Số hóa công tác khám chữa bệnh của ngành y tế TP Hồ Chí Minh
Ứng dụng ‘ Tra cứu nơi khám chữa bệnh’ trên điện thoại thông minh và máy tính bảng vừa được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai thử nghiệm .
Với mong muốn số hóa công tác khám chữa bệnh của ngành y tế thành phố và cung cấp cho người dân biết rõ cần khám chữa bệnh ở đâu là phù hợp nhất.
Ứng dụng này được Sở Y tế xây dựng dựa trên nguồn dữ liệu lớn của ngành y tế thành phố và sẽ được cập nhật liên tục. Ứng dụng giới thiệu danh sách các bệnh viện (BV), phòng khám (PK) phù hợp, cung cấp các thông tin cần thiết như: giờ khám, thời gian chờ khám trung bình, có khám BHYT hay không, khám ngoài giờ… và thông tin về điểm chất lượng của BV, PK.
Ứng dụng Tra cứu nơi khám chữa bệnh
Ứng dụng có tạo kênh kết nối liên thông với các BV và phòng khám trên địa bàn thành phố, nếu BV và PK nào có dịch vụ đặt hẹn khám thì người dân cũng dễ dàng đặt hẹn với cơ sở.
Bên cạnh đó, ứng dụng có phần để bệnh nhân đánh giá nơi khám sau khi đã sử dụng dịch vụ (đánh sao), phản hồi ý kiến không hài lòng về cơ sở. Bệnh nhân cũng được thông báo từ Sở Y tế về tiêm chủng, PK nào bị thanh tra xử phạt…
Theo PGS. TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm xây dựng một ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp người dân dễ dàng tra cứu nơi khám bệnh phù hợp với những thông tin chính thống của ngành y tế thành phố. Để làm được điều này đòi hỏi có sự tham gia đồng bộ của tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và cả các phòng chức năng của Sở”.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian thử nghiệm dự kiến là 4 tháng (từ tháng 9-2019), vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, giai đoạn này sẽ đưa dữ liệu của tất cả BV công lập, tư nhân. Riêng PK tư nhân chỉ đưa thông tin PK nào có điểm chất lượng khá trở lên. Sau đó, sẽ đưa các PK đa khoa, thẩm mỹ, răng hàm mặt, nhà hộ sinh và dự kiến trong năm 2020 sẽ đưa PK chuyên khoa. Sau khi phiên bản tiếng Việt đã ổn định, phiên bản tiếng Anh của ứng dụng sẽ được triển khai trong năm 2020.
Ứng dụng có trên cả hệ điều hành Android và IOS, người dân dùng điện thoại thông minh/máy tính bảng tải về điện thoại ứng dụng “Tra cứu khám chữa bệnh”.
Với điện thoại dùng hệ điều hành IOS thì tải ứng dụng từ ứng dụng App Store, với điện thoại dùng hệ điều hành Android thì tải ứng dụng từ ứng dụng CH Play. Sau khi tải thành công, mở ứng dụng lên làm theo hướng dẫn.
Đây là kênh thông tin chính thống của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, giúp người dân tra cứu lựa chọn nơi khám, chữa bệnh phù hợp. “Sở Y tế TP sẽ có công văn gửi UBND các quận, huyện để phổ biến cho người dân biết ứng dụng này. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí cho người dân và không thương mại hóa”, ông Thượng cho biết.
Video đang HOT
Trước đó, vào ngày 17-7-2019, BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến trên website: https://nhidong1.medpro.com.vn và ứng dụng “Đăng ký khám bệnh Online nhidong1″ trên điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Giao diện website khám và thanh toán trực tuyến của Bệnh viện Nhi đồng 1
Thân nhân bệnh nhi có thể đăng ký giờ khám, chọn bác sĩ khám và thanh toán trực tuyến qua ứng dụng của BV trên điện thoại thông minh, máy tính bảng với 3 bước đơn giản: Đặt lịch khám, Thanh toán, Tiếp nhận và khám bệnh.
Đây là giải pháp công nghệ được BV thực hiện nhằm đáp ứng số lượng người đến khám chữa bệnh ngày càng tăng, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, công sức vì không phải xếp hàng chờ lấy số và chờ khám.
Tại nhiều BV, người dân đến rất sớm để lấy số và chờ đến lượt khám chữa bệnh rất mất thời gian
Khi đăng ký khám bệnh trên phần mềm, thân nhân bệnh nhi có thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tuyến ngay trên các ứng dụng có tích hợp trên phần mềm. Tổng số tiền thanh toán bao gồm tiền khám, tiền tạm ứng và phí tiện ích.
Phương tiện này cũng giúp người bệnh lưu giữ, quản lý và theo dõi toàn bộ thông tin về lịch sử khám, chữa bệnh của mình tại BV Nhi đồng 1 thông qua mã số hồ sơ có sẵn trên hệ thống, cũng như tích hợp tính năng nhắc lịch tái khám.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, BV hướng đến xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh bằng việc kết hợp giữa trí tuệ con người và công nghệ. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của ngành y tế trong tiến trình hội nhập với nền y tế thế giới. Việc triển khai ứng dụng đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến trên website và thiết bị di động thông minh hi vọng sẽ giúp người bệnh thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc khám chữa bệnh.
Theo Công An Nhân Dân
Người Lào Cai đã trở thành công dân điện tử như thế nào?
Bằng việc tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử, ngày càng nhiều người Lào Cai trở thành công dân điện tử.
Đăng ký thành lập hộ kinh doanh qua mạng internet ở huyện nghèo nhất nước
Chính quyền tỉnh Lào Cai cho biết, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện 275 thủ tục hành chính (dịch vụ công mức độ 3) và 94 thủ tục hành chính (dịch vụ công mức độ 4).
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ, và thực hiện đối chiếu giấy tờ tại trụ sở cơ quan để nhận kết quả hồ sơ. Trong khi đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà, không cần đến trụ sở cơ quan, tổ chức.
Đáng chú ý, có 19 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được thực hiện tại huyện Si Ma Cai trong 6 tháng đầu năm 2019. 3 hồ sơ yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch và 16 hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh tại UBND huyện. Si Ma Cai là nơi có địa hình hiểm trở, thuộc danh sách 62 huyện nghèo nhất nước. Dịch vụ công trực tuyến là giải pháp nhanh chóng, thuận tiện với người dân nơi đây.
Đường từ TP.Lào Cai lên Si Ma Cai thường xuyên sạt lở khi có mưa lớn
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, chính quyền tỉnh Lào Cai tiếp nhận 912 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng internet. Số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến trong thời gian trên là 863 hồ sơ.
Một số thủ tục có tỷ lệ giải quyết trực tuyến cao như: Cấp chứng chỉ hành nghề dược (Sở Y tế) đạt 78,8%; Thông báo hoạt động khuyến mại (Sở Công Thương) đạt 97,5%; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đô thị (UBND huyện Bắc Hà) đạt 78,4%,...
Lên internet để tương tác người dân - chính quyền
Mặc dù có một số kết quả tích cực đầu tiên về thực hiện dịch vụ công qua mạng internet, nhưng số lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa vẫn đạt mức cao. Trong số những thủ tục đã có thể thực hiện trực tuyến, vẫn có tới 12.684 hồ sơ được tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, nguyên nhân của vấn đề là do người dân chưa được phổ biến và hiểu rõ cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Giải pháp là đưa ra các tiện ích dễ sử dụng và tăng cường truyền thông.
"Chúng tôi đã tham khảo mô hình tại một số tỉnh, trong đó trực tiếp tham quan trung tâm của Đà Nẵng. Đà Nẵng dự kiến sẽ hỗ trợ, chuyển giao một kênh, sau này thuê lại dịch vụ. Nhưng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai muốn mình là người chủ động việc này. Với sự phối hợp của Zalo, bây giờ đã thiết lập được "Cổng hành chính công Lào Cai" trên Zalo, do Lào Cai chủ động cập nhật, kết nối với người dân", ông Vương Trinh Quốc nói.
Việc thiết lập "Cổng hành chính công Lào Cai" trên Zalo dựa trên thống kê về số lượng người dân sở hữu điện thoại thông minh và có kết nối internet. Ước tính, có trên 300.000 người Lào Cai đang sử dụng Zalo, trên tổng dân số của tỉnh là 730.420 người.
Khi bấm nút "Dịch vụ công" trên ứng dụng Zalo, người dân có thể tra cứu hồ sơ bằng cách quét mã QR hoặc nhập mã số biên nhận. Sau 2 thao tác và 1 giây chờ đợi, tình trạng giải quyết thủ tục hành chính đã hiển thị trên điện thoại.
Tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại "Cổng hành chính công Lào Cai" trên Zalo
Ông Vương Trinh Quốc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai cho biết, Zalo là một kênh để cung cấp thông tin về các thủ tục hành chính. Các cơ quan thuộc UBND sẽ tiến hành xây dựng bộ câu hỏi và câu trả lời, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để người dân nhận được giải đáp thắc mắc nhanh nhất từ chính quyền.
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc truyền thông để làm sao cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn biết và tương tác. Mình là một người cung cấp dịch vụ, bán hàng mà khách hàng lại không tham gia thì không ổn. Tôi sẽ tích cực truyền thông để thông qua đây, mọi người cùng tham gia và trải nghiệm", ông Vương Trinh Quốc nói.
Trước đó, Lào Cai đã đặt mục tiêu số hóa xong toàn bộ dữ liệu hộ tịch vào năm 2020. Cụ thể: Năm 2018 số hóa nhập toàn bộ dữ liệu đăng ký kết hôn từ năm 1990 đến hết năm 2016 và dữ liệu đăng ký khai sinh của các năm 2015-2016; Năm 2019 sẽ số hóa nhập toàn bộ dữ liệu đăng ký khai sinh từ năm 2000-2014; Năm 2020 sẽ số hóa nhập toàn bộ dữ liệu đăng ký khai sinh từ năm 1990-1999 và toàn bộ dữ liệu đăng ký khai tử; nuôi con nuôi; nhận cha, mẹ, con; thay đổi; cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ; đăng ký ghi chú ly hôn.
Việc số hóa dữ liệu về hộ tịch sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc lưu trữ, chuẩn hóa dữ liệu thành kho cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nhằm tạo thuận lợi cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đảm bảo an toàn tài liệu thông tin cá nhân trong sổ hộ tịch.
Khi thông tin hộ tịch được số hóa hoàn toàn, cùng với các giải pháp tăng cường tương tác và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, người dân Lào Cai sẽ dần trở thành công dân điện tử, mọi dịch vụ công đều có thể thực hiện bằng chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet.
Theo thanh niên
Ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh Sáng 24-7, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tập huấn 'Đánh giá mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ sở khám chữa bệnh theo thông tư 54/2017/TT-BYT'. Toàn cảnh hội thảo tập huấn Đánh giá mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ sở khám chữa bệnh Từ ngày 1-3-2019,...