Số ca tử vong do thời tiết cực đoan tại Bangladesh cao nhất châu Á trong 51 năm
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố báo cáo cho biết Bangladesh ghi nhận số ca tử vong do thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu cao nhất châu Á, với 520.758 ca liên quan 281 đợt thiên tai trong giai đoạn 1970-2021.
Nhiều ngôi nhà bị sập sau cơn bão Mocha ở Shahpori, Bangladesh, ngày 15/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo công bố tại Hội nghị Khí tượng Thế giới khai mạc ngày 23/5 ở Geneva (Thụy Sĩ), châu Á chiếm tới 47% trong tổng số ca tử vong vì thời tiết cực đoan trên toàn cầu và các cơn bão nhiệt đới là nguyên nhân hàng đầu cướp đi sinh mạng của người dân. Đơn cử như bão nhiệt đới Nargis xảy ra vào năm 2008 đã khiến 138.366 người thiệt mạng.
Báo cáo nhấn mạnh rằng thời tiết, khí hậu cực đoan và các hiện tượng như hạn hán, lũ lụt đã gây ra 11.778 thảm họa trên toàn thế giới kể từ năm 1970-2021, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 4.300 tỷ USD. Hơn 90% số ca tử vong là người dân ở các quốc gia đang phát triển. Chỉ riêng Mỹ đã mất 1.700 tỷ USD, chiếm 39% mức thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai trong 51 năm qua.
Giám đốc WMO Petteri Taalas nhấn mạnh những cộng đồng dễ tổn thương nhất phải hứng chịu các tác động của thiên tai liên quan khí hậu, thời tiết cực đoan. Bão Mocha hoành hành tại Myanmar và Bangladesh tuần trước đã tàn phá trên diện rộng, ảnh hưởng đến những người nghèo nhất. Trong các thảm họa tương tự trước đây, cả hai nước đều ghi nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Tuy nhiên, ông Taalas cho rằng hệ thống cảnh báo sớm và các kế hoạch quản lý rủi ro thảm họa/thiên tai đã giúp cứu sống nhiều người.
Hội nghị Khí tượng Thế giới lần thứ 9 khai mạc với phiên thảo luận cấp cao về việc thúc đẩy hành động nhằm đảm bảo rằng tất cả người dân trên toàn thế giới đều có thể tiếp cận với các hệ thống cảnh báo sớm vào cuối năm 2027.
Bão Sitrang quét qua Bangladesh làm ít nhất 16 người thiệt mạng
Nhà chức trách Bangladesh cho biết bão Sitrang ngày 25/10 đã đổ bộ vùng ven biển nước này, làm ít nhất 16 người thiệt mạng, phá hủy nhiều nhà cửa, làm bật gốc nhiều cây, gây gián đoạn giao thông, mất điện và thông tin liên lạc.
Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời mưa lớn tại Faridpur, Bangladesh, ngày 24/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phần lớn nạn nhân thiệt mạng do cây đổ, ngoài ra có 2 người thiệt mạng do thuyền chìm trong bão trên sông Jamuna ở miền Bắc.
Nhiều đợt sơ tán lớn trước khi bão Sitrang đổ bộ bờ biển phía Tây đã giúp cứu sống nhiều người, tuy nhiên quy mô thiệt hại về người và tài sản sẽ chỉ được báo cáo sau khi liên lạc được khôi phục.
Bão Sitrang từ vịnh Bengal đổ vào Bangladesh sáng sớm 25/10, với gió giật lên tới 88 km/h và sóng dâng cao hơn 3 m gây ngập lụt các khu vực trũng ven biển.
Mưa lớn trút xuống phần lớn đất nước, gây ngập lụt các thành phố Dhaka, Khulna và Barisal, những nơi ghi nhận lượng mưa lên tới 324 mm trong ngày 24/10. Khoảng 10 triệu người tại 15 huyện ven biển rơi vào cảnh mất điện, trong khi trường học đóng cửa tại các khu vực miền Nam và Tây Nam.
Khu vực Nam Á ghi nhận các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng trong những năm gần đây gây thiệt hại lớn. Các nhà môi trường cảnh báo biến đổi khí hậu có thể dẫn đến nhiều thiên tai hơn, đặc biệt tại những nơi như Bangladesh có mật độ dân số lớn.
Ông Farah Kabir, Giám đốc tổ chức ActionAid chi nhánh Bangladesh cho biết năm 2022 chứng kiến những tình trạng khẩn cấp về khí hậu như lũ lụt và hạn hán với quy mô chưa từng thấy.
Thế giới oằn mình dưới thời tiết cực đoan Nhiều nơi trên thế giới đang chứng kiến những hiện tượng thời tiết bất thường và khắc nghiệt chưa từng thấy. Giữa lúc châu Âu, Mỹ chứng kiến đợt nắng nóng và hạn hán kỷ lục, Ấn Độ và Bangladesh ghi nhận số người tử vong gia tăng hằng ngày vì lũ lụt. Trong khi đó, Trung Quốc lại ghi nhận tình hình...