Sinh viên Tây cũng không hở hang phản cảm lúc ở trường
Từ nội quy của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cấm sinh viên cạo trọc đầu, phải mặc đồng phục khi đến trường, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần ban hành những quy định về trang phục, kiểu tóc để chấn chỉnh trước xu hướng thời trang phản cảm của một bộ phận sinh viên hiện nay.
Trang phục, kiểu tóc phù hợp sẽ tạo phong cách sau này để sinh viên ra trường đi làm. Ảnh minh họa: Q.Anh
Cạo đầu thì đừng… đến trường
Cuối tháng 11, nhiều sinh viên đang theo học tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cảm thấy “sốc” trước nội quy nhà trường được ban hành, trong đó có một số điều được cho là “khác lạ” so với các trường đại học khác. Cụ thể, theo Điều 2 ở Nội quy có quy định, sinh viên khi đến trường học tập hoặc liên hệ các phòng, ban làm việc phải mặc đồng phục của trường hoặc của khoa và đeo thẻ sinh viên. Khi đi học, quần áo phải sạch sẽ, chỉnh tề, đầu tóc nam nữ phải gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Đặc biệt, sinh viên không cạo trọc đầu (trừ một số trường hợp đặc biệt như điều trị bệnh, tu hành…), sinh viên nam không để tóc dài…
Ngay sau khi nội quy được ban hành, trên các diễn đàn của trường đã nổ ra nhiều tranh luận về các điều khoản nói trên. Có rất nhiều sinh viên cho rằng, quy định này giúp tạo sự nề nếp và giúp cho ý thức của sinh viên được tốt hơn. Tuy nhiên, cũng khá nhiều ý kiến không đồng tình, bởi có một số quy định được cho là hà khắc, không khác gì so với học phổ thông. Theo giải thích của nhà trường, đây không phải là quy định mới mà có từ trước, khi ban hành, nhân viên, giảng viên trong trường đã thông tin đến sinh viên và cũng ít nhận được sự phản hồi nào liên quan đến nội quy nhà trường.
Trước đó, vào tháng 6/2019, Trường ĐH Bách Khoa TPHCM đăng tải dự thảo nội quy học đường để lấy ý kiến về việc sinh viên nữ không được mặc quần lửng, áo thun không cổ, áo dây, áo sát nách, áo lửng, dép lê, dép cao gót. Sau khi gây “bão mạng”, nhà trường đã tạm thời dừng ban hành các quy định này. Tương tự, giữa năm 2018, Trường ĐH Tài chính – Marketing (TP HCM) cũng ban hành quy định sinh viên khi đến trường mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jeans lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu.
Video đang HOT
Nhiều sinh viên hiện nay cũng nêu vấn đề đã đến lúc cần “siết” lại quy định về trang phục, kiểu tóc của sinh viên. Hoàng Anh, sinh viên năm cuối tại Hà Nội cho biết: “Không nhiều trường đại học, cao đẳng quy định đồng phục, nên em thấy nhiều bạn từ năm thứ hai trở đi là “thoáng” và “dị” dần. Nhiều bạn chạy theo thời trang khác lạ, để kiểu đầu không giống ai, hay ăn mặc quần rách, ngắn… Em thấy, ăn mặc kín đáo, lịch sự chính là tôn trọng những người xung quanh”. “Em ủng hộ sự tự do, sáng tạo của giới trẻ nhưng cảm thấy nhiều người ăn mặc, để tóc hay cạo đầu nhìn rất phản cảm. Nếu để tự do quá đà, trường đại học đã không rèn được ý thức của sinh viên”, Minh Hạnh, sinh viên Trường ĐH Phương Đông cho hay.
Sinh viên “Tây” cũng không “thoáng” như Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), với sinh viên khi đến trường, cần phải tuân thủ quy định của nhà trường. Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ theo trào lưu quần áo rách tả tơi, kiểu đầu vẽ hoặc cắt hình thù kỳ quái nhìn rất phản cảm, nên việc yêu cầu sinh viên ăn mặc đồng phục, trang phục, kiểu tóc phù hợp, mục đích cũng chỉ để môi trường giáo dục tốt hơn thôi. Tuy nhiên, khi xây dựng nội quy cần phải khảo sát ý kiến của cán bộ, giảng viên, sinh viên để tạo sự đồng thuận khi ban hành.
“Bên cạnh trang phục, kiểu tóc, một bộ phận sinh viên còn có tư tưởng vào đại học để chơi, thích làm gì thì làm dẫn đến bỏ học, buông thả, nhiều sinh viên bị đình chỉ học, đuổi học. Đây là một thực trạng buồn. Sinh viên đã vào đại học cũng ở độ tuổi lớn rồi, cần xác định cho mình con đường học tập đúng đắn, nỗ lực hơn chứ không nên theo các trào lưu xấu, ảnh hưởng đến con đường học tập và lãng phí thời gian, tiền bạc đối với gia đình”, PGS.TS Trần Văn Tớp đưa ra lời khuyên.
Nhắc đến một bộ phận sinh viên Việt Nam ăn mặc hở hang, phản cảm khi đến giảng đường hiện nay, TS Nguyễn Trung Thành – Giảng viên Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội, người từng du học tại Anh và Mỹ cho rằng, một số sinh viên trong nước nói rằng các trường nước ngoài cho mặc thoáng, thích làm gì thì làm nên cố tình theo các trào lưu này. Thực tế đúng là tại các trường đại học ở các nước tiên tiến, sinh viên rất thoải mái trong ăn mặc. Họ lựa chọn trang phục tùy ý đến trường, nhưng không hở hang hay phản cảm như một bộ phận sinh viên ở Việt Nam. Họ ý thức được ăn mặc lịch sự là bước đệm để ra trường đi làm sau này.
“Trường học là nơi mang tính giáo dục. Trường đại học là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, chứ không phải công viên hay nơi giải trí nên việc ăn mặc nghiêm túc sẽ tạo ra môi trường tốt. Theo tôi, nên có quy định về trang phục, song cần cụ thể bao gồm những gì, để kiểu tóc, nhuộm tóc màu gì thì được phép… Thời gian đầu, nhiều sinh viên sẽ thấy khó chịu nhưng khi hiểu được mục đích, ý nghĩa thì sẽ quen và đồng tình. Sinh viên cũng nên tự ý thức rằng, ăn mặc lịch sự, chỉnh tề khi đến trường là tôn trọng chính mình và thầy cô. Tạo cho mình phong cách tốt thì sau này ra trường đi làm, phong thái cũng theo đó chuẩn mực hơn”, TS Nguyễn Trung Thành cho hay.
Hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về trang phục, kiểu tóc của sinh viên trong các trường đại học. Các trường đại học, cao đẳng tự nghiên cứu, ban hành nội quy riêng. Còn theo Điều lệ trường đại học (Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ) cũng chưa đề cập cụ thể về vấn đề này. Cụ thể, Điều 49 về “Nhiệm vụ và quyền của người học” có quy định người học có nhiệm vụ: Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường. Tôn trọng các giá trị văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc…
Theo giadinh.net
Đồng phục sinh viên không làm nên thương hiệu
Đồng phục nên chỉ là sự chọn lựa của cá nhân người học mà thôi. Việc Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM buộc sinh viên mặc đồng phục khi đến trường học tập đã gây ra những tranh cãi là điều có thể hiểu được.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng việc quy định sinh viên phải mặc đồng phục khi đến trường học tập, liên hệ công việc là điều không cần thiết.
Trước hết cần phân biệt trường đại học với trường phổ thông.
Ở trường phổ thông, các em học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường là điều dễ hiểu. Bởi học sinh phổ thông vẫn chưa là người trưởng thành nên cần được uốn nắn tuân theo các quy tắc, chuẩn mực để sau này lớn lên các em biết tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như các quy tắc đạo đức khác của xã hội.
Trường đại học thì khác, sinh viên đại học là những người đã trưởng thành, đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm cá nhân trước các hành vi, việc làm của mình.
Đối với việc giáo dục sinh viên bậc đại học, chúng ta cần hướng đến việc hướng dẫn cho các em tuân theo những quy tắc cao cấp và cần thiết hơn như phải biết tôn trọng thành quả của người khác, tức là không được đạo văn; biết trung thực, biết chịu trách nhiệm cá nhân, biết cùng tham gia và có trách nhiệm với các hoạt động chung.
Một sinh viên ăn mặc chỉnh tề nhưng thi cử không trung thực, đạo văn, không có ý thức trách nhiệm khi làm việc nhóm thì cái vẻ chỉnh tề của quần áo hay tóc tai chỉ là những thứ đạo đức giả tạo mà thôi.
Bên cạnh đó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hoàn của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM còn cho rằng lý do buộc sinh viên mặc đồng phục còn nhằm để nhận diện thương hiệu của nhà trường. Liệu bộ đồng phục có làm nên thương hiệu của một trường đại học không? Câu trả lời là không.
Chẳng hạn chúng ta thấy ở Việt Nam chẳng có ai mặc đồng phục của Trường ĐH Harvard (Mỹ), cũng chẳng có bài giới thiệu nào về trường này trên báo chí hay truyền hình nhưng gần như mọi sinh viên đại học Việt Nam đều biết đến danh tiếng của trường này.
Vậy cái gì tạo nên thương hiệu của một trường đại học? Đó chắc chắn là tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo, tỉ lệ sinh viên thành đạt, số lượng công trình nghiên cứu khoa học được công bố và trích dẫn, số bằng sáng chế được công nhận, số lượng sinh viên quốc tế theo học tại trường, số nhà khoa học hay giảng viên nhận các giải thưởng về khoa học... chứ tuyệt nhiên không phải là bộ đồng phục.
Do đó chúng tôi cho rằng việc buộc sinh viên đại học phải mặc đồng phục là điều không cần thiết bởi nó chẳng có vai trò gì trong việc tạo dựng đạo đức cho sinh viên cũng như thương hiệu của một trường đại học. Đồng phục nên chỉ là sự chọn lựa của cá nhân người học mà thôi.
LÊ MINH TIẾN
Theo PLO
Hơn 10 năm dạy võ thuật miễn phí 'Bị ốm tôi vẫn đến lớp, chỉ khi nào thật sự không thể sắp xếp được, tôi mới xin vắng. Hơn 10 năm qua, tôi nghỉ chưa đến 10 buổi', huấn luyện viên Đỗ Thành Tài (32 tuổi), chủ nhiệm CLB Karatedo miễn phí cho mọi người chia sẻ. Lớp học võ miễn phí do anh Đỗ Thành Tài (ảnh nhỏ) là chủ...