Sẽ có ứng xử mới với doanh nghiệp chậm lên sàn
Trước thực tế sau khi doanh nghiệp bị xử phạt vẫn chậm đưa cổ phiếu lên sàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ( UBCKNN), Bộ Tài chính đang tính đề xuất giải pháp mới lên Chính phủ trong năm 2020, sao cho vừa khả thi vừa gỡ khó cho doanh nghiệp.
Người tuân thủ, kẻ lừng chừng
Năm 2019 sắp qua đi với kết quả thúc đẩy doanh nghiệp hậu cổ phần hóa lên sàn không như mong đợi của nhà quản lý và giới đầu tư, mặc dù vào thời điểm cuối năm có ghi nhận một số tín hiệu khá tích cực.
Trong số các doanh nghiệp bị UBCKNN xử phạt vì không tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn, đến nay có thể phân thành 3 nhóm.
Thứ nhất là nhóm công ty đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM như CTCP Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất TP.HCM (mã chứng khoán CMD), CTCP Giày da và may mặc xuất khẩu (LGM), CTCP Cấp nước Phú Mỹ (PMW)…
Trong đó, LGM là doanh nghiệp lên sàn gần đây nhất, vào ngày 18/12.
Từ mức giá khởi điểm phiên chào sàn là 7.400 đồng/cổ phiếu, LGM đã có chuỗi 4 phiên liên tiếp tăng trần và chạm mức giá 15.500 đồng/cổ phiếu ngày 24/12 với khối lượng giao dịch chỉ từ 100 – 600 cổ phiếu/phiên.
Thứ hai là nhóm công ty sau khi bị xử phạt thì bắt đầu có những động thái chuẩn bị các bước để đưa cổ phiếu lên sàn.
Trong đó, mới đây, CTCP Dệt may Hoàng Thị Loan, doanh nghiệp bị UBCKNN xử phạt 435 triệu đồng vì không tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn, cho biết đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng để đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM, nhưng thời điểm lên sàn vẫn còn để ngỏ.
Công ty đang đốc thúc nhân viên tiến hành mở tài khoản và lưu ký chứng khoán để thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu hậu lên sàn.
Công ty cảnh báo, nếu cổ đông, nhà đầu tư không mở tài khoản giao dịch chứng khoán thì sau này, khi muốn giao dịch mua bán cổ phiếu phải thực hiện các thủ tục với Trung tâm Lưu ký chứng khoán rất mất thời gian…
Video đang HOT
Cũng ở trạng thái đang chuẩn bị các thủ tục để đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM là CTCP Dược phẩm Vĩnh Phúc (Vinphaco).
Trước đó, đơn vị này bị cơ quan quản lý xử phạt 350 triệu đồng do chậm đưa cổ phiếu lên sàn. Bà Vũ Thị Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, người công bố thông tin của Vinphaco cho biết, Công ty đang xử lý nốt những vướng mắc để hoàn thành kế hoạch đưa cổ phiếu lên UPCoM trong năm 2020…
Đại diện UBCKNN cho biết, thời gian gần đây, cơ quan này nhận được nhiều công văn của các doanh nghiệp, ủy ban nhân dân các tỉnh hỏi về quy trình, thủ tục đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Đây là một tín hiệu khá tích cực, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức và hành động của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn.
Điều này đang mang lại kỳ vọng giúp bức tranh doanh nghiệp hậu cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên sàn sẽ có sự khởi sắc trong năm 2020…
Thứ ba là nhóm các công ty tuy bị phạt nặng, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào cho thấy việc khởi động kế hoạch đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong đó phải kể tới các doanh nghiệp như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – CTCP, Tổng công ty Rau quả, nông sản – CTCP, CTCP Điện cơ Thống Nhất, CTCP Thiết bị thủy lợi… (xem bảng).
Ghi nhận ý kiến từ phía doanh nghiệp cho thấy, ngoài các vướng mắc, khó khăn về quyết toán cổ phần hóa, xử lý công nợ, doanh nghiệp thua lỗ thì còn một lý do khiến cho doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn.
Đó là việc các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng không muốn rơi vào tình huống “mang đến lại mang về”.
Bởi theo quy định hiện hành, công ty bị hủy đăng ký giao dịch sau 1 năm kể từ ngày không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.
Kiến nghị sửa cơ chế bất cập
Hiện cả nước còn khoảng hơn 700 doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng phân nửa trong đó không đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Theo con số công khai của Bộ Tài chính vào cuối năm 2019, hiện cả nước còn khoảng hơn 700 doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng phân nửa trong đó không đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Điều này có nghĩa là, sau khi lên sàn, lượng doanh nghiệp này sẽ lại rời sàn sau 1 năm vì không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, dẫn đến vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, sở giao dịch chứng khoán về tiền bạc và cả thời gian, vừa tác động không tích cực đến số lượng và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Qua thực tiễn áp dụng quy định trên, UBCKNN cho rằng, việc buộc các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, có dưới 100 cổ đông) lên sàn chứng khoán là chưa hợp lý.
Vì sau cổ phần hóa, họ lên thẳng sàn chứng khoán, mà không đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN (do không đủ điều kiện) vừa khiến cơ quan này khó quản lý, vừa không giúp phát triển thị trường chứng khoán.
Theo đó, UBCKNN kiến nghị trong quá trình sửa đổi Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, cần bổ sung quy định chỉ bắt buộc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đủ điều kiện là công ty đại chúng mới phải đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán…
Cùng với đó, để kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng, nhưng cố tình chây ì lên sàn kéo dài, theo UBCKNN, trong năm 2020 sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn việc đưa cổ phiếu lên sàn.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
"6 CTCK Hàn Quốc hiện diện ở Việt Nam là sự tái cấu trúc tích cực cho thị trường"
Từ hơn 100, thị trường đã rút xuống còn hơn 80 công ty chứng khoán, trong đó có xuất hiện hùng hậu của dòng vốn Hàn Quốc. Lãnh đạo UBCK cho rằng, điều này đang giúp đẩy nhanh tái cấu trúc thị trường.
Lãnh đạo UBCKNN phát biểu tại hội nghị ngành ngày 20/12.
Từng có thời điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là manh mún với sự xuất hiện của hơn 100 công ty chứng khoán. Ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, đây là một trong những vấn đề khiến Ủy ban phải khá đau đầu và đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến 2020 định hướng đến 2025".
Trong năm 2019, UBCK đã tích cực chấn chỉnh hoạt động và rút giấy phép của một số CTCK. Cụ thể, cơ quan này đình chỉ hoạt động nghiệp vụ tự doanh của 1 CTCK, rút nghiệp vụ tự doanh của 3 CTCK, đưa 1 CTCK vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, 3 CTCK vào tình trạng kiểm soát và ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của 3 CTCK.
Số lượng các CTCK còn hoạt động hiện chỉ còn 83, tuy nhiên quy mô lại đang mở rộng ra. Trong năm 2019, có 12 CTCK đã tăng vốn điều lệ với tổng giá trị tăng là 4.700 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu huy động vốn mới, kết chuyển từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Hầu hết các tiêu chí đánh giá tình hình tài chính của các CTCK đều có sự tăng trưởng.
Cụ thể, so với sánh với các chỉ tiêu với thời điểm 31/12/2018, tổng vốn chủ sở hữu của CTCK tại 30/9/2019 là 77.900 tỷ đồng, tăng 7.687 tỷ đồng, tương ứng 10,9%; vốn điều lệ là 62.0007 tỷ đồng, tăng 5.874 tỷ đồng, tương ứng 10,5%; tổng tài sản tăng 18.401 tỷ đồng lên 146.258 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 14,4%.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, nhờ chính sách mở "room" khối ngoại ngành chứng khoán lên 100%, thị trường đã xuất hiện nhiều công ty 100% vốn nước ngoài. Dòng vốn Hàn Quốc đang nổi trội nhất với cả 6 CTCK lớn nhất Hàn Quốc đều hiện diện tại Việt Nam.
Đã có những lo ngại về việc nhóm CTCK ngoại này sẽ dấy nên một cuộc chạy đua về phí và lãi suất margin gây rối loạn cho thị trường. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, việc Việt Nam mở cửa đón nhận dòng vốn này là bài toán có lợi cho cả hai bên. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể được lợi suất tốt hơn với mức lãi suất tại quê hương.
Trong khi đó, với thị trường Việt Nam, sự xuất hiện của dòng vốn này đang giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, dọn dẹp lại các CTCK không còn khả năng hoạt động. Việc lo ngại chạy đua về phí môi giới là không đáng lo bởi doanh nghiệp vẫn cần phải có nguồn thu phí từ hoạt động khác.
Trong khi đó, với hoạt động cho vay margin, chạy đua cho vay margin có thể dẫn đến những kết cục không tốt đẹp khi vướng vào các cổ phiếu đầu cơ, bị tháo túng giá. Điều này, bản thân, các công ty chứng khoán đã phải tự nghiên cứu khi tìm đến thị trường Việt Nam.
Nhìn chung, thêm các công ty chứng khoán ngoại sẽ giúp chất lượng cả thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên, quản trị doanh nghiệp của các công ty nội cũng sẽ tốt hơn.
Tính đến ngày 6/12/2019, chỉ số VN-Index đạt 963,56 điểm, tăng 8% so với cuối năm 2018; chỉ số HNX - Index đóng cửa ở mức 102,5 điểm;,giảm 1,7% so với cuối năm 2018.
Mức vốn hoá thị trường đạt 4.383 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP. Về quy mô giao dịch đạt 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29% so với bình quân năm 2018.
Tính đến thời điểm 20/11/2019, có 744 công ty đại chúng niêm yết, giảm 3 công ty so với cuối năm 2018; 861 công ty UPCoM tăng 7,6% so với cuối năm 2018 và số công ty đại chúng chưa niêm yết/đăng ký giao dịch là 369 công ty, giảm 12,5% so với năm 2018.
MAI HƯƠNG
Theo Bizlive.vn
Thêm 3 cá nhân và một quỹ ngoại vừa bị UBCKNN phạt vi phạm hành chính Trong đó, báo cáo không chính xác giao dịch cổ phiếu THB, quỹ ngoại Barca Global Master cũng bị phạt. Ngày 12/12/2019, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với b à Mai Thị Thùy Dung, có địa chỉ tại số...