Siêu khu trục hạm Mỹ lần đầu phóng tên lửa
Tàu khu trục tàng hình USS Zumwalt phóng thành công tên lửa phòng không SM-2 trong lần đầu tiên khai hỏa loại khí tài này.
“USS Zumwalt thực hiện thành công lần thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên với hệ thống phóng thẳng đứng Mark 57, sử dụng một quả đạn SM-2 ở thao trường hải quân tại Point Mugu hôm 13/10″, hải quân Mỹ hôm 19/10 ra thông cáo cho biết.
Quả đạn SM-2 phóng ra từ tàu khu trục USS Zumwalt đã bám bắt và tiêu diệt mục tiêu mô phỏng tên lửa hành trình trong thử nghiệm. Đợt bắn thử cũng giúp đánh giá khả năng chống chịu rung động mạnh của tàu khi phóng tên lửa, cũng như hư hỏng có thể xảy ra sau khi khai hỏa.
Đợt bắn thử tên lửa SM-2 trên USS Zumwalt hôm 13/10. Video: US Navy.
“Cuộc thử nghiệm thành công đã chứng tỏ khả năng phóng tên lửa và tự vệ của tàu, cũng là bước quan trọng hướng tới những đợt thử nghiệm cao hơn với hệ thống chiến đấu trên chiến hạm hiện đại nhất của Mỹ”, đại tá hải quân Matt Schroeder, giám đốc dự án tàu khu trục Zumwalt, cho hay.
USS Zumwalt là chiếc đầu tiên trong dự án siêu tàu khu trục tàng hình cùng tên, được bàn giao cho hải quân Mỹ từ năm 2016. Tuy nhiên, nó chỉ tiến hành đợt bắn đạn thật đầu tiên với hệ thống pháo Mark 46 Mod 2 (GWS) cỡ nòng 30 mm hồi tháng 5 nhằm kiểm tra độ bền khung thân. Vũ khí chính của Zumwalt là hai Hệ thống Pháo Tiên tiến (AGS) cỡ 155 mm nhưng chưa thể sử dụng vì không có đạn.
Lớp tàu Zumwalt được coi là một trong những dự án quân sự tốn kém nhất lịch sử Mỹ, nhưng lại gây thất vọng với hàng loạt lỗi thiết kế, đội giá và chậm tiến độ. Mỗi tàu có giá tới hơn 4 tỷ USD, buộc quốc hội Mỹ cắt giảm số lượng đặt mua từ 32 chiếc xuống chỉ còn ba tàu.
Tàu có lớp vỏ được thiết kế góc cạnh đặc biệt để tăng khả năng tàng hình, nhưng lại phải lắp đài vô tuyến và cột ăng ten ngoài thượng tầng để giảm chi phí chế tạo, khiến khả năng tàng hình suy giảm. Chiếc thứ hai là USS Michael Mansoor cũng gặp sự cố trong chuyến thử nghiệm đầu năm 2018, khiến Lầu Năm Góc chi ít nhất 20 triệu USD để thay động cơ.
Trung Quốc có thể đang mở rộng nhà máy đóng tàu ngầm
Ảnh vệ tinh cho thấy nhà máy đóng tàu Bột Hải, nơi chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, có thể đang xây xưởng đóng tàu mới.
Ảnh vệ tinh do hãng H I Sutton chụp hồi tháng 9, được công bố ngày 12/10, cho thấy công trình có thể là xưởng đóng tàu ngầm mới đang được xây dựng ở nhà máy đóng tàu Bột Hải, thành phố Hồ Lô Đảo, Trung Quốc. Bề ngoài của tòa nhà về cơ bản giống công trình được xây dựng gần đó hồi năm 2015, được cho là nơi chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Trung Quốc.
Kích thước của xưởng được cho đủ để đóng hai tàu ngầm cùng lúc. Sau khi hoàn tất khu nhà xưởng mới, nhà máy đóng tàu Bột Hải có thể chế tạo cùng lúc 4 tàu ngầm. Nhà máy đóng tàu Bột Hải còn một xưởng đóng tàu cũ hơn và nếu còn hoạt động, cơ sở này có thể đóng đồng thời 4-5 tàu ngầm.
Nhà máy đóng tàu Bột Hải là nơi chế tạo tất cả tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) và tàu ngầm tấn công (SSN). Năng lực của các chiến hạm này đóng vai trò chính trong sức mạnh tổng thể của hải quân Trung Quốc.
Nhà máy đóng tàu Bột Hải chuyên chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, ngày 19/9. Ảnh: H I Sutton.
Trước việc hải quân Trung Quốc gia tăng sức mạnh, hải quân Mỹ được cho sẽ tìm cách điều chỉnh cơ cấu lực lượng. Trong đề xuất về Lực lượng Tác chiến 2045, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói Mỹ phải bắt đầu đóng ba tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm sớm nhất có thể nhằm xây dựng "lực lượng tàu ngầm lớn hơn và có năng lực hơn".
Lực lượng tàu ngầm được Bộ trưởng Esper đề xuất sẽ bao gồm 70-80 tàu ngầm tấn công, được mô tả là "nền tảng tấn công mang tính sống còn nhất trong một cuộc xung đột giữa các cường quốc trong tương lai".
Nhà máy đóng tàu Bột Hải có thể chế tạo ba lớp tàu ngầm mới, trong đó bao gồm Type 093B, biến thể nâng cấp của tàu ngầm lớp Type 093A. Ống phóng đứng trên tàu Type 093B được cải tiến để mang nhiều tên lửa hành trình hơn và cải thiện khả năng tấn công chiến lược.
Lớp tàu ngầm Type 093B có thể sử dụng tên lửa hành trình YJ-18, tương tự dòng Kalibr của Nga đang được Trung Quốc trang bị cho một số tàu ngầm khác. Cao cấp hơn là tàu ngầm lớp Type 95, được cho là mang nhiều đặc tính giống Type 93B và có khả năng ẩn mình tốt hơn.
Nhà máy đóng tàu Bột Hải có thể sẽ chế tạo tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Type 96, hiện đại hơn biến thể mới nhất của lớp Type 94. Trung Quốc được cho có thể đóng thêm 6 tàu ngầm Type 94 mới và tăng số SSBN trong hạm đội. Báo có Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ dự báo hải quân Trung Quốc sẽ vận hành 8 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo vào năm 2030.
USNI cho biết chưa có tàu ngầm nào rời khu nhà xưởng mới và các công trình này có thể phục vụ mục đích khác. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang tăng cường khả năng đóng tàu ngầm của mình và dự án tại Hồ Lô Đảo sẽ xóa bỏ rào cản hữu hình từng kìm hãm lực lượng hạt nhân của hải quân nước này.
Azerbaijan tố Armenia khai hỏa tên lửa đạn đạo Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói lực lượng do Armenia hậu thuẫn đã phóng ba tên lửa đạn đạo tại khu vực giao tranh, song chúng không phát nổ. "Armenia sử dụng tên lửa chiến thuật Tochka-U tại đường tiếp giáp ở khu vực Nagorno-Karabakh. Do tính không ổn định và chất lượng thấp của khí tài đối phương, ba tên lửa được phóng...