Siêu mẫu: Thế giới không dành cho học trò
Trước cơn sốt người mẫu nhí, cách đây không lâu Hội bảo vệ người tiêu dùng bang New York đã kêu gọi phụ huynh nên thận trọng khi ký hợp đồng với các công ty tìm kiếm tài năng, vốn mạnh miệng trong việc hứa biến con họ thành ngôi sao trong nháy mắt. Không chỉ các trường hợp cho “ăn bánh vẽ”, còn có những cạm bẫy dường như lúc nào cũng ẩn nấp sẵn sàng chờ “mồi”…
“Bán giấc mơ thiên hạ”
Trên trang web modelalliance.org (được lập vào đầu năm 2012), Sara Ziff đã công bố một cuộc thăm dò 241 người mẫu riêng tại New York và Los Angeles. Kết quả như sau: nhóm đối tượng 13-16 tuổi bắt đầu bước vào làng người mẫu chuyên nghiệp chiếm đến 54,7%, có đến 28% phụ huynh không bao giờ đi theo con đến các cuộc thi tuyển (casting) hoặc chụp ảnh (so với 9% là luôn có mặt), có đến 76,5% người mẫu tiếp xúc với rượu và ma túy, có đến 29,7% từng trải qua “kinh nghiệm” bị sờ soạng, 28% bị ép lên giường, 29,1% bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, 86,8% bị yêu cầu khỏa thân khi thay đồ, 46,4% bị yêu cầu chụp ảnh nude…
Xuất hiện trong chương trình Good Morning America sáng 22/8/2011, nhiếp ảnh gia Jason Lee Parry đã phải biện bạch làm thế nào mà bộ ảnh mình chụp người mẫu nhí Hailey Clauson, 15 tuổi, lại được in trên loạt áo thun và bán tại chuỗi cửa hàng Urban Outfitters trong khi Clauson không hề được hỏi ý trước. Gia đình Clauson đã kiện Parry và Urban Outfitters, đòi bồi thường nhiều triệu USD. Điều khiến sự việc gây chú ý không chỉ là việc Parry tự tiện thương mại hóa ảnh chụp (trong khi không có sự đồng ý từ đại diện pháp lý của người mẫu), mà còn nhạy cảm ở chỗ bức ảnh Clauson in trên áo thun lại được chụp ở tư thế rất khêu gợi. Điều này dễ dàng bị quy kết với tội danh kinh doanh hình ảnh sex của trẻ vị thành niên một cách bất hợp pháp…
Khi xem phần giới thiệu việc làm trên trang web Monster.com, Gracey Mary, 16 tuổi, tin rằng mình có thể tìm được cách tiết kiệm cho chi phí đại học sau này. Một công ty săn lùng tài năng tên Trans Continental Talent (TCT) đang rao tìm người mẫu. Nghe lời mẹ, Mary gửi bản lý lịch và nhận được cú điện mời phỏng vấn vào hôm sau. Người trên điện thoại cho biết TCT là công ty làm ăn nghiêm túc, từng đưa lên bệ phóng ngôi sao cho diễn viên Josh Hartnett, nhóm boyband Backstreet Boys và rằng ông trùm đào tạo teen pop Lou Pearlman là chủ tịch công ty. Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, Mary không được hỏi gì nhiều mà chỉ được yêu cầu đưa ảnh. Hôm sau, một đại diện công ty gọi điện báo rằng TCT sẽ thu xếp giúp Mary trong sự nghiệp người mẫu. Tiếp đó, TCT đòi Mary nộp “lệ phí”. Cần 795 USD để có thể đưa ảnh Mary lên một website mà chỉ có những hãng người mẫu “thứ dữ” mới có thể truy cập, và thêm 60 USD mỗi ba tháng để duy trì ảnh Mary trên mạng.
Video đang HOT
Một bức ảnh với tư thế kỳ cục của siêu mẫu nhí Hailey Clauson – Ảnh: People
Gần một tháng sau, TCT cho biết Mary trúng tuyển. 100 người được chọn cho cuộc trình diễn tại bãi biển Miami. Kênh truyền hình ca nhạc MTV cùng nhiều hãng người mẫu lừng danh sẽ có mặt tại đó. Tuy nhiên, Mary phải đóng thêm 895 USD, chưa kể vé máy bay, và 14 USD nữa cho cuộc phỏng vấn điện thoại. Đến cuối tháng 4, Mary đã xài gần 1.800 USD cho bước đầu sự nghiệp người mẫu nhưng chẳng có gì tiến triển.
Không lâu sau, Mary tá hỏa tam tinh khi xem chương trình Dateline NBC của Đài NBC tường thuật về vụ “bán giấc mơ thiên hạ qua điện thoại” của công ty săn lùng tài năng TCT. Hoạt động săn tìm người mẫu của TCT thông qua một hãng đại diện tên Wilhelmina Scouting Network (WSN), và điều gây sốc ở chỗ WSN không hề quan hệ với những công ty người mẫu hàng đầu thế giới, chẳng hạn Elite như họ từng quảng cáo. Ứng cử viên được họ “tuyển dụng” không hề xuất hiện trên sàn diễn mà chỉ đứng phát giải thưởng khuyến mãi ở cửa hàng hay siêu thị!
Nhiều phụ huynh và trẻ em ở Úc phản đối gay gắt cuộc thi Toddlers & Tiaras trên truyền hình – Ảnh: CNN
Từ vị khách mời Next Top Model…
Cách đây vài năm, làng người mẫu Mỹ xảy ra một vụ động trời: nhà thiết kế lừng danh Anand Jon, từng là khách mời của chương trình truyền hình thực tế America’s Next Top Model và được tuần báo Newsweek trong số cuối năm 2006 chọn là một trong những gương mặt đáng chú ý nhất năm 2007, đã bị cáo buộc tội cưỡng hiếp. Tháng 11/2008, Jon bị quy kết 16 tội danh liên quan lạm dụng tình dục, trong đó có cưỡng bức bảy cô gái (người mẫu) từ 14-21 tuổi. Đương sự cũng bị cáo buộc tội sản xuất và tàng trữ phim ảnh khiêu dâm trẻ em. Tháng 8/2009, Jon bị xử 59 năm tù!…
Những trường hợp như Anand Jon còn nhiều. Được đánh giá là một trong những ông vua trong làng nhiếp ảnh thời trang, Terry Richardson (sinh năm 1965) là một tay máy đẳng cấp thế giới, từng chụp các bộ sưu tập của Marc Jacobs, Aldo, Supreme, Tom Ford, Yves Saint Laurent… Ảnh thời trang của Richardson xuất hiện trên nhiều tạp chí tên tuổi (Rolling Stone, GQ, Vogue, Vanity Fair…). Năm 2007, bộ ảnh Richardson chụp cho Hãng thời trang Diesel đã được trao giải Sư tử bạc tại Liên hoan quảng cáo quốc tế Cannes. Tóm lại, Richardson là một tượng đài.
Tuy nhiên, tháng 3/2010 tượng đài Richardson đã bị lật đổ, sau khi người mẫu Đan Mạch Rie Rasmussen phanh phui rằng “ông ấy chụp các cô người mẫu trẻ, bắt họ cởi đồ rồi chụp những bức ảnh khiến họ phải xấu hổ. Họ không dám khước từ bởi sợ mất việc. Vả lại họ còn quá non nớt nên không có kinh nghiệm tự bảo vệ. Cái “gu” của ông ấy là những cô (người mẫu) vị thành niên…”. Sau khi Rie Rasmussen lên tiếng, một số người mẫu từng rơi vào nanh vuốt của “dê già” Richardson cũng bắt đầu tố giác đương sự.
Chính vì vậy, ngày 20/9/2012, giám đốc Tổ chức Model Alliance (được thành lập với mục đích bảo vệ quyền người mẫu), Sara Ziff, đã có phiên điều trần trước Bộ Lao động bang New York, với nội dung cảnh báo tình trạng lạm dụng người mẫu trẻ em khi mà luật pháp vẫn còn buông lỏng và công nghiệp người mẫu chẳng hề có chính sách cụ thể về sự đồng thuận của người mẫu liên quan chụp ảnh nude.
Sara Ziff không là gương mặt lạ. Sinh năm 1983, tốt nghiệp khoa học chính trị bằng ưu Đại học Columbia, Sara Ziff từng làm người mẫu chuyên nghiệp năm 14 tuổi (trở thành gương mặt các chiến dịch quảng cáo của những nhà thiết kế tên tuổi, trong đó có Tommy Hilfiger, Stella McCartney, Kenneth Cole… từng lên sàn catwalk cho các chương trình Prada, Calvin Klein, Marc Jacobs…). Hiện Sara Ziff đang thực hiện cuộc chiến chống lại sự lạm dụng trong thế giới người mẫu, trong đó có tình trạng “ghẹo bướm hái hoa”.
Khi đưa con vào thế giới người mẫu, liệu có phụ huynh nào tự đặt ra câu hỏi về sự cám dỗ và cạm bẫy mà các em phải đối diện? Khi tiếp nhận đào tạo người mẫu nhí, liệu có ai nói cho các em lẫn phụ huynh các em biết về những chấn thương tâm lý mà trẻ có thể gặp phải khi từ bỏ tuổi thơ quá sớm để bước vào thế giới của người lớn? Còn nữa, cái giá phải trả cho sự nổi tiếng là bao nhiêu?…
Theo 24h
Cám dỗ trong thế giới người mẫu nhí
Trung tuần tháng 9/2012, dư luận Mỹ lại một phen thịnh nộ với cảnh thí sinh Destiny Christian, 4 tuổi, xuất hiện trên sân khấu chương trình thi hoa hậu nhí Toddlers & Tiaras với điếu thuốc lá gắn xệ điệu nghệ trên môi!
Bất luận đó chỉ là điếu thuốc giả (cây kẹo), báo chí Mỹ cũng chỉ trích gay gắt và loạt câu hỏi đạo đức đối với những cuộc thi khai thác hình ảnh tuổi thơ một lần nữa lại được đặt ra. Và vấn đề không chỉ ở Mỹ...
"Chuyện nhỏ như con thỏ"?
Đây không phải lần đầu tiên chương trình (truyền hình thực tế) thi hoa hậu nhí Toddlers & Tiaras (Bé chập chững và chiếc vương miện, do kênh TLC tổ chức từ năm 2009) gây điều tiếng xôn xao dư luận. Tháng 8/2012, một phiên tòa đã quyết định cấm cô Lindsay Jackson (30 tuổi, sống tại Mount Juliet, Tennessee) tạm thời không được đưa con gái Madisyn "Maddy" Verst, 5 tuổi, của mình tham gia bất kỳ cuộc thi hoa hậu nhí nào cho đến khi vụ xử có kết luận cuối cùng. "Vụ án" bắt đầu khi bố của Maddy kiện vợ, nói rằng Lindsay đã "lạm dụng" cô con gái nhỏ khi dắt cháu đến tham dự Toddlers & Tiaras với trang phục... độn ngực và độn mông! Vụ việc gây ồn ào đến mức tuần báo People trong một ấn bản 2011 đã đưa ảnh Maddy ra trang bìa với hàng tít "Đi quá xa rồi chăng?".
Cũng trong mùa 2011, một số phụ huynh dắt con đi thi Toddlers & Tiaras còn cho các bé vận trang phục sexy như... gái giang hồ (nhái theo hình ảnh cô gái điếm mà Julia Roberts thủ vai trong phim Pretty woman)! Viết trên CNN, Melissa Henson - giám đốc truyền thông và giáo dục cộng đồng thuộc Hội đồng truyền hình phụ huynh (Mỹ) - đã chỉ trích gay gắt không chỉ ban tổ chức Toddlers & Tiaras mà cả những phụ huynh "ngu xuẩn" đã làm hỏng tuổi thơ con mình khi "bán" chúng cho công nghiệp truyền hình, rằng "sản phẩm mà kênh TLC tạo ra là bán đứng những đứa trẻ chập chững được gợi cảm hóa".
"Họ (TLC) phải biết xấu hổ và các bậc phụ huynh cũng nên nhìn lại mình để dạy con rằng giá trị chúng thật sự có được là gì, chứ không phải chúng trông gợi cảm như thế nào" - Melissa viết. Tuy nhiên, với rất nhiều phụ huynh, việc biến những thiên thần nhỏ thành "gái hư" chẳng hề là chuyện gì to tát. Chỉ là cuộc thi vui thôi mà, "dễ thương gần chết", có gì mà la ó om sòm! - họ nghĩ đơn giản vậy, thậm chí có vẻ rất hãnh diện và tự hào.
Ngay cả chuyên san giải trí People cũng phải thốt lên "Đi quá xa rồi chăng?", trước hình ảnh kỳ cục của cô bé 5 tuổi Madisyn "Maddy" Verst - Ảnh: Jezebel
Tại ai đây?
Natacha Andrews, 36 tuổi, gần đây đã ký hợp đồng cho cô con gái Anaya với một công ty người mẫu và tuy mới 4 tuổi nhưng bé Anaya nũng nịu cho biết mình luôn ao ước trở thành Tyra Banks (cựu siêu mẫu da màu). Natacha Andrews còn có một mục tiêu khác: kiếm thêm thu nhập. Một bài báo Wall Street Journal cho biết ngày càng có nhiều phụ huynh Mỹ ký hợp đồng cho con họ với các công ty người mẫu, cũng như cho chúng học tại những lớp đào tạo nhằm không chỉ tìm kiếm danh tiếng mà còn có thêm một ít tiền. Số đơn dự tuyển tại những công ty chẳng hạn Wilhelmina International Inc. và Funnyface Today Inc. ở New York City hay Peak Models & Talent ở Los Angeles đã tăng liên tục vài năm qua. Charlie Winfield thuộc Funnyface cho biết tỉ lệ trẻ tại bộ phận đào tạo người mẫu nhí của họ đã tăng đến 50% trong ba năm qua.
Đun thêm nhiệt cho cơn sốt người mẫu nhí là ngày càng có nhiều chương trình truyền hình dành riêng cho khán giả nhí, từ hoa hậu nhí, tài năng nhí, ngôi sao nhí, đến giọng ca nhí mà hầu hết là... nhảm nhí! Được thiết kế với mục đích tạo sân chơi cho khán giả nhỏ tuổi nhưng nhiều chương trình dần trở thành cuộc thi thố tìm kiếm danh tiếng bằng mọi giá. Nó tác động tiêu cực không ít đến tâm sinh lý trẻ em. Chẳng trách sao nhiều bé gái bây giờ có thể rành rọt việc trang điểm, từ kẻ lông mày đến đánh lót mí mắt, khi chúng học từ những chương trình Toddlers & Tiaras hay phiên bản tương tự Little Miss Perfect của Đài WETV.
Và không chỉ ở Mỹ. Trên một con đường rợp mát bóng cây tại phố thời trang Jardins ở Sao Paulo (Brazil), chiếc xe buýt đỗ xịch trước ngôi biệt thự sang trọng. Đám em gái nhỏ ùa ra, theo đội hình, tỏa mùi nước hoa thơm lừng và lật đật bước vào con đường đá cuội dẫn vào nhà, qua cái cổng sắt khổng lồ. Đó là tổng hành dinh của Marilyn - lò đào tạo người mẫu lừng danh Brazil. Em nào cũng kẹp dưới nách xấp ảnh chụp mình và trong đầu miên man tưởng tượng đến New York hay Milan (Ý). Bên trong dinh thự Marilyn, nhân viên đang tất bật làm việc. Họ gọi điện thoại di động í ới, vài người khác thì cắm đầu gõ rào rào lên bàn phím. Các em mới đến được dẫn vào phòng chờ, nơi chúng ngồi trong tâm trạng lo lắng, lép nhép nhai kẹo cao su, so sánh các tập ảnh với nhau, cãi chí chóe chuyện mụn nhọt hay sữa tắm nào là tốt nhất...
Ở Brazil, nơi sắc đẹp được đánh giá cao ngang hàng bóng đá và vũ điệu samba, sự mơ tưởng đó trở nên nóng hực và lan rộng hơn bất cứ nơi nào khác. Nghề người mẫu là một ám ảnh. Các lò đào tạo người mẫu, cửa hàng dạy kỹ thuật trang điểm và những cuộc ứng thí sắc đẹp bùng lên điên cuồng. Phong trào kiêng khem trở thành mốt thời thượng. Hơn một chục công ty người mẫu như Marilyn mọc khắp Sao Paulo và dàn ra lực lượng săn lùng người mẫu để tìm kiếm gương mặt mới. Và từ các giáo xứ nhỏ nhất ở vành đai lương thực miền nam đến những đô thị lộng lẫy như Sao Paulo, các em nhỏ đã thi nhau tập làm dáng và hoàn thiện kỹ năng liếc mắt, bĩu môi, hệt như các chị siêu mẫu chuyên nghiệp.
Tạp chí tuổi học trò Capricho mới đây đã thực hiện cuộc thăm dò. Trong 1.100 em gái được hỏi, 86% em đã trả lời rất thích nghề người mẫu. Một trong những lý do ở cái sự thích này nằm ở một thần tượng cao 1,77m với đôi mắt xanh rực lửa. Tên nàng là Gisele Bündchen, người mà sự nổi tiếng chỉ có thể so với vua bóng đá Pelé. Cũng dễ hiểu. Ai mà không thích sống như Gisele, một trong những siêu mẫu có thu nhập cao nhất thế giới. Hỗ trợ cơn sốt người mẫu là vô số cuộc tỉ thí sắc đẹp. Đó là cuộc thi "Hoa hậu hồ bơi" (Miss swimming pool), "Cô gái mùa hè", "Sinh viên đẹp nhất", "Nữ hoàng mùa hái nho" hoặc thậm chí "Hot girl trên mạng trong tháng"...
Vậy là các lò đào tạo trở nên nhộn nhịp. Trong một lò như vậy, Ming Liao Tao quan sát những cô gái mặc bikini và những chàng trai mặc quần tắm đang bước lên bước xuống sàn tập. "Em phải giảm bốn ký đi" - Ming nói với một em tóc vàng. Từng làm nghề trung gian ký hợp đồng cho các người mẫu ở Nhật và New York trong 11 năm qua, Ming cho rằng cơn sốt Gisele dường như lan quá xa. Như Ming, cựu người mẫu nam Dilson Stein cũng tổ chức hàng loạt khóa huấn luyện, dựng sàn tập trong phòng thể dục ở các trường trung học, dạy các em những bí mật trong nghề... Giữa thập niên 1990, có năm công ty người mẫu tại Brazil và hiện nay con số đó là hàng chục với chi nhánh mọc khắp nước.
Theo 24h
Cô gái mồ côi và giấc mơ làm người mẫu Trong chiếc tủ kê tivi của một căn nhà xập xệ chưa tới 10m2 ở P.Cầu Kho (Q.1, TP.HCM) có mấy đôi guốc rất "môđen" của cô bé mồ côi 15 tuổi Nguyễn Ngọc Thùy Trang. Giấc mơ giấu trong chiếc tủ Từ nhỏ, Thùy Trang đã nuôi giấc mơ trở thành người mẫu. Trang đòi mẹ mua guốc, mua son môi và...