Số phận éo le của cựu chiến binh Sư đoàn 356
Người chiến sỹ của Sư đoàn 356 oai hùng ngày nào nay đã mất hết những khả năng của người bình thường, anh nằm một chỗ, không cười không nói, chỉ thỉnh thoảng lăn dòng nước mắt mỗi khi biết người vợ tần tảo đang chăm sóc mình…
Khi theo chân những cựu chiến binh của Sư đoàn 356 đi viếng mộ đồng đội, chúng tôi tình cờ biết được hoàn cảnh éo le của anh thương binh Đỗ Đình Thành.
Tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1983, đến tháng 4/1985, trong chiến dịch chiếm lại điểm cao 1509 tại mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Tuyên, nay là Hà Giang), anh bị trúng mìn M79 làm cụt một chân, khi ấy anh Thành mới 23 tuổi.
2 năm sau khi bị thương, cuộc đời mỉm cười với anh khi gặp được chị Lừng, người con gái đảm đang nhanh nhẹn. Rồi anh chị nên duyên vợ chồng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ một năm sau ngày cưới, anh bị tai biến rồi nằm liệt một chỗ. Mọi công việc đổ lên người vợ.
Người chiến sỹ của Sư đoàn 356 oai hùng ngày nào nay đã mất hết những khả năng của người bình thường, anh nằm một chỗ, không cười không nói, chỉ thỉnh thoảng lăn dòng nước mắt mỗi khi biết người vợ tần tảo đang chăm sóc mình.
Trong dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ ấm tình đồng đội, các cựu chiến binh (CCB) của Sư đoàn 356 có nhiều hoạt động thăm hỏi đồng đội, dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ. Hình ảnh các CCB Sư đoàn 356 dâng hương tại Đài liệt sỹ xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm TP Hà Nội.
Tất cả CCB đều là lính của Sư đoàn 356, từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, trong đó rất nhiều người không còn nguyên vẹn thân thể khi trở về.
Chị Lừng vợ thương binh Đỗ Đình Thành cảm động trước tấm lòng của những người đồng đội cũ của anh. Anh Thành là thương binh hạng 3/4 hiện nằm liệt một chỗ vì bị tai biến năm 2008.
Anh Thành thuộc C2 D7 E149 F356, bị trúng mìn M79 trong khi đang chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên trong chiến dịch chiếm lại điểm cao 1509. Người áo sẫm ngồi cạnh anh chính là y tá Nguyễn Chiến Thắng đã phát hiện và sơ cứu cho anh ở thời điểm anh bị thương.
Những đồng đội đã bật khóc khi nhìn thấy hình dáng tiều tụy của anh Thành. Gia đình anh có 2 con trai, người con lớn thường xuyên bỏ nhà đi và để lại cho anh chị nuôi một đứa cháu gái 5 tuổi. Vợ anh – chị Lừng – làm đủ mọi công việc để lấy tiền trang trải cho gia đình.
Video đang HOT
Chị Lừng làm rất nhiều nghề và hiện tại đang làm giúp việc, lương tháng được 3 triệu đồng. Tất cả chi phí của gia đình đều trông vào khoản lương này cùng với tiền trợ cấp thương tật của anh Thành là 1,7 triệu đồng.
Anh Thành thường xuyên phải đi viện, có năm vào viện đến 3 lần. Cũng vì quá eo hẹp nên chị Lừng rất lo lắng mỗi khi vào viện chăm sóc anh, chị sợ bị mất việc thì không lấy tiền đâu để nuôi anh, nuôi con, nuôi cháu.
Anh Thành đã nằm một chỗ 3 năm nay, không nói được, mọi sinh hoạt đều ở trên giường. Sáng sớm chị cho anh ăn rồi chuẩn bị mọi thứ xong xuôi rồi mới tất tả đi làm, anh ở nhà một mình.
Anh Thành đã bị tai biến đến 5 lần, hiện tại việc ăn uống, thuốc thang đều phải truyền qua ống xông.
Sau khi đã tương đối tự nhiên hơn trước chúng tôi sau một thời gian tiếp xúc, chị Lừng thú thật, sáng nay còn đúng 80 nghìn để đi chợ, “may quá có mấy anh đồng đội cũ của anh Thành đến thăm hỏi và cho quà, nếu không thì hôm nay tôi đã phải đi vay tiền rồi”.
Chị Lừng kể đã có lần làm đơn xin miễn giảm học phí cho cháu vì hộ nghèo nhưng không được, vì gia đình chưa “đạt chuẩn” nghèo. Hình ảnh 2 bà cháu lủi thủi chơi đùa vào buối tối, sau khi mọi công việc đã xong.
Anh Thành cảm động với hơi ấm của tình đồng đội và sự tần tảo của người vợ.
Hữu Nghị
Theo Dantri
Về lại Thành Cổ, rưng rưng cảm xúc những ngày tháng 7!
Trở về Thành Cổ để tri ân những đồng đội đã ngã xuống nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh, liệt sĩ, đứng trước anh linh của những người đã khuất, nhiều cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Thành Cổ đã không giấu được cảm xúc lẫn những dòng nước mắt.
Song song với nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức trên cả nước nhằm ghi nhớ công lao của các vị anh hùng, liệt sĩ, Hội chiến sĩ Thành Cổ đã thực hiện chuyến hành trình về lại chiến trường xưa, về với đồng đội đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong dòng người trở về Thành Cổ để tri ân các anh hùng, liệt sĩ dịp này, chúng tôi may mắn được trò chuyện với các cựu chiến binh - những người từng tham gia chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị những ngày tháng ác liệt năm 1972.
Những cựu chiến binh Trung đoàn 48 thăm lại Thành Cổ và giây phút hồi tưởng lại quá khứ
Chia sẻ với phóng viên, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đơi (thuộc Trung đoàn 48, đơn vị từng góp mặt trực tiếp trong trận chiến tại Thành Cổ) bày tỏ: "Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại đây để dâng hương tri ân các đồng đội của mình. Lần nào trở về đây chúng tôi cũng mang nhiều cảm xúc khó tả, lẫn sự day dứt. Thành cổ Quảng Trị ngày ấy là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Trong những năm tháng chiến đấu tại đây, nhiều đồng đội của chúng tôi đã anh dũng ngã xuống, phần lớn không giữ được hình hài nguyên vẹn. Máu, xương của các anh đã hoà vào lòng đất, bất tử với thời gian".
Thành Cổ Quảng Trị - địa danh đã in đậm trong tâm thức của biết bao người dân Việt Nam. Mảnh đất ấy cũng được đề cập trong rất nhiều tài liệu lịch sử và được nhắc đến nhiều lần với cuộc chiến 81 ngày đêm "mùa hè đỏ lửa năm 1972". Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.
Dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Thành Cổ
Lật lại dòng ký ức, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Lai bồi hồi kể lại trận đánh khốc liệt với địch tại khu vực nhà thờ Trí Bưu, một căn cứ nằm sát Thành Cổ: "Khoảng 4h30 sáng ngày 5/8/1972, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 nhận được lệnh phối hợp với các lực lượng khác đánh vào khu vực Trí Bưu. Sở dĩ quân ta tấn công trước vì nắm bắt được ý định của địch sẽ tổ chức phản kích để chiếm lại Thành Cổ. Lúc đó, so về tương quan lực lượng, ta chỉ có 1 Tiểu đoàn, còn lực lượng của địch rất tinh nhuệ, chủ yếu là lính thủy quân lục chiến, lính dù với trang bị vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, với quyết tâm phải giữ được Thành Cổ, anh em chúng tôi đã sát cánh bên nhau chiến đấu. Trong trận đánh ấy, lực lượng của ta bị tổn thất khá nhiều, một số anh em chiến sĩ dù bị thương nhưng vẫn nắm chắc tay súng và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch đã diễn ra vô cùng ác liệt. Cùng với các đơn vị bạn, anh em cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 đã kiên cường đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Đến khoảng hơn 7h sáng cùng ngày, ta đã chiếm giữ được khu vực này an toàn".
Các cựu chiến binh chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài Thành cổ
Sau bao nhiêu năm, những ký ức về trận chiến năm xưa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thạch Hãn), thuộc Sư đoàn 320B. Thắp nén nhang tri ân những đồng đội đã hy sinh, các cựu chiến binh đã không cầm được những dòng nước mắt.
Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, trong trận chiến 81 ngày đêm khói lửa ấy, Mỹ - Ngụy đã sử dụng một lượng bom đạn hết sức khổng lồ. Riêng ở khu vực thị xã Quảng Trị, tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Thành Cổ Quảng Trị chỉ rộng 3 km2 và vùng ven có ngày phải chịu hơn hai vạn quả đạn đại bác cỡ lớn.
Chia sẻ về cảm xúc của mình khi trở lại thăm Thành Cổ, cựu chiến binh Trần Du Lịch nói: Chiến tranh đã đi qua 40 năm, Thành cổ Quảng Trị bây giờ cũng thay đổi nhiều quá. Nhưng ít ai biết rằng, dưới những thảm xanh của cây cỏ là xương cốt của biết bao cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống. Các anh đã chiến đấu, đã cống hiến và hy sinh vì nền độc lập, thống nhất.
Màu xanh đã trở lại trên mảnh đất "chết" Thành Cổ
Đến thăm Thành cổ, chợt nhớ đến những tâm sự chất chứa biết bao cảm xúc của cựu chiến binh Phạm Đình Lân (Hà Nội). Chỉ qua mấy dòng thôi nhưng sao thấy lòng nghẹn ngào.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.
Để tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, trong những năm qua, ngành Văn hóa và chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng Thành Cổ trở thành một công viên văn hoá, tưởng niệm và tri ân, tôn vinh những người đã vĩnh viễn nằm xuống.
Kính cẩn dâng hương tri ân các liệt sĩ
Cách Thành Cổ chỉ vài bước chân, dòng sông Thạch Hãn - nơi đã ghi dấu nhiều đau thương trong trận chiến Thành Cổ 81 ngày đêm, cũng đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình ý nghĩa như: Đền tưởng niệm, Nhà hành lễ, Bến thả hoa và Quảng trường...ngay tại khu vực bến vượt, ngày trước bộ đội tập kết lực lượng và vượt sông Thạch Hãn để chiến đấu, bảo vệ Thành cổ. Những việc làm ý nghĩa ấy đã góp phần sưởi ấm linh hồn của những người đã cống hiến vì nền hòa bình của đất nước hôm nay.
Vào các dịp lễ, người dân lại thả đèn, hoa tri ân các liệt sĩ đã hy sinh trên sông Thạch Hãn
Tháng 7 về lại Thành cổ, dâng những nén nhang viếng các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ, lòng chúng ta lại trào dâng biết bao cảm xúc bồi hồi. Thành Cổ Quảng Trị, nơi từng được xem là mảnh đất "chết" đang hồi sinh từng ngày. Những màu xanh ngút ngàn của cây cỏ như làm dịu đi những nỗi đau thương, mất mát, dẫu cho những nỗi đau ấy vẫn luôn in đậm trong ký ức của mọi người, không dễ gì quên.
Đăng Đức
Theo dantri
Những hình ảnh xúc động trong kỳ thi THPT quốc gia Ông bố nghèo tranh thủ đánh giày cho khách trong lúc chờ con thi, thí sinh bị liệt được cha mẹ và thanh niên tình nguyện cõng vào phòng thi... là những hình ảnh có sức lay động lòng người trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Cùng Dân trí điểm lại những hình ảnh xúc động và ấn tượng này. Cậu...