‘Siêu ứng dụng’ – Hiện tượng kinh doanh đang nổi khắp châu Á: Khiến một người chịu chi 20% thu nhập hàng tháng để làm mọi thứ thiết yếu
Mặc dù không ai tính được chính xác số lượng siêu ứng dụng ở châu Á nhưng chúng đang nổi lên ở khắp mọi nơi bao gồm cả những khu vực hẻo lánh nhất.
Michael Xu đang cảm thấy rất phấn khích. Ngay sau khi ghé thăm người thân tại Trung Quốc vào năm 2017. Nhà phát triển game ở Toronto đã quyết định đáp chuyến bay nửa vòng trái đất thêm một lần nữa để học cách tạo ra các game cho ứng dụng WeChat.
“WeChat rất lớn tại Trung Quốc”, Xu trả lời phỏng vấn tờ Nikkei. Doanh nhân Canada gốc Trung Quốc 28 tuổi này cực kỳ ấn tượng bởi cách mà người thân của ông sử dụng cùng một phần mềm để làm mọi thứ từ thanh toán hóa đơn đến trò chuyện cùng bạn bè và gọi đồ ăn. “Cả người ông 88 tuổi của tôi cũng dùng WeChat thành thạo. Ông ấy sử dụng để gọi cho tôi và chia sẻ những bức ảnh hay những bài báo hay”.
Một số siêu ứng dụng nổi bật ở châu Á.
Vì vậy khi quay lại để than gia thị trường video game của Trung Quốc vào năm ngoái, bước đi đầu tiên của Xu là tham gia một khóa học lập trình WeChat ở Thượng Hải. “Tất cả mọi người ở Trung Quốc đều dùng WeChat. Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho họ nếu chơi game của chúng tôi trên WeChat, thay vì bắt người dùng phải tải ứng dụng khác”.
WeChat hiện là đơn vị trực thuộc gã khổng lồ Internet Tencent Holdings – đang chiếm hơn 1,1 tỷ người dùng, hầu hết ở Trung Quốc. Hãy tưởng tượng tất cả những ứng dụng của Mỹ như WhatsApp, Apple Pay hay Uber và Facebook cộng lại chỉ bằng WeChat. Và thành công của họ đã truyền cảm hứng cho những công ty trên khắp châu Á xây dựng một “siêu ứng dụng”, biến đây trở thành hiện tượng trên khắp châu lục.
Để đổi lấy sự tiện lợi như vậy, cái giá phải trả không hề nhỏ. Các chuyên gia cảnh báo rằng sự nổi lên của những ứng dụng này sẽ đe dọa sự cạnh tranh và đổi mới.
Mặc dù không ai tính được chính xác số lượng siêu ứng dụng ở châu Á nhưng chúng đang nổi lên ở khắp mọi nơi bao gồm cả những khu vực hẻo lánh nhất.
Myanmar – quốc gia mới chỉ được truy cập vào internet từ năm 2000 đã xuất hiện ứng dụng của Việt Nam mang tên Zalo – với công cụ trò chuyện và được biết nó sẽ sớm được tích hợp chức năng mua sắm và thanh toán online. Tại Ấn Độ, gã khổng lồ Reliance đã tuyên bố vào đầu năm nay rằng họ sẽ ra mắt ứng dụng với 100 dịch vụ trong đó.
“Siêu ứng dụng trở thành cách làm kinh doanh ở châu Á”, theo Vishal Harnal – Đối tác tại 500 Startups nói.
Hiện tượng này được kích hoạt ở những nền kinh tế đang phát triển khi mà smartphone đang ngày càng trở nên thịnh hành. Hàng triệu người tại những thị trường mới nổi châu Á đã bỏ lỡ kỷ nguyên máy tính cá nhân thì giờ họ lại có bước nhảy vọt tới điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dụng một cách rất thuần thục.
Cùng thời điểm, thị trường ứng dụng tỷ đô đã tạo ra sự cạnh tranh vô cùng to lớn. Riêng ở Trung Quốc, có hơn 4 triệu ứng dụng và con số này đang còn phát triển hơn nữa. Siêu ứng dụng giúp thu hút người dùng và giữ chặt họ ở trong đó.
Amalia Ayuningtyas – một chuyên gia tư vấn tại Jakarta đang chứng minh những dữ liệu này là đúng. Ban đầu cô tải Go-Jek – một ứng dụng của Indonesia chỉ là để sử dụng dịch vụ gọi xe. Cô chỉ muốn việc di chuyển trong thành phố vào giờ cao điểm của mình trở nên dễ dàng hơn nhưng cô gái 27 tuổi này cuối cùng đã tìm đến những chức năng khác của ứng dụng sau khi nhìn thấy vô số voucher hấp dẫn của Go-Jek hiện lên.
Hiện tại, Ayuningtyas đang sử dụng ví di động GoPay để thanh toán cho các cuốc xe, gọi đồ ăn trên GoFood và gửi tài liệu qua GoSend. Thi thoảng, cô gọi một nhân viên mát xa thông qua GoMassage và tìm người dọn nhà qua GoClean. Khi mà thẻ tín dụng hết hạn mức cô chuyển qua dùng GoPulsa.
“Tôi là một người nghiện Go-Jek”, Ayuningtyas – thừa nhận. Cô chia sẻ thêm rằng đã dành 20% thu nhập hàng tháng để tiêu cho ứng dụng này.
Ajey Gore – Giám đốc công nghệ của GoJek nói trong một hội thảo tại Hong Kong mới đây rằng nền tảng của công ty anh hiện đang xử lý 2,5 triệu yêu cầu của người dùng ở bất kỳ thời gian nào nhờ việc phát triển lên tới 21 dịch vụ. “Khi đạt đến phạm vi này, bạn có thể làm mọi thứ”.
Video đang HOT
Cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau trên một nền tảng sẽ giúp giảm giá, khiến đối thủ cạnh tranh khó khăn trong việc đứng vững trong cuộc chơi. Foodpanda – một công ty giao đồ ăn lớn có trụ sở tại Đức đã phải đóng cửa hoạt động tại Indonesia vào năm 2016 sau khi Go-Jek và Grab mở rộng sang lĩnh vực này.
Đầu năm nay, công ty có trụ sở tại Singapore là Honestbee cũng đã quyết định dừng mảng giao đồ ăn. Honestbee dường như đang tìm cách bán hoạt động của mình cho Grab hoặc Go-Jek nhưng phía công ty từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Các nhà đầu tư rất quan tâm tới vấn đề này. “Các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc thường nói đùa rằng nếu có một ứng dụng đơn giản trên nền tảng 4G, chẳng đáng để bạn quan tâm”.
“Họ sẽ không thể sống sót trong cuộc cạnh tranh với WeChat và Alipay”, các nhà đầu tư nói. “Các gã khổng lồ đang nắm trong tay quyền lực kiểm soát rất nhiều lĩnh vực và họ đang ngày càng trở nên mạnh hơn”.
Người tiêu dùng đôi khi bị buộc phải sử dụng các siêu ứng dụng. Tại Hàng Châu, quê hương của Alipay – hàng loạt các nhà hàng, cửa hiệu cà phê và siêu thị chỉ cấp nhận dịch vụ thanh toán trực tuyến. Tương tự như vậy, một vài người khi đến Trung Quốc công tác đều buộc phải thêm một loại thẻ nữa là WeChat.
Với thống kê ấn tượng là cứ 2 trong 3 người Trung Quốc dùng WeChat, ứng dụng này “vô cùng phổ biến”, nó trở thành “đồ dùng công cộng”, theo Matthew Brennan – Quản lý tại công ty tư vấn China Channel. “WeChat giống như số điện thoại, nước, gas hay là điện vậy”.
Phổ biến như vậy nhưng WeChat vẫn đang mở rộng không ngừng. Tencent đã cho các công ty và nhà phát triển những lời đề nghị hấp dẫn: Họ có thể xây dựng một ứng dụng nhỏ trên WeChat giá rẻ hơn lại nhanh và thuận tiện hơn.
“Thường thì mất một tuần để xây dựng một ứng dụng nếu có một đội ngũ đầy đủ. Tuy nhiên với chương trình lập trình mini, chỉ 1 hoặc 2 người sẽ làm được 1 ứng dụng, trong 1 ngày”. Những chức năng đi kèm như thanh toán và nhắn tin còn khiến quy trình trở nên dễ dàng hơn.
Nhà sáng lập Tencent là Pony Ma nói vào năm ngoái rằng hơn 1 triệu ứng dụng mini đã được tạo ra trên WeChat kể từ năm 2017. Alipay thì tự cho ra mắt nền tảng ứng dụng mini vào năm ngoái, thu hút hơn 100.000 ứng dụng trong những tháng đầu tiên, khoảng 850 ngày.
Jeffrey Towson – một giáo sư về đầu tư tại Đại học Peking ở Bắc Kinh so sánh các siêu ứng dụng như một khối bất động sản có giá trị. “Câu hỏi là liệu các siêu ứng dụng có thể giết chết cạnh tranh như những gì chúng ta nhìn thấy nhiều công ty khác đã làm”, theo Jason Davis – một giáo sư tại trường kinh doanh Insead.
Hiện tại, các nhà phát triển và các chuyên gia phân tích nói rằng Tencent và Alibaba vẫn đặt ra những quy tắc khá mở. Cả 2 đều cho phép bất kỳ ai trở thành một phần của hệ sinh thái ứng dụng mini và thu một khoản phí không đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có những luật ngầm.
Ví dụ, các cửa hàng trực tuyến điều hành bởi WeChat không thể chấp nhận thanh toán qua Alipay và ngược lại. Thêm vào đó, các đơn vị điều hành ứng dụng mini thường không cạnh tranh với đơn vị chủ quản. Năm ngoái, Tencent đã gây chú ý khi dừng hàng loạt ứng dụng video ngắn gồm cả đối thủ cạnh tranh lớn là TikTok trên WeChat.
Nền kinh tế di động ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong năm 2018.
Nhìn chung, nhiều người lo ngại rằng các siêu ứng dụng sẽ không giết các đối thủ cạnh tranh theo cách kinh doanh truyền thống thường làm. “Tôi ước gì mọi chuyện đơn giản như vậy”, theo Hian Goh – đồng sáng lập Openspace Ventures.
Goh lo sợ rằng các siêu ứng dụng có thể khiến thị trường mất tính cạnh tranh: “Khả năng tạo ra cạnh tranh càng mở ra trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Tôi không ủng hộ ý tưởng này bởi vì những siêu ứng dụng đang thống trị, rồi đổi mới sẽ bị mai một đi”.
Dẫu vậy, mặc cho những gì WeChat làm với TikTok, vào tháng 1, ứng dụng video này đã vượt Facebook và Instagram về lượng tải. ByteDance – công ty chủ quản của họ theo đó thay thế WeWork, Airbnb và SpaceX trở thành startup giá trị nhất thế giới, ở mức 75 tỷ USD.
Trong khi đó, nếu như Didi Chuxing từng phụ thuộc vào WeChat để thu hút khách hàng thì hiện tại, Didi nhận 90% đơn hàng thông qua ứng dụng của chính họ.
“Người dùng muốn truy cập trực tiếp. Nếu không thì rất rủi ro”.
Xu – nhà phát triển game được nhắc đến trong đầu bài viết vẫn lên kế hoạch xây dựng game mini trên WeChat. Tuy nhiên, anh đã có kế hoạch B.
“Chúng tôi cũng sẽ có các ứng dụng game trên Apple Store, Google Play và nhiều nền tảng khác. WeChat là một nền tảng lớn rất tiềm năng nhưng chúng tôi sẽ không phụ thuộc hết vào nó”.
Theo GenK
Thung lũng Silicon đang xây dựng các hệ thống chấm điểm người dùng tương tự như Trung Quốc
Điều khác biệt là trong khi hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc dựa trên pháp luật của nước này, các hệ thống tại Mỹ lại do công ty tư nhân nắm giữ và hoạt động theo quy tắc riêng của mình.
Với mục đích hướng công dân của mình đến những hành vi tốt, Trung Quốc đã tạo nên hệ thống chấm điểm công dân - một chương trình toàn quốc dựa trên công nghệ giám sát hành vi. Theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc, mục đích cao nhất của hệ thống này là "cho phép những người đáng tin cậy có thể đi khắp mọi nơi trong khi những kẻ không đáng tin sẽ không thể đi nổi một bước."
Hệ thống chấm điểm công dân này sẽ thưởng điểm cho các hành vi tốt như đóng góp cho quỹ từ thiện hoặc đưa người lạ đi viện. Bên cạnh đó, nó cũng trừng phạt các hành vi xấu như không trả nợ, chơi điện tử quá mức, nói xấu chính phủ, hoặc thậm chí không chịu quét dọn vỉa hè trước cửa nhà, hay hút thuốc và nghe nhạc quá to trên tàu điện,...
Việc trừng phạt có thể rất nặng nề như cấm rời khỏi đất nước, không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không được vào khách sạn, không được làm các công việc có lương cao, hoặc cho con tới trường tư học. Thậm chí họ còn có thể phải dùng internet tốc độ chậm hoặc bị bêu riếu và kỳ thị công khai dưới nhiều hình thức khác nhau, ngay cả trên mạng xã hội.
Bắt đầu được thực hiện từ năm 2014, dự kiến hệ thống này sẽ được triển khai trên toàn Trung Quốc vào năm tới để trở thành một hệ thống chấm điểm duy nhất trên toàn quốc.
Cách thức hoạt động và phạm vi áp dụng của hệ thống chấm điểm công dân này khiến nhiều người phương Tây cảm thấy thật đáng sợ khi nó đụng chạm đến các quy tắc đạo đức cũng như luật lệ của họ.
Nhưng ít người phương Tây biết được rằng, có một hệ thống tương tự như vậy đang được phát triển ngay trên nước Mỹ, với sự tham gia của những hãng công nghệ hàng đầu thung lũng Silicon. Nó là kết quả trong chính sách người dùng của ngành công nghệ tại Thung lũng Silicon và một phần khác là do việc giám sát hoạt động mạng xã hội của các công ty tư nhân.
Dưới đây là một số ví dụ điển hình của việc này
Các công ty bảo hiểm
Đầu năm nay, thành phố New York đã cho phép các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể tính phí bảo hiểm dựa trên những các bài đăng của bạn trên mạng xã hội.
Ví dụ, việc chụp ảnh cho thấy bạn đang trêu chọc một con gấu xám với cốc bia trên tay, hay ảnh đang hút thuốc, có thể khiến bạn phải trả phí cao hơn. Ngược lại nếu bạn đăng ảnh đang tập yoga lên Facebook, số tiền phí bạn phải trả có thể được giảm xuống.
Tuy nhiên, điều này cũng giống như phần mở rộng của bảng câu hỏi mà khách hàng thường trả lời mỗi khi đăng ký mua bảo hiểm nhân thọ. Ví dụ với câu hỏi bạn có thích leo núi hay tham gia các môn thể thao mạo hiểm không, nếu bạn trả lời là "không" nhưng lại đăng ảnh đang leo núi El Capitan một mình, câu trả lời sẽ là có.
PatronScan
Một công ty có tên PatronScan đang bán các sản phẩm - máy kiosk bán hàng, máy tính desktop và các hệ thống cầm tay - được thiết kế để giúp các quán bar, nhà hàng quản lý khách hàng. Các sản phẩm này có thể giúp phát hiện các ID giả và những kẻ gây rối.
Các sản phẩm của PatronScan.
Trên trang web của mình, công ty cho biết họ đã lập nên một danh sách những người bị loại bỏ vì "các hành vi đánh nhau, trộm cắp, và các hành vi xấu khác". Danh sách này sẽ được chia sẻ "công khai" giữa các khách hàng của PatronScan, do vậy, một người bị cấm tại quán bar ở Mỹ cũng có thể bị cấm ở các quán bar tại Anh, Canada - những nơi đang sử dụng hệ thống của PatronScan cho đến nay.
Uber và AirBnb
Các công ty đại diện cho nền kinh tế chia sẻ này đang khiến việc đi lại và du lịch của bạn trở nên dễ dàng hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng nó cũng có thể khiến bạn trở nên khốn khổ một cách dễ dàng không kém.
Với tuyên bố cho biết đang có hơn 6 triệu địa điểm trong hệ thống của mình, việc bị lọt vào danh sách cấm của Airbnb có thể khiến bạn mất đi nhiều lựa chọn khi du lịch. Airbnb có thể vô hiệu hóa tài khoản của bạn vì bất cứ lý do nào họ muốn, và họ có quyền không phải thông báo cho bạn biết lý do. Việc bị cấm có thể vì chủ nhà nói với Airbnb về điều gì đó mà họ tin rằng bạn đã làm trong khi ở lại đó. Không chỉ Airbnb, các đối thủ của họ cũng áp dụng chính sách tương tự.
Bạn cũng có thể bị Uber cấm cửa. Điều ít người biết khi đi Uber là bản thân tài xế cũng nhận được lời mời đánh giá bạn. Theo chính sách mới của công ty từ tháng 5 năm nay, nếu điểm của bạn "thấp hơn đáng kể mức trung bình", Uber sẽ cấm bạn sử dụng dịch vụ của họ.
Bạn cũng có thể bị cấm sử dụng ứng dụng nhắn tin này. Ví dụ bạn có thể bị cấm trên WhatsApp nếu có quá nhiều người block bạn. Bạn cũng có thể bị cấm nếu gửi tin nhắn spam, các thông điệp đe dọa, tìm cách hack hoặc đảo ngược kỹ thuật của WhatsApp, hoặc sử dụng dịch vụ này thông qua một ứng dụng không được cấp phép.
Chấm điểm công dân có hoàn toàn sai trái không?
Không ai thích các hành vi chống đối xã hội, bạo lực, thô lỗ, thiếu lành mạnh, ích kỷ hoặc nguy hiểm chết người. Vậy tại sao những hệ thống sử dụng công nghệ mới để khuyến khích người dùng tới các hành vi tốt thường không được mọi người ưa thích?
Lý do của điều này có lẽ nằm trong bản chất của những hệ thống này. Những người được xem là tội phạm không được xét xử bởi hệ thống pháp luật, có nghĩa là không có suy đoán vô tội, không có đại diện pháp lý, không có thẩm phán và cũng không được kháng cáo. Nói cách khác, nó là một hệ thống pháp lý, nơi bị cáo có ít quyền hạn hơn.
Trong khi số lượng các "đặc quyền" xã hội liên quan đến các dịch vụ như vận tải, lưu trú, liên lạc và mức phí chúng ta phải trả cho nó, đang ngày càng tăng, phần lớn trong số chúng hoặc đang bị các công ty công nghệ kiểm soát hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch vụ công nghệ mà chúng ta sử dụng. Đáng ngại hơn, các quy tắc của Thung lũng Silicon để được phép sử dụng dịch vụ của họ cũng ngày càng khắt khe hơn.
Theo GenK
Đây là lợi thế của Apple Card so với những thẻ tín dụng khác Dịch vụ thẻ tín dụng của Apple đang chuẩn bị được cung cấp đến các khách hàng tại Mỹ. So với những dòng thẻ tín dụng khác trên thị trường, người sở hữu sẽ nhận được hoàn tiền 1% trên các giao dịch mua sắm, 2% khi sử dụng thanh toán qua Apple Pay (iPhone) và 3% khi mua sắm các sản phẩm...