Số ca Covid tăng, sinh viên đại học hoang mang khi trở lại trường: Háo hức vì được gặp bạn bè nhưng sợ nhất là điều này!
Sinh viên nhiều trường đại học đã quay trở lại trường sau chuỗi ngày dài học trực tuyến với nhiều cảm xúc khó tả.
Đến nay, nhiều trường đại học đã cho sinh viên quay trở lại trường để học tập trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao. Lo lắng lây nhiễm dịch bệnh, di chứng hậu COVID-19, khó khăn thuê trọ, hoang mang khi đi xe bus, chi phí học tập,… là những lo ngại của đa số sinh viên.
Từ ngày 14/02, ở Hà Nội, ngoài một số trường đào tạo ngành Y hay các trường thuộc khối quân đội, công an vẫn học, thực tập bình thường thì sinh viên của 15 trường đại học đã chính thức trở lại trường. Đến ngày 28/02, số lượng các trường mở cửa cho sinh viên đến trường tăng cao.
Sinh viên nhiều trường đại học đã quay trở lại trường. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, trong tháng 3/2022, một số trường đại học đã có kế hoạch cho học sinh đi học như: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học FPT Hà Nội,… Khi đi học, sinh viên sẽ được lựa chọn học trực tiếp tại trường hoặc học trực tuyến theo từng buổi học.
Vui mừng nhưng không kém phần lo lắng trước dịch COVID-19
Được quay trở lại trường từ ngày 21/02, em Kiều Ngân, sinh viên trường Đại học Thương Mại (Hà Nội) chia sẻ: “Em là sinh viên năm nhất nên khi được đi học, em rất hạnh phúc, háo hức bởi phải bước sang kỳ 2 mới được gặp mặt các bạn mới. Bên cạnh đó, em cũng lo lắng vì tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Việc học trực tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh. Hơn nữa, khi đi học trực tiếp, chi phí phát sinh gây tốn kém nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng”.
Video đang HOT
Nữ sinh Kiều Ngân, trường Đại học Thương Mại (Hà Nội).
Em Cù Thị Hương Giang, cũng học tại Đại học Thương Mại cho biết bản thân rất lo lắng khi số ca nhiễm không ngừng tăng cao, đặc biệt là những triệu chứng hậu COVID.
“Hiện tại em đang di chuyển đến trường và các địa điểm khác bằng xe bus. Ngoài nỗi lo dịch bệnh lây nhiễm thì em còn một nỗi lo nữa là bị say xe. Tuy nhiên, thời điểm này, xe bus chưa đông khách lắm nên đỡ hoang mang phần nào. Em luôn chú ý khử khuẩn thường xuyên khi ra ngoài và khi về phòng trọ”, Hương Giang cho biết.
Em Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, sinh viên trường Đại học Khoa học – Xã hội & Nhân văn (Hà Nội) cho biết sẽ đến trường vào ngày 28/02. Trước đó, em có hơn 6 tháng học trực tuyến tại nhà. Em bày tỏ vui mừng khi có thể trực tiếp học tập tại trường, gặp gỡ bạn bè và thầy cô. Việc học online, thi online không thể chính xác bởi thầy cô không quan sát được hết. Bên cạnh đó, những trục trặc kỹ thuật cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập, giảng dạy và thi cử. Sinh viên cũng rất mệt mỏi, thiếu tập trung khi phải ngồi trước màn hình máy tính cả ngày.
Diễm Quỳnh cũng chia sẻ bản thân đã tiêm 2 mũi vaccine phòng ngừa COVID-19 nên không quá lo lắng, hoang mang. Trước tình hình hiện tại, cần thích nghi cuộc sống mới, chấp nhận “sống chung với lũ”. Quỳnh là sinh viên năm nhất nên rất muốn được khám phá phố phường, tụ tập bạn bè nhưng nếu cảm thấy không đủ an toàn thì sẽ không tham gia. Thời gian khám phá còn dài, quan trọng là bản thân và xã hội được an toàn.
Diễm Quỳnh cho biết bản thân luôn rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng.
“Em luôn thực hiện đúng 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, em chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên bổ sung vitamin C và chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao để phòng ngừa dịch bệnh”, Diễm Quỳnh nói.
“Ở trường, thầy cô luôn nhắc nhở sinh viên thực hiện đúng theo quy định phòng bệnh. Những bạn diện F0 còn được hỗ trợ thực phẩm cần thiết nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra, thầy cô cũng đo thân nhiệt cho sinh viên từ ngoài cổng, nhắc nhở khai báo y tế, không bỏ khẩu trang xuống. Trường chuẩn bị cả giường bệnh, thuốc điều trị, kit test và có nhân viên y tế trực 24/24 để ứng phó khi có sinh viên nhiễm COVID-19″, em Cù Thị Thu Hiền, sinh viên trường Đại học Giáo dục – ĐHQG HN cho biết.
Thu Hiền chia sẻ trường mình thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Không chỉ nỗi lo dịch bệnh, sinh viên còn phải đối mặt với nhiều nỗi bận tâm khác như: Chi phí sinh hoạt, nhà trọ, phương pháp học tập kết hợp giữa online và offline. Em Phan Anh Tuấn, Học viện Tài Chính (Hà Nội) gặp phải khó khăn trong việc tìm phòng trọ. Chủ trọ nhiều nơi “hét” giá rất cao khiến em và các bạn loay hoay mãi mới tìm được căn phòng phù hợp. Nếu số ca nhiễm vẫn tăng cao, Tuấn nghĩ nhà trường nên tiếp tục cho sinh viên quay về học trực tuyến để đảm bảo an toàn sức khoẻ.
Bàn về những thách thức trong tâm lý sinh viên khi quay lại trường học, PGS-TS Trần Thành Nam – Chuyên gia Tâm lý, trường Đại học Giáo dục – ĐHQG HN đưa ra lời khuyên: “Cách thức vượt qua nỗi sợ hãi là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi. Né mãi cũng không phải là giải pháp, thậm chí còn làm chúng ta lo sợ hơn. Hãy giúp sinh viên phân biệt được nguy cơ với xác suất xảy ra. Nhà trường cần đồng hành cùng các em khi trở lại trường trong bình thường mới”.
Trao hàng nghìn học cụ, học bổng tiếp bước học sinh, sinh viên đến trường
Chương trình "Trao học cụ - Tiếp tri thức" diễn ra từ ngày 5/10 đến hết ngày 31/12 trên toàn quốc; trong đó tập trung tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bị ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19.
Nhằm hỗ trợ kịp thời việc học tập cho các em học sinh, sinh viên nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa, con em lực lượng chống dịch tuyến đầu, ngày 5/10, Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long phát động Chương trình "Trao học cụ - Tiếp tri thức" năm 2021 để đảm bảo cho các em có đầy đủ dụng cụ phục vụ việc học tập theo đúng với phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học".
Ban Tổ chức buổi lễ. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết: trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng phức tạp và lan rộng, Chương trình "Trao học cụ - Tiếp tri thức" là món quà ý nghĩa mà Hội đồng Đội, Hội Sinh viên và Tập đoàn Thiên Long trao tặng tới các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi mong rằng món quà nhỏ này cùng sự quan tâm, chăm sóc sẽ tiếp thêm động lực để các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có nhiều công cụ, cách thức để tiếp cận tri thức, qua đó chắp cánh cho nhiều ước mơ bay cao và thành hiện thực trong tương lai.
Chương trình "Trao học cụ - Tiếp tri thức" diễn ra từ ngày 5/10 đến hết ngày 31/12 trên toàn quốc; trong đó tập trung tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bị ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19.
Đối tượng cụ thể mà chương trình hướng đến là học sinh, sinh viên, ưu tiên con em gia đình hộ nghèo, công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; người lao động tự do, không có việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; người dân tộc thiểu số; gia đình cán bộ chiến sĩ, bác sĩ, y tá, các lực lượng tuyến đầu chống dịch có hoàn cảnh khó khăn... Chương trình sẽ phân loại từng đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức hỗ trợ thiết thực, phù hợp.
Các hoạt động chính của chương trình gồm: trao tặng hơn 8.000 bộ học cụ học tập theo yêu cầu của từng cấp học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở; trao 450 suất học bổng (500.000 đồng/suất) cho học sinh Tiểu học, Trung học Cơ sở trong chương trình "Vì mái trường xanh"; 200 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho sinh viên nghèo, hiếu học bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong chương trình "Tiếp sức mùa thi"; trao hàng chục ngàn phần quà học tập và vui chơi, sáng tạo cho học sinh nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 trong chương trình "Điều ước cho em".
Trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn Thiên Long thực hiện cơ chế bình ổn giá các dụng cụ học tập trên toàn quốc; nhiều chính sách ưu đãi bán hàng cũng được áp dụng.
Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết tiếp nhận 4000 bộ học cụ từ Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Tại Chương trình, Hội đồng Đội Trung ương và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tiếp nhận 4.000 bộ dụng cụ học tập từ Tập đoàn Thiên Long. Toàn bộ số dụng cụ học tập nhận được trong đợt 1 này sẽ được gửi cho Hội đồng Đội hơn 20 tỉnh, thành phố để trao tặng ngay trong tuần này. Đồng thời, Hội đồng Đội Trung ương tiến hành trao tặng tại một số địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre ngay cuối tuần này.
Hàng loạt trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, học viên tố chủ ôm tiền bỏ trốn Sau giãn cách xã hội, nhiều học viên, phụ huynh té ngửa khi biết các trung tâm ngoại ngữ đã đóng cửa, dừng hoạt động, trả mặt bằng. Những ngày gần đây, hàng ngàn học viên tại các trung tâm thuộc hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Thế hệ mới (SAS) ở TP.HCM cũng như rất nhiều giáo viên, nhân viên trung tâm...