‘Sẽ không còn cảnh đại biểu ôm chồng tài liệu dày đi họp Quốc hội’
Đó là cách mà Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói về sự thay đổi lớn của kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 21/10 tới.
‘ Số hóa’ với việc sử dụng tài liệu trực tuyến thay cho tài liệu giấy truyền thống trước đây, sẽ được thực thi rộng rãi hơn từ kỳ họp này.
Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo chiều 18/10 về kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra vào đầu tuần tới, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp này chính thức áp dụng các công nghệ thông tin vào kỳ họp này thay vì thí điểm áp dụng như kỳ họp trước.
Theo đó, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ được phát 1 máy tính bảng iPad, trong đó có cài sẵn phần mềm để phục vụ công tác của đại biểu. Với phần mềm mới, đại biểu Quốc hội có thể xem tài liệu ở bất cứ đâu. Các phần mềm này cũng sẽ được cài đặt trên điện thoại di động để các đại biểu linh hoạt tra cứu và nghiên cứu tài liệu.
Phần mềm tài liệu trực tuyến được thí điểm tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV.
Một trong những ví dụ được ông Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra là việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phần mềm phục vụ các đại biểu Quốc hội. Theo đó, chức năng chuyển giọng nói thành văn bẳn giúp việc tiếp cận và chia sẻ thông tin trở nên linh hoạt hơn. Chức năng tìm kiếm cũng được cải thiện một cách rõ rệt.
“Trong việc tra cứu luật, trước đây, đại biểu phải gõ đầy đủ ngày, tháng, năm ban hành văn bản để có kết quả. Bây giờ, đại biểu chỉ cần đánh từ khóa là có thể tìm được ngay tài liệu. Chức năng tìm kiếm trong phần mềm thông minh như khả năng của Google. Ví dụ, tìm kiếm từ khóa luật đất đai, các đại biểu sẽ được cung cấp tất cả thông tin.
Sẽ không còn cảnh đại biểu ôm một chồng giấy cao khi đi họp nữa, mà chỉ cần mang theo iPad. Đại biểu được tiết kiệm thời gian, bênh cạnh đó bộ phận văn thư hành chính cũng đỡ vất vả hơn, không phải đưa công văn giấy tờ đến từng nơi ở của đại biểu như trước đây nữa. Đây là hiệu quả rõ rệt”, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng thông tin thêm, Quốc hội Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Quốc hội điện tử để đảm bảo hoạt động của các đại biểu. “Chúng tôi đang hoàn thiện báo cáo Đề án về Quốc hội điện tử. Khi có Quốc hội điện tử, công tác tra cứu khai thác các nguồn thông tin rất thuận tiện, đại biểu có thể biết được thông tin trên diện rộng”.
Trước lo ngại về tính bảo mật của thiết bị có tài liệu trực tuyến là thiết bị nhập từ nước ngoài, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, phần lớn tài liệu của các đại biểu Quốc hội đều công khai. Trong trường hợp Quốc hội họp riêng về nhân sự hay các vấn đề bí mật quốc gia, tài liệu mật sẽ được phát hành dưới dạng giấy để được bảo mật.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, tất cả các thiết bị đều được kiểm tra, kiểm duyệt và nhân dân hoàn toàn có thể yên tâm. An ninh mạng được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề này”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Việc sử dụng tài liệu trực tuyến qua thiết bị điện tử, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng giải quyết phần nào vướng mắc cho đại biểu khi không thể có mặt trực tiếp tại cuộc họp bởi những lý do vắng mặt bất khả kháng. Khi đó, họ có thể mở iPad hoặc điện thoại để đọc và nghiên cứu tài liệu.
“Kỳ họp này vào cuối năm, các địa phương rất nhiều việc, chúng tôi rất chia sẻ với các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương. Việc các đại biểu Quốc hội vắng thì không tránh được, tuy nhiên chúng tôi sẽ có những văn bản gửi các trưởng đoàn nhắc nhở, căn cứ chương trình họp, đặc biệt là các buổi nghị quyết thông qua thì cố gắng tham dự, thể hiện ý chí tập trung. Còn những việc không thể tránh được như đi nước ngoài theo đoàn của Chính phủ thì cũng đành khắc phục. Công nghệ thông tin cho phép việc dù vắng nhưng đại biểu vẫn mở điện thoại, máy tính ra đọc và nghiên cứu tài liệu bình thường”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Phụ Nữ Việt Nam
Sản xuất thông minh - Yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số
'Sản xuất thông minh là yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số trong đó doanh nghiệp là trụ cột'. TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nhận định với Báo Diễn đàn doanh nghiệp.
Áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả của nền kinh tế. Ảnh: Quốc Tuấn
Vai trò quan trọng của sản xuất thông minh
Theo TS. Nguyễn Quân, sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu của Việt Nam trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, giữa bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Nó là xu hướng mà chúng ta không thể đứng ngoài, không thể không tham gia.
"Vừa rồi Bộ Chính trị đã ra một nghị quyết chuyên đề vào ngày 27/9, đó là NQ số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Tôi cũng được biết Thủ tướng Chính phủ cũng chuẩn bị phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia với những nội dung chủ yếu về chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số cơ quan quản lý (xây dựng chính phủ điện tử)." - Ông trao đổi.
Đánh giá về thực trạng hiện nay của Việt Nam, TS. Nguyễn Quân nhận định Việt Nam còn đang ở trong giai đoạn CMCN lần thứ 2, vừa tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 3 đã phải bắt buộc tham gia vào cuộc CMCN 4.0. Năng suất lao động còn rất thấp. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, 1/5 của Malaysia và 1/15 của Singapore.
Trình độ công nghệ của Việt Nam cũng đang ở mức thấp, máy móc, thiết bị đã lạc hậu vài chục năm, nguồn nhân lực trong công nghiệp và nông nghiệp chủ yếu chưa qua đào tạo, tỉ lệ qua đào tạo chỉ trên dưới 30%. Việt Nam đang thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao, và vì thế sản xuất thông minh tạo nên một áp lực, một sức ép rất lớn để tất cả các lĩnh vực, các ngành sản xuất, các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.
TS.Nguyễn Quân khẳng định, khi áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả của nền kinh tế: năng suất lao động tăng, chất lượng sản phẩm tăng, tăng cường khả năng cạnh tranh và nền kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Việt Nam sẽ tiết kiệm được nguyên liệu, nhiên liệu và chi phí nhân công cho từng đơn vị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời sẽ giải phóng sức lao động cho người lao động.
Ở những môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì những máy móc thông minh, robot thông minh sẽ giúp cho con người giải quyết các vấn đề để người lao động làm việc trong một môi trường an toàn, lành mạnh.
Sản xuất thông minh gồm hai cấu phần quan hệ chặt chẽ với nhau: phần cứng thông minh và phần mềm thông minh.
Trong đó, phần cứng thông minh bao gồm toàn bộ dây chuyền sản xuất thông minh, trang thiết bị, công nghệ, máy móc... Phần mềm thông minh bao gồm hệ thống quản lý điều hành hệ thống sản xuất thông minh, nhân lực công nghệ cao. Như vậy chúng ta sẽ phải tích hợp cả phần cứng và phần mềm để tạo nên một nhà máy thông minh, thậm chí là một nền kinh tế thông minh.
Doanh nghiệp là yếu tố trụ cột
Cốt lõi của sản xuất thông minh chính là nằm ở chuyển đổi số. Chuyển đổi số bao gồm hai trụ cột: chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số sẽ phải trải qua hai công đoạn quan trọng. Thứ nhất là số hóa các hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp. Đây là một phần quan trọng của dữ liệu quốc gia và thậm chí cơ sỡ dữ liệu số toàn cầu. Mọi hoạt động của doanh nghiệp cần phải số hóa từ nhân lực, công nghệ, dây chuyền sản xuất, tiêu chuẩn, mẫu mã, các yếu tố tác động đến quá trình sản xuất.
Thứ hai, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ số để khai thác cơ sở dữ liệu đã số hóa. Một số công nghệ có thể áp dụng như IoT, AI, Blockchain, Bigdata. Các công nghệ này khai thác cơ sở dữ liệu, tích hợp tất cả các thông tin trong cơ sở dữ liệu để có thể tự động điều hành sản xuất, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để có sức cạnh tranh trên thị trường để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Phân tích thêm, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết việc chuyển đổi số của doanh nghiệp chịu tác động của ba yếu tố:
Đầu tiên là các sáng kiến công nghệ, các phát minh, sáng chế có thể sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Công nghệ mới đang phát triển từng ngày, một ngày có thể phát triển mấy chục năm so với trước đây.
Thứ hai, phản hồi của người tiêu dùng. Tư duy và phản hồi của người tiêu dùng là một sức ép rất quan trọng cho doanh nghiệp. "Nếu doanh nghiệp không biết lắng nghe người tiêu dùng sẽ sớm bị lạc hậu về sản phẩm về công nghệ dẫn tới không đáp ứng nhu cầu của thị trường" - TS. Quân cho biết.
Cuối cùng, yếu tố ngoại cảnh hay các cơ chế chính sách của nhà nước cho phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Đó là các chính sách về thuế, hải quan, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp về đất đai, những tiêu chuẩn mới được ban hành v.v...
Quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp cần diễn ra như thế nào?
Vấn đề chuyển đổi số đang được rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn, có 5 vấn đề doanh nghiệp muốn chuyển đổi số phải quan tâm.
Thứ nhất, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất sản xuất: trang thiết bị, máy móc có tương thích với công nghệ số hay không. Nếu như doanh nghiệp chưa có các máy gia công CNC, các cánh tay robot tự động thì chắc là rất khó để tự động hóa các dây chuyền sản xuất và chuyển đổi số thành công.
Thứ hai, chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Gần như 70% số doanh nghiêp Việt Nam chưa biết đến chuyển đổi số, chưa chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số.
Thứ ba, các doanh nghiệp trước khi chuyển đổi số phải cân nhắc, lựa chọn sản phẩm của mình. Lựa chọn công nghệ phù hợp với thời đại công nghệ số, với công nghệ lạc hậu không thể chuyển đổi số thành công.
Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động của doanh nghiệp. Chúng ta số hóa toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp theo tư duy của công nghệ số, từ nhân lực, tổ chức, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra và mọi hoạt động quy trình sản xuất phải được số hóa.
TS. Nguyễn Quân cũng cho biết, các doanh nghiệp cần chú ý khi xây dựng cơ sở dữ liệu phải được đồng bộ chung để sau có thể nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tương thích với cấu trúc cơ sở dữ liệu mà thế giới cũng đang sử dụng. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể khai thác được nguồn dữ liệu quốc gia và toàn cầu.
Cuối cùng, doanh nghiệp lựa chọn công nghệ số tích hợp được tất cả những công đoạn sản xuất cũng như khai thác cơ sở dữ liệu đã số hóa. Từ đó tạo ra một dây chuyền tự động hóa trình độ cao và được điều khiển bởi công nghệ thông minh được mô phỏng theo tư duy như con người.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghệp
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'iNhandao giúp kết dính người Việt Nam xây dựng một xã hội tốt đẹp và bền vững' Hệ thống iNhandao là công cụ liên kết các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo, hỗ trợ cộng đồng thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo đúng người, đúng nhu cầu, giúp hạn chế các mặt tiêu cực trong hoạt động trợ giúp nhân đạo tự phát. Hệ thống iNhandao và Vmap mới được ra...