Sở An toàn thực phẩm TP.HCM lên tiếng sau các vụ ngộ độc tập thể
Đến hiện tại, Sở An toàn thực phẩm nhận định các vụ nghi ngộ độc tập thể ở TP.HCM có quy mô tương đối nhỏ, dưới 30 ca.
Thông tin này được bà Bùi Thị Hồng Vân, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết trong họp báo về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố, chiều 9/5.
Theo bà Vân, vụ ngộ độc mới nhất là 19 sinh viên sống tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM nhập viện với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, nghi ngộ độc cấp. Sau khi nhận được báo cáo, Sở đã yêu cầu UBND TP Thủ Đức khẩn trương điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc bữa ăn nghi ngờ và lấy mẫu kiểm nghiệm.
Hiện tình hình sức khỏe của 19 sinh viên đều ổn định, dự kiến xuất viện trong hôm nay.
Trước đó, tại TP Thủ Đức cũng ghi nhận 15 học sinh ở 4 trường tiểu học nghi bị ngộ độc sau khi ăn sushi từ quán hàng rong trước cổng trường.
Video đang HOT
Bà Bùi Thị Hồng Vân, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM trả lời trong họp báo chiều 9/5. Ảnh: Nguyễn Thuận.
Nói thêm về tình trạng liên tiếp xảy ra vụ nghi ngộ độc tập thể, bà Vân cho hay ở TP.HCM giai đoạn này thời tiết nắng nóng, nhiệt độ từ 37-40 độ C rất thuận lợi cho sự phát triển theo cấp số nhân của vi khuẩn gây bệnh đường ruột, so với thời tiết bình thường. Trẻ em và người lớn đều dễ ngộ độc thực phẩm trong thời tiết này.
Việc đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tháng này là đúng đắn. Ở TP.HCM đến giờ này các vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm tương đối nhỏ, dưới 30 ca. Các vụ việc ở các tỉnh thành khác như Khánh Hòa, Đồng Nai cực kỳ nghiêm trọng.
Lý giải nguyên nhân hầu hết vụ ngộ độc đều xảy ra ở trường học, bà Vân nói rằng các em học sinh có hệ tiêu hóa yếu hơn người lớn, sức đề kháng yếu hơn nên rất dễ bị các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Thêm nữa, phụ huynh vẫn còn thói quen mua thức ăn từ hàng rong bán trước cổng trường cho con, với lý do chính là tiện lợi.
“Chúng ta nhìn là biết mức độ an toàn thực phẩm của những hàng rong như thế nào, nhưng có vẻ như phụ huynh còn chủ quan, họ nghĩ việc ngộ độc chưa xảy đến với con thì vẫn tiếp tục cho ăn không sao”, bà Vân nói.
Chính sự chủ quan này cũng góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc cho trẻ.
Bà Vân cho hay các loại thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm bởi vì đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không có điều kiện chuẩn để sản xuất, bảo quản thực phẩm, các thiết bị che chắn cũng hạn chế nên rất dễ nhiễm vi khuẩn.
Bên cạnh đó, kinh doanh thức ăn đường phố linh hoạt về thời gian và địa điểm, nên việc quản lý rất khó khăn trong việc kiểm tra giám sát.
Cách tốt nhất để phòng ngừa là người dân hạn chế sử dụng thực phẩm đường phố, ăn chín uốn chín, dùng thực phẩm sau khi chế biến không quá 2 tiếng.
Các cơ sở bán hàng quán rong cần tuân thủ đúng quy định an toàn thực phẩm, nếu có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng. Thậm chí, cơ quan chức năng sẽ truy tố trách nhiệm hình sự nếu hành vi đe dọa đến tính mạng con người.
TPHCM: 15 học sinh tiểu học nhập viện cấp cứu, nhiều ca nôn ói sau ăn sushi
Trong số 15 học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TPHCM phải nhập viện cấp cứu do nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, có 10 trường hợp xuất hiện triệu chứng bất thường sau khi ăn sushi.
Tối 2/5, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đã có báo cáo nhanh gửi Trung tâm y tế TP Thủ Đức, Sở Y tế TPHCM, Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM về việc đang tiếp nhận điều trị hàng loạt trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Theo báo cáo, từ 9h ngày 2/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh có tiếp nhận tổng cộng 15 học sinh từ 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức đến cấp cứu với các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như ói, sốt, chóng mặt, buồn nôn.
Cụ thể, có 9 trường hợp là học sinh trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, 4 học sinh trường tiểu học Bình Trưng Đông, 1 nam sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi và một bé trai học tại trường tiểu học Lương Thế Vinh. Các học sinh trong nhóm 7-11 tuổi, được chẩn đoán ban đầu là nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Hoàng Lê).
Đáng chú ý, khi bác sĩ khai thác dịch tễ để truy tìm nguyên nhân gây bệnh, có 10 em học sinh cho biết xuất hiện triệu chứng ói sau khi ăn sushi , một trường hợp bị chóng mặt và buồn nôn sau ăn bánh mì trước cổng trường. Các ca còn lại đang được khai thác thêm.
Sau khi được các y bác sĩ xử trí truyền dịch, cho dùng kháng sinh, tất cả bệnh nhi đều giảm ói, sinh hiệu ổn và tiếp tục nằm lại bệnh viện theo dõi. Hiện tại, cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra vụ việc.
Trước đó khi trao đổi riêng với phóng viên Dân trí , Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, trong một số trường hợp đi kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có những cơ sở hàng rong dùng cơm nấu từ hôm trước làm sushi, chế biến thành cục và để qua đêm, hôm sau bán cho học trò. Tình trạng này theo bà Lan rất đáng báo động.
Ngày 17/4, TPHCM đã bắt đầu "tháng hành động vì an toàn thực phẩm". Trong thời gian này, cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, với sự phối hợp giữa các lực lượng. Đặc biệt, các trường học sẽ bị Sở An toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra đột xuất không báo trước, thông qua những nguồn thông tin ghi nhận được từ cộng đồng.
Loại vi khuẩn quen thuộc gây ra vụ ngộ độc ở Khánh Hòa 74 người ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, được xác định ngộ độc do ăn cơm cuộn có rong biển, nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng. Mới đây, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo nguyên nhân vụ ngộ độc tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Loại thức ăn...