Sơ lược cảnh giới, thứ hạng trong Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong và Thiếu Niên Ca Hành
Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong là phần tiền truyện của Thiếu Niên Ca Hành, được tác giả Châu Mộc Nam sáng tác cách nhau 5 năm.
Phim cổ trang võ hiệp kỳ ảo Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong ngay sau khi ra mắt đã thu hút vô số khán giả ủng hộ cuồng nhiệt, thành công nối tiếp Thiếu Niên Ca Hành. Tác phẩm nhanh chóng chiếm trọn tình cảm người xem bởi chất lượng ấn tượng từ phần kịch bản đến kỹ xảo hình ảnh lẫn diễn xuất của dàn diễn viên tài sắc vẹn toàn.
Đa số khán giả đều biết Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong cải biên dựa trên tiểu thuyết cùng tên do tác giả Châu Mộc Nam. Nội dung là phần tiền truyện của bộ tiểu thuyết võ hiệp đình đám Thiếu Niên Ca Hành được xuất bản năm 2017 và khi chuyển thể thành phim đã đạt được tiếng vang lớn vào đầu năm 2023.
Cả hai phần chuyển thể thành phim người đóng đều thành công tạo tiếng vang lớn – Ảnh: weibo
Phần tiền truyện Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong được tác giả cho ra mắt vào năm 2022, tiếp tục mở ra thế giới võ hiệp đầy mới mẻ vẫn lấy tinh thần tuổi trẻ nhiệt huyết làm trọng tâm. Đặc biệt hơn, phần tiền truyện đã khắc họa thế hệ cha chú của Thiếu Niên Ca Hành đầy mê hoặc, làm rung động lòng người.
Câu chuyện vẫn mang phong cách hóm hỉnh, pha trộn đủ mọi gia vị đắng cay ngọt bùi trên hành trình trưởng thành của nhân vật chính Bách Lý Đông Quân và các nhân vật nổi trội khác.
Khi theo dõi Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong, ắt hẳn người xem sẽ rất tò mò về các cấp bậc cao thủ cũng như các cảnh giới võ thuật trong phim. Trước đó, tác giả Châu Mộc Nam đã giới thiệu sơ lược về tổng quan thế giới võ thuật giang hồ trong Thiếu Niên Ca Hành và đương nhiên Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong cũng tương tự.
Phần tiền truyện về đời cha chú tiếp tục “nối tiếp” sức hút mạnh mẽ của đời con cháu – Ảnh: weibo
Cảnh giới võ công trong Thiếu Niên Ca Hành và Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong
Theo đường chủ Cơ Nhược Phong của Bách Hiểu Đường, dùng nhất phẩm để phân chia người luyện võ trong thiên hạ: dưới nhất phẩm chỉ có thể xem là người biết võ công, trên nhất phẩm mới được tính là cao thủ. Nhất phẩm lại được chia thành 4 cảnh giới.
Cảnh thứ nhất: Kim Cang Phàm Cảnh
Người ở cảnh giới Kim Cang Phàm Cảnh sẽ vượt qua lục trần vạn pháp, bất khả chiến bại. Khi câu chuyện bắt đầu, thực lực của Lôi Vô Kiệt (Ngao Thụy Bằng đóng) đã ở cảnh giới này.
Tiêu Sắt (cháu trai của Tiêu Nhược Phong), Lôi Vô Kiệt (con trai của Lôi Mộng Sát và Lý Tâm Nguyệt) là những thiên tài kế thừa đời trước – Ảnh: weibo
Đây được xem là ranh giới khác biệt giữa người thường và thiên tài. Nếu một người bình thường luyện võ, cả đời cao nhất cũng chỉ có thể đạt đến Kim Cang Phàm Cảnh nhưng đối với các bậc thiên tài như Tiêu Sắt (Lý Hoành Nghị đóng), Lôi Vô Kiệt, Vô Song, Vô Tâm (Lưu Học Nghĩa đóng) lại khác. Đây chẳng qua là xuất phát điểm của họ và họ sẽ nhanh chóng đạt đến Tự Tại Địa Cảnh.
Cảnh thứ hai: Tự Tại Địa Cảnh
Tự do tự tại, hoành hành thiên hạ. Cảnh giới này được xem như một ngưỡng cửa, cùng với Kim Cang Phàm Cảnh phân biệt sự khác nhau giữa người bình thường và thiên tài. Tự Tại Địa Cảnh có thể xem là một “cấp cao nhỏ”, đa số người luyện võ sẽ bị “kẹt” mãi ở cảnh giới này, cho dù có là thiên tài cũng khó lòng vượt qua.
Vô Tâm/Diệp An Thế là con trai của Diệp Đỉnh Chi/Diệp Vân và Dịch Văn Quân – Ảnh: weibo
Tài năng như Vô Tâm, Vô Song vẫn phải hao tốn nhiều năm mới có thể bước qua Tiêu Dao Thiên Cảnh. Vô Tâm mất thời gian 4 năm để từ Tự Tại Địa Cảnh đạt đến Tiêu Dao Thiên Cảnh, còn dựa vào cơ duyên ngoài ý muốn để đột phá.
Cảnh thứ ba: Tiêu Dao Thiên Cảnh
Cầm kiếm tự do, thiên hạ khó địch, dùng Thiên đạo làm võ lực, một đao một kiếm có vạn vật ứng đáp. Người đạt đến cảnh giới này đã được xem như một cao thủ trên đời, có thể bắt đầu tu Thiên đạo. Song, nếu chỉ nói đến Tiêu Dao Thiên Cảnh sẽ rất chung chung và không thể phân biệt rõ thực lực giữa những người đạt đến cảnh giới này. Bởi lẽ, Tiêu Dao Thiên Cảnh còn được chia thành 4 bậc: Cửu Tiêu, Phù Dao, Đại Tiêu Dao và Bán Bộ Thần Du. Trong đó, Cửu Tiêu và Phù Dao chỉ là bước khởi đầu.
Giai thoại tình yêu của Triệu Ngọc Chân và Lý Hàn Y (con gái của Lôi Mộng Sát và Lý Tâm Nguyệt, tỷ tỷ của Lôi Vô Kiệt) từng lấy đi nước mắt của không ít khán giả – Ảnh: weibo
Một Kiếm tiên đạt đến cấp bậc cuối cùng của Tiêu Dao Thiên Cảnh có thể hạ gục một cao thủ đạt đến cảnh giới này ở bậc đầu tiên chỉ trong vòng chưa đến 10 hiệp. Người đạt đến cảnh giới Đại Tiêu Dao mới có thể xưng là Kiếm tiên, chẳng hạn như Lý Hàn Y (Trương Duy Na đóng trong Thiếu Niên Ca Hành), Triệu Ngọc Chân (Tào Dục Thần đóng ở cả hai bộ)… đều đã hoàn toàn đạt được cảnh giới này hoặc những ai đã đạt đến Bán Bộ Thần Du.
Cảnh thứ tư: Thần Du Huyền Cảnh
Thần Du Huyền Cảnh dường như chỉ có trong truyền thuyết, có thể nhắm mắt ngồi yên tĩnh nhưng thần trí lại có thể ngao du ngoài vạn dặm. Tính đến kết thúc của Thiếu Niên Ca Hành, thế gian chỉ tồn tại 4 vị đã đạt đến cảnh giới này: Lý Trường Sinh, Bách Lý Đông Quân (Hầu Minh Hạo đóng), Lạc Thanh Dương và Mạc Y.
Nhân vật Bách Lý Đông Quân (Ngôn Kiệt đóng trong Thiếu Niên Ca Hành và Hầu Minh Hạo đóng trong Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong) để lại nhiều ấn tượng sâu sắc – Ảnh: weibo
Ngoài ra, Đạo Kiếm tiên Triệu Ngọc Chân cũng từng một kiếm vào Thần Du Huyền Cảnh nhưng cảnh giới không vững nên bị phản phệ.
Ngũ phẩm tiên
Trên Thần Du Huyền Cảnh vẫn còn 5 cảnh giới khác nhưng được gọi là ngũ phẩm tiên, lần lượt là Thiên tiên, Thần tiên, Địa tiên, Nhân tiên, Quỷ tiên.
Cảnh giới cao không nhất thiết sẽ có năng lực chiến đấu mạnh mẽ. Cẩn Uy trong ngũ đại giám chính là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt. Cẩn Uy có thể giết địch đạt cảnh giới cao hơn mình, cụ thể là ở Tự Tại Địa Cảnh nhưng có thể đánh bại Tiêu Dao Thiên Cảnh.
Cẩn Uy trong Thiếu Niên Ca Hành – Ảnh: weibo
Cho nên, trong Thiếu Niên Ca Hành và Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong, ngoại trừ Thần Du Huyền Cảnh và ngũ phẩm tiên, những cảnh giới khác chỉ để tham khảo cho việc đánh giá võ công. Thực lực thật sự của một cao thủ không chỉ liên quan đến cảnh giới võ thuật, còn cần phải có cấp bậc tu luyện võ công, thực chiến và các phương diện khác cũng rất quan trọng.
Chiêu thức võ công trong Thiếu Niên Ca Hành và Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong
Nội công tâm pháp: Bát Bộ Tâm Môn (núi Hoàng Long)
Chiêu thức: Dẫn Lôi Chi Thuật (núi Hoàng Long)
Công pháp: Đại Xuân Công (mỗi 30 năm cải lão hoàn đồng)
Trong Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong, chỉ có Lý Trường Sinh (Khưu Tâm Chí đóng) luyện thành Đại Xuân Công, sau cải lão hoàn đồng trở thành Nam Cung Xuân Thủy (Trương Thần Tiêu đóng) – Ảnh: weibo
Công pháp: Vô Pháp Vô Tướng Công
Quyền pháp: Hải Vận, Vong Ưu Quyền (Tửu tiên Bách Lý Đông Quân sáng tạo khi còn trẻ)
Diêm Ma Chưởng: võ công chỉ có người xưa mới có thể luyện tập, tương truyền hậu quả luyện loại võ công này đều rất thê thảm. (Tu luyện loại chưởng pháp này càng lâu càng lún sâu, phản phệ càng dữ dội, cần phải có từng đạo chân khí mạnh hơn để trấn áp sức mạnh phản phệ).
Chưởng pháp: Đại Ca Diếp Chưởng
Thương pháp: Truy Hư Thương (Lâm Cửu sáng tạo)
Thương pháp: Kinh Long Biến
Phật môn: Phật Pháp Lục Thông
Phật môn: Ban Nhược Tâm Chung (công pháp phòng ngự)
Phật môn: Phá Giới Đao
Đao pháp: Cuồng Đao (Ôn Nhu Đao Yên Vũ Lạc sáng tạo)
Vô Cực côn pháp: đánh ra một côn, vô biên, vô cùng tận, vô cực, không giới hạn.
Liệt Quốc kiếm pháp: kiếm thuật được hoàng tộc Bắc Ly truyền thừa qua các thế hệ, do tổ tiên khai quốc Bắc Ly – Tiêu Nghị (Lý Hoành Nghị đóng) sáng tạo. Liệt Quốc kiếm pháp được chia thành 4 cảnh giới: Tuyệt Sinh, Phá Phong, Kinh Long, Toái Thiên.
Nhân vật Tiêu Nghị (Lý Hoành Nghị đóng) đang rất được mong chờ đến lúc xuất hiện – Ảnh: weibo
Thời Vũ Tam Thức: Nhàn Vân, Ngưu Mã, Sát Nhân Đao. (Nho Kiếm tiên sáng tạo)
Nộ Kiếm Thức: Nộ Kiếm tiên sáng tạo, thúc đẩy bằng nộ khí (tức giận). Chiêu thứ nhất: nhất nộ rút kiếm, chiêu thứ hai: nhất kiếm nộ trảm, chiêu thứ ba: nộ kiếm hồi.
Tiên Nhân Lục Bác: bí kíp kiếm pháp được truyền lại từ hoàng thất của một triều đại cũ của Bắc Ly. Ảnh (thế thân) của hoàng đế tu luyện môn võ này. Tổ tiên của thành Vô Song từng dùng 13 phi kiếm đại chiến với Ảnh, cuộc chiến diễn ra nhiều ngày nhiều đêm mới giành được thắng lợi. Từ đây có thể thấy khi tu luyện môn võ công Tiên Nhân Lục Bác đến mức cực hạn, chắc chắn không hề đơn giản. Lạc Minh Hiên không được danh sư chỉ bảo, nhưng lại có thể tu luyện đến mức độ có thể sánh ngang hàng với Vô Song chính là nhờ vào môn võ công này.
Lạc Minh Hiên trong Thiếu Niên Ca Hành – Ảnh: weibo
Thập Bát Kiếm Trận: theo truyền thuyết vào trăm năm trước, sát thủ Tô Thập Bát của Tô gia chấp hành nhiệm vụ giết người yêu của chính mình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Tô Thập Bát đã dựa theo cách nàng đánh đàn để tạo nên Thập Bát Kiếm Trận nhưng dần thất truyền. Song, Tô Mộ Vũ chỉ dựa vào một quyển phổ rách nát đã khôi phục lại được Thập Bát Kiếm Trận.
Thập đại danh kiếm trong Thiếu Niên Ca Hành và Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong
Những thanh kiếm nổi tiếng trong thiên hạ do Kiếm Tâm Trủng đánh giá xếp hạng trong kiếm phả (bảng ghi chép thứ tự các danh kiếm).
Thiên Trảm (danh kiếm thứ 1)
Thiên hạ đệ nhất kiếm, kiếm Thiên đạo, người do trời định mới được cầm và sử dụng. Nó được thờ phụng tại Khâm Thiên Giám và do quốc sư Tề Thiên Trần trông giữ, sau này trở thành bội kiếm của Tiêu Sắt.
Đại Minh Chu Tước (danh kiếm thứ 2)
Thanh kiếm bảo vật trấn thành của thành Vô Song, được cất giữ trong kiếm hạp Vô Song. Đại Minh Chu Tước có “kiếm ý” sắc bén, khi xuất kiếm nhất định sẽ thấy máu rơi, là bội kiếm của thành chủ Vô Song thành Vô Song.
Thiết Mã Băng Hà (danh kiếm thứ 3)
Tuyết Nguyệt Kiếm tiên Lý Hàn Y từng phát điên vì cái chết của Triệu Ngọc Chân – Ảnh: weibo
Đây là thanh kiếm cực lạnh trên thế gian, vốn được cất giữ trên đỉnh núi Côn Luân. Thiết Mã Băng Hà từng là kiếm của Côn Luân Kiếm tiên, sau trở thành kiếm của Tuyết Nguyệt Kiếm tiên Lý Hàn Y.
Tâm (danh kiếm thứ 4)
Lôi Vô Kiệt ra đời không bao lâu thì cha mẹ qua đời – Ảnh: weibo
Thanh kiếm duy nhất có tên một chữ, kiếm có thể tâm linh tương thông với chủ nhân. Kiếm ý thuần khiết có thể cắt đứt kiếm ý của kiếm bình thường. Tâm là bội kiếm của truyền nhân qua các đời của Kiếm Tâm Trủng, sau truyền lại cho Trủng chủ trẻ tuổi Lôi Vô Kiệt.
Phá Quân (danh kiếm thứ 5)
Nộ Kiếm tiên Nhan Chiến Thiên (Trương Hạo Vĩnh đóng) – Ảnh: weibo
Thanh kiếm thuần khiết nhưng lại “nặng nề”, không phải thần lực trời sinh không thể múa kiếm, được xưng là kiếm bá vương, là bội kiếm của Nộ Kiếm tiên Nhan Chiến Thiên.
Thanh Tiêu (danh kiếm thứ 6)
Đây là bảo vật trấn giữ núi của núi Thanh Thành, bội kiếm truyền qua các đời chưởng môn, chứa đựng nguyên tắc đạo lý, từng truyền cho chưởng môn Triệu Ngọc Chân của núi Thanh Thành, sau truyền lại cho Lý Phàm Tùng.
Động Thiên Sơn (danh kiếm thứ 7)
Thanh kiếm không có gì bì được, một nhát kiếm làm rung chuyển hàng ngàn ngọn núi, khiến vạn cơn thủy triều dâng. Đây là thanh kiếm duy nhất do người rèn kiếm rèn nên, hiện tại do Mộc Xuân Phong sử dụng.
Hạo Khuyết (danh kiếm thứ 8)
Tiêu Nhược Phong (Bạch Chú đóng) trong Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong – Ảnh: weibo
Một thanh kiếm được xem là đệ nhất kiếm chính khí nhân gian. Ban đầu, Hạo Khuyết là bội kiếm của đại đô hộ Bắc Ly Lang gia vương Tiêu Nhược Phong. Sau khi Tiêu Nhược Phong mất, kiếm được cất giấu ở Thiên Kiếm Các tại thành Thiên Khải do kiếm nô trông giữ và sau được Tiêu Lăng Trần lấy đi.
Sương Tuyết (danh kiếm thứ 9)
Đây là song kiếm thư hùng (đực và cái), mùa thu như sương, mùa đông như tuyết. Khi sử dụng một thanh kiếm không khác gì kiếm bình thường nhưng khi song kiếm hợp bích sẽ tạo nên sức mạnh uy vũ như thần. Hiện không rõ truyền nhân của song kiếm này là ai.
Vô Ưu (danh kiếm thứ 10)
Danh kiếm thứ 10 trong thập đại danh kiếm có tên Vô Ưu. Kiếm này quý báu, thuần khiết như ngọc, thân kiếm tinh xảo đẹp đẽ vô ngần. Dường như thanh kiếm không thuộc về nhân gian khi mơ hồ toát ra tiên khí phiêu diêu, hiện cũng không rõ truyền nhân là ai.
Những danh kiếm chưa được liệt vào danh sách
Ngoài 10 danh kiếm trên, vẫn còn một số thanh kiếm khác chưa được đưa vào danh sách.
Uyên Nhãn, bội kiếm của Cẩn Uy (chưởng kiếm đại giám trong ngũ đại giám của Thiên Khải, đạt đến cảnh giới Tự Tại Địa Cảnh nhưng có thể dựa vào Tự Tại giết Tiêu Dao). Do từng có quá nhiều vong hồn chết dưới kiếm Uyên Nhãn, oán khí quá nặng, nên Khâm Thiên Giám phải dùng bùa chú để khống chế. Hoàng đế khai quốc từng đeo thanh kiếm này bên mình khi ra trận.
Cửu Ca, bội kiếm của Cô Kiếm tiên Lạc Thanh Dương, do thanh kiếm này chưa từng được rút ra khỏi vỏ nên không được liệt kê trong thập đại danh kiếm.
Vạn Kiếm Thư, bội kiếm của Nho Kiếm tiên Tạ Tuyên phóng khoáng nhất. Tên kiếm do Tạ Tuyên tự đặt, mặc dù tên gọi rất hay nhưng thực chất chỉ là thanh kiếm tốt được chọn mua từ một tiệm rèn bình thường, đương nhiên không thể được xếp vào danh sách thập đại danh kiếm.
Đào Hoa, bội kiếm của Đạo Kiếm tiên Triệu Ngọc Chân, là thanh kiếm năm xưa được anh rèn nên từ gỗ đào, nghe nói là thanh kiếm ấm áp nhất thế gian.
Sát Lôi của Lôi Oanh (một trong tứ kiệt Lôi môn, sư phụ của Lôi Vô Kiệt). Sau khi trở thành Lôi Kiếm tiên, Lý Tố Vương đã chế tạo nên Sát Lôi được cho là chẳng thua kém gì Động Thiên Sơn cho Lôi Oanh.
Xếp hạng bảng vàng: “Giang hồ phong ba tĩnh, bảng vàng luận võ danh”
Bảng vàng do Bách Hiểu Đường đánh giá những nhân vật mạnh nhất trong thiên hạ, được chia ra 3 bảng riêng gồm bảng Bách Binh, bảng Lương Ngọc và bảng Quán Tuyệt.
Bảng xếp hạng cao thủ võ lâm có khi sẽ được cập nhật 3 năm 1 lần hoặc 1 năm 1 lần và đôi khi cũng tùy thuộc vào tâm trạng của đường chủ Bách Hiểu Đường Cơ Nhược Phong. Căn cứ vào 5 chữ “giang hồ phong ba tĩnh”, mỗi khi phong ba nổi dậy rồi cũng sẽ có người ra đi mãi mãi, có người đứng lên, có người thoái lui, nên một khi phong ba lắng xuống, giang hồ sẽ đổi thay.
Bảng thứ nhất bảng vàng: bảng Bách Binh
Bách Binh chính là nói về binh khí cũng là người dùng binh khí. Trong Bách Binh, thương làm vua, nên người xếp hạng thứ nhất chính là Thương tiên, tiếp đến là các vị Kiếm tiên của Bắc Ly và các vị Đao tiên của Nam Quyết.
1 Thương tiên: Tư Không Trường Phong – thương Ô Nguyệt.
4 Kiếm tiên: Cô Kiếm tiên Lạc Thanh Dương – kiếm Cửu Ca, Nho Kiếm tiên Tạ Tuyên – kiếm Vạn Uyển Thư, Nộ Kiếm tiên Nhan Chiến Thiên – kiếm Phá Quân, Tuyết Nguyệt Kiếm tiên Lý Hàn Y – kiếm Thiết Mã Băng Hà và kiếm Đào Hoa, Đạo Kiếm tiên Triệu Ngọc Chân (sau khi mất, không còn trong bảng này).
3 Đao tiên: Bá Đao Đàm Đài Phá – đao Kỳ Lân Nha, Quỷ Đao Trích Nguyệt Quân – đao Âm Dương, Ôn Nhu Đao Tô Vũ Lạc – đao Trì Lạc
1 Tửu tiên: Tửu tiên Bách Lý Đông Quân – nắm đấm và tất cả vũ khí (có thể hiểu theo mô tả về Tửu tiên Bách Lý Đông Quân có câu “cầm kiếm là Kiếm tiên, cầm đao là Đao tiên”).
Đến nay vẫn có nhiều người hâm mộ thắc mắc tại sao Bách Lý Đông Quân lại được xếp vào bảng Bách Binh, tại sao nắm đấm lại được tính là vũ khí? Vũ khí thật sự của Đông Quân không phải nên là “rượu” hay sao? Năm xưa, Bách Lý Đông Quân từng hỏi Cơ Nhược Phong rằng: “Rượu có thể giúp ta dũng cảm, nâng cao tinh thần, tại sao không được tính là binh khí?”
Tư Không Trường Không bản thiếu niên và trung niên – Ảnh: weibo
Bảng thứ hai bảng vàng: bảng Lương Ngọc
Bảng Lương Ngọc chỉ dành cho các anh hùng, đệ tử trẻ tuổi của các môn phái nổi tiếng, bảng này chỉ có 8 vị trí, rất đỗi quý giá. Hơn nữa, nếu người đã bước qua sinh nhật tuổi 25 sẽ hoàn toàn không có cơ hội nên bất cứ thiếu niên anh hùng trẻ tuổi nào cũng đều vô cùng khao khát được ghi tên vào bảng Lương Ngọc. Năm xưa, Lôi Oanh, Lôi Vân Hạc, Lý Hàn Y, Tư Không Trường Phong, Bách Lý Đông Quân đều từng được ghi tên vào bảng Lương Ngọc.
Xếp hạng bảng Lương Ngọc trong Thiếu Niên Ca Hành, thành Tuyết Nguyệt chiếm đến 4 vị trí nhưng vị trí đầu bảng lại thuộc về thành Vô Song và Thiên Ngoại Thiên:
Vô Song của thành Vô Song và Diệp An Thế của Thiên Ngoại Thiên đứng đầu bảng.
Đường Liên, đệ tử thành Tuyết Nguyệt xếp thứ 3.
Đường Trạch, đệ tử Đường môn xếp thứ 4.
Lô Vô Kiệt, đệ tử Kiếm Tâm Trủng, Lôi Gia Bảo, thành Tuyết Nguyệt xếp thứ 5.
Lý Phàm Tùng, đệ tử núi Thanh Thành xếp thứ 6.
Tư Không Thiên Lạc, đệ tử thành Tuyết Nguyệt xếp thứ 7.
Lạc Minh Hiên, đệ tử thành Tuyết Nguyệt xếp thứ 8.
Vô Tâm, Đường Liên, Lôi Vô Kiệt, Tư Không Thiên Lạc – Ảnh: weibo
Bảng thứ ba bảng vàng: bảng Quán Tuyệt
Ý nghĩa của bảng Quán Tuyệt chính là vô địch thiên hạ. Bảng Quán Tuyệt được chia làm 4 giáp (có thể hiểu như hạng), hạng 4 có 4 người, hạng 3 có 3 người, hạng 2 có 2 người và 1 người hạng 1. Người được xếp vào bảng Quán Tuyệt thực sự nằm trong top 10 của bảng vàng.
Tiên nhân Mạc Y xếp đầu bảng Quán Tuyệt, Tửu tiên Bách Lý Đông Quân và Cô Kiếm tiên theo sát ở hạng 2. Sau khi tiên nhân tránh đời, Bách Lý không trở về, Lạc Thanh Dương xếp hạng nhất.
Hạng 1: Địa tiên Mạc YHạng 2: Cô Kiếm tiên Lạc Thanh Dương, Tửu tiên Bách Lý Đông QuânHạng 3: Thương tiên Tư Không Trường Phong, Quỷ Đao Trích Nguyệt Quân, Đường môn Đường Lệnh NguyệtHạng 4: Nộ Kiếm tiên Nhan Chiến Thiên, Bá Đao Đàm Dài Phá, Nho Kiếm tiên Tạ Tuyên, Sát nhân Vương Ly Thiên
Top 10 cao thủ trong Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong
Thanh Phong đạo trưởng
Thanh Phong đạo trưởng – Ảnh: weibo
Tiên nhân, chưởng giáo núi Hoàng Long. Sư phụ của Mạc Y và quốc sư Tề Thiên Trần. Sau ông cùng Mạc Y sống ở đảo Bồng Lai.
Lý Trường Sinh
Muốn đạt được tâm nguyện, bản thân phải trở nên mạnh mẽ hơn, càng mạnh hơn, cho đến khi mạnh nhất – Ảnh: weibo
Tiên nhân, viện trưởng học đường, tu luyện Đại Xuân Công, mỗi 30 năm thay đổi thân phận, không già không chết. Năm xưa, Lý Trường Sinh dựa vào một chiêu đã lấy mạng 5 kiếm khách nổi tiếng của Nam Quyết trong chớp mắt. Kể từ đó không còn ai của Nam Quyết dám luận kiếm ở Bắc Ly.
Mạc Y
Tiên nhân Mạc Y trong Thiếu Niên Ca Hành – Ảnh: weibo
Quỷ tiên, đệ tử núi Hoàng Long. Bồng Lai tiên nhân, giúp Bách Lý Đông Quân đạt cảnh giới cao hơn. Thực lực chỉ xếp sau Lý Trường Sinh, 9 tuổi vào Tiêu Dao Thiên Cảnh, 12 tuổi đạt đến Thần Du Huyền Cảnh. Tuy là sư đệ của quốc sư Tề Thiên Trần nhưng thực lực lại cao hơn rất nhiều.
Diệp Đỉnh Chi
Diệp Đỉnh Chi trải qua cuộc đời đầy thăng trầm, kết cục tự sát sau khi gặp mặt người yêu lần cuối – Ảnh: weibo
Diệp Đỉnh Chi tên thật là Diệp Vân, con trai của đại tướng quân Diệp Vũ, anh cũng là võ mạch trời sinh, lớn hơn Đông Quân 2 tuổi. Khi xuất hiện, Diệp Đỉnh Chi đã ở thực lực Tiêu Dao Thiên Cảnh. Lúc hai người giao đấu ở Kiếm sơn trang, Đông Quân giành chiến thắng là do Diệp Đỉnh Chi cố ý nhường, không sử dụng hết toàn lực.
Anh chưa dùng đến tuyệt chiêu Bất Động Minh Vương và Ma Kiếm tiên kiếm pháp đã ngang bằng với Tây Sở Kiếm Ca. Khi quyết chiến với Nguyệt Phong Thành vô tình trở thành giáo chủ Ma giáo. Một mình sát phạt đến trước mặt hoàng đế, quốc sư và đại giám liên thủ cũng không phải là đối thủ của anh. Rõ ràng anh có thể vang danh thiên hạ nhưng cuộc đời lại ép anh nhập ma, kết cục tự sát sau khi gặp Dịch Văn Quân lần cuối.
Bách Lý Đông Quân
Bách Lý Đông Quân thời niên thiếu (Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong) và trung niên (Thiếu Niên Ca Hành) – Ảnh: weibo
Bách Lý Đông Quân là võ mạch trời sinh, so với Diệp Đỉnh Chi, anh có phần may mắn hơn khi là con cưng của trời, tiểu công tử phủ Trấn Tây Hầu từ nhỏ đã theo Nho tiên Cổ Trần luyện tập võ công.
Tuy nhiên, Đông Quân không có hứng thú với học hành hay võ công. Mãi đến năm 16 tuổi, anh mới bắt đầu nghiêm túc luyện võ nhưng chỉ trong thời gian vài năm ngắn ngủi, anh đã bước vào Tiêu Dao Thiên Cảnh, đủ để thấy thiên phú, khả năng lĩnh ngộ cao đến mức nào.
Tuổi trẻ có tất cả nhưng về sau lại dần mất đi tất cả – Ảnh: weibo
Xem qua một lần đã học được Tây Sở Kiếm Ca, đến Liệt Quốc Kiếm Pháp của Tiêu Nhược Phong cũng liếc mắt qua đã học được. Năm 23 tuổi, Đông Quân đã đạt đến Bán Bộ Thần Du Huyền Cảnh, còn lĩnh ngộ và sáng tạo nên võ công tuyệt thế Hải Vận.
Tiếc thay, vì ngộ sát Nguyệt Dao, người mình yêu nhất nên nửa đời sau, Bách Lý Đông Quân luôn sống trong ân hận và đau khổ. Mặc dù trở thành thành chủ của thành Tuyết Nguyệt nhưng Bách Lý Đông Quân không còn để tâm đến chuyện giang hồ, một lòng tìm kiếm canh Mạnh Bà quên đi mọi chuyện, muốn gặp lại người yêu trong giấc mộng dài.
Vong Ưu đại sư
Vong Ưu đại sư trong Thiếu Niên Ca Hành – Ảnh: weibo
Ông là trụ trì Hàn Sơn tự, ở cảnh giới Phật gia Lục Pháp Cảnh. Thiên hạ đệ nhất phòng ngự, sử dụng chiêu thức Bàn Nhược Tâm Chung và Phật Pháp Lục Thông, có thể nắm chắc 6 phần thắng khi giao đấu với Lý Trường Sinh. Ông nhận nuôi dưỡng con trai của Diệp Đỉnh Chi, Diệp An Thế sau này là Vô Tâm.
Lữ Tố Chân
Chưởng giáo Thanh Thành, đại diện cho cả Đạo giáo, đạt đến Bán Bộ Thần Du Cảnh. Ông mất mạng do vi phạm Thiên cơ khi bói ra 3 quẻ Thiên kiếp cho Triệu Ngọc Chân.
Tề Thiên Trần
Quốc sư Tề Thiên Trần – Ảnh: weibo
Đệ tử núi Hoàng Long, đạt đến cảnh giới Bán Bộ Thần Du, quốc sư Thiên Khải, giỏi tính toán, phụ trách vận mệnh đất nước Thiên Khải, tinh thông các loại trận pháp.
Nguyệt Phong Thành
Cha của Nguyệt Dao – Ảnh: weibo
Giáo chủ Ma giáo Bát Vực, đạt cảnh giới Bán Bộ Thần Du, sử dụng chiêu thức 8 bậc Hư Niệm Công. Ông bị Lý tiên sinh đánh bại và bị nhốt đã nhiều năm. Vì muốn đột phá lên Hư Niệm Công bậc 9 nên cố gắng hấp thụ công lực của Diệp Đỉnh Chi nào ngờ bỏ mạng khi bị Diệp Đỉnh Chi hấp thụ ngược lại.
Trọc Thanh
Đại giám Trọc Thanh – Ảnh: weibo
Trọc Thanh là đại giám đứng đầu ngũ đại giám, đã đạt đến Bán Bộ Thần Du Cảnh, sử dụng Hư Hoài Công, đệ nhất cao thủ đại nội.
Vừa rồi là tổng hợp sơ lược về cảnh giới và xếp hạng cao thủ đáng chú ý trong Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong cũng như Thiếu Niên Ca Hành. Tác giả kiêm biên kịch Châu Mộc Nam thật sự đã mang đến cho độc giả, khán giả một thế giới võ hiệp giang hồ kỳ ảo đặc sắc với vô vàn chất liệu mới mẻ, độc đáo khó tưởng.
Nếu là một mọt phim yêu thích thể loại võ hiệp kỳ ảo và mê đắm những giấc mộng giang hồ nhiệt huyết tràn trề nhựa sống, khán giả nhất định không thể bỏ lỡ Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong với 40 tập, đang được phát hành trên nền tảng Youku và VieON.
Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong tập 17-18-19: Bách Lý Đông Quân "phô diễn" Thất Trản Tinh Dạ Tửu
Thất Trản Tinh Dạ Tửu (7 chén rựu Tinh Dạ) từng là một trong số các chi tiết kinh điển của tửu tiên Bách Lý Đông Quân trong Thiếu Niên Ca Hành.
Kế thừa sức hấp dẫn không thể chối từ của Thiếu Niên Ca Hành, phim võ hiệp kỳ ảo Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Vậy là Bách Lý Đông Quân (Hầu Minh Hạo đóng) đã có cơ hội tái ngộ với trúc mã thời thơ ấu Diệp Vân/Diệp Đỉnh Chi (Hà Dữ đóng). Mặc dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đủ để thấy rõ tình cảm sâu nặng từ bé giữa Đông Quân và Diệp Vân.
Đáng chú ý, biểu cảm ba phần "chán ghét" bảy phần "ganh tỵ" của Lý Trường Sinh (Khưu Tâm Chí đóng) ít nhiều có thể cảm nhận được sự nhàm chán và cô đơn của ông khi đã sống một cuộc đời quá dài.
Hành trình của Bách Lý Đông Quân mê hoặc khán giả bởi các chất liệu tinh thần đặc sắc và những yếu tố giang hồ đầy mơ mộng, nhiệt huyết sôi trào - Ảnh: weibo
Số phận không tránh khỏi bi kịch
Khi thân phận của Diệp Đỉnh Chi bại lộ là lúc có thể thấy rõ mặt tàn nhẫn của Thái An đế. Quả nhiên, làm bạn với vua như làm bạn với hổ, dù là huynh đệ từng kề vai sát cánh chiến đấu sẽ trở thành đối tượng bị nghi kỵ, thậm chí phải bỏ mạng oan để hoàng đế có thể an lòng ngồi vững trên ngôi vị của mình.
Trên hành trình xông pha giang hồ, trưởng thành của Bách Lý Đông Quân cùng những cuộc gặp gỡ định mệnh luôn đề cao sự tự do, phóng khoáng, sức sống của tuổi trẻ nhưng vốn luôn bị trói buộc bởi số phận không tránh khỏi bi thương, đau buồn.
Sinh ra trong gia thế hiển hách, khởi đầu có tất cả nhưng đến cuối cùng lại chẳng còn gì - Ảnh: weibo
Bách Lý Đông Quân là cháu trai duy nhất của phủ Trấn Tây Hầu, còn được kế thừa Tây Sở Kiếm Ca và là võ mạch trời sinh, anh chẳng thể nào thoát khỏi định mệnh phải gánh vác yên bình thiên hạ. Nếu Diệp gia từng là cánh tay trái của Thái An đế vậy phủ Trấn Tây Hầu được xem như cánh tay phải đắc lực.
Dù phủ Trấn Tây Hầu ở thành Càn Đông nhưng với thế lực và danh tiếng của mình nay còn có đứa cháu có tư chất võ công trời ban, còn là đệ tử của Lý Trường Sinh, hiển nhiên không thể nào thoát khỏi sự chú ý của Thái An đế và thế lực tranh giành ngôi vị Thanh vương.
Từ đầu, Bách Lý Đông Quân chỉ mong ước trở thành tửu tiên vang danh thiên hạ, nay người bạn thuở bé tưởng đã mất mạng vẫn còn sống, anh không còn gánh nặng quyết tâm phải trở thành kiếm tiên thay bạn. Nhưng từ khi đặt chân đến thành Thiên Khải, rơi vào tầm ngắm của Thái An đế và Thanh vương, cuộc đời của Bách Lý Đông Quân đã không còn được yên bình, không thể diễn ra suôn sẻ, êm đềm theo đúng ý mình muốn.
Tư Không Trường Phong và Bách Lý Đông Quân tái ngộ, vừa hài vừa "thương" - Ảnh: weibo
Sau một khoảng thời gian xa cách, Tư Không Trường Phong (Hạ Chi Quang đóng) đã hội ngộ với Bách Lý Đông Quân tại thành Thiên Khải. Vừa mới đến không được bao lâu, anh chàng "tiểu nhị" ngây thơ đã tạm thời đánh mất cây thương quý báu nhất của mình. Nhờ phúc của Chước Mặc công tử Lôi Mộng Sát (Hoàn Nhan Lạc Nhung đóng), anh chàng còn bị hiểu nhầm là người trăng hoa, hủy danh tiết của mỹ nhân nổi tiếng nhất Bách Hoa Lâu.
Tình tiết Lôi Mộng Sát dẫn theo tiểu sư đệ đi "khám phá" nơi không nên đến lại mang đến cho khán giả một màn bắt ghen cười ra nước mắt. Chước Mặc công tử phong lưu, ăn to nói lớn, khí thế hơn người bên ngoài hóa ra lại rất sợ "nóc nhà" của mình. Kể cả con gái cưng Lý Hàn Y cũng không chịu đứng về phe cha, chỉ dửng dưng ngồi ăn kẹo hồ lô hóng chuyện như đã rất quen thuộc với cảnh tượng cha bị mẹ phạt quỳ, phạt đòn không thương tiếc như vậy.
Nhắc đến Lôi Mộng Sát, khán giả luôn cảm thấy đây là nhân vật hết sức thú vị, thường xuyên không có dáng vẻ nghiêm túc của một tiểu tiên sinh. Tuy nhiên, số phận của nhân vật này lại trái ngược hoàn toàn với tính cách "mặn mòi" từ trong máu của mình.
Khung cảnh một nhà ba người "đầy ắp tiếng cười" của Lôi Mộng Sát, cha "ăn đòn", con gái cưng ngồi hóng vui vẻ - Ảnh: weibo
Ẩn sau vẻ ngoài dí dỏm, không đáng tin cậy là hoài bão to lớn, ý chí một lòng hướng về thiên hạ. Mối quan hệ thân thiết giữa Lôi Mộng Sát và Tiêu Nhược Phong (thất hoàng tử, Lang Gia vương, người sau này chết oan sau khi đã phò tá hoàng huynh của mình lên ngôi thành công) đã dự báo cho một cái kết không thảm.
Sư phụ Lý Trường Sinh như thể đã đoán trước được điều đó. Ông không nhúng tay vào chuyện triều chính vì ông đã quá rõ mọi sự trên đời. Ông càng mong các đệ tử của mình tốt nhất không nên bị cuốn vào mưa máu gió tanh triều chính, có thể sống ung dung tự tại trên giang hồ. Song, cuối cùng Lôi Mộng Sát vẫn kiên quyết đi theo con đường riêng do mình lựa chọn.
Bách Lý Đông Quân đánh bại Tạ sư, rời khỏi thành Thiên Khải
Đến ngày thi tài ủ rượu với Tạ sư để lấy lại thương cho Trường Phong và giành lấy bình rượu Thu Lộ Bạch có liên quan đến thể diện của hoàng đế là lúc tài ủ rượu của Đông Quân đánh dấu cột mốc quan trọng trên con đường trở thành tửu tiên. So với các màn chiến đấu võ công, màn phô diễn tài năng ủ rượu của Bách Lý Đông Quân rất hấp dẫn không kém.
Những lời sư phụ Cổ Trần dạy bảo, Đông Quân dường như đều khắc ghi trong lòng - Ảnh: weibo
Nếu từng xem Thiếu Niên Ca Hành, ắt hẳn khán giả vẫn còn nhớ đến Thất Trản Tinh Dạ Tửu (7 chén rượu Tinh Dạ) khi Đường Liên (Lý Hân Trạch đóng) một mình đối đầu với sát thủ Ám Hà. Ở Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong, khán giả sẽ có thể thấy nguồn gốc và uy lực của Thất Trản Tinh Dạ Tửu.
Nhờ nho tiên Cổ Trần chỉ dạy và nhờ quyển sách bí kíp ủ rượu của công tử Tạ Tuyên cho mượn, Bách Lý Đông Quân đã thành công ủ ra rượu Bạch Nhật Tinh Thần, tạo ra Thất Trản Tinh Dạ Tửu và giành chiến thắng trước Tạ sư.
Phải biết rằng, rượu của Bách Lý Đông Quân được miêu tả không chỉ đơn thuần được cảm nhận qua các giác quan bình thường. Hơn cả, loại rượu của Đông Quân còn có tính cách riêng tùy thuộc vào người ủ và người thưởng thức.
Nhờ rượu của Bách Lý Đông Quân, Tiêu Nhược Phong đã đột phá lên được cảnh giới mới
Đặc biệt hơn, rượu của Đông Quân còn có thể giúp cho người luyện võ có thể thức tỉnh sức mạnh, đột phá lên cảnh giới cao hơn. Tiêu Nhược Phong chính là một trong những ví dụ điển hình về tác dụng đặc biệt của Thất Trản Tinh Dạ Tửu.
Lúc này, Thanh vương lại to gan muốn ra tay thủ tiêu Đông Quân. Với sự hiện diện của các công tử Bắc Ly đồng thời là các sư huynh lợi hại của tiểu Đông Quân, Thanh vương phải cảm thấy thật may mắn khi ám sát thất bại.
Trước khi Bách Lý Đông Quân rời khỏi thành Thiên Khải, anh không quên lời phó thác của sư phụ, để lại một bình rượu Đào Hoa Nguyệt Lạc cho "sư mẫu" của mình. Hóa ra, nho tiên Cổ Trần cũng từng có một giai thoại tình cảm nhưng vẫn dang dở khiến người ở lại vương vấn cả đời.
Giang hồ không thiếu những giai thoại tình cảm truyền kỳ khiến người người ngưỡng mộ nhưng lại đầy nuối tiếc khi giang hồ hiểm ác, vạn sự khó lường. Xưa nay giang hồ võ lâm tuy tự do tự tại nhưng không tránh được mối liên kết về lợi ích với vương quyền. An nguy của thiên hạ càng khiến cho số phận và đường tình duyên của các anh hùng võ lâm rơi vào cảnh sinh ly tử biệt, không thể có được kết cục bên nhau trọn đời.
Lý Trường Sinh cải lão hoàn đồng, đổi tên Nam Cung Xuân Thủy
Khi Bách Lý Đông Quân rời khỏi Thiên Khải, anh và Tư Không Trường Phong tạm thời chia tay. Trường Phong có việc riêng cần phải làm, chưa thể kề vai sát cánh ngao du giang hồ cùng Đông Quân. Nhưng họ sẽ sớm gặp lại nhau và cùng tiến đến đỉnh cao trở thành các tiên nhân vang danh thiên hạ, gánh vác trọng trách vì thương sinh.
Trong diễn biến mới nhất, đã đến lúc Lý Trường Sinh khiến cho Đông Quân không khỏi kinh ngạc khi trở về với dáng vẻ tuổi trẻ khác xa với lão Lý tiên sinh tính tình cổ quái, thích trêu chọc đệ tử làm thú vui.
Đây chính là bí mật của Đại Xuân Công, sau mỗi 30 năm sẽ cải lão hoàn đồng và phải bắt đầu luyện lại tu vi từ đầu. Thời điểm này vừa đúng lúc để ông rời khỏi Thiên Khải và đưa Đông Quân chu du khắp nơi để mở mang tầm mắt.
Lý Trường Sinh đến lúc thay đổi diện mạo, dùng thân phận mới - Ảnh: weibo
Tất nhiên Lý Trường Sinh không phải cái tên đầu tiên của ông, ông cũng không nhớ mình có tên này bắt đầu từ khi nào. Ông là người sáng lập nên Bách Hiểu Đường, cũng có thể nói ông là lão tổ tông của Cơ Nhược Phong.
Thật ra, Lý Trường Sinh luôn tự cho mình là người tuyệt tình vì cuộc đời của ông quá dài còn cuộc đời của những người bên cạnh ông lại quá ngắn ngủi. Ông đã tung hoành giang hồ rất nhiều năm, lấy danh nghĩa học đường khiến thiên hạ nể sợ.
Năm xưa, ông là người dùng song kiếm chỉ trong một trận đấu chiến thắng Danh Kiếm sơn trang Ngụy Trường Thụ. Côn Luân kiếm tiên trong miệng người đời chính là ông. Vào 90 năm trước, ông một thân áo bố, một thanh kiếm nát diệt trừ được tên cầm đầu Ma giáo. Vào 120 năm trước, ông là người cùng thi tiên uống rượu, cùng sáng tạo nên Thi Kiếm Quyết. Vào 150 năm trước, một mình ông sáng lập nên Bách Hiểu Đường...
Cuộc đời của Lý Trường Sinh như một truyền kỳ khiến cho bất cứ ai cũng tò mò, hiếu kỳ ông thật sự đã bao nhiêu tuổi, mạnh đến mức độ nào dù bất cứ ai cũng công nhận ông là thiên hạ đệ nhất. Qua phong thái ung dung, xem nhẹ mọi chuyện, không chút sợ hãi hay e dè trước mặt Thái An đế, cách ông chỉ cần mỉm cười nhẹ, huơ tay một cái đã xử lý gọn đối thủ khiến người khác cũng cảm thấy lạnh xương sống và không còn dám làm càn ở trước mặt ông.
Nam Cung Xuân Thủy sau này tiếp tục nhận Lý Hàn Y và Tư Không Trường Phong làm đệ tử - Ảnh: weibo
Trong thân phận mới Nam Cung Xuân Thủy, vị sư phụ này của Bách Lý Đông Quân tin chắc sẽ tiếp tục mang đến nhiều điều thú vị và kinh ngạc. Hành trình của Đông Quân dẫu biết ở phía trước sẽ nếm trải mùi vị trái ngược hoàn toàn lúc này nhưng ít ra rằng anh cũng từng có được những khoảng thời gian hạnh phúc.
Nguyệt Dao không trở về Thiên Ngoại Thiên?
Sau khi thay đổi thân phận Doãn Lạc Hà, bái công tử Liễu Nguyệt (Chu Chính Đình đóng) làm sư phụ, trải qua vô số sự kiện cùng Bách Lý Đông Quân, cảm nhận những gia vị khác biệt giữa người và người so với việc luôn phải sống trong áp lực phục quốc, Nguyệt Dao (Hồ Liên Hinh đóng) đã thật sự dao động về mục đích bấy lâu nay.
Bách Lý Đông Quân đã phải lòng Nguyệt Dao ngay từ cái nhìn đầu tiên và nhận định đây chính là cô gái duy nhất của đời mình - Ảnh: weibo
Nguyệt Dao vốn là công chúa vong quốc, cô và những người dân may mắn sống sót đang ẩn cư tại nơi cực lạnh được gọi Thiên Ngoại Thiên và họ đang xây dựng lực lượng chờ cơ hội phục quốc.
Tuy nhiên, nhận thấy việc phục quốc không còn quan trọng so với cuộc sống yên bình của người dân nên Nguyệt Dao năm lần bảy lượt không thể ra tay với Bách Lý Đông Quân cũng là người mà cô đang từng chút rung động. Tuy nhiên với sự cố chấp của muội muội Nguyệt Khanh, chắc chắn Nguyệt Dao sẽ không thể nào thoát khỏi những bi kịch.
Nguyệt Khanh rất có khả năng sau này sẽ khiến cho Nguyệt Dao đau khổ - Ảnh: weibo
Nhân vật Nguyệt Khanh là em gái của Nguyệt Dao, ban đầu cô nàng có vẻ rất trẻ con ngây thơ nhưng nếu theo tiến triển của câu chuyện đây có thể xem là một nhân vật phản diện đầy tâm cơ và không tiếc thủ đoạn để đạt được mục đích. Số phận bi thương của Diệp Đỉnh Chi, cái kết đau lòng của Đông Quân và Nguyệt Dao khả năng cao sẽ có liên quan chủ yếu đến nhân vật Nguyệt Khanh này.
Lịch chiếu dự kiến trong tuần tiếp theo - Ảnh: weibo
Khán giả có thể theo dõi Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong trên nền tảng Youku. Lịch chiếu dự kiến từ ngày 29/7 đến ngày 2/8: đối với tài khoản VIP vào lúc 17h (giờ Việt Nam) sẽ cập nhật 2 tập mới từ thứ hai đến thứ năm, cập nhật 1 tập vào thứ sáu; tài khoản SVIP sẽ được xem trước 6 tiếng.
Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong tập 11-12: Bách Lý Đông Quân khí thế bảo vệ Diệp Đỉnh Chi Cặp đôi huynh đệ hoàn cảnh bắt tay vượt qua nguy hiểm. Bách Lý Đông Quân kiên quyết đợi Diệp Đỉnh Chi cùng bái sư. Thiếu Niên Bạch Mã Túy Xuân Phong qua mỗi tập phim đều mang đến nhiều bất ngờ và những cảnh quay võ thuật mãn nhãn. Kỹ xảo hình ảnh với chất lượng đầu tư chỉn chu, tâm huyết,...