So sánh Snapdragon 855 và Snadragon 845: Sự nâng cấp có đáng giá?
Trong năm nay, vi xử lý tích hợp trên nhiều mẫu smartphone cao cấp sẽ là Snapdragon 855.
Nếu bạn muốn biết con chip này được cải thiện như thế nào so với Snapdragon 845 xuất hiện trên flagship của năm ngoái, hãy tham khảo bài đánh giá do trang Android Authority thực hiện.
1. Thông số kỹ thuật
Một trong những điểm đáng chú ý nhất giữa 2 thế hệ chip là tiến trình xử lý. Cụ thể, Snapdragon 855 là vi xử lý đầu tiên của Qualcomm được sản xuất theo quy trình 7nm FinFET, trong khi quy trình của Snapdragon 845 là 10nm.
Tiến trình 7nm giúp con chip nhỏ hơn, cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng trong khi vẫn nâng cao sức mạnh hiệu năng.
Snapdragon 855 cũng đánh dấu thiết kế CPU 3 cụm đầu tiên của Qualcomm (có tên gọi Prime Core). Thay vì chia làm 2 cụm – 4 lõi lớn và 4 lõi nhỏ như cách truyền thống, nó sử dụng 1 lõi rất lớn, 3 lõi lớn và 4 lõi nhỏ.
Trong đó, lõi rất lớn dùng thiết kế ARM Cortex-A76 với một vài tinh chỉnh của Qualcomm, có tốc độ xung nhịp cao hơn và bộ nhớ cache lớn hơn so với 3 lõi lớn, tạo nên sự cải thiện đáng kể về hiệu năng so với các lõi dựa trên ARM Cortex-A75 của Snapdragon 845.
Về GPU, Qualcomm nâng cấp từ Adreno 630 (Snapdragon 845) lên Adreno 640 (Snapdragon 855). Hãng ước tính hiệu suất giữa các thế hệ có sự cách biệt là 20% nhưng không đưa ra bất kỳ thông tin nào khác về cải tiến đồ họa.
Bảng so sánh thông số Snapdragon 855 – Snapdragon 845 – Snapdragon 835
Những cải tiến đáng chú ý khác của Snapdragon 855 bao gồm khả năng quay video 8K/360 độ cùng với bộ giải mã video H.265 và VP9 làm giảm mức tiêu thụ năng lượng khi phát lại các tệp video chất lượng cao.
Snapdragon 855 cũng giúp tăng hiệu suất AI (trí tuệ nhân tạo) với DSP (bộ xử lý tín hiệu số) Hexagon 690 mới (Snapdragon 845 tích hợp DSP Hexagon 685) bao gồm bộ xử lý Tensor và tăng gấp đôi hiệu suất Vector.
Ngoài ra, Snapdragon 855 có modem X24 LTE cho tốc độ tải xuống 2 Gbps và tốc độ tải lên 316 Mbps, nhanh hơn một chút so với tốc độ tải xuống 1.2 Gbps được cung cấp từ modem X23 LTE trên Snapdragon 845.
Cuối cùng, về khả năng hỗ trợ 5G, các smartphone 5G đầu tiên sử dụng Snapdragon 855 nhưng không đi kèm modem 5G nào trong vi xử lý mà phải sử dụng modem 5G riêng là Snapdragon X50.
2. Điểm benchmark
Các phóng viên của Android Authority đã thực hiện một loạt bài test trên Samsung Galaxy S10 , Xiaomi Mi 9 và thiết bị tham chiếu của Qualcomm chạy chip Snapdragon 855 rồi so sánh với các sản phẩm thuộc thế hệ trước dùng chip Snapdragon 845. Sau đây là kết quả họ ghi nhận được.
Video đang HOT
Trong đó, điểm AnTuTu cung cấp cho chúng ta cái nhìn về hiệu năng hệ thống tổng thể, điểm Geekbench mô tả chi tiết hơn về hiệu suất CPU đơn lõi và đa lõi, còn điểm 3DMark thể hiện khả năng của GPU.
Điểm AnTuTu
Điểm Geekbench (đơn lõi)
Điểm Geekbench (đa lõi)
Điểm 3D Mark
Tính trung bình cho tất cả các thử nghiệm, khả năng của CPU (đơn lõi) trên Snapdragon 855 có bước nhảy vọt lớn nhất, tăng 46% so với Snapdragon 845. Đây là hệ quả của thiết kế CPU Kryo 485 dựa trên Cortex-A76 mới với lõi đơn rất lớn cung cấp tốc độ xung nhịp cao hơn và bộ đệm L2 512 kb lớn hơn mức 256 kb của ba lõi lớn.
Hiệu suất đa lõi của Snapdragon 855 tăng ít hơn nhưng vẫn ở tỷ lệ khá ấn tượng: 29%. Ở khía cạnh này, một lần nữa, các lõi lớn dựa trên Cortex-A76 mới cung cấp hiệu năng cao hơn so với các lõi dựa trên Cortex-A75 của Snapdragon 845 dù có tốc độ xung nhịp thấp hơn.
Hiệu suất GPU trên Snapdragon 855 không ấn tượng bằng, dẫu đây vẫn là một bản nâng cấp đáng chú ý với mức cải thiện 19% – có thể nâng cao độ mượt mà của khung hình trên các trò chơi đòi hỏi khắt khe hơn.
Với hiệu năng hệ thống dựa trên AnTuTu, Snapdragon 855 nhanh hơn Snapdragon 845 khoảng 29%. Tất nhiên, những điểm chuẩn vừa nêu không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác mọi thứ diễn ra trong thế giới thực. Đồng thời, có những yếu tố quan trọng khác không được xét đến ở đây như hiệu suất AI và mã hóa/giải mã video.
Kết
Điểm số của Snapdragon 855 rõ ràng là rất tốt và nhỉnh hơn đáng kể so với Snapdragon 845, nhưng chúng ta khó có thể phàn nàn rằng các thiết bị dùng chip Snapdragon 845 chạy chậm.
Có thể các game thủ sẽ nhận ra tốc độ khung hình cao hơn trên điện thoại chạy Snapdragon 855, nhưng câu hỏi đặt ra là người dùng thông thường sẽ cảm nhận sự khác biệt như thế nào?
So với Snapdragon 845, Snapdragon 855 được cải tiến khả năng của máy học và tính toán siêu tốc, mở ra cơ hội để phát triển tính năng nhận diện đối tượng và phát hiện khuôn mặt theo thời gian thực ưu việt, hỗ trợ tốt cho thực tế hỗn hợp và tăng cường.
Bên cạnh đó, con chip CV-ISP mới (xử lý tín hiệu hình ảnh) đủ mạnh để thực hiện hiệu ứng làm mờ nền trên video 4K HDR ở tốc độ 60 fps cũng như theo dõi đối tượng và cơ thể cho VR (thực tế ảo).
Kết hợp với khả năng xử lý hình ảnh tốt hơn, âm thanh Bluetooth vượt trội thông qua aptX Adaptive và hỗ trợ quay video 8K, Snapdragon 855 chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn so với Snapdragon 845.
Tuy nhiên, trải nghiệm trên một chiếc smartphone cụ thể của người dùng (từ đó dẫn đến quyết định có nâng cấp hay không) sẽ phụ thuộc vào những gì đối tác của Qualcomm – tức các hãng smartphone triển khai với sản phẩm. Bởi ngoài một con chip mạnh mẽ, việc tùy biến phần mềm để tối ưu sức mạnh phần cứng là yếu tố rất quan trọng mà không phải công ty nào cũng thực hiện giống nhau.
Theo Thế Giới Di Động
So sánh Windows 7 và Windows 10: Đã đến lúc nâng cấp ngay
Windows 10 mới đây đã chính thức vượt mặt Windows 7 để trở thành hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới.
Tuy nhiên để làm được điều này, Windows 10 đã mất không ít thời gian kể từ khi ra mắt, nguyên nhân là nhiều người dùng vẫn trung thành với Windows 7.
Windows 7 có một chỗ đứng khá vững chắc trong lòng người tiêu dùng, đó là lí do mà nhiều người vẫn sử dụng hệ điều hành này mặc cho có rất nhiều phiên bản nâng cấp đã được tung ra. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem Windows 10 và Windows 7 có gì khác nhau và bạn nên sử dụng phiên bản nào qua những chia sẻ của Digital Trends nhé.
1. Giao diện: Menu Start và các ứng dụng
Tương tự các phiên bản trước như Windows XP và Windows 98, Windows 7 có giao diện người dùng quen thuộc, đơn giản và dễ hiểu. Bạn chỉ cần nhấn vào nút Start là đã có thể tìm kiếm được các chương trình, thậm chí là truy cập máy in hoặc các cài đặt và trình điều khiển. Nhìn chung, thiết kế này không gây bất cứ cản trở nào cho người dùng trong việc sử dụng.
Trong khi đó, Windows 10 lại được bổ sung thêm khả năng thay đổi màu sắc và tùy chỉnh các thành phần trong menu Start. Phiên bản hệ điều hành này cũng được tích hợp tính năng Live Tiles tương tự trên Windows 8. Ngoài ra, bên cạnh việc có thể được cài đặt trực tiếp dưới dạng tệp .exe, một số ứng dụng trong Windows 10 còn được tải xuống thông qua một nền tảng được gọi là Microsoft Store.
Giống như App Store trên iPhone, bạn có thể tải xuống Instagram, Twitter, Facebook, Netflix và nhiều hơn thế nữa cho PC từ Microsoft Store. Điều này giúp cho việc truy cập một số dịch vụ phổ biến nhanh và dễ dàng hơn, đồng thời tối ưu hóa hơn cho các thiết bị màn hình cảm ứng. Đó là điều mà Windows 7 không thể làm được.
2. Các tính năng: Thông báo, tìm kiếm, trợ lí ảo Cortana
Windows 10 có một trung tâm thông báo chuyên dụng được gọi là Action Center. Nếu ở trên Windows 7, các thông báo thường xuất hiện trên thanh tác vụ thì với Windows 10, chúng sẽ đặt trong một khu vực được sắp xếp gọn gàng và rõ ràng.
Action Center trong Windows 10 sẽ hiển thị thông báo về thông tin hệ thống và email quan trọng, đồng thời cho phép bật/tắt nhanh để tăng độ sáng màn hình, chia sẻ tệp, cài đặt mạng,...
Sự khác biệt quan trọng khác giữa Windows 7 và Windows 10 là việc bổ sung trợ lí ảo Cortana. Trợ lý này có thể hỗ trợ bạn trong một số tác vụ nhất định như theo dõi tỉ số trận đấu, thời tiết và gửi email,... Cortana cũng được tích hợp trong trình duyệt web Microsoft Edge độc quyền trên Windows 10.
Trình duyệt web này hiện đại hơn so với Internet Explorer 11 trên Windows 7 với việc hỗ trợ các tiện ích mở rộng như chặn quảng cáo, đồng thời đồng bộ hóa với điện thoại giúp bạn có thể xem tiếp các trang web từ điện thoại và các thiết bị khác.
Đối với tính năng tìm kiếm, Cortana cũng được tích hợp vào công cụ Search trên Windows 10. Tuy nhiên Microsoft đang tách dần trợ lí này ra, làm cho Search trên Windows 10 có phần giống với Windows 7 nhưng có khả năng tìm kiếm mạnh mẽ hơn.
3. Hỗ trợ và bảo mật
Theo các nguồn tin gần đây, Microsoft sẽ ngưng hỗ trợ cho Windows 7 sau khoảng một năm nữa. Điều đó có nghĩa là việc nâng cấp Windows 10 là cách tốt nhất để đảm bảo thiết bị của bạn được an toàn trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ virus.
Microsoft thường cung cấp các bản cập nhật lớn cho Windows 10 khoảng hai lần một năm với các bản vá bảo mật. Trong vài năm qua, Windows 10 đã nhận được các tính năng mới như khả năng đồng bộ hóa các hoạt động của bạn trên các thiết bị với Windows, tiếp tục sử dụng các hoạt động trên điện thoại Android bằng PC.
4. Khả năng tương thích và chơi game
Windows 7 được đánh giá là có khả năng tương thích ứng dụng tốt hơn so với Windows 10. Các ứng dụng phổ biến như Photoshop, Google Chrome,... có thể hoạt động trên cả Windows 10 và Windows 7, tuy nhiên một số phần mềm cũ của bên thứ ba lại hoạt động tốt hơn trên hệ điều hành cũ.
Microsoft đang thực hiện một số biện pháp để loại bỏ khả năng tương thích trong Windows 7. Ví dụ, phần mềm Office 2019 mới của hãng sẽ không hoạt động trên Windows 7. Chúng ta cũng gần như không thể tìm thấy một máy tính xách tay Windows 7 mới vào năm 2019.
Đối với việc chơi game, Windows 10 hỗ trợ tác vụ này tốt hơn với công cụ Xbox, cho phép bạn truyền phát nội dung từ Xbox One sang PC, đồng thời bạn có thể tìm thấy các trò chơi phổ biến của Microsoft như Forza 7 hoặc State of Decay để tải xuống ngay trong Microsoft Store trên Windows 10.
Ngoài ra, Windows 10 còn hỗ trợ DirectX 12, công nghệ giúp hiển thị video và âm thanh trong Windows 10 giúp trải nghiệm tựa game mới hơn.
Tạm kết: Đã đến lúc bạn cần nâng cấp lên Windows 10
Có thể bạn sẽ yêu thích sự đơn giản, gọn nhẹ của Windows 7, tuy nhiên trong thời buổi các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng cao, bạn cần phải xem xét kỹ. Tuy không hoàn hảo nhưng Windows 10 hiện đang là một lựa chọn tốt nhất để bạn có thể có những trải nghiệm tốt hơn cùng tính bảo mật cao.
Theo Thế Giới Di Động
Microsoft sắp tung thông báo ngừng hỗ trợ Windows 7 Microsoft đang lên kế hoạch đẩy thông báo tới người dùng Windows 7 nhằm cảnh báo họ về việc hệ điều hành này sắp bị ngừng hỗ trợ. Windows 7 sẽ không còn được hỗ trợ kể từ ngày 14.1 năm sau - Ảnh: AFP Theo Theverge, gã khổng lồ phần mềm sẽ ngừng hỗ trợ Windows 7 vào ngày 14.1.2020, vì vậy...