Sau vụ rò rỉ dữ liệu, nhiều doanh nghiệp ngưng quảng cáo trên Facebook
Liên tiếp các vụ việc bất lợi đến với Facebook kể từ khi bê bối lộ thông tin của hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội này bị phát hiện.
Trong năm ngoái, 98% doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo. ẢNH: REUTERS
Theo CNN, ít nhất ba công ty bao gồm Sonos, Commerzbank và Mozilla đã rút các quảng cáo của họ khỏi Facebook. Nhiều công ty khác cũng đang nghi ngại về vấn đề bảo mật thông tin trên mạng xã hội lớn nhất thế giới.
ISBA, một tổ chức của Anh đại diện cho các công ty như Unilever, McDonald’s và Adidas, đã có cuộc gặp với Facebook vào hôm 23.3 để thảo luận về tính riêng tư của dữ liệu.
“Điều rõ ràng từ cuộc gặp của chúng tôi hôm nay đó là bảo mật thông tin riêng tư phải là một ưu tiên của Facebook và họ có rất nhiều việc phải làm để thực hiện mục tiêu này”, ISBA cho biết.
Cuộc nổi dậy tiềm năng của các nhà quảng cáo có thể sẽ là mối đe dọa lớn cho Facebook. Năm 2017, 98% doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo.
Trong một tuyên bố, Mozilla nói rằng các bước khắc phục được ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đưa ra là tích cực và công ty sẽ xem xét việc quay trở lại Facebook khi mạng xã hội này “có hành động mạnh mẽ hơn trong cách chia sẻ dữ liệu khách hàng”.
Video đang HOT
Hãng sản xuất loa thông minh Sonos cho biết họ đã ngưng quảng cáo trên Facebook, Instagram, cũng như Google và Twitter trong một tuần.
“Giờ là lúc cho những cuộc thảo luận và hỗ trợ những người đang nỗ lực thúc đẩy để giúp tất cả chúng ta trở thành những nhà công nghệ giỏi hơn và người tiêu dùng có kiến thức cao hơn”, Sonos nói trong một tuyên bố hôm 23.3.
“Ông lớn” ngành quảng cáo WPP cho biết khách hàng của họ bắt đầu đặt câu hỏi về vụ bê bối này, nhưng chưa có công ty nào quyết định bỏ quảng cáo trên Facebook. Trong khi đó, M & C Saatchi, một hãng quảng cáo lớn khác, nói rằng khách hàng của họ sẽ gây áp lực lên Facebook.
“Tôi nghĩ rằng khách hàng đã đi đến giới hạn chịu đựng”, David Kershaw, Giám đốc điều hành Saatchi, nói.
Facebook nói rằng các nhà quảng cáo “biết tầm quan trọng của việc tạo sự tin tưởng với khách hàng vào thông tin của họ trên mạng xã hội”.
“Hầu hết các doanh nghiệp chúng tôi đã gặp trong tuần này đều hài lòng với các bước chúng tôi đưa ra để bảo vệ tốt hơn dữ liệu của mọi người. Họ tin rằng chúng tôi sẽ giải quyết những thách thức này và trở thành một đối tác tốt hơn”, Facebook cho hay.
Google và Facebook đã thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến trong nhiều năm nhờ khả năng tiếp cận và lượng dữ liệu lớn mà họ có. Ước tính hai công ty này đã thu hút hơn 60% chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu trong năm 2017.
Google cũng đã từng bị nhiều doanh nghiệp đồng loạt ngưng quảng cáo khi phát hiện quảng cáo của họ xuất hiện trong những video có nội dung không lành mạnh trên YouTube. Facebook cũng thường bị chỉ trích vì cho phép đưa thông tin giả mạo, bộ lọc định hướng thông tin, can thiệp vào các cuộc bầu cử nước ngoài và gây ra tình trạng nghiện mạng xã hội.
Unilever hồi tháng trước đã gửi một cảnh báo mạnh mẽ đến các nền tảng mạng xã hội, nói rằng mạng xã hội đã trở thành “đầm lầy” của tin giả, nạn phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan.
“Chúng tôi không thể tiếp tục ủng hộ chuỗi cung ứng kỹ thuật số không có tính minh bạch. 2018 hoặc sẽ là năm ngành công nghệ bị công kích, chúng ta đã được chứng kiến một số vụ, hoặc sẽ là năm của sự tin tưởng. Năm mà chúng ta cùng nhau xây dựng lại niềm tin vào hệ thống công nghệ và xã hội”, Keith Weed, Giám đốc tiếp thị của Unilever, nói.
Phương Anh
Theo Thanhnien
Tim Cook muốn có quy định về quyền riêng tư sau bê bối Facebook
CEO của Apple cho rằng scandal rò rỉ dữ liệu người dùng giữa Facebook và Cambridge Analytica là nghiêm trọng.
Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, nói rằng ông ủng hộ ý tưởng về việc các công ty công nghệ phải đối mặt với các quy định về quản lý dữ liệu khách hàng. Phát biểu này được đưa ra tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc tổ chức hôm qua 25/4 ở Bắc Kinh, khi ông được hỏi ý kiến về những gì sẽ xảy ra sau thất bại gần đây nhất của Facebook.
"Tôi nghĩ rằng tình huống của Facebook khá tồi tệ và nó đã trở nên quá lớn. Có thể sẽ tốt hơn nếu một số quy định được đưa ra", ông nói. "Việc bất kỳ ai cũng có thể biết những gì bạn đã xem trên web trong nhiều năm, thông tin liên hệ của bạn, những điều bạn thích và không thích cũng như mọi chi tiết riêng tư khác trong cuộc sống - theo quan điểm của tôi là không nên tồn tại".
Cook không nêu rõ những gì cần trong quy định cho các công ty công nghệ sau này nhưng ông nhấn mạnh rằng các nhà lập pháp nên quan tâm đến việc tạo ra các quy định về quyền riêng tư. Trước đó vài ngày, trong cuộc phỏng vấn trên CNN, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, cũng có quan điểm tương tự.
Scandal rò rỉ dữ liệu của 50 triệu người dùng từ Facebook đã khiến mọi người xem xét lại cài đặt mạng xã hội này, cũng như nhiều người đã giật mình khi biết rằng một khối lượng lớn các ứng dụng bên thứ ba có quyền truy cập vào những thông tin cá nhân trên tài khoản của họ. Hầu hết mọi người đều không ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc Facebook đã xây dựng chân dung mỗi cá nhân người dùng dựa trên sở thích tới các chi tiết khác được rút ra từ lịch sử tương tác với mạng xã hội.
"Những năm qua chúng tôi đã lo lắng rằng người dân ở nhiều quốc gia đang không để ý rằng dữ liệu cá nhân của họ đã được lưu vào những hồ sơ chi tiết. Rồi một ngày nào đó mọi người sẽ bị xâm phạm quyền tự do cá nhân bởi những gì mà họ chưa nhận thức được như thế này", ông nói.
Tuy nhiên, tuyên bố này của Tim Cook cũng khiến nhiều người phải "nhíu mày" suy nghĩ. Bởi mới đây, Apple đã giao quyền kiểm soát các tài khoản iCloud của người dùng Trung Quốc cho các cơ quan quản lý máy chủ ở quốc gia này, tuân thủ theo đúng luật pháp địa phương. Tức là, trong khi iPhone của công ty vẫn tiếp tục được bảo mật mạnh mẽ, các sao lưu trên iCloud lại có thể dễ dàng bị can thiệp và kiểm soát tại Trung Quốc. CEO của Apple cũng không nhắc đến việc giải quyết tình huống trên trong suốt thời gian xuất hiện tại sự kiện.
Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook được báo chí đăng tải ngày 17/3. Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dưa trên ưng dung thisisyourdigitallife. Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% sô cư tri My trươc giai đoạn bâu cư.
Mai Anh
Theo VNE
Cách bảo vệ dữ liệu của bạn trên Facebook Để bảo vệ dữ liệu của mình an toàn hơn, người dùng cần thực hiện một số tinh chỉnh đặc biệt khi sử dụng mạng xã hội Facebook. Sau vụ bê bối làm rò rỉ 50 triệu hồ sơ cá nhân trên Facebook, an toàn dữ liệu trên Internet một lần nữa lại réo hồi chuông cảnh tỉnh tới hàng tỷ người dùng...