Sau Trung Quốc và Mexico, ông Trump “chĩa mũi nhọn” vào rượu vang Pháp
Tổng thống Trump cảnh báo về khả năng áp thuế với rượu vang Pháp nhằm giải quyết cái gọi là mất cân bằng thuế quan và thâm hụt thương mại giữa 2 nước.
Cảnh báo đưa ra đúng thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu hôm qua (11/6) bắt đầu bước vào các cuộc đàm phán thương mại, mà nông nghiệp dự báo là một trong những nội dung có thể khiến hai bên khó có thể đi tới thỏa thuận.
Sau Trung Quốc và Mexico, ông Trump “chĩa mũi nhọn” vào rượu vang Pháp. Ảnh: Reuters
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, khi đưa ra các ví dụ cho thấy Mỹ bị đối xử bất công trong thương mại, Tổng thống Donald Trump cho rằng, Pháp tính phí rượu vang rất cao với Mỹ, còn Mỹ thì ngược lại tính phí rất thấp đối với rượu vang của Pháp. Theo ông, điều này là không công bằng và Mỹ sẽ phải làm điều gì đó.
Ông Trump cho biết: “Pháp tính phí rượu vang rất cao với Mỹ, còn Mỹ thì ngược lại tính phí rất thấp đối với rượu vang Pháp. Vì vậy, các nhà sản xuất rượu tại California luôn phàn nàn với tôi rằng tại sao chúng tôi lại phải trả tiền nhiều như vậy để xuất khẩu rượu của mình sang Pháp. Họ có thứ rượu vang tuyệt vời, nhưng chúng tôi cũng có thứ rượu vang tuyệt vời của mình. Điều này là không tương xứng và chúng ta phải làm điều gì đó”.
Tùy vào các dòng và nồng độ cồn, rượu nhập khẩu vào Mỹ đối diện với các mức thuế từ 5,3 đến 12,7%. Các loại rượu vang sủi bọt chịu mức thuế cao nhất là 14,9% cho mỗi chai. Trong khi đó, rượu của Mỹ xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) đối diện mức thuế từ 11 đến 29% cho mỗi chai. Năm 2018, lượng rượu xuất khẩu của Pháp vào Mỹ đã tăng 4,6%, lên mức 3,6 tỷ USD. Con số này cho thấy Mỹ là thị trường giá trị nhất với ngành sản xuất đồ uống có cồn của Pháp. Trong khi đó, Pháp cũng là thị trường xuất khẩu rượu số 1 của các nhà sản xuất rượu đến từ California, với số lượng nhập khẩu tăng gấp đôi trong 10 năm qua.Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump đưa ra cảnh báo với Pháp. Trước đó, tháng 11 năm ngoái, nhà lãnh đạo Mỹ cũng từng có phát biểu tương tự. Tuy nhiên, lần này lại đúng thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu bước vào các cuộc đàm phán thương mại, được dự báo sẽ rất căng thẳng. Trong khi Liên minh châu Âu không muốn đưa nông sản vào danh sách cắt giảm thuế, thì Mỹ lại kiên quyết phản đối.
Và tại sao lại là Pháp sau những gì mà hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ đã thể hiện tại Pháp nhân lễ kỷ niệm 75 năm Ngày quân Đồng minh bắt đầu chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy cách đây chỉ hơn 1 tuần? Trên thực tế, Tổng thống Pháp Macron là nhà lãnh đạo châu Âu phản đối mạnh mẽ nhất các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, cho rằng, châu Âu không nên đàm phán một thỏa thuận với một quốc gia không tham gia Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Pháp ngày 15/4 cũng bỏ phiếu phản đối đàm phán thương mại với Mỹ nhưng bất thành vì số lượng ủng hộ áp đảo. Dù không thể ngăn đàm phán Mỹ – EU diễn ra, Pháp vẫn có thể chặn mọi thỏa thuận hai bên có thể đạt được. Theo quy định, toàn bộ thành viên Liên minh châu Âu phải cùng ký vào những thỏa thuận do liên minh này thương lượng. Và phát biểu của Tổng thống Donald Trump có thể xem là thông điệp rõ ràng nhất gửi tới nhà lãnh đạo Pháp và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu./.
Theo Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp
Vụ án "người đàn bà không mặt" và bài học đắt giá của cảnh sát Đức
Một dấu vết ADN trùng khớp duy nhất của một nữ tội phạm bí ẩn được cảnh sát tìm thấy trong hàng loạt các vụ sát nhân, trộm cắp và cướp bóc tại nhiều thành phố khác nhau của Đức, Áo và Pháp.
Các thám tử đã phải vô vọng truy lùng trong suốt 15 năm một nữ tội phạm được mệnh danh là "Người đàn bà không mặt" này, do cô ta không để lại bất cứ dấu vân tay, nhân chứng nào... Cái kết của vụ án hóa ra lại là một bài học đắt giá cho cảnh sát...
Lieselotte Schlenger (62 tuổi) từ thành phố Idar-Oberstein của Đức là một phụ nữ hiền lành, rất yêu mèo và mê làm bánh nướng. Ngày 23-5-1993, như thường lệ sau khi làm xong một mẻ bánh, bà có mời một nữ hàng xóm tới chơi cùng thưởng thức. Điều gì đã xảy ra đối với Schlenger thì hiện giờ vẫn chưa thể làm rõ. Chỉ biết rằng, khi người hàng xóm qua đã không có ai mở cửa, khiến bà lo lắng gọi cho cảnh sát.
Thi thể của Schlenger được tìm thấy trong phòng khách. Trước đó, bà đã kịp sắp xếp bộ chén uống trà cùng với lọ hoa trên bàn. Điều tra cho thấy, bà đã để cho kẻ sát nhân vào nhà trước khi bị tấn công bất ngờ. Thủ phạm đã dùng sợi dây buộc bó hoa để thắt cổ bà. Hiện trường gần như không để lại bất cứ dấu vết nào của kẻ thủ ác.
Video đang HOT
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ sát hại nữ cảnh sát Michele Kiesewetter.
Các điều tra viên đã thẩm vấn hàng chục nhân chứng nhưng không thể lần ra bất cứ manh mối gì. Dấu vết duy nhất thu được là một mẫu ADN của một phụ nữ lạ mặt còn lưu lại trên một chiếc chén uống nước. Cảnh sát chỉ còn hy vọng có thể lần ra thủ phạm, khi hắn dính líu vào một tội ác khác.
Trường hợp tiếp theo phải chờ đến 8 năm sau, khi một nhà sưu tập đồ cổ có tên Joseph Walzenbach (61 tuổi) từ thành phố Freiburg bị sát hại. Thủ phạm đã siết cổ ông bằng một sợi dây thừng để lấy đi một số tiền nhỏ. Trước khi rời đi, hắn còn treo tấm biển "Đóng cửa" trước cửa hàng. Dấu vết ADN tìm thấy trên thi thể nạn nhân, tay nắm cửa, tấm biển và một số hàng hóa được xác định trùng khớp với vụ án của Schlenger.
"Giờ đây, chúng tôi đã có hai vụ án mạng - công tố viên Jurgen Brauer nhớ lại - Khi đó hãy còn sớm khi gọi phụ nữ bí ẩn này là kẻ sát nhân hàng loạt, tuy nhiên hai vụ này đều có những điểm chung. Thủ phạm đều lấy đi một số tiền của nạn nhân, cách giết người cũng tương tự như nhau, đồng thời đã xâm nhập được vào nhà không cần phá khóa". Cũng vì nguyên nhân thiếu bằng chứng, sát thủ ADN trên tiếp tục bị lãng quên trong 6 năm tiếp theo.
"Người đàn bà không mặt"
Tháng 4-2007, tại thành phố Heilbronn đã xảy ra một vụ án khiến nữ nhân viên cảnh sát 22 tuổi Michele Kiesewetter trong đơn vị đấu tranh chống ma túy thiệt mạng. Người ta phát hiện chiếc xe tuần tiễu trong có xác của Michele và một người đồng đội đang hôn mê tại một bãi đậu xe, nơi họ ghé vào để ăn trưa.
Các điều tra viên dựa theo dấu vết đã tái tạo lại tiến trình vụ việc. Hai thủ phạm ngồi trên ghế phía sau đã bắn thẳng vào các cảnh sát rồi bỏ trốn, mang theo bên mình cả những chiếc còng tay.
Mọi việc diễn ra rất nhanh, khiến các nạn nhân còn không kịp rút súng. Michele chết ngay lập tức, còn đồng nghiệp của cô nằm hôn mê suốt vài tháng. Sau khi tỉnh dậy, anh ta không nhớ được điều gì đã xảy ra.
Trên ghế sau cũng phát hiện dấu vết ADN trùng hợp với hai vụ án của Schlenger và Walzenbach. Công tố viên Jurgen Brauer đã hết sức bất ngờ và lúng túng.
Trong vụ án trước, thủ phạm chỉ đơn giản siết cổ một ông già để lấy tiền, còn vụ thứ hai lại dùng súng bắn cảnh sát rất lạnh lùng. "Tôi không thể tin, nữ thủ phạm trên có thể thực hiện hai tội ác khác nhau đến như vậy" - Brauer thừa nhận.
Giờ đây, cảnh sát phải nhìn nhận vụ việc một cách nghiêm trọng hơn, khi truy tìm kẻ sát hại đồng nghiệp còn là vấn đề danh dự.
Các điều tra viên ra sức lục tung mọi tài liệu lưu trữ, tìm kiếm những tội ác chưa được khám phá rất có thể do nữ thủ phạm trên thực hiện. Những dữ liệu được tìm thấy và tổng hợp sau đó còn cho thấy một bức tranh toàn cảnh bất ngờ và đáng sợ hơn nữa.
Tang lễ của Michele Kiesewetter.
Trong 15 năm qua, thủ phạm trên đã gây ra hàng chục vụ án đủ loại khác nhau, không chỉ tại Đức mà còn tại nhiều nước châu Âu khác. Do không nhân chứng nào có thể đưa ra được nhân dạng sơ bộ của thủ phạm, nên cô ta được mệnh danh là "Người đàn bà không mặt".
Lần trùng hợp đầu tiên trong quá trình rà soát các cơ sở dữ liệu đến từ kết quả phân tích máu trên chiếc xi lanh tại thành phố Gerolstein. Mẫu này được lấy vào năm 2001 theo yêu cầu từ mẹ một cậu bé 7 tuổi, người tình cờ đạp phải đầu kim của chiếc xi lanh khi đang vui chơi.
Thử nghiệm ADN cho thấy, dấu vết trên chiếc xi lanh trùng hợp với thủ phạm tại Heilbronn. Hai tuần sau, bóng ma này lại đột nhập vào một chiếc xe moóc ở ngoại ô Mainz, để lại một chiếc bánh nướng ăn dở.
Năm 2003, cũng chính dấu vết ADN được phát hiện sau vụ trộm cắp tại tòa nhà văn phòng tại thành phố Dietzenbach. Thủ phạm đã bẻ khóa phòng, lấy đi một hộp đựng tiền. Cho dù số tiền bị mất không lớn, nhưng hành động lần này được đánh giá là rất cẩn thận so với những vụ trước.
"Đây là hành động của tên trộm chuyên nghiệp - công tố viên Gunter Horn khẳng định - Không hề có dấu tay. Nhưng một mẩu da rất nhỏ cũng đủ để liên kết vụ này với "Người đàn bà không mặt".
Một năm sau, nhân vật bí ẩn trên được kết luận đã tham gia vụ cướp tiệm kim hoàn của người Việt Nam tại thành phố Arbois - Pháp (dấu vết ADN tìm thấy trên khẩu súng lục đồ chơi mà những tên cướp dùng để đe dọa nạn nhân). Cũng vào mùa thu năm đó, tên nữ tội phạm đã để lại dấu vết AND trên chiếc quần thể thao và một số đồ vật khác tại một nhà kho bị bẻ khóa tại bang Tirol (Áo).
Năm 2005, thủ phạm quay trở lại Đức, khi dấu vết được phát hiện trên một chiếc ba lô tại vụ cướp quán bar ở Karlsruhe và một viên đạn trong vụ đấu súng tại Worms. Điều lạ lùng là chính người anh của nạn nhân bị bắn là người khơi mào vụ đọ súng. Tại hiện trường không thấy báo cáo về việc xuất hiện của một phụ nữ bí ẩn nào.
Tổng kết cho thấy, hung thủ đặc biệt trên đã thực hiện gần 40 vụ tội phạm mà không hề có được một nhân chứng. "Người đàn bà không mặt" có vẻ ưa thích hành động về đêm để không lọt vào mắt của những người qua lại.
Theo các điều tra viên, đôi khi ả ta còn hành động với một số đồng phạm rất đa dạng. Ba kẻ trong số này đã bị bắt giữ - tên đầu tiên từ Slovakia, tên khác từ Moldova và tên còn lại từ Serbia. Có điều cả 3 đều im như thóc không chịu khai báo.
Bất chấp việc đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực, cảnh sát vẫn chỉ thu được dấu vết ADN của tên nữ tội phạm. Theo các điều tra viên của Áo, đặc điểm gen của tên này có nguồn gốc từ Đông Âu và Nga. Một vài đặc tính còn chỉ ra, nhân vật này có tóc màu sáng và mắt xanh. Vụ chiếc xi lanh tại Gerolstein cho thấy ả là kẻ nghiện ma túy.
Những vụ trộm cắp vặt cho thấy thủ phạm cũng nhiều khi rất thiếu tiền, tương tự hành vi của một kẻ nghiện. Tuy nhiên, nhận định trên lại trái ngược với sự cẩn thận, chuyên nghiệp của "Người đàn bà không mặt" trong một số vụ khác. Tính ra trong suốt 15 năm, thủ phạm bí ẩn trên đã không để xảy ra bất kỳ một sai sót nào.
Các dấu vết AND được phát hiện khắp nơi tại Đức, Áo và Pháp cho thấy thủ phạm có một cuộc sống lang bạt. Một vài giả thuyết cho rằng ả là kẻ vô gia cư hay người Digan.
Công tố viên Gunter Horn lại nghi ngờ nhân vật trên là thành viên một băng trộm từ Đông Âu, do các băng nhóm mafia từ khu vực này hoạt động khá mạnh tại nơi diễn ra vụ sát hại cảnh sát Michele Kiesewetter, vốn là điểm trung chuyển ma túy và những hàng hóa buôn lậu khác.
Nút gỡ bất ngờ
Tiếp ngay sau vụ Heilbronn, "Người đàn bà không mặt" tiếp tục bị nghi ngờ dính líu tới cái chết của nữ y tá tại thành phố Weinsberg và cái chết của 3 thương gia từ Gruzia với thi thể được tìm thấy tại con sông ở Heppenheim. Trường hợp cuối cùng được các điều tra viên đánh giá là đặc biệt có triển vọng để lần ra chân tướng thủ phạm.
Những thương gia trên tới Đức để tìm mua những chiếc ôtô đã qua sử dụng. Theo một nguồn tin của cảnh sát, mối nghi ngờ tập trung vào một phần tử nhập cư tới từ Iraq. Nhưng nhân vật này bác bỏ mọi cáo buộc đồng thời khẳng định, thủ phạm giết người là một phần tử Hồi giáo từ Somali mà anh ta cũng biết.
Quá trình khám xét chiếc xe Ford màu trắng của người Iraq đã giúp tìm ra các dấu vết ADN của thủ phạm trong vụ Heilbronn, dù các nghi phạm không thể giải thích vì sao có dấu vết này.
Những chiếc tăm bông được các chuyên gia hình pháp sử dụng hóa ra lại là thủ phạm của vụ án "Người đàn bà không mặt".
Tính cho đến tháng 11-2008, cảnh sát Đức đã bỏ ra tổng cộng 11 ngàn giờ nhân công và hơn 18 triệu đôla cho việc săn lùng "Người đàn bà không mặt". Họ đã lấy mẫu ADN của gần 3 ngàn người vô gia cư, nghiện ma túy và những phụ nữ từng gây ra tội ác nghiêm trọng nhưng vẫn không thể lần ra. Ngay cả việc nhờ đến các nhà ngoại cảm, hay khoản tiền treo thưởng lên tới 300 ngàn euro cũng không thể giúp được gì.
Các điều tra viên đã đi lại khắp châu Âu, kiểm tra các giả thuyết khác nhau và cũng tìm ra được một số nhân chứng. Theo kết quả xét nghiệm, thủ phạm bí ẩn trên cũng tham gia vào một vụ trộm cắp bất thành tại một căn hộ ở Saarbrucken vào năm 2006.
Tuy nhiên, chân dung nghi phạm được xây dựng lại qua lời kể của nhân chứng lại là một nam thanh niên trẻ râu tóc ngắn. Điều này cũng có nghĩa kẻ sát nhân có thể là một người chuyển giới?!.
"Chúng tôi không thể loại trừ kẻ tình nghi là đàn ông, hay có vẻ bề ngoài giống đàn ông - phát ngôn viên Rainer Keller của cảnh sát cho biết - Đây là một bí ẩn lớn. Không thể tin được là kẻ tình nghi có thể lẩn trốn lâu đến vậy".
Ngay từ tháng 4-2008, các điều tra viên tính tới giả thuyết, ADN của "Người đàn bà không mặt" tình cờ xuất hiện trên các công cụ mà các chuyên gia hình pháp học sử dụng. Trong trường hợp này, chủ nhân thực sự của mẫu ADN không hề phạm tội, mà tất cả những vụ án trên được thực hiện bởi nhiều thủ phạm khác nhau.
Mối nghi ngờ trên được củng cố, sau trường hợp một người tị nạn bị chết cháy tại Pháp. ADN của nghi phạm trong vụ Heilbronn được tìm thấy trên các dấu vân tay lấy của nhân vật này vào năm 2002. Do người tị nạn là đàn ông, còn nghi phạm là phụ nữ, nên buộc phải tổ chức xét nghiệm lại. Lần này, ADN được xác định chính xác của người đàn ông, còn mẫu của nghi phạm vụ Heilbronn đã biến mất.
Phân tích cho thấy, sai sót này có thể xảy ra nếu ADN của người phụ nữ bí ẩn trên đã có sẵn trên chiếc tăm bông mà các chuyên gia dùng để lấy mẫu thử mang về xét nghiệm.
Hóa ra, nhiều cơ quan hành pháp của Đức đều mua sản phẩm trên từ một nhà sản xuất duy nhất, cụ thể là nhà máy Greiner Bio-One tại thành phố Tissau. Công ty này vội vàng tuyên bố, những chiếc tăm bông của họ đều được tiệt trùng đảm bảo, nhưng nói chung không phải loại chuyên dùng cho các nghiên cứu vi sinh học hay thu thập mẫu ADN.
Như vậy, mẫu ADN của "Người đàn bà không mặt" hoàn toàn có thể thuộc về một trong những nữ công nhân trực tiếp tham gia sản xuất, đóng gói tăm bông tại nhà máy. Tháng 4-2009, cảnh sát Đức chính thức tuyên bố, người phụ nữ bí ẩn mà họ săn lùng lâu nay đã được tìm thấy.
Đó là một nữ công nhân 71 tuổi gốc Ba Lan, trong suốt nhiều năm làm công việc đóng gói tăm bông tại nhà máy ở Tissau. "Đây quả là một chuyện rất nhục nhã" - phát ngôn viên của cảnh sát đã phải thừa nhận như vậy khi công số kết quả này.
Thế là hàng loạt các vụ án chưa thể tìm ra được gán cho "Người đàn bà không mặt" đã phải quay trở lại điều tra từ đầu, trong đó có cả vụ sát hại nữ cảnh sát Michele Kiesewetter.
Dù sao, những thủ phạm thực sự đã sát hại cô cuối cùng cũng đã được tìm ra vào năm 2012.
Đinh Linh (tổng hợp)
Theo cand.com.vn
Mỹ âm thầm chuyển tù nhân IS từ Syria đến Iraq Reuters ngày 29-5 dẫn nguồn tin tại Iraq và hồ sơ tòa án cho biết các lực lượng Mỹ đã âm thầm chuyển ít nhất 30 thành viên (hoặc liên quan) của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị bắt ở Syria tới Iraq. Những thành viên IS nói trên bị bắt hồi năm ngoái và cuối năm 2017. Chúng...