Siêu thị điện máy: Đòn knock-out diệt nhau
Cuộc đấu loại giữa các siêu thị điện máy ngày càng khốc liệt. Đã có nhiều đơn vị phá sản rồi chết hẳn nhưng người còn lại cũng trọng thương nặng.
Bị cuốn vào… cuộc chiến
Cách loại nhau mà các DN bán lẻ điện máy quen làm là phá giá liên tục khiến những đối thủ yếu không chịu nổi, phải “cuốn gói” ra đi, nhường lại thị phần cho kẻ mạnh. Chiến lược để phá giá liên tục là xem xét những sản phẩm nào mình có lợi thế (mua được với giá rẻ) thì đẩy mạnh giảm giá, tăng khuyến mãi kéo dài, tạo nên xu hướng buộc các DN khác phải chơi theo nhằm xác định kẻ mạnh, kẻ yếu.
Ban đầu, giá chỉ giảm giá lẻ tẻ ở một số sản phẩm nhất định, nhưng càng về sau, “đánh nhau” càng hăng thì nhiều siêu thị chơi theo kiểu “liên khúc” giảm giá hàng loạt các sản phẩm. Không chỉ giảm vài ba ngày hay hàng tuần mà cả tháng. Số tiền giảm giá cũng không còn ở mức trăm nghìn nữa mà lên tới hàng triệu đồng cho mỗi sản phẩm. Việc bán phá giá khiến giá nhiều sản phẩm thấp hơn giá niêm yết, bất chấp trái quy định của bên cung cấp.
Một số DN nhận thấy, nếu cứ chạy theo “cuộc chiến” phá giá thì sẽ chết nên đã dừng cuộc chơi, tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng, chăm sóc khách hàng khai thác những nguồn hàng tốt, thương hiệu mạnh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tạo uy tín. Trong khi đó, nhiều DN khác vẫn “hăng máu”, nhảy vào tàn sát lẫn nhau, liên tục đưa ra mức phá giá thấp đến không còn lợi nhuận, thậm chí là lỗ thu hút khách hàng.
Cuộc cạnh tranh giữa các siêu thị ngày càng khốc liệt
Bên cạnh “cuộc chiến” về phá giá là “cuộc chiến” đẩy mạnh mở các siêu thị mới. Hễ thấy một DN bán lẻ điện máy nào mở siêu thị mới là các DN khác cũng làm theo ở những địa điểm gần đó, rồi lại quảng cáo rầm rộ, phá giá, khuyến mãi rùng beng. Lãnh đạo một DN điện máy giải thích, đây là chiêu nhanh chóng làm suy yếu đối thủ và thể hiện sức mạnh của mình nhằm tránh bị đối thủ khác cướp mất thị phần.
Đấy cũng là một trong những lý do giải thích vì sao nhiều siêu thị điện máy liên tục mở ra trong thời gian qua mặc cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng giảm, hàng bán không được. Mở một siêu thị mới phải bỏ ra cả chục tỷ đồng, nhưng doanh số không cao dẫn đến không ít DN bị thua lỗ. Trên thực tế, có DN thua lỗ cả chục tỷ đồng trong vòng 3 tháng vì mở nhiều siêu thị.
Video đang HOT
Thiếu vốn nhưng cứ phải mở thêm siêu thị cũng dẫn đến nhiều DN cứ làm liều. Theo tổng giám đốc một chuỗi siêu thị điện máy, đa số nhà bán lẻ điện máy đang dùng chính hàng hóa làm tài sản thế chấp. Nghĩa là, khi mua hàng, siêu thị thường được nợ nhà cung cấp tiền hàng trong vòng 3-7 tuần, nhưng họ đã dùng tiền này để mở điểm bán mới. Khi đến hạn thanh toán, siêu thị đành vay ngân hàng từ tài sản thế chấp và hàng tồn kho để trả nợ cho nhà cung cấp. Bình thường, vòng quay này sẽ diễn ra suôn sẻ. Song, khi thị trường ế ẩm, hàng không bán được thì nợ chồng nợ, đến khi không xoay được nữa thì vỡ nợ.
Đấu loại trực tiếp
“Nổ phát súng” đầu tiên trên thị trường điện máy là vụ phá sản của WonderBuy (TP.HCM) vào ngày 13/6/2011 sau một năm hoạt động, thua lỗ hơn 52 tỷ đồng.
Tiếp bước Wonderbuy là Best Carings, có 3 siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, đã từng lọt vào top 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2008, 2009. Trong nhiều năm, siêu thị này đã gây “sốt” khi liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi lớn vào các ngày lễ, tết, chương trình bán hàng trả góp không lãi suất hoặc lãi suất thấp dưới 1% khiến không ít các đối thủ cạnh tranh khi đó phải choáng váng.
Đến đầu tháng 9/2013 lại thêm một tên tuổi lớn nữa phải rời “cuộc chơi”, đó là chuỗi siêu thị điện máy HomeOne đã lần lượt khai tử cả 3 siêu thị của mình tại TP.HCM. Đây là hệ thống bán lẻ khá lớn với số vốn ban đầu khoảng 200 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm kinh doanh số tiền này đã “đội nón” ra đi.
Tại Hà Nội, chuỗi siêu thị điện máy Việt Long, tuy chưa tuyên bố phá sản nhưng cũng đang lâm nguy. Thời gian qua, Việt Long đã liên tiếp “khai tử” một số điểm bán hàng, chỉ còn lại duy nhất đặt siêu thị tại phố Ngô Gia Tự (Long Biên). Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, hiện nay kho hàng của Việt Long đã bị ngân hàng siết nợ do không trả nợ đúng hạn. Chủ nợ còn tự đứng ra tổ chức kinh doanh tại 80 Ngô Gia Tự để giải phóng nguồn hàng thu hồi vốn.
Hiện còn nhiều chuỗi siêu thị lẻ điện máy ở Hà Nội đang ngấp nghé bờ vực phá sản. Có DN sở hữu 7 siêu thị điện máy lớn, đang gánh khoản nợ lên tới 600 tỷ đồng, liên tục bị các ngân hàng và công ty bảo hiểm đưa ra cảnh báo.
Nguyên nhân chung khiến các DN điện máy ra đi đã rõ, là tàn sát lẫn nhau. Kinh doanh chưa đâu vào đâu đã khuyến mãi ầm ĩ, khuyến mãi khủng với giá rẻ, giảm giá mạnh, dùng hàng bị lỗi kỹ thuật, trầy xước, cần thanh lý, hàng trôi nổi để giảm giá, từ đó làm mất uy tín thương hiệu.
Các DN nhảy vào cuộc chơi nhưng chưa hình dung hết nghiệp vụ kinh doanh quá nhanh của nhóm sản phẩm điện máy và đặc biệt hơn là đòi hỏi cao về công tác hậu mãi như giao nhận, lắp đặt, bảo trì, bảo hành… cần đầu tư chi phí tốn kém, cũng như kinh nghiệm quản lý.
Ngoài ra là thiếu đội ngũ nhân sự lành nghề và kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn, thậm chí kém về năng lực; lãnh đạo hay thay đổi các quyết định. Hơn nữa, với những siêu thị này, hệ thống phần mềm quản lý bán hàng quá kém, vòng quay vốn kéo dài, hàng kho tăng cao, đến giới hạn cuối cùng, không kham nổi, đành phải “bỏ cuộc chơi”.
Kinh tế khó khăn, tiêu dùng suy giảm, cạnh tranh khốc liệt, nếu không xây dựng được nền tảng kinh doanh vững chắc thì thua lỗ, phá sản là điều khó tránh khỏi. Giới kinh doanh cho biết hiện còn nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh điện máy có hệ thống siêu thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang ngắc ngoải với những khoản nợ lớn, bị ngân hàng cảnh báo, nhà cung cấp phong tỏa, nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng, hàng tồn kho chất đống, khách vắng lặng… sắp ra đi trong thời gian tới.
Theo Trần Thủy
VEF
Chả giò hối hả vào mùa Tết
Còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm những món ăn như giò chả, nem tré ở các làng nghề, các tiệm ở chợ bắt đầu vào mùa. Người người đổ xô, náo nức đi mua giò chả về cúng Tết và làm quà biếu gia đình, bạn bè.
Vào ngày Tết, ngoài bánh chưng, bánh tét, thì giò chả, nem tré là một món ăn không thể thiếu của người miền Trung mỗi dịp Tết đến xuân về. Ở thành phố Đà Nẵng có nhiều cơ sở giò chả có tiếng như Chả Bò Lê Thị Hường, giò chả Cổ Mân, làng chả bò Ngô Gia Tự, tiệm chả bò Hùng Hồng... Sản phẩm từ đây được đổ đi bán lẻ tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố.
Năm nay, để phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, các cơ sở sản xuất giò chả đã tạo ra nhiều loại giò chả có mùi vị, thành phần và khối lượng khác nhau với những mức giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.
Thống kê chung ở các lò giò chả cũng như ở các chợ trong thành phố, giá trước ngày 24 âm lịch của chả bò là từ 260.000 - 310.000 đồng/kg, giò lụa 170.000 - 200.000 đồng/kg, giò thủ từ 150.000 - 170.000/kg; hộp tré 1/2 kg có giá 70.000 đồng...
Chị Trần Thị Thanh Thúy (lò chả Thúy) cho biết năm nay lượng khách đến mua đông hơn so với năm ngoái, trung bình một ngày chị bán được khoảng 20 đòn chả bò loại 1 kg,15 hộp tré loại nửa ký.
Những đòn chả phục vụ nhu cầu ăn Tết của người dân
Anh Hùng chủ cơ sở chả bò Hùng Hồng cho biết, mặc dù nguyên liệu như lá chuối, thịt bò, thịt heo tăng mạnh nhưng giá của tất cả các loại giò chả cũng không tăng nhiều, nên lượng khách hàng đến mua đông hơn mọi năm. Từ ngày 20 âm lịch đến nay mỗi ngày tiệm của chị bán được 30 kg giò lụa, 10 đòn chả bò, vài trăm cái nem.
Ngoài đến mua trực tiếp, nhiều khách hàng, đơn vị, hay cả những khách du lịch ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế... còn đến các lò, các cơ sở sản xuất đặt hàng với số lượng lớn để làm quà biếu.
Để làm nên một đòn chả thơm ngon, có chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn: thịt phải dẻo, tươi ngon; lá chuối được nhập từ nơi có nguồn gốc, lá mới xanh non, được chọn lọc kỹ, trùng qua nước sôi. Tùy vào loại giò chả mà có thời gian nấu khác nhau, chả heo 50 phút, chả bò 60 phút, lửa liu riu không để sôi to, như vậy mới giữ được mùi thơm ngon của chả.
Cơ sở giò chả Cổ Mân (Sơn trà - Đà Nẵng) năm nay làm ra nhiều loại giò chả phong phú hơn như chả phụng, chả tứ quý, chả chiên, chả quế. Chị Loan quản lý cơ sở vui vẻ cho biết, ngoài khách đến mua tại chỗ, cơ sở còn có mối đặt hàng từ các công ty, doanh nghiệp, bộ đội trên địa bàn.
Theo nhiều chủ cơ sở làm giò chả, qua ngày 25 âm lịch, giá cả mua nguyên liệu sẽ tăng nên giá của các loại giò chả cũng sẽ tăng mỗi loại thêm 10.000 đến 15.000 đồng.
Bích Liên - Bùi Phương
Theo Dantri
Phân luồng, cấm đường dịp Tết Nguyên đán Từ ngày 15-1 đến 16-2-2014, Sở GTVT Hà Nội sẽ thực hiện phân luồng giao thông từ xa để phục vụ đi lại dịp Tết Nguyên đán 2014. Cụ thể, phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông được giới hạn bởi các tuyến đường: Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long- đường 70 -...