SBT dự kiến thu 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi
HĐQT của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) đã chính thức thông qua việc triển khai phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) theo phương thức phát hành riêng lẻ với tổng giá trị lên đến 1.200 tỷ đồng.
Theo đó, SBT dự kiến thực hiện phát hành 1.200 TPCĐ với mệnh giá mỗi TPCĐ 1 tỷ đồng, dự kiến thu về 1.200 tỷ đồng. Kỳ hạn tối thiểu của TPCĐ 3 năm, lãi suất dự kiến 3,5%/năm. Thời điểm phát hành cụ thể sẽ được thỏa thuận giữa SBT và NĐT, nhưng trong không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được chấp thuận phát hành của UBCKNN.
Dự kiến, TPCĐ quyền chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ thành CP phổ thông sau 1 năm kể từ thời điểm hoàn tất phát hành. Các vấn đề liên quan đến giá chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, thời điểm chuyển đổi và các vấn đề khác liên quan đến việc chuyển đổi TP sẽ do HĐQT quyết định.
Theo SBT, nguồn vốn huy động lần này sẽ được sử dụng để tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm thuộc dòng organic, cũng như tiếp tục phát triển hệ thống sản xuất và phân phối bền vững.
Trên thực tế, nguồn vốn này cũng giúp công ty tái cấu trúc tài chính theo hướng lành mạnh hơn, tiếp tục giảm nợ ngắn hạn, chuyển dịch cơ cấu vốn theo hướng dài hạn và an toàn, đảm bảo nguồn lực tài chính ổn định, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các NĐT chiến lược đã tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp. Hiện nay, SBT đang từng bước hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức thực hiện quản trị rủi ro dựa trên nền tảng “3 vòng bảo vệ” theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này.
Hải Hồ
Theo saigondautu.com.vn
20 năm TTCK Việt Nam: "Phát triển nhanh về lượng, nâng cao rõ rệt về chất"
Uỷ ban Chứng khoán đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm để tiếp tục hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả.
Video đang HOT
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
Sau gần 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ phát triển về "lượng", mà đã có sự nâng cao rõ rệt về "chất". Quy mô vốn hóa thị trường tăng nhanh; cơ cấu thị trường ngày một hoàn thiện, cơ sở hàng hóa ngày càng đa dạng. BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhìn lại TTCK 20 năm và các giải pháp trọng tâm hướng tới phát triển thị trường ổn định, bền vững và hiệu quả.
Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng tăng với vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 80%GDP, dư nợ trái phiếu niêm yết tương đương 21%GDP. Tuy nhiên, quy mô này vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực, ông bình luận thế nào?
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang dần gia tăng mức đóng góp vào cung ứng vốn cho nền kinh tế, đã và đang là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.368 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cuối năm 2018, tương đương 78,9% GDP; dư nợ trái phiếu niêm yết trên SGDCK đạt 1.162 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2018 (tương đương 21% GDP).
Không chỉ phát triển về quy mô, cơ cấu TTCK cũng ngày một hoàn thiện với đầy đủ 3 mảng thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh; cơ sở hàng hóa ngày càng đa dạng với sản phầm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, hợp đồng tương lai và chứng quyền có bảo đảm. TTCK Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cấp độ hai. Như vậy, đánh giá về TTCK Việt Nam sau gần 20 năm, thị trường không chỉ phát triển về "lượng", mà đã có sự nâng cao rõ rệt về "chất".
Thời quan tới, TTCK vẫn tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ để phát triển, tăng quy mô. Trước hết là sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và duy trì ở mức tăng trưởng cao; các chỉ tiêu về lạm phát, tỷ giá cũng theo chiều hướng ổn định. Đây là điều kiện nền tảng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Chính phủ cũng đang đẩy mạnh công tác cổ phần hóa và thoái vốn với hàng loạt doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách thoái vốn và cổ phần hóa như: MobiFone, VNPT, Agribank, Vicem.... sẽ tạo nên lượng cung hàng hóa lớn trên thị trường chứng khoán, góp phần tăng giá trị vốn hóa cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Với yếu tố hỗ trợ tích cực cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, chúng ta có thể kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh về quy mô cũng như chất lượng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Sản phẩm Chứng quyền có đảm bảo (Cover Warrant - CW) được ra đời từ cuối tháng 6/2019. Xin ông cho biết định hướng phát triển sản phẩm này như thế nào và phương án ra đời các sản phẩm mới đã được UBCK tính đến ra sao?
Ngày 28/6/2019, TTCK cơ sở đã cho ra đời sản phẩm Covered Warrant. Sản phẩm này được kỳ vọng đem lại một luồng gió mới cho TTCK, hỗ trợ phòng ngừa những biến động trên thị trường cổ phiếu và thu hút các dòng vốn ngoại, góp phần giải quyết vấn đề hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một số cổ phiếu cơ sở. Sau 5 tháng đi vào hoạt động, sản phẩm đã nhận được nhiều sự đón nhận của các nhà đầu tư, tính đến ngày 17/12/2019, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 2.903.383 chứng quyền, giá trị giao dịch bình quân đạt 7,35 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm khai trương thị trường chứng chứng khoán phái sinh với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thị trường chứng khoán phái sinh đã có bước phát triển ấn tượng, giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động đặc biệt tăng mạnh khi thị trường cơ sở có biến động mạnh. Tháng 7/2019, TTCK phái sinh cũng vừa đón nhận sản phẩm mới Hợp đồng tương lai trên Trái phiếu Chính phủ.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm trên TTCK luôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong nhóm giải pháp nhằm phát triển TTCK Việt Nam. UBCKNN đã xây dựng lộ trình triển khai các sản phẩm trên TTCK cho giai đoạn 2019 - 2025, các sản phẩm mới trong lộ trình được xây dựng cho cả 3 khu vực thị trường là: cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh, trên nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Trong thời gian tới, đối với thị trường cổ phiếu, sau khi sản phẩm chứng quyền mua có bảo đảm được ra mắt, sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai thêm các sản phẩm chứng quyền bán trên các tài sản khác nhau như chứng chỉ ETF, cổ phiếu...; nghiên cứu triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); các loại chứng chỉ quỹ mới...
Thị trường trái phiếu sẽ tập trung cho phát triển trái phiếu doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối và hoàn chỉnh cấu trúc thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn tốt hơn.
Như đề cập ở trên, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Nhưng không hẳn quá trình phát triển đó luôn thuận lợi. Theo ông, việc phát triển TTCK thời gian tới sẽ có những khó khăn, thách thức gì?
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn không thể thiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới còn có những khó khăn, thách thức cần phải đối mặt và vượt qua.
Thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục phát triển về cả quy mô và thanh khoản nhưng chưa thực sự bền vững. Các chỉ số (VN-Index, VN30...) có thể có biến động bất thường với tần suất dày trong những giai đoạn nhất định. Thị trường chịu sự tác động khá lớn từ tình hình chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế trong thời gian vừa qua và dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trong thời gian tới cùng với những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay những bất ổn từ mối quan hệ căng thẳng của tình hình địa chính trị thế giới và khu vực.
Thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) cũng đang phát triển với tốc độ nhanh nhưng quy mô vẫn còn chưa xứng với tiềm năng, hàng hóa còn chưa đa dạng, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn.
Cùng với sự phát triển của TTCK, cần nâng cao chất lượng quản trị công ty để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông; Cơ sở nhà đầu tư cần phải tiếp tục cải thiện nâng số lượng nhà đầu tư, tăng tỷ lệ nhà đầu tư có tổ chức...
Trước những khó khăn và thách thức đó, UBCKNN có những biện pháp gì để tiếp tục phát triển TTCK, thu hút nhiều hơn nhà đầu tư và trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả hơn nữa cho doanh nghiệp và nền kinh tế?
Với phương châm hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, UBCKNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho TTCK phát triển thu hút nhà đầu tư và là kênh huy động vốn cho Nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó, UBCKNN đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tập trung dự thảo các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán để đảm bảo Luật Chứng khoán sửa đổi được đưa vào cuộc sống một cách đồng bộ, tạo điều kiện thông thoáng hơn để cho đầu tư phát triển và bảo vệ quyền, và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Hai là, nỗ lực triển khai các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" được phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Ba là, triển khai thực hiện Đề án "Thành lập sở giao dịch chứng khoán Việt Nam" được phê duyệt theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ để quản lý, vận hành TTCK một cách an toàn, hiệu quả.
Bốn là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường, bảo đảm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK.
Năm là, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Sáu là, tiếp tục phát triển các sản phẩm mới cho thị trường theo kế hoạch, lộ trình đã được phê duyệt.
Bảy là, tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, rà soát và hoàn thiện các giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
BẢO VY
Theo bizlive.vn
Chủ thể tham gia thị trường Trái phiếu doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn Từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. Chủ thể tham gia thị trường Trái phiếu doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh cũng đã tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn đối với các...