Siết vốn vay lĩnh vực bất động sản
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) vừa tiếp tục siết mạnh khâu cho vay BĐS, khi chính thức chốt lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn, được sử dụng để cho vay trung và dài hạn trong 3 năm tới.
Có lộ trình
Thông tư 22/2019 vừa được NHNN ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020), quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, cơ quan này sẽ siết lại giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng, theo lộ trình 3 năm, từ đầu năm 2020 đến năm 2022.
Cụ thể, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn từ ngày 1-1-2020 đến 30-9-2020 là 40%, từ ngày 1-10-2020 đến 30-9-2021 là 37%, từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022 là 34% và từ ngày 1-10-2022 sẽ còn lại 30%.
Cho vay mua nhà từ 4 tỷ đồng trở lên sẽ áp hệ số rủi ro lên đến 150%. Ảnh: PHAN LÊ
Thông tư mới không chỉ siết lại hoạt động cho vay đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, mà mục tiêu nhắm đến còn hạn chế cho vay trong lĩnh vực BĐS khi tăng hệ số rủi ro cho vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%.
Hệ số rủi ro này được áp dụng để tính (mẫu số) trong việc xác định hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng. Hệ số rủi ro càng cao thì CAR càng giảm. Các khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay, mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng, sẽ có hệ số rủi ro 50%.
Trong đó, các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.
Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay, mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 31-12-2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1-1-2021.
Thông tư 22/2019 cũng quy định: tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016, phải gửi văn bản đến NHNN trước ngày 1-1-2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41/2016 chậm nhất kể từ ngày 1-1-2023.
Hướng đến ổn định thị trường
Video đang HOT
Việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tác động rất nhiều đến thị trường BĐS cũng như các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS, nên trước đó, Hiệp hội BĐS TPHCM đã nhiều lần kiến nghị gia hạn tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhằm tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn.
Vì hiện nay, nguồn vốn của DN BĐS chủ yếu dựa vào ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Mặc dù vậy, NHNN vẫn hạn chế cho vay vào lĩnh vực rủi ro này nên đã chốt lộ trình siết tín dụng vào thị trường BĐS và rải đều trong 3 năm.
Theo thông tin từ NHNN, đến hết quý 3-2019, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,4% so với cuối năm 2018, trong đó, tính đến cuối tháng 8-2019, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng tới 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 1,48 triệu tỷ đồng.
Con số trên cho thấy, tín dụng BĐS vẫn tăng với tốc độ khá cao, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Không chỉ thế, các chuyên gia trong ngành nhận xét, tín dụng BĐS thời gian qua có thể “núp bóng” cho vay tiêu dùng như vay để mua nhà để ở, kinh doanh nhà…
Nếu tính luôn các khoản vay này thì tín dụng BĐS chiếm không dưới 20% trên tổng dư nợ tín dụng.
Xét theo phân khúc thì BĐS cao cấp trên thị trường có dấu hiệu dư nguồn cung, nhưng giá vẫn không giảm. Trong khi đó, phân khúc trung bình vẫn đang thiếu cung, không đáp ứng đủ nhu cầu trên thị trường.
Do đó, việc NHNN tiếp tục siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong gian đoạn tới đây là hợp lý, nhằm hạn chế việc dòng vốn chảy mạnh vào lĩnh vực BĐS; qua đó hạn chế rủi ro về thanh khoản, nâng cao an toàn chung của hệ thống tín dụng.
Cùng với đó, cũng có thể giảm thiểu rủi ro khi thị trường BĐS có biến động mạnh theo chiều hướng xấu, giúp thị trường BĐS hoạt động lành mạnh, ổn định hơn. Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM
Tín dụng BĐS tăng gần 10% trong 11 tháng
Tính đến đầu tháng 12-2019, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm nay. Trong tổng tăng trưởng tín dụng đạt 2,2 triệu tỷ đồng này, tín dụng cho vay BĐS đạt 252.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn TPHCM 11 tháng đầu năm, tương đương mức tăng trưởng 9,6% so với đầu năm 2019. Tuy nhiên, dư nợ này chỉ tính cho vay đầu tư dự án và mua nhà kinh doanh, chưa bao gồm dư nợ cho vay mua nhà để ở. Liên quan đến nợ xấu, 11 tháng năm 2019, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP chiếm 2,2% trên tổng dư nợ của các ngân hàng. Riêng nợ xấu cho vay BĐS của các ngân hàng trên địa bàn chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng tại TPHCM nói trên. TS BÙI QUANG TÍN, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM
Doanh nghiệp phải tìm đến thị trường vốn
Việc giảm sốc và giảm ngay vốn vào BĐS sẽ tác động tiêu cực đến thị trường và các chủ thể liên quan, nên NHNN đã chọn phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% theo lộ trình 3 năm là sự điều chỉnh phù hợp để các ngân hàng thương mại ( NHTM) chuẩn bị và đáp ứng đúng quy định của NHNN đặt ra. Hiện nay, không ít NHTM đã đưa tỷ lệ này xuống dưới 40%, ở mức 30%-35%, để chuẩn bị cho quyết định này từ trước. Quan trọng là với việc điều chỉnh này, các NHTM phải cân nhắc và suy xét kỹ hơn khi cho vay BĐS. Qua đó, dần hình thành xu hướng ngân hàng chỉ là kênh cấp vốn ngắn hạn, còn DN muốn vay vốn trung, dài hạn thì phải đến với thị trường vốn. TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, Chuyên gia tài chính ngân hàng
Thanh lọc chủ đầu tư “tay không bắt giặc”
NHNN đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ về kiểm soát cho vay cá nhân để mua nhà ở phân khúc cao cấp là hoàn toàn hợp lý để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Cụ thể, Thông tư 22/2019 quy định, khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống từ 4 tỷ đồng trở lên sẽ áp dụng hệ số rủi ro ở mức 120% trong cả năm 2020 và đến đầu năm 2021, sẽ áp hệ số rủi ro 150% nhằm đảm bảo kiểm soát, hạn chế đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS. Ngoài ra, việc NHNN hạn chế cho vay vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có BĐS, các DN BĐS cũng sẽ phải chủ động tìm các kênh vốn đầu tư khác; đồng thời, thanh lọc những chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, không có năng lực tài chính mà kinh doanh dựa vào vốn ngân hàng, vốn huy động từ người dân… gây nhiều rủi ro.
NHUNG NGUYỄN
Theo sggp.vn
Đất nền vẫn đang là kênh đầu tư "vua" của giới đầu tư
Trong bối cảnh nhiều phân khúc bất động sản trầm lắng thì đất nền vẫn được xem là nơi trú ẩn của nhiều nhà đầu tư địa ốc. Dòng tiền có xu hướng chảy về những vùng đất mới giàu tiềm năng phát triển.
Đánh giá về xu hướng đầu tư này, trong một buổi hội thảo diễn ra gần đây tại TP.HCM, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup cho rằng đất nền vẫn đang là loại hình bất động sản thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư, nhất là tại các tỉnh, thành phố lân cận TP.HCM.
Trên thực tế thị trường, thời gian gần đây ở nhiều địa phương khu vực xung quanh lân cận TP.HCM như Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa (Đồng Nai) hay Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận...thị trường nhà đất diễn ra rất sôi động, thu hút dòng tiền đầu cơ lớn từ các nhà đầu tư.
Lý giải về điều này ông Hưng cho rằng xu hướng này là hợp lý vì tính "nóng lạnh" của thị trường có hiệu ứng vết dầu loang. Khi mà thị trường BĐS bước vào giai đoạn cuối chu kỳ thì dòng tiền thường đổ về vùng ven và đất nền lên giá.
Giá đất ở nhiều địa phương thời gian gần đây có xu hướng tăng là bởi nhu cầu đầu tư tăng cao, vốn đầu tư đổ về nhiều. Các nhà đầu tư đổ tiền vào "săn" đất bởi vì kỳ vọng tăng giá và tỷ suất sinh lời cao hơn các phân khúc khác. Tuy đây là kênh đầu tư thú vị nhưng theo ông Hưng, để đạt mức lợi nhuận cao thì các nhà đầu tư phải chấp nhận chôn vốn lâu dài.
Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường gần đây cũng đã có những thống kê cũng đã cho thấy xu hướng này đang diễn ra ở nhiều địa phương, trong khi thị trường căn hộ có chiều hướng sụt giảm giao dịch, trầm lắng thì thị trường đất nền vẫn có giao dịch, chỉ trầm lắng ở một số tỉnh có cơn sốt đất đi qua.
Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, lượng cung đất nền quý III/2019 có 582 căn, lượng giao dịch đạt 306 căn. Tại TP.HCM, nguồn cung 503 căn và giao dịch đạt 375 căn. Nhìn vào số liệu, có thể thấy lượng giao dịch ổn định ở cả hai thành phố lớn.
Không chỉ khu vực các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, đất nền cũng đang là kênh đầu tư ưa chuộng của nhiều nhà đầu tư tại các tỉnh, thành phố lớn ở phía Bắc, miền Trung.
Tại thị trường tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, lượng cung BĐS ít, toàn vùng ghi nhận hơn 900 giao dịch thành công (chủ yếu là đất nền). Tuy nhiên, thị trường đất nền Bắc Giang có những thời điểm tăng giá ảo, tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng".
Tuy nhiên, ở một số thị trường đã tăng trưởng nóng thì hiện nay lại có xu hướng chững lại, giảm giá đáng kể như thị trường huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang,...
Thay vào đó, dòng tiền có xu hướng tìm đến những vùng đất mới. Theo báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, thời gian qua đất nền Thanh Hóa, Nghệ An... hay một số thị trường mới như Hòa Bình, Yên Bái, Lâm Đồng,... dành được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Điểm sáng của thị trường BĐS tỉnh trong quý 3/2019 hướng về tỉnh Thanh Hóa.
Thị trường nơi đây sôi động bởi các dự án khu đô thị và đấu giá đất nền với hàng nghìn tỉ đồng. Tỉ lệ hấp thụ đạt 90% , giá đất đấu giá dao động từ 3-10 triệu đồng/m2, giá đất đô thị thị rơi vào khoảng 8-10 triệu đồng/m2. Nghệ An cũng được dự báo là thị trường sôi động trong quý 4/2019 bởi việc phát triển các dự án tại đây đang diễn ra rất mạnh.
Theo quan điểm chung của các chuyên gia, doanh nghiệp, mặc dù thị trường BĐS đang giảm tốc nhưng nhu cầu và giá bán vẫn tăng. Trong đó, lợi nhuận có từ việc đầu tư đất nền vẫn khá ổn định. Đây được xem là phân khúc có tính ổn định cao ở biên lợi nhuận, đặc biệt ở các dự án có vị trí đẹp và pháp lý sạch. Quỹ đất sạch không còn nhiều và ngày càng trở nên đắt đỏ tại khu trung tâm chính là lý do buộc người dân phải ra khỏi thành phố để đầu tư. Và các tỉnh lân cận vô tình đón cơn sóng này.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc CTCP BĐS EZ Việt Nam, cho rằng, đất nền là phân khúc trú ẩn tốt, giữ được giá, tính thanh khoản tương đối.
" Một điểm đáng chú ý là đất nền có số lượng không nhiều. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, đất nền gần như hạn hữu, trong nội đô không còn những vị trí đẹp. Chủ đầu tư thường đầu tư hạ tầng đẹp để bán được giá cao. Phân khúc đất nền do đó vẫn xứng đáng để đầu tư", ông Toản nói.
Tuy nhiên, theo ông Toản, việc đầu tư đất nền nên là trung và dài hạn thay vì lướt sóng như tại một số địa phương thời gian qua.
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở miền Bắc và miền Trung, Savills Việt Nam, cho rằng nhiều người luôn có suy nghĩ đầu tư là để kiếm lợi nhuận mà quên mất câu chuyện đầu tư còn để bảo toàn vốn, bảo toàn tài sản, tránh tiền có thể mất giá.
Do vậy, theo giới chuyên gia, đầu tư đất nền cần phải theo "nguyên tắc vàng", đó là pháp lý an toàn. Nghĩa là chỉ nên rót vốn vào những khu đất đã có sổ hoặc đủ điều kiện pháp lý để có những sản phẩm an toàn tuyệt đối. Đây được xem là nguyên tắc bất di bất dịch khi "xuống tiền" mua BĐS , đặc biệt trước bối cảnh thị trường nhà đất đang thanh lọc mạnh mẽ như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần đầu tư vào những dự án đã hình thành những cụm dân cư với mật độ từ vừa phải đến đông đúc, hoặc những dự án có chủ trương hình thành cụm dân cư, công nghiệp, cầu cảng trong tương lai, tuyệt đối không chọn những nơi "đồng không mông quạnh".
Ông Dương Đức Hiển cũng nhấn mạnh, nhà đầu tư có dòng vốn dư thừa nên đầu tư vào phân khúc đất nền thay vì sử dụng đòn bẩy tài chính.
" Nghĩa là đừng đi vay tiền để đầu tư đất nền. Bởi vay tiền mua được đất xong lại không có tiền xây để kinh doanh, nếu để đó không bán được thì thành nợ xấu, thành bong bóng BĐS", ông Hiển phân tích.
Nhật Minh (tổng hợp)
Theo Nhịp sống kinh tế
Ngân hàng nào đang có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất? Càng về cuối năm, cuộc đua giảm lãi suất cho vay mua bất động sản trở nên sôi động hơn hẳn khi các nhà băng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để cạnh tranh nhau. Nếu như nhóm 3 "ông lớn" nhà nước Vietcombank, BIDV và Vietinbank vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bất động sản như tháng trước thì...