Siết buôn lậu từ ‘luồng xanh’
Trước tình trạng hàng lậu, hàng giả đang ồ ạt tràn sang từ Trung Quốc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lực lượng phải kiên quyết vào cuộc để ngăn chặn, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với ngành hải quan ngày 21.7 – Ảnh: Anh Vũ
Báo cáo với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tại buổi làm việc với ngành hải quan chiều 21.7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện tại hàng giả, hàng lậu của Trung Quốc đang tràn sang VN theo nhiều đường khác nhau, gây hậu quả khó lường về kinh tế, sức khỏe người dân. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phải lập hàng rào kỹ thuật, đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn, đặc biệt đối với các mặt hàng thép, phân bón, hóa chất, dầu ăn, thức ăn gia súc và hàng bách hóa.
Khai gian để hưởng ưu đãi
Theo ông Tuấn, quy định hiện hành của Bộ Tài chính là phải kiểm tra 100% các mặt hàng trên, không kiểm tra xác xuất 10% như các mặt hàng khác. Tuy nhiên thời gian qua nhiều mặt hàng vốn là hàng tiêu dùng, nhưng phía các doanh nghiệp (DN) nhập từ Trung Quốc vẫn khai là hàng tư liệu sản xuất để nhận được ưu đãi…
Bên cạnh đó, ông Tuấn đề nghị phải quản lý chất lượng thép Trung Quốc, kiểm tra 100% chất lượng tại cảng. Bởi nếu để một số mặt hàng được ưu đãi thuế như hiện nay, chắc chắn ngành thép trong nước sẽ chết. Ngoài ra, tất cả các mặt hàng phân bón, hóa chất, dầu ăn, thuốc sâu, thức ăn gia súc… từ Trung Quốc phải được kiểm tra ngay tại cửa khẩu. Theo ông Tuấn, có thể thành lập các trung tâm kiểm tra, phối hợp giữa các bộ ngành ngay tại cửa khẩu.
Có lần tôi nói với Tổng cục trưởng Hải quan, chúng tôi bắt một vụ mang mấy tạ yến. Nhưng chúng khai đã đi mấy chục lần và mang về hàng tấn ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Mộc Bài. Khi qua cửa khẩu, cán bộ hải quan nhìn thấy lờ đi
Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát
Lãnh đạo Bộ Tài chính và MTTQ VN (thành viên Ban Chỉ đạo 389) cùng đề xuất tại các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc cần siết lại quy định người dân đủ 18 tuổi trở lên được phép mang hàng miễn thuế không quá 2 triệu đồng/lần qua biên giới. Ông Tuấn đề nghị để chấm dứt tình trạng người dân thay nhau đi “gánh” hàng theo hình thức “kiến tha lâu ngày đầy tổ”, cần quy định nếu hàng người dân tiêu dùng thì không đánh thuế, còn nếu bán ra ngoài phải kiểm tra để thu thuế.
Video đang HOT
Đoàn “siêu xe” chui lọt lỗ kim
Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng những thủ đoạn của dân buôn lậu đang ngày càng tinh vi, táo tợn và liều lĩnh. Nhìn lại vụ nhập xe siêu sang của Việt kiều hồi hương, ông Lực cho biết, theo quy định mỗi Việt kiều về nước được mang một ô tô là tài sản di chuyển từ nước ngoài và được miễn thuế. Tuy nhiên, số Việt kiều thật về không bao nhiêu, chủ yếu tội phạm ở nước ngoài móc ngoặc với dân buôn lậu trong nước xuống xã, phường xác nhận hộ khẩu khống, sau đó cho nhập ô tô về trốn thuế. “Hơn 1.000 chiếc xe ô tô nhập về, có trên 200 chiếc là xe siêu sang như Bentley, Rolls-Royce… trốn thuế hơn 1.000 tỉ đồng. Hiện nay chúng tôi đã khởi tố 7 vụ án hình sự”, ông Lực nói.
Vấn đề ở đây, theo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, là sơ hở của chính sách đã bị kẻ gian lợi dụng. Đơn cử như quy định hải quan về phân luồng xanh, luồng đỏ. Nếu DN chứng minh được mình làm ăn đàng hoàng thì hải quan phân cho luồng xanh. Thực tế, vừa qua nhiều DN hoạt động dật dờ, dịch vụ nhỏ chỉ để chứng minh hoạt động tốt, sau đó trình hải quan để được phân luồng xanh, ưu tiên khi thông quan.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn, ông Lực cho biết đó là tình trạng tội phạm buôn lậu gắn liền với tham nhũng chính trong lực lượng chống buôn lậu, gian lận. Điển hình vụ Quản lý thị trường của tỉnh Hải Dương bắt mấy trăm chiếc xe phân khối lớn. Đơn vị này nói đó là xe cũ định giá 3 – 5 triệu đồng/chiếc trong khi thực tế những đối tượng buôn lậu ở TP.HCM đã nhập những chiếc xe phân khối lớn này trị giá 10.000 -50.000 USD/chiếc, không có giấy tờ. Để đăng ký với công an, dân buôn lậu đã móc nối với Quản lý thị trường Hải Dương, lập biên bản bắt khống, bán lại cho một DN tại TP.HCM. Sau đó lấy tiền chia nhau, hiện công an đang khởi tố điều tra vụ án.
“Có lần tôi nói với Tổng cục trưởng Hải quan, chúng tôi bắt một vụ mang mấy tạ yến. Nhưng chúng khai đã đi mấy chục lần và mang về hàng tấn ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Mộc Bài. Khi qua cửa khẩu, cán bộ hải quan nhìn thấy lờ đi”, ông Lực tiếp tục cho biết.
“Xấu hổ với thế giới”
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã và đang phá hoại nền sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách. Nghiêm trọng hơn, tình trạng gian lận thương mại đi liền với tiêu cực, tham nhũng, làm thoái hóa cán bộ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Phó thủ tướng lưu ý xu hướng liên kết hình thành đường dây ổ nhóm buôn lậu của lực lượng chức năng với lực lượng buôn lậu có chiều hướng tăng cao. Nguyên nhân là chính sách chưa chặt chẽ, khiến DN lợi dụng làm thất thu ngân sách nhà nước, đặc biệt các kẽ hở trong chính sách hàng hóa tạm nhập tái xuất, hoàn thuế GTGT, kiểm soát chất lượng hàng hóa tại khu vực biên giới… “Đặc biệt cơ chế phân luồng hàng hóa DN tồn tại nhiều vấn đề. Vừa rồi chúng ta xấu hổ với thế giới khi để lọt mấy tạ ma túy qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất”, Phó thủ tướng nhắc nhở.
Phó thủ tướng yêu cầu ngành hải quan phải kiên quyết xử lý cán bộ bảo kê, bao che, tiếp tay cho buôn lậu và kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ có dư luận về tiêu cực trong công tác. “Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại. Nhưng cũng cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ làm tốt. Sớm sửa đổi những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn những yếu kém trong công tác này; đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân để người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu”, Phó thủ tướng nói.
Theo TNO
Chậm như... metro
Theo UBND TP.HCM, đến hết năm 2013 hệ thống xe buýt chỉ mới đáp ứng trên 6% nhu cầu đi lại của người dân trong khi việc phát triển đường sắt đô thị (metro), monorail, BRT... tiến độ rất chậm.
Ảnh phối cảnh metro TP.HCM
Nhanh nhất phải tới năm 2018
Tại buổi làm việc với ông Akihito Tanaka, Chủ tịch JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý đường sắt đô thị (BQLĐSĐT) TP (chủ đầu tư) phối hợp chặt chẽ với tổng thầu thi công để phấn đấu đầu năm 2018 hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đây là dự án (DA) có vốn đầu tư lớn nhất trong các DA do Nhật Bản tài trợ.
Tuy nhiên, đến tháng 2.2014, DA còn 18 hộ chưa giải tỏa xong. Bên cạnh đó, việc triển khai metro số 1 đang gặp vướng mắc tại gói thầu 1b. Theo đó, gói thầu này chỉ có một ứng thầu và giá dự thầu cao hơn nhiều so với giá thầu được duyệt. Vì vậy, UBND TP đã chỉ đạo chủ đầu tư đàm phán với ứng thầu giảm chi phí đồng thời đề nghị JICA cho phép hủy thầu, tổ chức đấu thầu lại vì nhà thầu không chịu giảm giá. Thế nhưng, JICA không đồng ý vì cho rằng nếu đấu thầu lại sẽ mất thêm thời gian và không chắc chọn được nhà thầu Nhật khác.
Trong khi đó, theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, để chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước, việc triển khai DA xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và DA nâng cấp đường Nguyễn Huệ, Q.1 phải hoàn thành trước tháng 4.2015. Vì địa điểm xây dựng 2 DA có đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Huệ và ga metro ngầm Nhà hát TP thuộc gói thầu 1b. Để hoàn thành kế hoạch trên phải thực hiện ngay phần xây dựng ga Nhà hát TP và hoàn trả mặt bằng trước ngày 31.12.2014 nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Huệ. Vì vậy, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận không hủy thầu và chọn liên danh Shimizu - Maeda là nhà thầu.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Khắc Huỳnh, Phó giám đốc BQLĐSĐT cho biết tuyến metro số 1 có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 47.325 tỉ đồng, là "xương sống" giúp giải tỏa ách tắc giao thông cửa ngõ phía đông TP. Thế nhưng, nhanh nhất cũng phải đến năm 2018 mới hoàn tất.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, tổng vốn đầu tư 26.116 tỉ đồng cũng phải sau năm 2019 mới vận hành. Đến nay, tiến độ metro số 2 đã chậm 4 tháng. Nếu việc điều chỉnh thiết kế, ranh giải phóng mặt bằng thuận lợi thì sớm nhất năm 2019 metro số 2 mới vận hành - chậm 1 năm so với kế hoạch (trước đây TP dự kiến thi công năm 2014-2017).
Metro số 2 dài 11,3 km qua các quận 1, 3, 10, 12 Tân Bình, Tân Phú. Trong đó, đi ngầm 9,3 km, chuyển tiếp 0,2 km, đi trên cao 0,8 km, đoạn kết nối vào khu depot 1 km. Độ sâu 18 m, chiều rộng ảnh hưởng trên mặt đất 26 m đã bao gồm 3 m hành lang an toàn. Toàn tuyến có 10 ga ngầm, một ga trên cao. Các tuyến metro còn lại đến nay TP vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công và hoàn thành do vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Monorail, BRT... đang nghiên cứu
Sở GTVT TP.HCM cũng đang nghiên cứu triển khai tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Tuyến BRT số 1 xuất phát từ Bến xe miền Tây chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt qua hầm Thủ Thiêm, đại lộ Mai Chí Thọ và kết nối với ga của tuyến metro số 1 ở Cát Lái, Q.2. BRT là loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng trung bình, có từ 2 đến 3 toa xe nên khả năng chuyên chở cao, tương đương 70% sức chở của metro. BRT chạy trên đường dành riêng trên các tuyến đường hiện hữu. Chi phí đầu tư 1 - 1,2 triệu USD/km.
Với sự tài trợ của WB, tuyến BRT số 1 dự kiến được khởi công năm 2015 với vốn đầu tư 156 triệu USD, hoàn thành cuối năm 2018. Khả năng vận chuyển 200 chỗ/chuyến, tốc độ 40 km/giờ (gấp đôi xe buýt do có làn đường riêng). Theo thiết kế, tuyến BRT số 1 sẽ giao cắt với các tuyến metro số 1, số 2, 3A, số 5. Tuyến BRT số 1 dài 29 km, gồm các hạng mục: 1 depot ở Thủ Thiêm, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến và 30 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên.
Đối với 2 DA xây dựng tuyến monorail (tàu chạy trên 1 ray), UBND TP đã kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Đoàn tàu monorail có sức chuyên chở khoảng 90 - 125 hành khách, tốc độ từ 80 - 90 km/giờ. Tuyến monorail số 2 dài 13,75 km từ đại lộ Đông Tây (Q.2) vượt sông Sài Gòn băng qua đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7). Tuyến số 3 dự kiến dài 6,65 km, điểm bắt đầu tại ngã 6 Gò Vấp theo đường Quang Trung đến Công viên phần mềm Quang Trung. Từ tháng 3.2011, Tập đoàn phát triển Ý - Thái (ITD) đã đề nghị đăng ký đầu tư và nghiên cứu DA khả thi theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Thế nhưng, theo ông Lê Khắc Huỳnh, đến nay các phương án tài chính do ITD đề xuất vẫn không phù hợp các quy định của Việt Nam. Do đó, BQL đã đề nghị ITD chấm dứt bản ghi nhớ.
Chậm chạp và đội vốn Phương tiện vận tải hành khách công cộng chính đang được Hà Nội hướng tới là metro và BRT. Theo quy hoạch, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 5 tuyến metro (đến năm 2030 là 8 tuyến). Nhưng đến thời điểm này, chỉ mới 2 tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông chính thức được triển khai và tiến độ triển khai cũng rất chậm chạp. Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km được khởi công từ tháng 9.2010, nhưng gần như tất cả các gói thầu đều chậm so với dự kiến. Tới thời điểm này, các gói thầu chính của dự án (trừ nhà ga trung tâm, và một số ga trên cao đang được rục rịch xây dựng) vẫn án binh bất động. Dự kiến hoàn thành năm 2016 nhưng mốc này tiếp tục được lùi tới tháng 9.2017 và đang có nguy cơ lùi tiếp đến tháng 11.2018 (theo tính toán của phía tư vấn) do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm được tháo gỡ. Việc phải gia hạn với tư vấn do kéo dài thêm thời gian thực hiện hợp đồng khiến Hà Nội có thể phải bỏ 3 triệu euro tiền bồi hoàn cho tư vấn Systra (Pháp). Tuyến Cát Linh - Hà Đông thi công từ tháng 4.2010, dự kiến chạy thử từ tháng 9.2015 và khai thác từ tháng 12.2015 nhưng các hạng mục GPMB đã bị chậm từ 3 - 8 tháng, cập rập trong cả khâu đào tạo, chuẩn bị nhân lực quản lý, vận hành. Dự án này đến nay đã chậm 2 năm so với dự kiến và đội vốn 339 triệu USD. Theo quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Nội sẽ có 8 tuyến BRT. Hiện tại, chỉ mới một tuyến BRT Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đang được xây dựng thí điểm, dự kiến quý 1/2015 tuyến xe buýt nhanh này mới đi vào hoạt động. Như vậy, ít nhất đến năm 2015, Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị và 1 tuyến xe buýt nhanh đi vào hoạt động. Mai Hà
Các tuyến metro còn trong giai đoạn chuẩn bị
Thi công cổng lên xuống số 4 - ga Nhà hát Thành phố (trên đường Lê Lợi, Q.1) - Ảnh: D.Đ.Minh
Các tuyến metro còn lại trong giai đoạn chuẩn bị: Tuyến số 5 cầu Sài Gòn - BX Cần Giuộc mới. Tuyến số 2, giai đoạn 2: Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - BX Tây Ninh - khu tây bắc Củ Chi. Tuyến số 3a: Bến Thành - Tân Kiên. Tuyến số 3b: ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước. Metro số 4: Thạnh Xuân - đô thị cảng Hiệp Phước. Tuyến số 6: Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm.
Theo TNO
Nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết xấu Vietnam Airlines (VNA) hôm nay 12.7 cho biết những ngày gần đây các sân bay ở khu vực miền Trung - Tây nguyên như Pleiku, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và sân bay Điện Biên ở miền Bắc bị ảnh hưởng thời tiết như gió mạnh, mây mù, tầm nhìn dưới tiêu chuẩn. Thời tiết xấu ảnh hưởng đến các chuyến bay ở...