Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn, không để dừng cho vay đột ngột
Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng kéo dài thời gian áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống 40% từ năm 2018 sang năm 2019 khi ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN để các ngân hàng có thời gian chuẩn bị, sau khi đã giảm từ 60% về 45%. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc trì hoãn áp dụng quy định trên sẽ khó diễn ra.
Theo quy định tại Thông tư 19, từ đầu năm 2019, tức chỉ còn hơn 1 tháng, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tuân thủ việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung – dài hạn từ 50% xuống 40%. Đó cũng là lý do lãi suất kỳ hạn dài được các ngân hàng điều chỉnh tăng trong thời gian qua để cân đối lại nguồn vốn.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên thị trường được duy trì mức cao nhất 8,5%/năm ở kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên, áp dụng ở một số ngân hàng nhỏ và 7,5%/năm đối với kỳ hạn dài ở ngân hàng lớn.
Techcombank cho biết, Ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn và đến cuối tháng 9/2018, tỷ lệ này chỉ còn 34,17%, thấp hơn mức quy định của Thông tư 19/2017. Theo lý giải của lãnh đạo Techcombank, việc chủ động giảm tỷ lệ này xuống dưới 40% trước ngày 1/1/2019 nhằm đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định trên.
Các ngân hàng đều đã có sự chuẩn bị cho lộ trình Thông tư 19, nên xét về mặt quản lý điều hành, NHNN không nên tiếp tục giãn thời gian áp dụng bởi có thể tạo ra tiền lệ xấu
Tại VIB, hiện hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn cũng thấp hơn quy định, đạt 38,2%. Tương tự, ACB cho biết, tỷ lệ này cũng được giảm về mức thấp hơn quy định hiện nay.
Sở dĩ nhiều ngân hàng chủ động giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn vì phần nào dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định với lộ trình đã đề ra. Việc siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng được ổn định, bền vững.
Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đề xuất giữ nguyên tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung – dài hạn ở mức 45%, thay vì giảm về 40% vào đầu năm 2019.
Ý kiến được đưa ra từ 1 thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, nếu thuận theo kiến nghị của HoREA, đây sẽ là lần thứ hai NHNN giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Video đang HOT
Trước đó, từ đầu năm 2017, các ngân hàng đã phải sử dụng mọi giải pháp để huy động vốn trung – dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06/2016/TT-NHNN (quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn giảm từ 60% về 45% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018).
Theo đó, hầu hết ngân hàng đều định hướng tăng vốn điều lệ, hạn chế chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn tự có cấp 1. Đồng thời, chạy đua phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn lãi suất cao nhằm tăng vốn tự có cấp 2 để vừa tăng nguồn vốn huy động trung, dài hạn, vừa tăng hệ số CAR.
Lãi suất huy động trung – dài hạn được đẩy lên, có thời điểm lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm đạt trên 9%/năm. Tuy nhiên, sau đó NHNN đã hoãn thời gian áp dụng từ năm 2018 sang năm 2019 khi ban hành Thông tư 19 nhằm giúp các ngân hàng có thời gian chuẩn bị.
Việc thay đổi này được đánh giá là có tác động tích cực trong ngắn hạn, giúp giảm áp lực lên lãi suất huy động của các ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu danh mục cho vay sang các khoản vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thời gian cân đối dòng vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đề xuất giãn thời gian áp dụng không nhận được sự ủng hộ, nên nhiều ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho lộ trình trên.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn cho biết, ngân hàng ông đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống dưới 40% trước thời gian quy định. Do đó, sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại khi chính thức áp dụng trong năm 2019.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho hay, cần thực hiện đúng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 19, thay vì trì hoãn thêm lần nữa, lý do bởi điều này nhằm đảm bảo tốt thanh khoản.
Theo một chuyên gia tài chính, các yếu tố về kinh tế vĩ mô và nội tại các TCTD hiện đã cải thiện. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5/2018 ở mức 27,67%, giảm so với mức 30,65% vào cuối năm 2017 và thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 40%. Xét riêng nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và nhóm ngân hàng cổ phần, tỷ lệ này cũng thấp hơn quy định, lần lượt đạt 30,23% và 31,60%.
Điều này cho thấy, các ngân hàng đều đã có sự chuẩn bị cho lộ trình Thông tư 19 nên không cần trì hoãn. Vì vậy, xét về mặt quản lý điều hành, NHNN không nên tiếp tục giãn thời gian áp dụng bởi có thể tạo ra tiền lệ xấu.
Thực tế, định hướng giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn đã được đưa ra hơn 2 năm qua. Theo một lãnh đạo NHNN, việc siết chặt các chỉ số an toàn vốn để đảm bảo hoạt động ngân hàng ổn định, bền vững luôn là mục tiêu mà NHNN hướng đến. Do đó, khả năng xảy ra một lần trì hoãn tiếp theo trong bối cảnh hiện tại là khó xảy ra.
Vân Linh
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Hạn chế nguồn vốn vay trung dài hạn, ai sẽ bị ảnh hưởng?
Chỉ còn 2 tháng nữa là quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% về còn 40% chính thức có hiệu lực. Liệu diễn biến này sẽ có những tác động nào đến nền kinh tế nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng?
Không chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng
Nếu như trước đây các ngân hàng được phép sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, thì theo quy định an toàn mới tỷ lệ này đã chính thức giảm về chỉ còn 50% kể từ đầu năm 2017, kế tiếp là 45% từ đầu năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm về 40% từ đầu năm 2019 tới.
Những ảnh hưởng của quy định an toàn mới này lên ngành ngân hàng sẽ ở cả 2 chiều tích cực lẫn tiêu cực. Ở mặt tích cực, việc hạn chế vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ giúp các ngân hàng nâng cao các chuẩn mực an toàn, hạn chế rủi ro kỳ hạn khi nguồn vốn hiện nay vẫn phụ thuộc vào tiền gửi ngắn hạn trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ.
Ở chiều tiêu cực, ảnh hưởng lên lợi nhuận là thấy rõ nhất. Do từ trước đến nay các ngân hàng vẫn chủ yếu sử dụng vốn ngắn hạn huy động với lãi suất thấp và cho vay ra với kỳ hạn dài hơn tương ứng với lãi suất cao hơn, tức mở rộng được biên độ lãi suất nhờ tận dụng chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay, thì nay khi tỷ lệ này giảm xuống sẽ khiến các ngân hàng phải có 2 lựa chọn và đều tác động tiêu cực lên lợi nhuận.
Ở lựa chọn thứ nhất, các ngân hàng buộc phải tăng cường nguồn vốn huy động trung dài hạn với lãi suất cao hơn, khi đó chi phí vốn cũng lên cao hơn. Và nếu muốn đảm bảo duy trì được biên độ lãi suất như cũ, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay tương ứng, tuy nhiên điều này đi ngược lại với định hướng của nhà điều hành là luôn muốn giữ ổn định lãi suất cho vay, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang chứa đựng nhiều bất ổn và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong tình hình hiện nay.
Ở lựa chọn thứ hai, các ngân hàng buộc phải giảm dư nợ cho vay trung dài hạn xuống để đảm bảo tỷ lệ này, thay vào đó tăng cường cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, các khoản vay ngắn hạn lại có lãi suất thấp hơn cho vay trung dài hạn, nên biên độ lãi suất cũng có khả năng co lại là điều tất yếu.
Cũng cần biết rằng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được tính theo kỳ hạn còn lại, nghĩa là một khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên hợp đồng nhưng sang tháng sau, kỳ hạn còn lại chỉ là 11 tháng và do đó biến thành tiền gửi ngắn hạn. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải huy động tiền gửi trung dài hạn một cách xuyên suốt, liên tục và ổn định, khi lượng tiền gửi trung dài hạn của các ngân hàng hiện nay cũng chủ yếu ở kỳ hạn chỉ từ 12 - 13 tháng.
Trong khi đó, các khoản vay trung dài hạn tại các ngân hàng hiện nay chủ yếu là cho vay tiêu dùng, cho vay đầu tư tài sản cố định, cho vay kinh doanh bất động sản, mua nhà với thời hạn từ 5 năm, 10 năm thậm chí đến 15 năm. Do đó, dù tính theo kỳ hạn còn lại nhưng chỉ sau vài tháng thì các khoản cho vay này cũng vẫn là trung dài hạn, trong khi tiền gửi trung dài hạn đã trở thành ngắn hạn như đã nói.
Không chỉ ngân hàng, mà cả doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi siết vốn cho vay trung dài hạn
Mà cả doanh nghiệp và nền kinh tế
Việc giảm tỷ lệ trên cũng sẽ có những tác động nhất định lên nền kinh tế. Vì để đảm bảo tỷ lệ này theo đúng quy định, các ngân hàng có thể phải tăng cường huy động vốn, cả trung dài hạn hoặc ngắn hạn, do đó lãi suất huy động cũng có xu hướng tăng lên là tất yếu. Thực tế cho thấy 2 tháng trở lại đây, mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng cũng đã có sự gia tăng đáng kể.
Thống kê cho thấy tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cập nhật gần nhất đến cuối tháng 5 của toàn hệ thống là 27,67%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là 30,23% và nhóm NHTM cổ phần là 31,6%. Mặc dù các con số trên khá thấp so với quy định hiện nay, nhưng không ít ngân hàng trong số này vẫn đang có tỷ lệ cận kề mức quy định hoặc thậm chí chưa đảm bảo theo quy định mới. Trong khi đó, với việc huy động vốn những tháng gần đây tăng trưởng chậm lại so với dư nợ thì khả năng tỷ lệ này có thể đã suy giảm hơn.
Đứng về phía doanh nghiệp, chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên hoặc nguồn vốn trung dài hạn cho vay ra bị thắt lại đều không có lợi, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp bất động sản thường phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay trung dài hạn phục vụ cho các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang suy giảm mạnh trở lại, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán sẽ càng khó khăn hơn thì các doanh nghiệp lại càng phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Chính vì vậy mà hồi cuối tháng 9 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019. Trước đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã từng một lần hoãn việc áp dụng tỷ lệ này theo lộ trình đặt ra trước đây, tuy nhiên lần này thì NHNN vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hay gợi ý nào cho thấy có thể lại hoãn quy định này.
MẪN NHI
Theo thegioitiepthi.vn
Nhiều ngân hàng lớn đồng loạt huy động vốn trái phiếu Vietcombank, BIDV, VietinBank và MBBank vừa hoàn tất việc phát hành một lượng lớn trái phiếu, đón mùa kinh doanh cuối năm. Ảnh minh họa từ Internet Liên tiếp các ngày gần đây, nhiều ngân hàng lớn công bố đã hoàn tất phương án các đợt phát hành trái phiếu, chủ yếu qua hình thức riêng lẻ dưới 100 nhà đầu tư. Cụ...