Savills: Bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2016
Trong báo cáo vừa công bố, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết: “Các điều kiện kinh tế được cải thiện đã tác động đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Bất động sản (BĐS) Việt Nam, cùng với sự tăng trưởng của tốc độ đô thị hóa, du lịch và bán lẻ. Savills lạc quan về triển vọng thị trường BĐS khi chúng tôi nhìn thấy đà tăng trưởng trong năm 2016. Các chủ đầu tư hiện tập trung nhiều hơn vào thiết kế, cảnh quan, tiện ích cũng như dịch vụ quản lý. Điều này giúp cung cấp cho thị trường những dự án chất lượng cao cũng như góp phần gia tăng lòng tin của người mua. Việt Nam hiện đang là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Trong khi các nước như Indonesia và Philippines đang ở trên đỉnh của chu kỳ BĐS, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn hồi phục trong vòng 12 tháng qua. Hơn bao giờ hết, thời điểm này, các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đang có nhiều quan tâm đối với thị trường BĐS Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm nay cũng như các năm kế tiếp”.
Savills cho rằng, theo sau các chính sách tiền tệ hiệu quả của Nhà nước trong năm 2013 – 2014, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Hầu hết các phân khúc đều có sự hồi phục mạnh mẽ, đáng chú ý nhất là phân khúc nhà ở. Những cải cách về hệ thống pháp lý tiếp tục được áp dụng và giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Với chu kỳ phát triển ngược lại với các nước trong khu vực, trong năm 2015, chúng ta đã chứng kiến Việt Nam có những tiến triển vươt bậc hơn so với các quốc gia láng giềng.
Trong Báo cáo mới đây “Around the world in dollars and cents” của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Savills cũng nhận định xu hướng này sẽ được tiếp tục trong năm 2016, mặc dù vẫn tồn tại một số mặt hạn chế. Dưới đây là một số điểm nội bật của từng mảng thị trường chính:
Thị trường nhà ở – tăng trưởng vốn dài hạn
Savills nhận định: “Tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô hộ gia đình giảm và dân số trẻ sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam trong năm 2016″. Những biến động kinh tế có thể được xem là rủi ro chính trong ngắn hạn, tuy nhiên nhu cầu nhà ở đang tăng lên của tầng lớp trung lưu lại chính là xu hướng lâu dài. Luật Nhà ở sửa đổi hiện đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực nhà ở, góp phần hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường mà trước đây chủ yếu đến từ nguồn cầu nội địa.
Phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có nguồn cung mạnh và tỷ lệ hấp thụ khá tốt trong năm 2015. Các sản phẩm hiện khá đa dạng và đáp ứng nhu cầu của người mua. Lý do là bởi các chủ đầu tư đang cạnh tranh khá gay gắt về thị phần và đưa vào thị trường các sản phẩm biệt thự và nhà phố với tiện ích trọn gói, bao gồm cả khu chăm sóc sức khỏe và các tiện nghi hỗ trợ dành cho người lớn tuổi. Phân khúc này cũng được hưởng lợi rất nhiều từ những cải thiện cơ sở hạ tầng và các kết nối mới, giúp thu hẹp khoảng cách của khu vực ngoại thành với trung tâm thành phố.
Video đang HOT
Nghỉ dưỡng – lợi nhuận lâu dài
Khách du lịch đến từ hai thị trường Trung Quốc và Nga chiếm khoảng 50% lượng du khách quốc tế tới Việt Nam. Hai quốc gia này đều có khoảng cách không quá xa với các thành phố có bờ biển dài và khí hậu thuận lợi của Việt Nam. Thị trường khách sạn trên cả nước cũng đã phát triển sôi nổi trong năm 2015. Nhiều khách sạn đẳng cấp thế giới với vị trí tuyệt đẹp sát biển kèm theo sân gôn chất lượng cao và kiến trúc theo chuẩn quốc tế sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016 từ vịnh Hạ Long ở miền bắc, Đà Nẵng và Nha Trang ở miền trung cho tới đảo Phú Quốc ở cực nam. Đáng ngạc nhiên, hơn hai phần ba tổng lượng khách du lịch là khách nội địa. Báo cáo dự báo: “Thị trường khách sạn sẽ tiếp tục tận dụng và đẩy mạnh các lợi thế trước đây, đồng thời phát triển thêm loại hình BĐS nghỉ dưỡng. Trong năm 2016, các thành phố biển ở khắp Việt Nam sẽ chào đón nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng từ chất lượng vừa phải cho đến đẳng cấp thế giới”.
Bán lẻ – phát triển những mô hình mới
Thị trường bán lẻ đã có một năm phát triển khá sôi động khi các chủ đầu tư trong và ngoài nước cạnh tranh với nhau gay gắt trong môi trường thay đổi nhanh chóng này. Tính chung cả năm 2015, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trên toàn thế giới. Savills nhận định: “Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều hoạt động mua bán và sát nhập diễn ra trong phân khúc bán lẻ trong năm 2015. Trong năm 2016, chúng ta sẽ có thêm nhiều mặt bằng cùng với các mô hình bán lẻ mới như Takashimaya tại tòa nhà Saigon Centre ở TP Hồ Chí Minh”.
Văn phòng – giá thuê tăng cao
Nhu cầu văn phòng tại TP Hồ Chí Minh đang tăng đáng kể, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trong vài năm tới. Thị trường văn phòng được kỳ vọng sẽ có sự gia tăng về giá thuê. Điều này sẽ là lợi thế cho các chủ đầu tư nhưng bất lợi với khách thuê. Do đó, khách thuê được khuyến khích để có kế hoạch chuyển đổi mặt bằng sớm trước khi giá thuê có sự điều chỉnh. Thị trường văn phòng tại Hà Nội có một số dấu hiệu cải thiện, nhưng thông thường sẽ đi sau TP Hồ Chí Minh trong chu kỳ bất động sản.
XUÂN BÁCH
Theo_Báo Nhân Dân
"Chứng khoán Việt Nam năm 2016 sẽ có triển vọng"
Maybank Kim Eng, định chế tài chính có trụ sở tại Malaysia hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng, vừa dự báo tiềm năng của chứng khoán Việt Nam trong năm 2016.
Với tiêu đề "Báo cáo chiến lược 2016 - năm của thử thách", Maybank Kim Eng đã điểm lại những thành công của Việt Nam trong năm 2015. Đó là mức tăng GDP cao nhất trong 5 năm qua, tỷ lệ lạm phát tiếp tục duy trì mức rất thấp và dòng vốn FDI tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay. Thành công từ việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác cũng tạo ra dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam.
Mặc dù có nhiều ẩn số từ bên ngoài sẽ ảnh hướng đến Việt Nam như quan ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đang tạo ra rủi ro đáng kể cho TTCK toàn cầu, FED có thể tăng lãi suất đồng đôla Mỹ thêm 1% trong năm 2016, giá dầu lao dốc...
Trong nước, Chính phủ Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá từ 2% đến 3% trong năm 2016 là khó tránh khỏi và nên xem đây là yếu tố tích cực hỗ trợ cán cân thương mại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, định chế này dự đoán.
Tuy nhiên, Maybank Kim Eng cho rằng, sự ổn định và hội phục của nền kinh tế Việt Nam là một trong những lý do rõ ràng nhất để kỳ vọng vào một kết quả tích cực cho TTCK trong năm 2016. Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế mới nổi khác tại châu Á đều được dự báo giảm tốc độ tăng trưởng GDP, Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng đạt được tốc độ tăng trưởng cao từ 6,4% đến 6,6% trong năm nay.
Năm 2015, TTCK Việt Nam chỉ tăng 6,1%, khá khiêm tốn so với các năm trước nhưng vẫn được đánh giá là một năm "không tệ" nếu so sánh với những gì đã xảy ra tại các quốc gia còn lại trong khu vực.
Nguy cơ sụt giảm tăng trưởng từ nền kinh tế Trung Quốc kết hợp với động thái tăng lãi suất của FED và sự đi xuống liên tục của giá dầu đã khiến thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi hầu hết đều ghi nhận kết quả giảm điểm trong năm 2015.
Kết quả tăng/giảm TTCK các quốc gia trong khu vực năm 2015.
Định chế tài chính trên cũng không quên đưa ra một loạt các yếu tố hỗ trợ TTCK Việt Nam trong năm 2016 như: Chu kỳ thanh toán được rút ngắn, sự ra đời của chứng khoán phái sinh, chính sách nới room sở hữu nước ngoài, hành loạt các doanh nghiệp mới IPO, quy định về công bố thông tin nghiêm ngặt hơn và các quy định mới về giao dịch trong ngày là những điểm đáng mong chờ của năm 2016.
Một trong những lý do khác khiến đơn vị này "tin trưởng vào triển vọng tích cực" của thị trường trong năm 2016 đến từ các so sánh tương quan giữa TTCK Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
PE (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) dự phòng 2016 của TTCK Việt Nam ở mức 12 lần - mức thấp nhất trong khu vực và đi kèm với đó là mức tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) dự kiến cho các doanh nghiệp niêm yết trong 2016 khoảng 12% - mức trung bình trong khu vực.
Ngoài ra, sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng là yếu tố được Maybank Kim Eng đặt kỳ vọng cao.
Vì vậy, Maybank Kim Eng đã khuyến nghị các nhà đầu tư 6 cổ phiếu đáng đầu tư nhất trong năm 2016 tại Việt Nam do được hưởng lợi từ việc gia nhập TPP và các hiệp định thương mại tự do. Những cổ phiếu này thuộc ngành xây dựng, dệt may, logistics, điện, hóa dầu, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng.
Theo_Zing News
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/2 Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/2 của các công ty chứng khoán. PTI: Khuyến nghị tích cực Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) ghi nhận 2.589 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 35,6%...