Smartphone chỉ là bàn đạp cho tham vọng thực sự của Xiaomi: thiết bị thông minh IoT
Không phải ngẫu nhiên Xiaomi kiên trì sản xuất smartphone đến vậy, dù cam kết chỉ duy trì tỷ suất lợi nhuận ở mức 5% và cũng chẳng có công nghệ độc quyền nào trong tay.
Không sai khi gọi Xiaomi là Apple của Trung Quốc. Không chỉ tạo ra hệ điều hành MiUI với nhiều yếu tố giao diện tương tự iOS hay các sản phẩm phần cứng với thiết kế tương tự của Apple, Xiaomi còn học tập Apple trong việc tạo nên một hệ sinh thái riêng thông qua chiếc smartphone của mình.
Tuy nhiên, trong khi Apple đã xây dựng nên hệ sinh thái phần mềm với các ứng dụng bên thứ ba được họ kiểm soát chặt chẽ, Xiaomi lại không thể làm nên một hệ sinh thái phần mềm như vậy khi vẫn đang sử dụng nền tảng Android của Google. Thế nhưng nỗ lực của họ lại dồn cho một chiến lược khác: xem những chiếc smartphone như một nền tảng, thay vì một thiết bị phần cứng đơn thuần. Để từ đó họ xây dựng nên một hệ sinh thái thiết bị thông minh IoT.
Xem smartphone như một nền tảng, không phải một sản phẩm thu lời
Để biến điều này thành hiện thực, trước tiên Xiaomi cần những chiếc smartphone với chất lượng tốt và mức giá vừa phải để dễ dàng tiếp cận người dùng. Và đó là điều họ làm từ những ngày đầu cho đến nay.
Từ năm 2018, chính CEO Lei Jun của Xiaomi đã cam kết rằng, mức tỷ suất lợi nhuận của công ty đối với các sản phẩm phần cứng (bao gồm smartphone, thiết bị IoT, sản phẩm gia dụng) sẽ chỉ ở mức 5% – một mức lợi nhuận quá mong manh nếu so với các ông lớn như Apple hay Samsung. Tỷ suất lợi nhuận thấp đã cho phép Xiaomi ra mắt các smartphone với mức giá rẻ hơn đáng kể đối thủ có cấu hình tương tự.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, smartphone đã được phổ thông hóa với tốc độ đáng kinh ngạc. Điều đó làm việc thu được lợi nhuận từ bán smartphone đơn thuần trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Apple và Google gần như là hai người hưởng lợi chính từ sân chơi smartphone khi họ nắm trong tay các nền tảng phần mềm iOS và Android. Do vậy, dù muốn hay không, cam kết chỉ thu về 5% lợi nhuận từ smartphone của Xiaomi là điều không thể tránh khỏi khi họ không nắm trong tay công nghệ cốt lõi nào.
Đó cũng là lý do các lãnh đạo Xiaomi từ những năm 2013 đã nói rằng, họ là “một công ty internet” thay vì là một nhà sản xuất smartphone. Họ hiểu rằng, smartphone sẽ không thể tăng trưởng bền vững trong tương lai nếu chỉ đứng như một sản phẩm đơn lẻ – họ cần tạo nên một hệ sinh thái xung quanh nó.
Tầm nhìn xây dựng nên một hệ sinh thái thiết bị xoay quanh smartphone của Xiaomi.
Dùng smartphone để tạo dựng nên hệ sinh thái thiết bị IoT
Thế nhưng xây dựng một hệ sinh thái như vậy là điều không hề đơn giản. Các thiết bị thông minh kết nối internet thậm chí còn ra mắt trước smartphone cả thập kỷ (ngôi nhà của Bill Gates từng trang bị các thiết bị này từ năm 1997), thế nhưng đến tận bây giờ, dù chi phí cho những thiết bị này đã giảm xuống mức dễ tiếp cận hơn, trải nghiệm người dùng của nó vẫn rất kém cỏi và tồi tệ.
Vì vậy, Xiaomi đang nỗ lực làm trải nghiệm đó trở nên dễ dàng hơn thông qua hệ điều hành MiUI trên smartphone của mình. Bên trong hệ điều hành này là hệ thống MiUI Smart Living với hàng loạt danh mục các tính năng bao gồm Mi Work, Mi Health, Mi Go, Mi Home và Mi Game, cùng nhiều tính năng tương tác khác giữa các thiết bị trong cùng hệ sinh thái. Tất cả đều nhằm mục đích khiến việc điều khiển các thiết bị thông minh qua smartphone Xiaomi trở nên trơn tru liền mạch hơn.
Video đang HOT
Mô hình kinh doanh xoay quanh nền tảng IoT của Xiaomi.
Nếu có điều gì đó khiến smartphone trở nên phổ biến như ngày nay thì đó chính là nhờ Apple đã tạo nên chiếc iPhone đầu tiên một cách hoàn hảo. Nó trở thành công thức tiêu chuẩn cho các smartphone ra mắt sau đó và khiến chúng trở nên phổ cập. Và Xiaomi đang tiên phong làm điều tương tự đối với các thiết bị IoT – biến trải nghiệm người dùng với các thiết bị này trở nên hoàn hảo, để từ đó làm nên công thức tiêu chuẩn cho việc phổ biến thiết bị thông minh.
Cũng giống smartphone, Xiaomi cho rằng bán thiết bị IoT với mức giá đắt đỏ không phải là cách kiếm lợi nhuận bền vững. Hơn nữa, giá cao sẽ càng làm người dùng xa lánh nó và khó có thể xây dựng nên một nền tảng vững chắc cho chiến lược của công ty. Do vậy, cũng giống như với smartphone, Xiaomi tuyên bố chỉ lấy tỷ suất lợi nhuận 5% đối với các thiết bị IoT cũng như các sản phẩm gia dụng khác.
Tiến xa hơn nữa, Xiaomi còn rót tiền cho các đối tác sản xuất thiết bị IoT và đảm nhiệm việc phân phối các thiết bị này thông qua kênh thương mại điện tử cũng như các cửa hàng vật lý của mình. Không chỉ nguồn vốn và kênh phân phối, danh tiếng của Xiaomi cũng giúp các thiết bị này có thể tiếp cận đến hàng triệu người dùng trên toàn cầu một cách nhanh chóng.
Báo cáo tài chính Xiaomi cho biết, tính đến tháng Ba năm nay, công ty đã hậu thuẫn cho khoảng 300 công ty với tổng số vốn đầu tư lên đến 4,54 tỷ USD và thu về lợi nhuận ròng khoảng 32 triệu USD chỉ trong quý đầu tiên của năm nay. Tính đến tháng Ba năm 2020, số lượng thiết bị IoT kết nối với nền tảng IoT của Xiaomi lên tới 252 triệu thiết bị, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số cho thấy chiến lược của Xiaomi đang đi đúng hướng.
Các đối tác tham gia xây dựng thiết bị IoT cùng Xiaomi.
Chặng đường còn dài phía trước
Thế nhưng hành trình xây dựng một hệ sinh thái thiết bị IoT trên nền tảng smartphone không phải là một thử thách dễ dàng cho Xiaomi. Trong khi xây dựng nên một hệ sinh thái đã khó, thu được lợi nhuận đủ lớn từ nó càng khó hơn. Khoản lợi nhuận ròng ít ỏi trong quý đầu năm nay từ hàng tỷ USD vốn đầu tư kể trên cũng cho thấy điều đó.
Điều tương tự cũng đang xảy ra với các dịch vụ internet của công ty. Dù tuyên bố mình là “một công ty internet” nhưng cho đến nay, các dịch vụ internet của Xiaomi, bao gồm các sản phẩm tài chính và video games, mới chỉ mang lại 12% tổng doanh thu trong quý đầu công ty. Điểm sáng ở đây là tốc độ tăng trưởng của nó, đến 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rõ ràng hành trình chinh phục sân chơi IoT của Xiaomi vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng không thể phủ nhận việc họ đang đi trước các đối thủ khác trên sân chơi thiết bị thông minh này. Huawei – một nhà sản xuất thiết bị danh tiếng cũng chỉ có 8 sản phẩm IoT, một con số quá nhỏ nhoi so với số lượng thiết bị IoT mà Xiaomi đang phân phối.
Vị thế này giúp Xiaomi đứng trước ngưỡng cửa của sự tăng trưởng nhảy vọt nếu họ kiểm soát được hệ sinh thái IoT này. Các nghiên cứu cho thấy, thị trường thiết bị IoT toàn cầu có thể đạt tới quy mô 1.600 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, tính đến hiện tại, thị trường ứng dụng di động – vốn do Apple và Google kiểm soát – mới chỉ đạt tới quy mô khoảng 500 tỷ USD, và có thể đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2023. Sự so sánh này cho thấy Xiaomi đang nắm trong tay một mỏ vàng tiềm năng lớn đến mức nào.
Nhiều công ty khác cũng đã nhận ra mỏ vàng này và bắt đầu nhảy vào sân chơi đó. Trong tháng 5 vừa qua, Alibaba tuyên bố sẽ chi khoảng 1,4 tỷ USD để tăng cường trợ lý ảo giọng nói của mình, nhằm tích hợp sâu hơn vào các trải nghiệm thương mại điện tử, dịch vụ giải trí trực tuyến cũng như thiết bị IoT của các đối tác.
Nhưng có lẽ khó có ai có thể đuổi kịp Xiaomi trên thị trường IoT hiện nay.
Vì sao Xiaomi tự tin tuyên bố chỉ lấy lãi 5% trên mỗi sản phẩm - Điều không hãng smartphone nào dám công bố
Thiết bị phần cứng chỉ là bàn đạp cho hệ sinh thái IoT của công ty Trung Quốc này mà thôi.
Triết lý "giá rẻ" độc nhất vô nhị
Nhắc tới Xiaomi, hầu hết mọi người đều nhớ tới một công ty Trung Quốc nổi tiếng với việc tạo ra những chiếc điện thoại thông minh với giá rẻ và hiệu năng cao. Tuy nhiên, không giống như các nhà sản xuất khác, đây không phải là phong cách được hình thành theo từng chặng đường phát triển của tập đoàn, mà nó được định vị ngay từ những ngày đầu thành lập.
Các giám đốc điều hành của công ty đều khẳng định Xiaomi là một công ty Internet, với lợi nhuận chủ yếu nằm ở dịch vụ Internet, thông qua tiền từ quảng cáo, ứng dụng, bán phần mềm... Thậm chí, trong ngày lên sàn chứng khoán Hong Kong hôm 25/4/2018, CEO Lôi Quân đã tung ra một lời hứa gây sốc: "Xiaomi sẽ vĩnh viễn giữ tỷ suất lợi nhuận trên phần cứng (gồm smartphone, IoT và sản phẩm gia dụng) dưới 5%".
Người hâm mộ thì hứng khởi và hài lòng, bởi ai chẳng muốn được sở hữu những sản phẩm công nghệ hiện đại tinh tế với giá thấp. Nhưng các nhà đầu tư thì lại ngán ngẩm. Bởi các con số trước đó cùng những triết lý kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ khắc nghiệt lại nói lên rằng Xiaomi chẳng có dáng dấp gì là một công ty Internet cả. Công ty Trung Quốc này sống bằng việc bán điện thoại và nếu cứ bán các sản phẩm với giá thấp, sẽ có một ngày nó sẽ phải phá sản.
Tại sao Xiaomi lại dám hứa điều mà không một hãng smartphone nào, dù lớn và có nguồn lực mạnh mẽ hơn, cũng chẳng dám tuyên bố? Tại sao giá smartphone của Xiaomi luôn rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ dù cùng cấu hình, thậm chí rất sát với chi phí sản xuất? Tại sao đã 9 năm qua doanh thu dịch vụ Internet vẫn chưa đạt được 1/20 tổng doanh thu cả công ty, mà nhà sản xuất này vẫn chấp nhất và kiên trì với định nghĩa mình là một công ty Internet?
Rốt cuộc, trong hồ lô của công ty Trung Quốc này đang giấu thứ thuốc gì?
Chiến lược kiếm tiền từ dịch vụ độc đáo
Hệ sinh thái Xiaomi - Nguồn Techinasia
Trở lại năm 2013, người sáng lập Xiaomi Lôi Quân tuyên bố sẽ đầu tư vào 100 công ty phần cứng trong khoảng thời gian 5 năm. Ý tưởng chung là xây dựng một hệ sinh thái người dùng thông qua hệ thống mạng lưới rộng lớn các thiết bị có giá cạnh tranh, qua đó chào hàng các dịch vụ Internet như các sản phẩm fintech, phần mềm và các trò chơi video.
Đây cũng là lý do tại sao Xiaomi đã cố giữ tỷ lệ lợi nhuận trên các sản phẩm của mình rất thấp, điều đôi khi làm "mất tinh thần" của các nhà đầu tư lẫn nhà cung cấp. Và tầm nhìn chiến lược này không được cụ thể hóa, thậm chí bị lãng quên và xem thường, bởi vì phần lớn thu nhập của Xiaomi qua bao năm vẫn đến từ điện thoại thông minh và các thiết bị phần cứng khác. Chẳng ai thấy bóng dáng doanh thu từ dịch vụ ở đâu.
Theo thời gian, nhà sản xuất điện thoại thông minh này đã được biết tới như một "cửa hàng bách hóa" khi bán tất cả các loại sản phẩm hàng ngày, từ thiết bị điện tử, văn phòng phẩm, đồ dùng nhà bếp cho tới quần áo và thực phẩm.
Nhưng nên nhớ rằng, Xiaomi không tự mình tạo ra mọi thứ. Hãng cung cấp các sản phẩm khác thông qua mô hình chia sẻ lợi nhuận với các bên thứ ba, do công ty tài trợ hoặc đơn giản là đối tác với các thỏa thuận phân phối.
Và một cái lưới lớn vô hình đã dần thành hình sau bao cố gắng. Giờ đây, nhắc đến Xiaomi, người dùng bắt đầu nhớ tới bóng dáng của các sản ăn theo thương hiệu này. Và họ chợt nhận ra rằng nó có vóc dáng của một hệ sinh thái Internet vạn vật, hay còn gọi là IoT.
Nắm giữ hệ sinh thái (dù chưa thực sự hoàn thiện) này trong tay, Xiaomi đang dần thu hút các nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng tới để gia nhập vào hệ thống phân phối của công ty. Bởi nó cho phép các đối tác này có thể tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới thông qua mạng lưới các kênh thương mại điện tử và cửa hàng bán lẻ khổng lồ.
Khi smartphone là "chìa khóa vàng"
Tới lúc này, chúng ta đã có thể hiểu được tại sao Xiaomi lại bán smartphone với giá thấp tới như vậy. Bởi nó chỉ đóng vai trò là bàn đạp cho hệ sinh thái IoT của công ty Trung Quốc này. Càng bán được nhiều smartphone, đồng nghĩa với việc càng phát triển được hệ sinh thái đồ thông minh và dịch vụ đi kèm. Đó mới là tương lai mà Xiaomi đang hướng tới.
Để hiểu rõ hơn thì một yếu tố quan trọng trong thành công của Xiaomi chính là hệ điều hành di động của riêng họ: MiUI. Đây là sản phẩm được xây dựng trên nền tảng Android đồng thời học hỏi các nguyên tắc UX từ iOS của Apple. Và khi một người dùng sở hữu điện thoại Xiaomi, họ sẽ dễ dàng gia nhập vào hệ sinh thái Xiaomi khi mua thêm các đồ gia dụng thông minh được tích hợp và hỗ trợ bởi hệ điều hành này, thay vì phải vật lộn với các kiểu cài đặt và xung khắc tính năng nếu sử dụng một thiết bị smarthome khác.
Có lẽ học hỏi từ lịch sử của Blackberry, Xiaomi đã không tập trung nhiều vào phần cứng để đảm bảo thành công của họ. Công ty này cần chất lượng tốt và phần cứng có uy tín làm cơ sở (giống như Apple đã làm với các mẫu iPhone đầu tiên của họ), nhưng sau đó họ chỉ tập trung nỗ lực vào nơi mang lại giá trị thực sự. Đó là coi điện thoại di động như một nền tảng.
Lợi nhuận từ điện thoại thông minh có thể sẽ chấm dứt, nhưng nền kinh tế kỹ thuật số thì sẽ mãi trường tồn. Nhất là năm nay, khi thị trường smartphone dần bão hòa cùng hiệu ứng "đại dịch" xuất hiện cùng lúc, việc kiếm tiền bằng cách bán điện thoại ngày một khó khăn.
Trong khi đó, thị trường IoT thì lại ngày một rộng mở. Nó dự kiến đạt 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Để so sánh thì thị trường ứng dụng di động - phần lớn được Apple và Google độc quyền - có giá trị khoảng 0,5 nghìn tỷ USD vào năm 2023.
Nhưng việc xây dựng một doanh nghiệp phần cứng trong thị trường IoT lại không bền vững. Thay vào đó, kiểm soát hệ sinh thái như một nền tảng tỏ ra có lợi hơn nhiều. Đây chính là cách mà Xiaomi đang thực hiện. Để so sánh thì ở Trung Quốc, Huawei là một nhà sản xuất phần cứng rất lớn, cũng chỉ có một vài sản phẩm smarthome, quá nhỏ bé so với hệ sinh thái rộng lớn của Xiaomi (từ đèn thông minh đến báo thức thông minh, robot hút bụi tới máy lọc không khí).
Cuộc chơi của Xiaomi
Tất nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Là kẻ phụ thuộc, các công ty đối tác sẽ bị siết lợi nhuận và phụ thuộc quá nhiều vào thương hiệu Xiaomi. Do đó, nhiều công ty bán sản phẩm thông qua Xiaomi đã dần tạo ra các các dòng sản phẩm của riêng mình. Ví dụ Huami, nhà cung cấp đồng hồ thông minh Mi Band cho Xiaomi, cũng có thiết bị đeo Amazfit riêng. Roborock, một nhà sản xuất máy robot hút bụi cũng có hành động tương tự sau một năm hợp tác với Xiaomi.
Nhưng dẫu vậy, mỗi nhánh nhỏ tách ra trong số này lại tạo ra giá trị "hiệu ứng mạng" cho nền tảng Mi Home của Xiaomi. Và với sự suy thoái kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khi thách thức về thanh khoản dòng tiền ngày một lớn, nhiều nhà sản xuất lại buộc phải quay trở về dưới trướng của Xiaomi để kiếm kế sinh tồn.
Trong khi đó, Xiaomi lại tung ra chiến lược mới: mua lại. Công ty mới đây đã tăng tỷ lệ cổ phần tại Zimi, một nhà sản xuất sạc dự phòng, lên gần 50%. Xiaomi cho biết việc mua lại sẽ tăng khả năng cạnh tranh của công ty trong lĩnh vực AI 5G AIoT, một cụm từ mới nói về công nghệ di động băng thông rộng thế hệ tiếp theo và IoT dưới sự hỗ trợ của AI.
Trong tương lai, khi mạng 5G trở nên phổ biến, nó sẽ cho phép mở rộng mạng lưới các thiết bị có thể kết nối. Cạnh tranh trong ngành công nghiệp IoT của Trung Quốc vì thế cũng đang nóng lên từng ngày. Alibaba mới đây cũng tuyên bố bơm 1,4 tỷ USD để tăng cường trợ lý giọng nói thông minh của mình, thứ sẽ được tích hợp thêm vào trải nghiệm thương mại điện tử, dịch vụ giải trí trực tuyến và các đối tác phần cứng tiêu dùng.
Nhưng so với Xiaomi, một công ty đã chuẩn bị nhiều năm cho thời khắc này, sẽ khó có kẻ nào dễ dàng vượt qua nó để trở thành người tiên phong trong lĩnh vực IoT cả.
Sau các ứng dụng Trung Quốc, đến lượt Xiaomi và Vivo trở thành nạn nhân của phong trào tẩy chay tại Ấn Độ, nhờ đó Samsung hưởng lợi Các hãng smartphone Trung Quốc có thể là nạn nhân tiếp theo của làn sóng tẩy chay tại Ấn Độ. Nếu bỏ qua Samsung, thị trường smartphone Ấn Độ hoàn toàn bị chi phối bởi các nhà sản xuất Trung Quốc. Tuy nhiên những căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với phong trào tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc...