẫn phải thuê khách sạn, ăn, uống, ngủ, nghỉ như bình thường, không có thay đổi và vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Mặt khác, Chính phủ đang cấm không tụ tập đông người, chúng ta lại tụ tập vào một cái sân. Tính cả cầu thủ, BTC cũng gần 200 người".
HLV trưởng Nam Định Nguyễn Văn Sỹ cho rằng không nên vội vàng để LS V-League 2020 khởi tranh trở lại khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ông Sỹ đưa ra đề xuất: "Chúng tôi cũng đề xuất nếu dịch bệnh được Nhà nước khống chế tốt trong thời gian tới, tháng 6 sẽ đá liên tiếp luôn. Mỗi tuần đá 1 trận vẫn có thể xong giải, để các cầu thủ tập trung cho đội tuyển. Những CLB đá Cúp QG thì xen kẽ đá giữa tuần vào thứ Tư hoặc thứ Năm".
Trước đó, hôm 25/3, VPF đã đưa ra phương án tổ chức lượt đi LS V-League 2020 tập trung tại miền Bắc.
14 đội bóng chia làm 3 nhóm, gồm:
- Nhóm các đội được thi đấu trên sân nhà: Hà Nội (Hàng Đẫy), Viettel (Hàng Đẫy), Nam Định (Thiên Trường), Quảng Ninh (Cẩm Phả), Thanh Hóa (sân Thanh Hóa), Hải Phòng (Lạch Tray).
- Nhóm các đội sử dụng sân nhóm 1 làm sân nhà: Quảng Nam (Lạch Tray), Đà Nẵng (Cẩm Phả), SLNA (Thanh Hóa), HAGL (Thiên Trường).
- Nhóm các đội mượn sân trung lập làm sân nhà: TP Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC (Mỹ Đình), Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (PVF), Bình Dương (sân PVF).
Thời gian tổ chức lượt đi là từ 15/4-29/5 hoặc 1/5-28/6. VPF cho biết, ưu điểm của phương án này là sẽ đáp ứng tiêu chí sân nhà, sân đối phương, có quãng nghỉ phù hợp để các cầu thủ đảm bảo thể lực, giảm tải lịch thi đấu giai đoạn 2, tránh giải kết thúc muộn.
Đội tuyển Việt Nam sẽ chủ động được kế hoạch chuẩn bị cho Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020.
2 Với ít nhất 2 nhiệm vụ quan trọng của đội tuyển Việt Nam là vòng loại World Cup và AFF Cup 2020, VFF và VPF đều không muốn hủy bỏ LS V-League 2020
1 Đây là lần đầu tiên trong lịch sử V-League bị tạm hoãn do dịch bệnh
0 Không có giải VĐQG nào ở Đông Nam Á diễn ra trong thời điểm hiện tại
Mạnh Đức
Xoay xở tập luyện chờ V-League Từ ngày 28-3, mọi đội bóng ở V-League và Hạng nhất đều đã ngưng tập luyện theo lệnh cấm tập trung trên 20 người của Thủ tướng Chính phủ Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 28-3, tạm dừng tất cả sự kiện tập trung trên 20 người. Quy định này ảnh hưởng lập tức với bóng đá Việt...