SCTV bị Bộ TT&TT “sờ gáy” vì nghi hoạt động trái phép tại Hà Nội
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo phải kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của SCTV theo đúng giấy phép, tránh trường hợp SCTV lợi dụng kẽ hở để cung cấp lẫn lộn giữa dịch vụ truyền hình số và analog ở những địa bàn không được cấp phép như báo chí phản ánh.
Là doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền nhưng SCTV lại đang bị thanh tra vì có đối thủ kiện SCTV cung cấp dịch vụ truyền hình analog trái phép tại Hà Nội. Ảnh: SCTV
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2014 của Bộ TT&TT vào sáng ngày 4/4/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo, một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ TT&TT trong thời gian tới là phải tăng cường công tác quản lý thông tin, quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền hình. Đặc biệt, trong lĩnh vực truyền hình trả tiền phải tăng cường kiểm tra việc thực thi các quy định của giấy phép đã được cấp cho các doanh nghiệp.
Đối với trường hợp Công ty Truyền hình cáp SaigonTourist (SCTV), Sở TT&TT Hà Nội đang tiến hành kiểm tra vì công ty này bị tố cáo cung cấp dịch vụ truyền hình analog trái phép ở Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, cần kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của SCTV, tránh trường hợp SCTV lợi dụng kẽ hở để cung cấp lẫn lộn giữa dịch vụ truyền hình số và truyền hình analog ở những địa bàn không được cấp phép như báo chí phản ánh trong thời gian qua.
Như ICTnews đã từng phản ánh, đầu tháng 11/2013, Công ty TNHH Điện tử Sao Đỏ (văn phòng tại ngõ 651 Minh Khai, Hà Nội) – đơn vị hợp tác với Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên địa bàn Hà Nội đã gửi công văn đến UBND TP Hà Nội và Sở TT&TT Hà Nội tố cáo Công ty TNHH Truyền hình cáp SaigonTourist (SCTV) cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (phương thức analog) trên địa bàn Hà Nội không đúng với giấy phép đã được Bộ TT&TT cấp cho SCTV. SCTV đang dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền với hơn 2 triệu thuê bao truyền hình và khoảng 500.000 thuê bao Internet.
Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền số 189/GP-BTTTT ngày 20/1/2012 do Bộ TT&TT cấp quy định, SCTV không được cung cấp dịch vụ truyền hình tương tự (analog) tại 6 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đắc Lắc. Thế nhưng, Công ty Điện tử Sao Đỏ cho rằng, trên thực tế SCTV đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phương thức analog cho nhiều hộ dân trên địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng (Hà Nội). Đại diện công ty Điện tử Sao Đỏ cũng cho rằng, việc SCTV kinh doanh trái luật ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh của VTVcab và HCATV tại Hà Nội.
Nhưng từ tháng 9/2013 đến nay, tại thị trường Hà Nội, SCTV liên tục áp dụng chương trình khuyến mãi đặc biệt: Tặng đầu thu HD, miễn phí hòa mạng và công lắp đặt, giảm phí thuê bao tháng, tặng thêm tháng sử dụng khi đóng trước 3 tháng cước thuê bao trở lên. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng tại khu vực quận Thanh Xuân còn được khuyến mại chia sẻ tín hiệu ra các tivi khác miễn phí qua đường cáp analog, các tivi thứ 2, thứ 3 trở đi sẽ xem được 75 kênh mà chỉ phải trả phí duy nhất cho một thuê bao truyền hình số.
Video đang HOT
Theo giải thích của SCTV, SCTV đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép thiết lập mạng trên toàn quốc nên ở đâu có hạ tầng của SCTV là ở đó có tín hiệu truyền hình (bao gồm cả analog và kỹ thuật số), do đó đương nhiên SCTV có tín hiệu analog ở địa bàn Hà Nội. Nhưng do SCTV bị giới hạn cung cấp dịch vụ analog ở Hà Nội, cho nên SCTV đang cung cấp dịch vụ analog ở một số quận, huyện dựa vào hợp đồng liên kết cung cấp dịch vụ giữa SCTV và Công ty CP Dịch vụ Truyền thanh – Truyền hình Hà Nội (BTS) ký từ ngày 6/9/2011.
Theo hợp đồng này, BTS ủy quyền cho SCTV được đầu tư 100% mạng cáp analog và kỹ thuật số tại khu vực Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín và Chương Mỹ. BTS cũng ủy quyền cho SCTV trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong khu vực này. Hợp đồng giữa SCTV và BTS có thời hạn 10 năm.
Phía SCTV cũng khẳng định: “Việc SCTV liên kết với BTS cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog là điều pháp luật không cấm”. Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đang tiến hành thanh tra hoạt động của SCTV để xác định xem SCTV có vi phạm giấy phép cung cấp dịch vụ hay không?
Theo ICTNews
Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh khốc liệt
Việc các đại gia như VNPT, Viettel và FPT Telecom chính thức nhảy vào cuộc chơi sẽ giúp thị trường truyền hình trả tiền thay đổi. Người xem sẽ được tiếp cận với truyền hình giá rẻ thay vì liên tục phải chịu việc tăng giá như trước đây.
Theo các chuyên gia, với hơn 6 triệu thuê bao hiện có cùng 20 triệu thuê bao tiềm năng, thị trường truyền hình trả tiền được đánh giá là thị trường béo bở với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, sức hút lớn hơn cả chính là số tiền mà thị trường này có thể đem lại cho các doanh nghiệp.
Số liệu ước tính của Cục Quản lí Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng doanh thu của toàn thị trường truyền hình trả tiền trong nước đạt gần 2 tỉ USD vào năm 2011. Con số này tăng lên 2,5 tỉ USD (tương đương 54.000 tỉ đồng) vào 2012. Trong đó, doanh thu từ quảng cáo lên tới khoảng 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỉ USD vào năm ngoái. Đây là một khoản tiền lớn với bất cứ đại gia nào, kể cả với VNPT, Viettel và FPT Telecom.
Dù có khoảng 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang hoạt động nhưng, đến hết năm 2013, thị phần chủ yếu nằm trong tay hai nhà đài lớn là VTV và HTV. Trong đó, SCTV chiếm khoảng 40%, tiếp theo là VTVCab với 30%. Kế đến là HTVC với 15%. Các doanh nghiệp khác chia đều 15% ít ỏi còn lại.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện FPT Telecom cho biết, trong quý 2 năm nay sẽ triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền bằng công nghệ số tại 8 tỉnh, TP (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đăk Lắk). Các địa phương khác sẽ được cung cấp bằng công nghệ analog. Doanh nghiệp này sẽ nghiên cứu công nghệ mới giúp người xem có thể theo dõi các chương trình truyền hình trên smartphone, máy tính bảng... khi đang di chuyển.
Cùng thời điểm này đại diện VNPT khẳng định sẽ sớm gia nhập thị trường. Hiện hồ sơ xin cấp phép đang được lãnh đạo Bộ TT-TT xem xét. Thông tin từ Viettel cho biết, sẽ chính thức tham gia thị trường với chiến lược "lấy nhiều bù ít".
Đại diện Viettel cho biết, từ giữa tháng 3/2013, Viettel đã đưa vào thử nghiệm dịch vụ truyền hình cáp tại Hà Nội, TPHCM và Hà Nam. Dự kiến đến tháng 4/2014, Viettel sẽ đồng loạt triển khai cung cấp dịch vụ tại 15 tỉnh, thành lớn trong cả nước.
Áp lực giảm cước
Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng giám đốc VSTV (đơn vị sở hữu thương hiệu truyền hình số vệ tinh K ), ông Cao Văn Liết thừa nhận các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh rất gay gắt để tồn tại.
Sau 5 năm, năm 2013 lần đầu tiên dịch vụ truyền hình vệ tinh của VTC có lãi.
Bản thân K , theo ông Liết, từ đầu tháng 3 phải giảm cước, cơ cấu lại 3 gói kênh hiện tại. Theo đó, gói Access có phí thuê bao là 85.000 đồng/tháng và Premium HD là 220.000 đồng/tháng. Giá thiết bị cũng được giảm mạnh. Trọn bộ đầu thu SD giá chỉ còn 990.000 đồng/tháng, trọn bộ đầu thu HD chỉ còn 1,8 triệu đồng.
"Thị trường truyền hình trả tiền đang có cạnh tranh rất mạnh với sự hiện diện của nhiều đối thủ mới, buộc K phải có những điều chỉnh để phù hợp với thị hiếu khách hàng và thích ứng với thị trường đang có cuộc cạnh tranh rất mạnh này", ông Liết cho biết.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng thực hiện các chương trình khuyến mãi cho các thuê bao của mình. Hiện, Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) có mức phí thuê bao thấp nhất, 60.000 đồng/tháng. Truyền hình cáp Hà Nội (HCATV), trên 80.000 đồng/tháng trong khi VTVcab có mức giá cao nhất 110.000 đồng/tháng cho tivi thứ nhất và 33.000 đồng/tháng cho tivi thứ hai trở đi.
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khẳng định, nhìn bề ngoài tưởng dễ ăn. Thực tế hoàn toàn khác. Các số liệu cho thấy, thị trường đang cạnh tranh rất khốc liệt và hầu hết các nhà cung cấp đều phải đối mặt với tình trạng thuê bao rời mạng, thuê bao ảo gia tăng. Có doanh nghiệp bị tới hơn 30% thuê bao rời mạng trong năm 2013, con số thuê bao ảo cũng lên tới 32%. Nhiều doanh nghiệp đến ngay vẫn phải chịu mức lỗ rất lớn.
"Như K các năm trước đều lỗ. Năm 2013 kinh doanh tốt hơn nhưng vẫn chưa có lãi. Hay như VTC, năm 2013 lần đầu tiên dịch vụ truyền hình vệ tinh có lãi nhưng lợi nhuận chỉ đạt 50 tỉ đồng. Việc phát triển thuê bao rất khó khăn, thị trường không dễ ăn chút nào. Các năm trước có những doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền mỗi ngày lỗ cả tỉ đồng", vị này cho biết.
Cũng theo ông Liết, K đang nghiên cứu việc cho phép một thuê bao chỉ phải trả tiền một lần và có thể xem cùng lúc nhiều kênh trên nhiều ti vi khác nhau thay vì phải trả tiền thuê bao theo đầu ti vi như hiện nay.
Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho biết, Hiệp hội mới đây đã có văn bản kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông để đặt mức giá sàn đối với dịch vụ truyền hình trả tiền để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh.
Việc, Viettel, FPT Telecom và VNPT tham gia thị trường chắc chắn sẽ giúp người dùng giảm chi phí thuê bao hàng tháng. Với Viettel, các đài truyền hình sẽ rất thận trọng. "Viettel hoàn toàn có thể tung ra các gói cước giá rẻ để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp này chính là nội dung các chương trình. Các doanh nghiệp sẽ rất khó chia sẻ nội dung với Viettel. Thực tế từ thị trường viễn thông cho thấy, việc chia sẻ nội dung sẽ giúp Viettel phát triển rất nhanh. Nhưng đồng nghĩa, các nhà đài sẽ bước vào cửa tử. Còn về phía người xem, chắc chắn là có lợi", ông Cường phân tích.
Theo Tiền Phong
Thuê bao trả tiền không phải thay thiết bị khi số hóa truyền hình Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết, những gia đình đang dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: cáp số, cáp analog, số vệ tinh kể cả truyền hình IPTV sẽ không phải chuyển đổi thiết bị thu xem trong lộ trình số hóa truyền hình. Tại Hội nghị tập huấn về công tác truyền...