Sẽ có nhiều điểm mới trong chính sách bảo hiểm y tế
Chiều 22-5, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này đã sửa đổi, bổ sung 27/52 điều, trong đó có nhiều nội dung mới mang tính đột phá mạnh mẽ.
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật, trong khi Luật BHYT hiện nay chỉ quy định các đối tượng “có trách nhiệm” tham gia BHYT chứ chưa bắt buộc. Điểm mới thứ hai là dự thảo luật quy định khi tham gia BHYT theo hộ gia đình thì các thành viên trong gia đình sẽ được giảm dần mức đóng phí BHYT. Thứ ba, dự thảo luật bổ sung thêm đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT. Thứ tư, kéo dài thời gian sử dụng thẻ BHYT của trẻ dưới 6 tuổi, cụ thể với những trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 31-8 của năm đó. Thứ năm là quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả. Thứ sáu là mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT. Điểm mới nữa là nâng mức hưởng BHYT cho một số nhóm đối tượng là thân nhân người có công, người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số…
Theo ANTD
Bảo hiểm y tế chưa phải "bùa hộ mệnh" cho người dân
Sáng nay, 22-5, thảo luận tại hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam chưa đồng đều, nhiều người có bảo hiểm y tế nhưng sẵn sàng bỏ tiền ra để khám dịch vụ. Do vậy, cần có chính sách để người dân thực sự được hưởng dịch vụ tốt của bảo hiểm.
Video đang HOT
Trước khi tham gia thảo luận, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tập trung vào một số nội dung quan trọng, đó là sửa đổi các quy định về bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế; về quy định tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; về quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ bảo hiểm y tế; về quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; về thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Theo các đại biểu, đây là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân nhưng nhiều quy định hiện hành đang gặp vướng mắc cần tháo gỡ.
Khá đông ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa nói rõ một số quy định gây bức xúc trong nhân dân như chi trả khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến...
Theo đại biểu, Tôn Ngọc Hạnh (Đắc Nông): Hiện chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam chưa đồng đều, người dân hay dồn lên bệnh viện tuyến trên, làm các bệnh viện tuyến trên ùn tắc. Bên cạnh đó, số đông người dân đều đi khám trái tuyến vì tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cũng cho rằng, dịch vụ khám ở các bệnh viện rất khác nhau, nhiều người có bảo hiểm y tế nhưng sẵn sàng bỏ tiền ra để khám dịch vụ. Do vậy, cần có chính sách để người dân thực sự được hưởng dịch vụ tốt của bảo hiểm.
Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù trong luật đã quy định cụ thể các đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này chưa cao.
Theo ý kiến của các đại biểu, để thực hiện được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia bảo hiểm y tế.
Cũng theo các đại biểu Quốc hội, Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng, nằm trong nhóm 34 nước có gánh nặng về suy dinh dưỡng. Hiện chúng ta có Việt Nam có 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, 220.000 suy dinh dưỡng nặng, có nguy cơ tử vong.
Do vậy, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em và có dịch vụ khám chữa bệnh cho trẻ em chống lại tình trạng suy dinh dưỡng. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ thấp còi xuống dưới 20%.
Các đại biểu cũng đưa ra ý kiến về dịch sởi bùng phát trong thời gian vừa qua. Theo đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang), dịch sởi và chân tay miệng trong thời gian qua là bằng chứng điển hình, những em bị suy dinh dưỡng, có thể trạng yếu dễ mắc bệnh và có tỉ lệ tử vong cao hơn những em có không bị suy dinh dưỡng. Do vậy, cần có những dịch vụ y tế đầy đủ để trong sóc trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng: Luật Bảo hiểm y tế chưa đề cập tới bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em. "Tôi tha thiết đề nghị cần bổ sung quy định chi trả cho trẻ em dưới 5 tuổi đi khám suy dinh dưỡng. Trẻ em cần có đầy đủ các dịch vụ về bảo hiểm y tế về dinh dưỡng", đại biểu Tiến Sinh nói.
* Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi và dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân sửa đổi.
Theo ANTD
Lấy ý kiến lần cuối cho dự thảo Luật BHYT sửa đổi Ngày 2-4, Bộ Y tế phối hợp cùng BHXH Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp lần cuối cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) để có thể trình Quốc hội xem xét vào tháng 5 tới. Trong bản dự thảo sửa đổi lần cuối này tiếp...