Sau UAV, robot tham chiến ở Ukraine chỉ là vấn đề thời gian: Thời đại chiến tranh kiểu mới sắp mở ra
Chiến thuật tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở Ukraine hiện nay đã thúc đẩy xu hướng quân sự mới, trong đó các robot chiến đấu tự động có thể được đưa ra mặt trận.
Máy bay không người lái Switchable 600. Ảnh: AP
Theo các nhà phân tích quân sự và nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), chiến tranh càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng các bên sử dụng UAV để xác định, lựa chọn và tấn công các mục tiêu mà không cần con người hỗ trợ.
Điều đó sẽ đánh dấu một cuộc cách mạng trong công nghệ quân sự, tương tự như sự ra đời của súng máy. Ukraine đang sở hữu máy bay không người lái tấn công bán tự động và vũ khí chống máy bay không người lái được trang bị AI. Nga cũng tuyên bố nắm trong tay vũ khí AI. Nhưng chưa có bất kỳ bên nào lên tiếng về việc đưa các robot chiến đấu tự động vào mặt trận.
Các chuyên gia cho rằng, căn cứ vào tình hình hiện nay, việc Nga hoặc Ukraine, hoặc cả hai bên triển khai robot chiến đấu chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhà phân tích vũ khí Zachary Kallenborn tại Đại học George Mason cho biết: “Nhiều quốc gia đang phát triển công nghệ này. Rõ ràng, viễn cảnh đó không khó xảy ra lắm”.
Cảnh báo không thể tránh khỏi của giới chuyên gia đã tác động đến các nhà hoạt động, những người đã cố gắng suốt nhiều năm để cấm sử dụng máy bay không người lái sát thủ, giờ đây phải chấp nhận thực tế.
Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov đồng ý rằng máy bay không người lái (UAV) sát thủ hoàn toàn tự động là “bước tiếp theo không thể tránh khỏi và hợp lý” trong quá trình phát triển vũ khí. Ông cho biết Ukraine đã và đang thực hiện rất nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển theo hướng này.
“Tôi cho rằng có khả năng cao là điều này là sẽ xảy ra trong vòng 6 tháng tới”, chuyên gia Fedorov nhận định với AP.
Mảnh vỡ của máy bay không người lái Shahed tại chiến trường miền Đông Ukraine. Ảnh: AP
Trong khi đó, Đại tá người Ukraine Yaroslav Honchar, đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận về đổi mới máy bay chiến đấu không người lái Aerorozvidka, thậm chí còn khẳng định các binh sĩ không thể xử lý thông tin và đưa ra quyết định nhanh chóng như máy móc.
Theo ông Honchar, các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine hiện cấm sử dụng vũ khí sát thương hoàn toàn tự động, nhưng điều đó có thể thay đổi. “Chúng tôi vẫn chưa vượt qua ranh giới này. Và tôi nói là chưa, bởi vì tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”, ông Honchar nói. Tổ chức Aerorozvidka của ông đã đi đầu trong việc đổi mới máy bay không người lái ở Ukraine, biến máy bay không người lái thương mại giá rẻ thành vũ khí sát thương.
Nga có thể mua vũ khí AI tự động từ Iran hoặc các nơi khác. Máy bay không người lái tấn công tầm xa Shahed-136 đã làm tê liệt các nhà máy điện của Ukraine, nhưng không đặc biệt thông minh. Tehran cho biết trong kho vũ khí đang phát triển của họ có những máy bay không người lái khác và có tính năng AI.
Các nhà sản xuất phương Tây cho biết, nếu không gặp nhiều trở ngại, Ukraine có thể tự chế tạo các máy bay không người lái được trang bị vũ khí bán tự động để tồn tại tốt hơn trên chiến trường.
Các UAV đó gồm có Switchblade 600 do Mỹ sản xuất và Warmate của Ba Lan. Hai thiết bị trên hiện đều yêu cầu con người chọn mục tiêu qua nguồn cung cấp dữ liệu video trực tiếp. Và sau đó, AI sẽ hoàn thành phần công việc còn lái. Máy bay không người lái, về mặt kỹ thuật được gọi là “đạn tuần kích”, có thể bay lơ lửng phía trên mục tiêu trong vài phút, chờ bắn chốt hạ.
Video đang HOT
Ông Wahid Nawabi, Giám đốc điều hành công ty sản xuất UAV AeroVironment cho biết: “Ngày nay có khá nhiều công nghệ để biến Switchblade thành tự động”. Việc triển khai chúng sẽ đòi hỏi thay đổi về mặt chính sách – để loại bỏ con người khỏi vòng ra quyết định – mà ông ước tính là ba năm nữa.
UAV đã có thể nhận ra các mục tiêu như xe bọc thép bằng cách sử dụng hình ảnh được phân loại. Nhưng các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về việc liệu công nghệ này có đủ tin cậy để đảm bảo rằng máy móc không bị lỗi và cướp đi sinh mạng của những người vô tội hay không.
Hãng AP đã đặt câu hỏi cho Bộ Quốc phòng Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga rằng liệu họ có sử dụng vũ khí tự động để tấn công hay không, và liệu họ có cam kết không sử dụng chúng nếu phía bên kia đồng ý tương tự hay không. Cả hai cơ quan đều không đưa ra câu trả lời.
Nếu một trong hai bên tấn công bằng công nghệ quân sự AI trên chiến trường Ukraine thì đó cũng không phải là lần đầu tiên loại vũ khí nguy hiểm đó được triển khai.
Một UAV được phát hiện bay bên trên các toà nhà ở thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: AP
Một báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng các robot sát thủ đã được ứng dụng trong cuộc xung đột giữa ở Libya năm 2020, khi máy bay không người lái Kargu-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất ở chế độ hoàn toàn tự động đã giết chết một số lượng chiến binh không xác định.
Một người phát ngôn của STM – nhà sản xuất Kargu-2 – cho biết báo cáo này dựa trên thông tin mang tính suy đoán, chưa được xác minh. Nhân vật này nói với AP rằng Kargu-2 không thể tấn công mục tiêu cho đến khi người điều khiển ra lệnh cho nó làm như vậy.
Trên thực tế, AI hoàn toàn tự động đã giúp bảo vệ Ukraine. Fortem Technologies có trụ sở tại Utah, Mỹ, đã cung cấp cho quân đội Ukraine các hệ thống săn lùng máy bay không người lái kết hợp giữa các radar nhỏ và máy bay không người lái, đều được hỗ trợ bởi AI. Các radar đó được thiết kế để xác định máy bay không người lái của đối phương sau đó các UAV sẽ vô hiệu hóa chúng bằng cách phóng lưới vào chúng. Tất cả đều không cần sự trợ giúp của con người.
Số lượng máy bay không người lái được trang bị AI đang không ngừng tăng lên. Israel đã xuất khẩu mặt hàng này suốt nhiều thập kỷ qua. Hệ thống Harpy tiêu diệt radar của Israel có thể bay lơ lửng trên radar phòng không trong tối đa 9 giờ để chờ chúng hoạt động.
Các ví dụ khác phải kể đến máy bay trực thăng vũ khí không người lái Blowfish-3 của Trung Quốc. Nga cũng đang nghiên cứu một phương tiện không người lái AI dưới nước mang đầu đạn hạt nhân có tên là Poseidon. Hà Lan thử nghiệm một robot chiến đấu tự động, được trang bị súng máy.
Với Nga, phát triển công nghệ AI vốn là một ưu tiên. Năm 2017, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố rằng bất cứ ai thống trị công nghệ AI sẽ thống trị thế giới. Trong bài phát biểu tháng 11/2022, ông bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng ứng dụng AI vào các cỗ máy chiến tranh của ngành công nghiệp vũ khí Nga, khi nhấn mạnh rằng các hệ thống vũ khí hiệu quả nhất là những hệ thống hoạt động nhanh chóng và ở chế độ tự động.
Các binh sĩ Ukraine bắn hạ UAV tại Kiev. Ảnh: AP
Giới chức Nga cũng từng tuyên bố máy bay không người lái Lancet của họ có thể hoạt động hoàn toàn tự chủ.
Ông Gregory C. Allen, cựu Giám đốc chiến lược tại Trung tâm trí tuệ nhân tạo chung của Lầu Năm Góc, nhận định rằng thật không dễ để biết liệu Nga có vượt qua ranh giới đó hay không và khi nào.
Quá trình chuyển đổi một UAV từ điều khiển từ xa sang tự chủ hoàn toàn có thể không rõ ràng. Ông Allen cho biết, cho đến nay, máy bay không người lái có thể hoạt động ở cả hai chế độ đều đạt hiệu quả cao hơn khi được điều khiển bởi con người.
Nỗ lực đặt ra các quy tắc quốc tế cơ bản cho máy bay không người lái quân sự cho đến nay vẫn chưa có kết quả. 9 năm đàm phán không chính thức của Liên hợp quốc tại Geneva đạt được rất ít tiến triển, với các cường quốc như Mỹ và Nga đều phản đối lệnh cấm. Phiên cuối cùng vào tháng 12/2022, đã kết thúc mà không lên lịch cho phiên tiếp theo.
Các nhà hoạch định chính sách của Washington nói rằng họ sẽ không đồng ý với lệnh cấm vì không thể tin tưởng các đối thủ đang phát triển máy bay không người lái sẽ sử dụng chúng đúng đắn.
Học giả người Australia Toby Walsh, chuyên vận động chống lại robot sát thủ, hy vọng đạt được sự đồng thuận về một số giới hạn, trong đó có lệnh cấm các hệ thống sử dụng nhận dạng khuôn mặt và dữ liệu khác để xác định hoặc tấn công các cá nhân hoặc nhóm người.
“Nếu chúng ta không cẩn thận, chúng sẽ sinh sôi nảy nở dễ dàng hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân. Nếu bạn có thể khiến robot giết một người, bạn có thể khiến nó giết hàng nghìn người”, ông Walsh, tác giả cuốn sách “Machines Behaving Badly” cảnh báo.
Binh sĩ Ukraine phóng UAV về phía các vị trí của Nga gần thành phố Bakhmut, Donetsk. Ảnh: AP
Các nhà khoa học cũng lo lắng về việc vũ khí AI sẽ được tái sử dụng bởi những kẻ khủng bố. Trong một kịch bản đáng sợ, quân đội Mỹ chi hàng trăm triệu USD để viết mã cho máy bay không người lái sát thủ. Sau đó, nó có thể bị đánh cắp và bị những kẻ khủng bố khác sao chép.
Cho đến nay, Lầu Năm Góc vẫn chưa xác định rõ ràng về “vũ khí tự động hỗ trợ AI” cũng như chưa cho phép các lực lượng của nước này sử dụng một loại vũ khí như vậy. Bất kỳ hệ thống đề xuất nào cũng phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cùng với hai nhân vật phó.
Dù vậy, điều đó không hề ngăn cản chương trình phát triển vũ khí đang diễn ra trên khắp nước Mỹ, chẳng hạn như tại Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng, các phòng thí nghiệm quân sự, tổ chức học thuật và trong tư nhân.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần nhấn mạnh việc sử dụng AI để tăng cường sức mạnh cho các chiến binh. Lực lượng không quân đang nghiên cứu tìm cách phối hợp phi công chiến đấu với người điều khiển máy bay không người lái.
Con người đã trở nên dư thừa trong một số hệ thống phòng thủ. Lá chắn tên lửa Vòm sắt của Israel được phép khai hỏa tự động, mặc dù nó được cho là được giám sát bởi một người có thể can thiệp nếu hệ thống nhắm nhầm mục tiêu.
Đáng chú ý, nhiều quốc gia và các lực lượng vũ trang của Mỹ đều đang phát triển máy bay không người lái có thể tấn công theo bầy đàn. Nếu vậy, chiến tranh trong tương lai sẽ trở thành một cuộc chiến giữa các máy bay không người lái hay không?
Đó là điều mà Tổng thống Putin đã dự đoán tại buổi trò chuyện trên truyền hình với các sinh viên kỹ thuật năm 2017. Nhà lãnh đạo Nga nói: “Khi máy bay không người lái của một bên bị phá hủy bởi máy bay không người lái của bên kia, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng”.
Cựu sĩ quan Mỹ đánh giá về khó khăn của Ukraine và thế mạnh của Nga trong xung đột
Trong khi Ukraine gặp thách thức về bổ sung thiết bị, đạn dược, nhân sự cũng như cân nhắc về viện trợ của phương Tây, Nga đang tiến hành một cuộc chiến tiêu hao làm suy yếu các nguồn lực chiến lược của đối thủ, đồng thời sẵn sàng rút lui mỗi khi có tình huống chiến thuật bất lợi.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo cỡ nòng 152-mm 2A36 "Giatsint-B ở khu vực miền Đông Ukraine tháng 11/2022. Ảnh: AP
Cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 11. Sau các cuộc tấn công ban đầu, các lực lượng Nga đã kiểm soát hơn 20% diện tích lãnh thổ của Ukraine. Tiếp đó, phía Ukraine đã đẩy lùi được các lực lượng Nga và xung đột trở thành cuộc chiến tiêu hao giữa một bên là Moskva và bên kia là Kiev với sự hậu thuẫn của phương Tây.
Theo nhận định của Alex Vershinin (Trung tá Mỹ đã nghỉ hưu sau 20 năm phục vụ, trong đó có 8 năm là sĩ quan thiết giáp với 4 lần tham chiến ở Iraq và Afghanistan), trong suốt mùa hè, các lực lượng Nga đã chiếm được Lyman, Lisichansk và Severo Donetsk. Vào mùa thu, Ukraine phản công và giành lại quyền kiểm soát tỉnh Kharkiv và thành phố Kherson, thu hẹp quyền kiểm soát của Nga xuống còn khoảng 50% diện tích lãnh thổ mà họ đã chiếm được kể từ ngày 24/2. Hai bên cũng đã áp dụng hai chiến lược khác nhau: Nga tiến hành cuộc chiến tiêu hao hỏa lực truyền thống; Ukraine đang theo đuổi một cuộc chiến cơ động dựa vào địa hình.
Cho đến nay cả hai chiến lược trên dường như vẫn được duy trì. Ukraine đã chiếm lại những vùng lãnh thổ rộng lớn nhưng kiệt quệ do bị tấn công trong mùa thu. Họ chịu tổn thất nặng nề và cạn kiệt kho dự trữ thiết bị và đạn dược quan trọng. Mặc dù Ukraine vẫn có khả năng khắc phục những tổn thất và tổ chức các cuộc phản công mới, nhưng những cuộc phản công này ngày càng bị hạn chế.
Ông Vershinin cho rằng hiện không bên nào đạt được mục tiêu kiểm soát lãnh thổ quy mô lớn, nhưng phía Nga có nhiều khả năng đạt được mục tiêu làm cạn kiệt nguồn lực của Ukraine trong khi vẫn bảo toàn tài nguyên của mình.
Với Ukraine, cuộc chiến của nước này bị hạn chế bởi hai yếu tố: sản xuất thiết bị và đạn dược hạn chế, tiếp theo là sự cân nhắc về viện trợ của phương Tây. Ukraine bắt đầu cuộc xung đột với 1.800 khẩu pháo thời Liên Xô. Hiện tại, loại pháo này gần như đã hết đạn, thay vào đó, Ukraine đang sử dụng 350 khẩu pháo của phương Tây, nhưng nhiều khẩu đã bị phá hủy hoặc hỏng hóc do sử dụng quá mức.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây đang cạn kiệt đạn dược để viện trợ cho Kiev; Mỹ ước tính chỉ sản xuất 15.000 quả đạn pháo 155mm/tháng.
Hạn chế này đã buộc Ukraine phải tập trung sử dụng lực lượng bộ binh để giành lại lãnh thổ bằng bất cứ giá nào.
Ukraine đơn giản là không thể đối đầu với Nga trong các trận đấu pháo. Trừ khi quân đội Ukraine hướng đến các cuộc đọ súng trực tiếp với quân đội Nga, nếu không sẽ có khả năng cao là họ sẽ bị pháo binh Nga tiêu diệt từ xa.
Hạn chế thứ hai của Ukraine là vấn đề viện trợ. Trong bối cảnh kho vũ khí cạn kiệt, Ukraine ngày càng phụ thuộc vào vũ khí phương Tây. Duy trì sự ủng hộ từ liên minh phương Tây là rất quan trọng đối với Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.
Nếu không giành được chiến thắng liên tục, mối lo ngại về kinh tế trong nước có thể khiến các nước phương Tây ngừng viện trợ.
Khi sự hỗ trợ của của phương Tây suy giảm do cạn kiệt nguồn dự trữ hoặc ý chí chính trị, năng lực của Ukraine sẽ suy yếu vì thiếu nguồn cung cấp.
Do đó, Ukraine không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành các cuộc tấn công bất kể tổn thất nhân lực và vật chất.
Một thách thức khác đối với Ukraine đó là vấn đề nhân lực bổ sung cho quân đội.
Ukraine bắt đầu cuộc xung đột với 43 triệu công dân và 5 triệu nam giới trong độ tuổi lính nghĩa vụ, nhưng theo Liên hợp quốc, hơn 14 triệu người Ukraine đã đi sơ tán và hơn 9 triệu người đang ở Crimea hoặc các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng khác. Điều này có nghĩa là dân số Ukraine giảm xuống còn khoảng 20 đến 27 triệu người.
Với tỷ lệ đó, Ukraine nó có ít hơn 3 triệu nam giới có thể nhập ngũ. Một triệu người đã nhập ngũ và nhiều người trong số còn lại không đủ sức khỏe để phục vụ hoặc có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Nói tóm lại, Ukraine có thể sắp cạn kiệt nguồn nhân lực cho quân đội.
Với Nga, quân đội nước này bị giới hạn bởi nhân lực nhưng được tăng cường bởi các kho dự trữ vũ khí và pháo binh khổng lồ với sự hỗ trợ của một tổ hợp công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ. Mặc dù đã có nhiều báo cáo trên các phương tiện truyền thông phương Tây rằng quân đội Nga đang cạn kiệt đạn pháo, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy pháo binh Nga bị giảm sút trên bất kỳ mặt trận nào.
Dựa trên những yếu tố này, phía Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao hỏa lực truyền thống. Mục tiêu là làm cạn kiệt nhân lực và thiết bị của Ukraine, trong khi bảo toàn lực lượng của chính Nga. Việc kiểm soát lãnh thổ có thể không quan trọng, miễn là bảo toàn sức chiến đấu. Tại Kiev, Kharkiv và Kherson, quân đội Nga chấp nhận rút lui do điều kiện bất lợi để bảo toàn lực lượng.
Để thực hiện chiến lược trên, quân đội Nga dựa vào hỏa lực, đặc biệt là pháo binh. Mỗi lữ đoàn Nga có ba tiểu đoàn pháo binh so với mỗi lữ đoàn phương Tây chỉ có một tiểu đoàn. Cùng với sự phối hợp tấn công của số lượng lớn máy bay không người lái (UAV), pháo binh (và tên lửa) Nga đã khiến các lượng Ukraine thiệt hại nặng nề. Đó là một cuộc chiến diễn ra từ từ, khốc liệt, nhưng với tỷ lệ thương vong có lợi cho Nga một cách đáng kể.
Tóm lại, ông Vershinin cho rằng Nga đang thực hiện cuộc chiến tiêu hao thông qua việc sử dụng cẩn thận các nguồn lực của chính mình trong khi làm suy yếu đối thủ. Nga tham chiến với ưu thế vượt trội về trang thiết bị và cơ sở công nghiệp quốc phòng quy mô lớn để duy trì và thay thế những tổn thất. Họ đã cẩn thận bảo toàn nguồn lực của mình, rút lui mỗi khi tình huống chiến thuật bất lợi. Ukraine bắt đầu cuộc chiến với một nguồn lực nhỏ hơn và dựa vào liên minh phương Tây để duy trì nỗ lực của mình.
Theo ông Vershinin, sự phụ thuộc này đã gây áp lực buộc Ukraine phải thực hiện một loạt các cuộc tấn công thành công về mặt chiến thuật, nhưng tiêu tốn các nguồn lực chiến lược mà Ukraine sẽ phải vật lộn để thay thế. Câu hỏi thực sự không phải là liệu Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình hay không, mà là liệu Ukraine có thể gây ra tổn thất đủ lớn đối với lực lượng của Moskva để làm suy yếu sự thống nhất ở trong nước của Nga hay không.
Nga tuyên bố hạ hơn 200 binh sĩ Ukraine, phá hủy 4 xe phóng HIMARS Hơn 200 binh sĩ Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài đã thiệt mạng trong cuộc tập kích chính xác ngày 3/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Nga tuyên bố giáng đòn đáp trả sau khi quân đội Ukraine sử dụng xe phóng HIMARS gây thương vong đáng kể cho quân đội Nga ở tỉnh Donetsk. Quân đội Nga đã phá hủy...