Sinh viên Đại học Quy Nhơn bức xúc vì mang nợ: Hiệu trưởng nói gì?
Nhiều sinh viên bức xúc trước việc Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) thay đổi cách thu học phí từ niên chế sang tín chỉ. Trong khi đó, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định việc thu học phí này được thực hiện theo đúng quy trình.
Bỗng dưng mang nợ?
Ngày 21.11, Trường Đại học Quy Nhơn đã có thông báo về việc thu học phí sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy học kỳ 1 (năm 2017-2018). Theo đó, đối với sinh viên khóa 36,37: nhà trường thu theo niên chế. Còn sinh viên khóa 38, 39 phải đóng học phí học kỳ 1 năm học 2017-2018 và các khoản nợ còn lại của các kỳ trước gồm tiền chênh lệch giữa tạm thu theo niên chế và tín chỉ, số nợ học phí kỳ chính, học lại các kỳ trước (theo thông báo nợ mà trường đã gởi đến các khoa).
Với sinh viên khóa 40: nếu số tiền tạm thu đầu năm ít hơn số tiền học phí kỳ 1 năm 2017-2018 phải nộp thì sinh viên phải đóng bổ sung, còn trường hợp ngược lại thì nhà trường sẽ hoàn trả hoặc trừ vào học phí học kỳ sau.
Đặc biệt, Trường Đại học Quy Nhơn lưu ý: từ ngày 27.11-15.12, nếu sinh viên chưa nộp đủ học phí sẽ không được dự thi các học phần trong học kỳ 1 năm học 2017-2018.
Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: D.T
Em D (sinh viên khóa 38, ngành Quản lý nhà nước) bức xúc nói: “2 năm học trước, nhà trường thu học phí bao nhiêu thì em đóng đầy đủ hết. Giờ nhà trường ra thông báo thu theo tín chỉ khiến em còn nợ đến hơn 4 triệu đồng. Tiền học phí đóng đầy đủ, giờ nói sinh viên mang nợ là điều vô lý”.
Theo em D, nếu tính cả tiền kỳ 1 năm 2017-2018 thì tổng số tiền em phải nộp là 8 triệu đồng và đến thời hạn ngày 15.12, không nộp đầy đủ sẽ bị cấm thi.
Video đang HOT
“Quy định thu theo tín chỉ ban hành trong 2017 thì chỉ áp dụng từ nay về sau là hợp lý, tại sao lại áp dụng truy thu cho 2 năm trước đó. Trong khi, vô nhập học thì không ai thông báo việc thu theo tín chỉ, lúc nộp tiền thì nhà trường vẫn thu bình thường chứ không nói là tạm thu”, em D phản ứng.
Trong khi đó, nhiều sinh viên lo lắng trước nguy cơ bị cấm thi bởi phải số tiền mang nợ quá nhiều, trong khi thời gian đóng tiền học phí lại quá gấp gáp.
“Thông báo từ ngày 21.11 mà đùng một cái trước ngày 15.12, bắt buộc sinh viên phải có tiền nộp ngay thì không kịp. Gia đình chúng em đa phần có hoàn cảnh khó khăn, lũ lụt miền Trung liên miên thì tiền trong nhà đâu có sẵn được. Với thời gian như vậy, em sợ không được dự thi các học phần của học kỳ này”, một sinh viên giãi bày.
Trường Đại học Quy Nhơn giải thích vấn đề chênh lệch học phí thu theo tín chỉ và tạm thu theo niên chế.
Do phần mềm chưa hoàn chỉnh
Giải thích vấn đề chênh lệch học phí thu theo tín chỉ và tạm thu theo niên chế, ông Phan Vũ Hạnh – Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Trường Đại học Quy Nhơn) cho biết, theo quy định nhà trường bắt đầu thu học phí theo tín chỉ từ khóa 38 (các khóa trước vẫn thu theo niên chế). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do phần mềm thu học phí chưa hoàn chỉnh nên trường vẫn tạm thu các khóa 38, 39 theo niên chế. Đến nay, phần mềm thu học phí theo tín chỉ đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Nên khi áp dụng phần mềm thu theo tín chỉ có phát sinh chênh lệch học phí giữa thu theo tín chỉ và tạm thu theo niên chế phải nộp thêm hoặc thừa của khóa 38, 39.
Theo đó, Trường Đại học Quy Nhơn tính mức học phí theo tín chỉ cho từng khóa, ngành theo cách như sau: Mức học phí một tín chỉ bằng (=) Tổng học phí toàn khóa học theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP chia (/) Tổng số tín chỉ toàn khóa.
“Mức học phí chênh lệch phải nộp thêm hoặc nộp thừa sau khi trường thu theo tín chỉ là đúng theo quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ chứ không phải trường tăng học phí. Số tiền chênh lệch sinh viên phải nộp thêm là do trong năm thứ nhất và năm thứ hai của khóa học, khối lượng tín chỉ sinh viên đăng ký học nhiều nên học phí tăng thêm so với mức nộp theo niên chế. Nhà trường đã thông báo nợ học phí và chênh lệch học phí phải nộp đến các khoa và tài khoản của sinh viên”, ông Hạnh thông tin.
Nhà trường thừa nhận hạn thu phí hơi gấp
Trao đổi với phóng viên chiều 25.11, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ – Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn – cho biết, việc thu học phí theo tín chỉ đã được nhà trường thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, do nhiều sinh viên chưa hiểu nên có phản ứng.”Trước đó, đã có thông báo thu theo tín chỉ nhưng nhà trường tạm thu theo niên chế học kỳ năm học vì phần mềm tín chỉ chưa hoàn chỉnh. Thực tế, nếu kỳ trước các em đăng ký tín chỉ nhiều thì tiền học phí cao, học kỳ này đăng ký ít tín chỉ thì tiền ít lại thôi. Còn tổng tín chỉ cả khóa học và tổng học phí quy định nhà nước là không thay đổi”, ông Mỹ cho hay. Việc nhà trường yêu cầu thời gian đóng học phí từ ngày 27.11-15.12, ông Mỹ thừa nhận thời gian đưa ra quá gấp, khiến nhiều sinh viên lo lắng.”Sẽ có quyết định gia hạn thời gian nộp học phí để sinh viên yên tâm học tập, việc này nhà trường sẽ triệu tập trưởng khoa giải thích cho các em hiểu”, ông Mỹ khẳng định.
Theo Danviet
Phòng GDĐT Cầu Giấy nói về "bữa ăn bán trú đạm bạc" ở Nam Trung Yên
Chiều 31-10, Phòng GD-ĐT Cầu Giấy cho biết đã kết hợp với Trung tâm y tế quận kiểm tra tại trường tiểu học Nam Trung Yên để xác minh hình ảnh, sự việc được đăng tải trên báo chí.
Ngay sau khi nhận được thông tin về bữa ăn đạm bạc tại tiểu học Nam Trung Yên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đã yêu cầu Hiệu trường nhà trường báo cáo, giải trình các nội dung được phản ánh.
Ngày 31/10/2017 phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trung tâm y tế, phòng Y tế quận kiểm tra tại trường, xác minh làm rõ sự việc. Qua báo cáo của nhà trường và kết quả kiểm tra, phòng Giáo dục và Đào tạo báo cáo như sau:
Với 02 hình ảnh đăng trên báo chỉ có 01 hình ảnh đúng với thực đơn của nhà trường ngày 23/10/2017, gồm các món: Cơm trắng; Thịt rán xá xíu; Khoai tây xào; Canh cải xanh nấu xương
Ngày 24/10/2017 trong thực đơn lưu tại trường gồm các món: Cơm trắng; Chả giò lợn rim thịt nạc; Su su xào thịt bò; Canh rau mồng tơi nấu thịt tôm, không trùng với hình ảnh trong báo đã đăng.
Hình ảnh về bữa trưa bán trú của trường tiểu học Nam Trung Yên được khẳng định là chưa phản ánh được hết định lượng trong suất ăn của mỗi học sinh
Ngoài các món chính, bữa phụ học sinh được uống thêm sữa Ba Vì hoặc sữa đậu nành Fami, bánh...
Kết quả kiểm tra hồ sơ cho thấy: Nhà trường đã lưu giữ đủ hồ sơ bán trú theo quy định, gồm: Sổ Kiểm thực 3 bước, phiếu lưu nghiệm thức ăn 24h, Hóa đơn nhập thực phẩm, các biên bản kiểm tra, thực đơn...
Hàng ngày, theo quy định, việc giám sát kiểm thực 3 bước (nhập thực phẩm; sơ chế, chế biến; chia suất ăn) được thực hiện chặt chẽ, đủ thành phần quy định.
Thành phần gồm có đại diện Ban giám hiệu, nhân viên y tế, đại diện phụ huynh... Số thực phẩm nhập trong ngày 23,24/10/2017 đủ số lượng và định lượng/số học sinh tham gia bán trú.
Thực đơn của học sinh được thay đổi theo các ngày trong tuần, có thể hiện rõ định lượng cho mỗi loại thực phẩm và mỗi suất ăn đảm bảo đủ calo cho học sinh.
Việc chia suất ăn vào bát được thực hiện trên lớp. Khi ăn, học sinh vẫn được nhận thêm cơm, thức ăn nếu có nhu cầu ăn thêm ngoài mức chia ban đầu. Trong bữa ăn, học sinh nào cần chan canh, giáo viên mới tiến hành việc múc canh vào bát cho học sinh.
Như vậy, hình ảnh trên báo đăng chỉ phản ánh được 1 phần món ăn, chưa phản ánh được hết định lượng trong suất ăn của mỗi học sinh.
Thời gian tới, phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các ban ngành, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nội dung bán trú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn của học sinh.
Theo Duy Anh (ANTĐ)
HS đội mũ bảo hiểm học: 40 trường ở Hà Nội xuống cấp, chờ sửa chữa Trước lo lắng của giáo viên, học sinh trường THPT Trần Nhân Tông khi mảng vữa trần nhà rơi trong lớp học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết UBND TP đã phê duyệt đề án xây dựng mới. Chia sẻ với Zing.vn về nguyên nhân trường THPT Trần Nhân Tông xuống cấp nhưng chưa được khắc phục kịp thời, ông Nguyễn Thế Sơn...