Sếp Huawei khoe có số bằng sáng chế 5G nhiều hơn tất cả công ty Mỹ gộp lại
Mới đây một vị sếp Huawei đã xác nhận rằng, công ty đang sở hữu trong tay lượng bằng sáng chế nhiều hơn tất cả công ty Mỹ gộp lại.
Tại triển lãm dữ liệu quốc tế Trung được tổ chức tại Quý Dương, Trung Quốc mới đây, phó chủ tịch Huawei, ông Lu Yong đã có dịp chia sẻ nhiều điều về kế hoạch đầu tư cho công nghệ mới của hãng.
Theo Gizchina, ông Lu cho biết doanh thu của hãng đã đạt 104 tỷ USD trong năm 2018. Ngoài ra công ty cũng dành khoản đầu tư lên tới 14,5 tỷ USD cho R&D. Cũng trong năm ngoái, Huawei xếp thứ 5 trong số các công ty đầu tư mạnh cho R&D trên toàn cầu, vượt mặt cả các công ty Mỹ như Intel hay Apple.
Lu chia sẻ: “Chỉ có khoản đầu tư dài hạn và tập trung cao độ cho R&D mới đảm bảo chúng tôi có thể tiếp tục dẫn đầu trong ngành công nghệ cao”.
Ông cũng nhấn mạnh, Huawei đang có trong tay bằng sáng chế 5G nhiều hơn tất thảy các công ty Mỹ cộng lại. Cụ thể Huawei đang có hơn 16 ngàn bằng sáng chế tiêu chuẩn 5G, đứng đầu thế giới với số lượng chiếm tới 20%. Trong khi đó tất cả các công ty Mỹ chỉ chiếm ít hơn 15% số bằng sáng chế cốt lõi liên quan đến mạng 5G.
Lu Yong nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc đang có mạng 4G lớn nhất thế giới và chúng tôi có lý do để tin rằng, Trung Quốc cũng sẽ có mạng 5G lớn nhất thế giới”.
Ông cũng kỳ vọng rằng, mạng 5G sẽ giúp Trung Quốc số hóa ngành công nghiệp thành công và thực sự tạo ra một cuộc cách mạng và chuyển đổi sang nền kinh tế số có sự hỗ trợ của mạng 5G.
Chia sẻ về tình thế hiện nay của Huawei, Lu cho biết mặc dù công ty đang gặp phải những khó khăn nhất định do lệnh cấm của chính phủ Mỹ nhưng ông cho rằng, động thái trên của Mỹ không khiến nhân viên Huawei cảm thấy lo sợ mà trái ngược lại càng khiến họ trở nên bình tĩnh và kiên cường hơn.
Theo VN Review
Chuyên gia cho rằng Huawei không đủ trình độ để thay thế "công nghệ Mỹ" bằng "công nghệ nhà"
Mục tiêu "tự lực tự cường" của Huawei nghe thì có vẻ dễ nhưng rất khó để trở thành hiện thực.
Video đang HOT
Các chuyên gia về chip đang tỏ ra không tin tưởng vào tuyên bố Huawei rằng họ có thể đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động ổn định mà không cần sự trợ giúp của các đối tác Mỹ. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng các công nghệ mà hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc mua từ các công ty Mỹ đều khó có thể thay thế được.
Thứ 5 tuần trước, chính quyền ông Trump đã chính thức đưa Huawei vào danh sách những công ty không được mua công nghệ từ các hãng công nghệ Mỹ. Đây là động thái của các quan chức Mỹ, nhắm vào những công ty mà họ cho rằng là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tuân thủ quy định mới, nhiều công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Qualcomm, Intel... đã quyết định ngừng quan hệ kinh doanh với Huawei trên một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, thứ 6 tuần trước, ông He Tingbo, người đứng đầu hãng sản xuất chip HiSilicon thuộc Huawei, đã lên tiếng. Ông He gạt bỏ những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung ứng linh kiện, công nghệ bởi Huawei đã chuẩn bị cho điều này từ rất lâu rồi.
Huawei sẽ hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp công nghệ trong tương lai, ông He viết trong một lá thư gửi cho các nhân viên.
Nhưng theo các chuyên gia trong ngành, mục tiêu của Huawei nói thì dễ, làm mới khó.
"Tôi sẽ cực kỳ ngạc nhiên nếu HiSilicon làm được điều ấy mà không cần sự trợ giúp từ bất kỳ nhà cung cấp nào của Mỹ", Linda Sui, một chuyên gia phân tích tại hãng Strategy Analytics nói.
Trước đó, một nguồn tin nội bộ tiết lộ với Reuters rằng trong ít nhất vài năm tới không một nhà cung cấp Trung Quốc nào có thể thay thế được các đối tác hiện tại của Huawei.
Một chuyên gia cho rằng việc Huawei dùng phần mềm thiết kế chip từ hai hãng hàng đầu thế giới là Cadence Design System Inc và Synopsys Inc chính là ví dụ cho sự phụ thuộc của Huawei vào các công ty Mỹ.
Huawei thiết kế các vi xử lý và các con chip khác cho những thiết bị của mình, bao gồm cả những dòng smartphone cao cấp như Huawei P và Huawei Mate.
Phần mềm của hai công ty Mỹ là Cadence và Synopsys được coi là tiêu chuẩn vàng trong ngành, được các nhà sản xuất trên toàn cầu sử dụng để hoàn thiện bản thiết kế chip và thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất. Chỉ một lỗi nhỏ trong quá trình thiết kế cũng có thể khiến lịch trình ra mắt chip bị lùi lại vài tháng.
"Rất khó để thay thế", Mike Demler, một nhà phân tích cấp cao của Linley Group tuyên bố. "Phải nói rằng Cadence và Synopsys là nền tảng cho mọi thứ mà bạn cần".
"Tôi nghĩ rằng đã có một số công ty Trung Quốc cung cấp giải pháp tương đương, thay thế vai trò của Cadence và Synopsys nhưng chưa đủ trình độ để vượt ra khỏi thị trường quê nhà", Demler nói thêm.
Cadence và Synopsys không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.
Laser và các con chip đặc biệt
Huawei cũng đang hợp tác với các nhà cung cấp laser và mô-đun đặc biệt của Mỹ như NeoPhotonics, Lumentum và Finisar.
Chip laser rất quan trọng với mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei. Nó được dùng để gửi thông tin dưới dạng tín hiệu ánh sáng thông qua cáp quang. Hiện tại, Huawei vẫn là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.
Theo Philip Gadd, một giám đốc chuyên về chip đã nghỉ hưu, chia sẻ rằng các hãng như Finisar, đã được mua lại bởi II-VI, và Lumentum đã dành hàng thập kỷ phát triển để có thể sản xuất số lượng lớn chip laser. Gadd từng điều hành bộ phận quang tử silicon của Intel.
"Ngay cả khi người Trung Quốc có thể làm điều ấy, tôi cũng không nghĩ rằng họ có thể cung cấp với quy mô lớn", Gadd nói.
Theo một nguồn tin nội bộ, Finisar đang cố gắng xác định tác động của lệnh cấm nhắm vào Huawei mà chính phủ Mỹ vừa ban hành.
Finisar và Lumentum không đưa ra bất cứ bình luận nào. Trong khi đó, NeoPhotonics, công ty có doanh thu chủ yếu tới từ 4 hãng lớn trong đó có Huawei, cũng từ chối bình luận.
Huawei đã tìm cách tự cung tự cấp linh kiện, công nghệ trong lĩnh vực viễn thông từ nhiều năm trước. Năm 2012, Huawei đã thâu tóm một trung tâm nghiên cứu viễn thông từng thuộc về British Telecom và startup Caliopa.
"Người Trung Quốc đang muốn đi theo con đường thâu tóm", một giám đốc trong ngành quang tử silicon tuyên bố. "Họ đã mua mọi công nghệ, tại bất cứ đâu mà họ có thể. Rất nhiều quy định, giới hạn của chính phủ Mỹ đã được ban hành quá chậm".
Nhưng Huawei vẫn phụ thuộc vào dây chuyền đúc chip của TSMC. Huawei thiết kế ra các con chip và thuê TSMC sản xuất. Đây là điều không hề lạ trong ngành công nghiệp chip và chính Apple cũng đang làm tương tự như Huawei.
Ngược lại, nhiều hãng quang tử silicon như Finisar vẫn tự sản xuất chip.
Bước tiến dài tới tương lai tự lực tự cường
Trong một thập kỷ qua, Huawei luôn phải chịu áp lực từ những cáo buộc của Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng các thiết bị của Huawei bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng cho mục đích gián điệp. Huawei nhiều lần lên tiếng bác bỏ tất cả mọi cáo buộc và cho rằng chúng là những lời buộc tội vô căn cứ.
Trong thời gian gần đây, Mỹ liên tục gia tăng sức ép và thậm chí kêu gọi các đồng minh tẩy chay thiết bị mạng di động 5G của Huawei. Cùng lúc đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Giữa bối cảnh đó, Huawei trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm tự phát triển năng lực sản xuất chip và giảm sự phụ thuộc vào các công ty như Qualcomm, Intel và Samsung.
Theo chủ tịch Eric Xu, HiSilicon đã sản xuất được số chip trị giá 7,5 tỷ USD trong năm vừa rồi. Con số này vẫn còn kém quá xa so với khoảng 21 tỷ USD mà Huawei bỏ ra để mua chip từ các đối tác bên ngoài.
Một phát ngôn viên của Huawei cho biết nếu có thể công ty sẵn sàng sử dụng các sản phẩm của HiSilion để thay thế các linh kiện bị cấm mua từ đối tác Mỹ. Tuy nhiên, ông này từ chối chia sẻ kế hoạch chi tiết của Huawei.
Ông He của HiSilicon mô tả nỗ lực tự cung tự cấp của Huawei là một bước tiến dài trong lịch sử ngành công nghiệp công nghệ và sẽ được đền đáp sau quyết định điên rồ của phía Mỹ. "Chúng tôi đã chuẩn bị đủ phương án dự phòng và bây giờ là thời gian để sử dụng chúng", He Tingbo tuyên bố.
Theo GenK
Công ty Mỹ cáo buộc Huawei lợi dụng một giáo sư làm việc tại đây để đánh cắp bí mật công nghệ Huawei vẫn đang bị cấm cửa tại thị trường Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang. Theo báo cáo của South China Morning Post, một startup tại Mỹ đã cáo buộc Huawei lợi dụng một giáo sư Đại học Trung Quốc đang làm việc trong dự án nghiên cứu, để truy cập trái...