Số phận bi thảm của ‘thần đồng’ bóng đá
Thằng bé lai đá bóng rất hay ở giải nhi đồng bị ruồng bỏ, lêu lổng ngoài bến xe vì người lớn sợ đổ bể chuyện gắn tên giả…
Tại giải nhi đồng toàn quốc 1998, đội nhi đồng Gia Lai giới thiệu nhiều gương mặt hứa hẹn như Thái Dương, Rơ Lan Dem, Hồ Văn Thuận… Nổi bật nhất trong đám cầu thủ nhí là thần đồng Trần Thế Vọng. Vọng được cả nước hồi đó gọi là Owen bởi gương mặt lai, nhỏ nhắn, nhưng rất nhanh và có động tác đi bóng làm ngỡ ngàng nhiều người.
Sau khi đoàn Gia Lai có tấm HC bạc toàn quốc giải nhi đồng, các cậu bé Gia Lai đã được tiếp đón như những người hùng khi về phố Núi. Các báo đài khi ấy đổ về Pleiku làm phóng sự về đội hạng nhì, nhưng ấn tượng nhất giải bởi lối chơi hồn nhiên. Thế nhưng, trong số các em bé hồn nhiên trong lễ mừng công lúc đó, gương mặt được cả nước thích nhất – Trần Thế Vọng – lại chẳng hồn nhiên chút nào.
Những giải sau rồi lên đến các giải U, bé Vọng hoàn toàn mất tích dù các bạn cùng lứa đoạt HC bạc 1998 với em vẫn còn gần như đầy đủ. Hỏi đến cái tên ấy, các thầy và người lớn chỉ nói cho qua: “Vọng nó hư lắm. Bỏ thầy, bỏ bạn, bỏ đá bóng và lêu lổng suốt ngày…”. Ánh mắt và lời nói cho qua của người lớn khiến chúng tôi sinh nghi và quyết tìm cho bằng được cậu bé thần đồng bóng đá bị mất tích. Đầu năm 2005, nhóm phóng viên tình cờ gặp cầu thủ Thái Dương (cùng lứa với Vọng) đang tập trung đội trẻ quốc gia. Hỏi thăm, thì được biết Vọng có những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai, nên mới hư.
Video đang HOT
Thật lạ khi Vọng nổi tiếng là thế mà đến Sở TDTT, Trường Nghiệp vụ, lớp năng khiếu, ai cũng ậm ờ về Vọng. Truy mãi thì được hồ sơ có cái tên Trần Thế Vọng từng đá Giải nhi đồng 1998 là học sinh ở huyện Mang Yang. Đến Mang Yang, đi sâu vào buôn làng, tìm mãi mới ra nhà Thế Vọng, nhưng hỡi ôi, cậu bé trước mặt lại không phải là Vọng “lai” đá bóng thật hay. Ngay cả cha mẹ em là nông dân cũng nói tên đúng, lớp đúng, hồ sơ cũng đúng, nhưng chỉ có mỗi chuyện đi đá bóng cho đội tuyển thì không phải… Vậy là một phần của những câu trả lời ậm ờ về “Vọng bây giờ hư lắm” đã có lời giải. Vọng thật chẳng biết gì về bóng đá cả và cũng không biết có người đã mang hồ sơ, tên tuổi mình đi thi đấu rồi thành một nhân vật nổi tiếng của cả nước…
Nguyễn Minh Thành ở bến xe Hoa Lư (Pleiku).
Chuyện tìm thần đồng bóng đá lúc ấy chắc chắn không thể nào qua “kênh” Sở TDTT và Trường năng khiếu nữa rồi. Thế là cả nhóm phóng viên chia nhau tìm ở những nơi đông đúc như chợ, các sân bóng phủi, khu vui chơi, bến xe và cả lân la tìm từ các cầu thủ cùng trang lứa từng đá bóng với Vọng. Manh mối bắt đầu từ một nguồn tin của cầu thủ năng khiếu cùng lứa với Vọng: “Ra bến xe Hoa Lư hỏi thì ai cũng biết nó. Chỉ có mình nó lai và phụ các tài xế ở đó thôi”.
Quả thật, đến bến xe Hoa Lư hỏi Vọng “lai” đá bóng thì ai cũng biết. Nhóm phóng viên phục từ 3h sáng theo lời dặn thì quả nhiên lúc 4h, thấy một cậu bé đang đưa chiếc ôtô 16 chỗ ra bến nhận hàng với thao tác rất thuần thục. “Vọng”. Nghe có người kêu đúng tên thời đá bóng của mình, Vọng “đứng hình” rồi lát sau lại cúi mặt chuyển hàng. Chúng tôi bắt chuyện và nói thẳng ý định muốn đưa em về lại với bóng đá, thì cậu bé thoáng suy tư, rồi nói: “Người ta đuổi em ra đường rồi, giờ sao còn cửa đá bóng nữa hở các anh…”.
Câu chuyện cứ bị ngắt quãng khi Vọng phải lo chất hàng và bắt khách để xe chạy tuyến Pleiku – Kon Tum lúc 5h sáng. Vọng hẹn vội sau 11h xe trở về bến thì đến nhà nói chuyện tiếp…
Đúng hẹn, chúng tôi đến nhà, chị Dương Thị Thu – mẹ của Vọng – cho biết: “Giá mà cháu đừng đi đá bóng thì hơn. Cháu là Thành, Nguyễn Minh Thành, nhưng vì quá tuổi nên người ta gắn cho cháu tên của em Vọng nào đó rồi bắt cháu học thuộc để đi đá bóng. Nào ngờ, cháu nổi tiếng quá và người lớn sợ liên lụy khi bị phát hiện ra sự thật nên ruồng bỏ cháu. Thế rồi, cháu lêu lổng ngoài đường khi không được cho đá chung với đám bạn, rồi hư hỏng. Mình tôi không kiểm soát cháu được. Lại cũng không biết cháu thất vọng với người lớn ruồng bỏ mình. Chỉ nghe cháu nói người ta không cho con chơi chung nữa vì không thể khai lại tên thật cho con… Rồi cháu ra làm phụ xế, trong khi bạn bè cùng lứa cháu có em đã lên đội tuyển trẻ tập trung ở Sài Gòn. Mấy lần nghe cháu nhắc đến đám bạn đó, thấy nó buồn lắm. Rồi còn tập tành hút thuốc, uống rượu nữa… Sao tôi khổ với con quá…”.
Khi nói chuyện với Vọng, biết em ao ước trở lại với sân bóng, nhưng không muốn gắn với cái tên Vọng nữa, nhóm phóng viên có ý đưa em về Thành Long xin bầu Hưng cho em tập hoặc gửi về đội Thép miền Nam Cảng Sài Gòn. Nghe thế, thần đồng mừng chảy nước mắt. Em hứa với chúng tôi sẽ bỏ thuốc và sẽ tập lại đàng hoàng rồi còn hỏi: “Ai cũng gọi em là Vọng, giờ làm cầu thủ với cái tên Nguyễn Minh Thành có được không”.
Cả nhóm đang tìm cách đưa em về Sài Gòn thì chợt gặp bầu Đức. Ông hỏi chuyện và lắng nghe không thiếu một chi tiết nào xong năn nỉ ngược lại chúng tôi: “Nó là nhân tài ở Gia Lai, chẳng lẽ Gia Lai không nuôi nổi nó sao. Ai bỏ thì bỏ, hoặc người lớn ai làm sai với nó phải chịu trách nhiệm. Riêng tôi, muốn xin các anh cho tôi được đưa nó về Hàm Rồng tập với các cầu thủ trẻ HAGL và có lương, có chế độ đàng hoàng”. Thế là một cuộc bàn giao chớp nhoáng được thực hiện. Thằng bé mừng ra mặt cứ như được sinh ra lần hai. Nhóm phóng viên rời Pleiku mà mặt ai cũng vui vì tìm được một thần đồng lại giao cho đúng nơi biết quý nhân tài…
Bia mộ của Nguyễn Minh Thành có mở ngoặc Thế Vọng.
Về với HAGL không bao lâu thì buổi chiều 26/11/2005, ngay sau trận bán kết giữa Việt Nam và Malaysia tại SEA Games 23, Minh Thành bị tai nạn giao thông khi đang điều khiển xe máy trên đường phố Pleiku. Tai nạn ấy vĩnh viễn cướp mất mạng sống của cầu thủ từng một thời được người lớn gắn cho cái mác “thần đồng bóng đá”. Phần mộ của em, ngoài hai quả bóng đặt trước mộ, còn có tấm bia ghi tên Nguyễn Minh Thành và mở ngoặc Thế Vọng.
Theo VNE