Số người chết do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria tăng lên gần 5.000
Theo hãng tin Reuters và AFP, tính đến 15h00 ngày 7/2 (giờ Hà Nội), số người thiệt mạng trong thảm họa động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới gần 5.000 người, trong đó tại Thổ Nhĩ Kỳ là 3.381 người và tại Syria là hơn 1.600 người.
Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này.
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng sau trận động đất tại Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày 7/2, thêm nhiều nước tuyên bố gửi hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và cử các đội cứu nạn-cứu hộ đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của trận động đất khiến hàng nghìn người thiệt mạng xảy ra một ngày trước đó.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này có kế hoạch hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp 5 triệu USD và cử khoảng 110 nhân viên đến Thổ Nhĩ Kỳ để giúp tìm kiếm và cứu nạn sau thảm họa động đất xảy ra ngày một ngày trước đó khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Theo người phát ngôn bộ trên Lim Soo-suk, nhóm nhân viên hỗ trợ gồm hơn 60 người thuộc Đội cứu trợ thiên tai Hàn Quốc và 50 nhân viên quân sự. Hàn Quốc cũng sẽ huy động máy bay vận tải quân sự vận chuyển vật tư y tế đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã yêu cầu chính phủ nước này nhanh chóng cử nhân viên cứu trợ và vật tư y tế đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Park Jin đã cam kết với Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Seoul Murat Tamer rằng Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đang cân nhắc cử máy bay tiếp dầu KC-330 đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Pakistan, giới chức nước này cho biết đã gửi hàng cứu trợ cũng như đội ngũ y tế và cứu hộ đến các khu vực bị động đất tàn phá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Pakistan đã cử 2 đội, trong đó 1 đội gồm các chuyên gia về tìm kiếm và cứu hộ khu vực đô thị, chó nghiệp vụ và thiết bị tìm kiếm nạn nhân, và 1 đội nhân viên y tế gồm bác sĩ quân y, y tá, kỹ thuật viên, bệnh viện dã chiến 30 giường bệnh, lều bạt, chăn màn và các mặt hàng cứu trợ khác. Các đội cứu trợ này sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi hoàn thành các hoạt động cứu nạn-cứu hộ.
Văn phòng Thủ tướng Pakistan cho biết nước này sẽ tiếp tục cử các đội cứu hộ và hàng viện trợ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Từ ngày 8/2, mỗi ngày có 1 chuyến bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan PIA chở 15 tấn hàng cứu trợ nhân đạo từ Pakistan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 7/2 cũng cho biết sẽ hỗ trợ 10 triệu AUD (6,94 triệu USD) cho các nạn nhân bị ảnh hưởng của động đất tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria. Ông Albanese cũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Cùng ngày, Chính phủ New Zealand cũng thông báo sẽ cung cấp 1,5 triệu NZD (950.000 USD) cho các hoạt động ứng phó của Hội chữ Thập đỏ và Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Thổ Nhĩ Kỳ (IFRC).
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết khoản viện trợ có thể sẽ được cung cấp nhiều hơn, nếu cần thiết. Bà Mahuta cho biết New Zealand vô cùng đau buồn trước những thiệt hại về người và sự tàn phá khủng khiếp do trận động đất gây ra. Mọi người dân New Zealand đều hướng về các nạn nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Thảm họa động đất: Ám ảnh ánh mắt bé gái mất cả gia đình
Trong đoạn clip được The Guardian trích từ Twitter của Giám đốc Viện Trung Đông Charles Lister, một cô bé mặt đầy thương tích đang ngơ ngác ăn quả chuối giữa những tiếng nấc nghẹn, không biết mình vừa mồ côi sau thảm họa động đất.
Giám đốc Viện Trung Đông (tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Mỹ) Charles Lister viết trên Twitter về cô bé người Syria: 'Toàn bộ gia đình của đứa trẻ này đã thiệt mạng trong động đất. Bằng một phép màu nào đó, cô bé đã sống sót, nhưng đã trở thành trẻ mồ côi'.
Cô bé người Syria này vừa mất cả gia đình trong động đất - Ảnh: TWITTER
Khung cảnh trong đoạn phim cho thấy đó là một bệnh viện, với tiếng nấc, tiếng rên của một hoặc một vài phụ nữ xung quanh, trong khi cô bé với khuôn mặt đầy thương tích dường như còn quá nhỏ để hiểu được thực tại.
Trong một đoạn clip khác, một người đàn ông ở thị trấn biên giới Jenderes của Syria ôm chặt một đứa trẻ trong tay, liên tục cảm ơn Thượng Đế vì đã cứu được đứa con của mình. Nhưng một số người khác không may mắn như ông.
Người đàn ông Syria ôm con trai ra khỏi đống đổ nát - Ảnh: TWITTER
Hai người đàn ông ôm lấy nhau vì tuyệt vọng. Họ nghe thấy âm thanh từ gia đình mình bên dưới đống đổ nát nhưng không có ai hoặc phương tiện gì tại chỗ để có thể giúp họ đưa gia đình ra ngoài - Ảnh: TWITTER
Trong một video khác từ Thổ Nhĩ Kỳ, đoạn clip cầu cứu quay cảnh một ngôi nhà vỡ nát dưới chân và giọng một người đàn ông vừa khóc vừa cầu xin: 'Làm sao tôi có thể tìm thấy cha mẹ tôi ở đây? Làm ơn cử một đội tới, tôi cần một chiếc cần cẩu'.
Tường thuật từ hiện trường, phóng viên Reuters cho biết dưới một đống đổ nát ở tỉnh Hatay - Thổ Nhĩ Kỳ, có thể nghe thấy giọng phụ nữ đang kêu cứu.
Gần đó là thi thể một đứa trẻ và một người dân địa phương tiên Deniz đang khóc dưới mưa tuyết: 'Họ đang kêu gào nhưng không có ai đến. Chúng tôi sẽ cứu họ bằng cách nào đây? Không có ai từ sáng'.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đợi tin người thân bên cạnh đống đổ nát ở Iskenderun hôm 6-2 - Ảnh: REUTERS
Một đứa trẻ đầy thương tích được nhân viên cứu hộ bế chạy qua đống đổ nát ở Syria - Ảnh: REUTERS
Nhiệt độ hôm 7-2 gần như đóng băng chỉ sau một đêm kể từ lúc thảm họa xảy ra, khiến tình trạng của những người bị mắc kẹt và người vô gia cư càng tồi tệ hơn.
Tại một đống đổ nát khác ở TP Iskenderun - Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ đang trèo lên nơi từng là khoa hồi sức của một bệnh viện. 'Chúng tôi có một bệnh nhân được đưa vào phẫu thuật nhưng chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra' - một phụ nữ tên Tulin khóc. Các nhân viên y tế của bệnh viện bị tàn phá vẫn đang cố gắng giúp đỡ những bệnh nhân bị thương.
Bệnh nhân Cennet Sucu được giải cứu khỏi đống đổ nát của bệnh viện bị sập sau trận động đất ở Iskenderun - Ảnh: REUTERS
Người dân Osmaniye - Thổ Nhĩ Kỳ chịu đựng cái lạnh trên dưới 0 độ C trong một căn lều tạm sau động đất - Ảnh: REUTERS
Ông Raed ak-Saleh của tổ chức White Helmets Syria, một tổ chức cứu hộ trong phần lãnh thổ do phiến quân nắm giữ ở Syria, vẫn cùng đồng đội cố đưa người dân khỏi các tòa nhà bị tàn phá, cho biết họ đang chạy đua với thời gian.
'Cơ sở hạ tầng, đường sá bị hư hại, chúng tôi phải tìm những cách khác để tiếp cận người dân' - điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc El-Mostafa Benlamlih nói với Reuters qua video gửi từ Damacus, thủ đô của Syria.
Lực lượng cứu hộ ISAR của Đức lên máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7-2 - Ảnh: REUTERS
'Mọi người đang nỗ lực hết mình dù mùa đông, thời tiết lạnh giá và động đất trong đêm khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn' - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói và cho biết 45 quốc gia đã đề nghị giúp đỡ trong việc tìm kiếm cứu nạn.
Một số hình ảnh khác được Reuters ghi nhận tại các tỉnh thành bị thiệt hại ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Các nước hỗ trợ khắc phục hậu quả thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 6/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, thảo luận về các biện pháp hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sớm khắc phục hậu quả thảm họa động đất sáng sớm cùng ngày gây ra tại nước này và khu vực Tây Bắc Syria. Người dân đốt...