Sau lũ, chạy… hà bá
Chỉ chưa đầy 1 tuần trong đợt lũ lịch sử đầu tháng 10, nước biển bỗng dưng “nuốt” đất, đe dọa đời sống người dân.
Người dân ở xóm 3, thôn Bắc (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) đang sống yên bình bên bờ biển mấy chục năm qua, vậy mà chỉ chưa đầy 1 tuần trong đợt lũ lịch sử đầu tháng 10, nước biển bỗng dưng “nuốt” đất, đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân và đã “nuốt chửng” 13 hộ…
Nằm nghe sóng vỗ mà run
Con đường dọc xóm đã bị biển nuốt.
“Cứ tưởng mọi chuyện diễn ra bình thường. Mấy năm nay thấy có hiện tượng biển lấn, bà con trong xóm nhỏ này đã gom góp tiền của gia đình để đúc bi chắn sóng, rứa mà chưa đầy 1 tháng, biển đã “nuốt” gần hết xóm này. Với đà này chắc mấy bữa nữa căn nhà của ông nội tôi để lại chắc cũng bị nuốt mất thôi!”. Ông Hồ Thanh Hòa (xóm 3, thôn Bắc, Nhân Trạch, Bố Trạch)
Căn nhà của ông Hồ Thanh Hòa (SN 1948) ở xóm 3, thôn Bắc để lại cho con út là Hồ Thanh Hải sinh sống. Sau nhiều năm tích góp, vợ chồng anh Hải xây được căn nhà mới, vào ở được khoảng 2 năm thì nước biển đã kéo mất cái nhà bếp. Tất cả diễn ra với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người dân ở đây trở tay không kịp.
Khi căn nhà cấp 4 của gia đình chị Hồ Thị Nga (SN 1981) bị “biển lấn” còn cách 1m, vợ chồng chị xin được ông bà ngoại khoảng 10m đất để cắm lán ở tạm chờ các phương án di dời. Vậy mà, “chiều đó, khi di chuyển được đồ đạc lên nhà ngoại thì ngay trong đêm, 2/3 căn nhà đã bị nước biển cuốn đi”, chị Nga kể lại trong sự bàng hoàng.
Cũng như hoàn cảnh chị Nga, gia đình chị Lê Thị Phương (SN 1976) cũng đang sống trong sự lo âu, nơm nớp mất nhà lúc nào không biết. Chồng chị Phương làm nghề đi biển, tiền bạc có hay không cũng phụ thuộc vào con nước ngoài biển xanh sâu thẳm kia. Bản thân chị ở nhà chạy chợ buôn bán, vợ chồng tích góp 15 năm, vay mượn thêm bà con anh em lối xóm dựng nên căn nhà khoảng 130 triệu đồng.
Trong khi đang “nỗ lực” hoàn thành căn nhà thì hà bá vẫy vùng cách móng nhà chị chừng 2m. Việc hoàn thiện căn nhà phải ngừng lại và vợ chồng “ngày cầu trời, đêm khấn phật” xin hà bá tha cho. “Hiện tại, chưa có chỗ nào để ở nên gia đình vẫn phải tá túc trong căn nhà này. Cả đêm vợ chồng nằm ôm nhau bên miệng hà bá nghe sóng vỗ mà run”, chị Phương cho biết.
Người dân điêu đứng nạn bồi lấp và sạt lở
Ông Hòa và căn nhà con trai mình bên mép sóng.
Video đang HOT
Không chỉ những hộ ở thôn Bắc, xã Nhân Trạch, đang đối diện với những hiểm nguy từ việc xâm thực của nước biển đe dọa đến tài sản, tính mạng, mà những làng ven sông ở các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Quảng Trạch… cũng như vậy.
Thôn Lục Sơn, xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ là một trong những địa phương xảy ra hiện tượng sạt lở nặng. Ở đây có con sông Kiến Giang chảy qua và từ ngày 16/10, sau lũ đợt 1 đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Cả thôn có 55 hộ dân với trên 200 nhân khẩu đang đối mặt với nguy cơ mất đất sản xuất vì đã có 8ha đất sản xuất nông nghiệp và 12ha đất bồi bãi bị nhấn chìm xuống dòng sông Kiến Giang…
Ông Võ Hữu Hiến – Trưởng thôn Lục Sơn cho biết: “Đất nông nghiệp đã bị sông Kiến Giang nuốt đợt lũ vừa rồi là một trong những diện tích đất sản xuất cho năng suất cao. Mất đất sản xuất đã đành, nếu cứ đà này, chắc rằng thời gian tới, những căn nhà kiên cố của các hộ dân sống dọc đoạn sông này sẽ biến mất…”.
Không chỉ những vùng ven sông, hiện tượng “ sa mạc cát” tồn tại ở nhiều vùng trong toàn tỉnh. Trước giờ, ở những vùng đất cát pha, toàn bộ đất nông nghiệp bị phủ cát trắng xóa sau lũ là điều bình thường nhưng đối với những vùng cao như xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) bị phủ cát là điều hiếm thấy. Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết: “Tình trạng cát bồi lấp đồng ruộng sau hai trận lũ vừa qua diễn ra ở hầu khắp các xã trong huyện, trong đó chủ yếu tại hai xã Cao Quảng và Châu Hóa. Nhiều nơi cát dày 0,5-0,7m. Huyện chỉ đạo các xã động viên người dân đào cát vun thành đống để có đất sản xuất nhưng cũng chưa làm được bao nhiêu vì cát quá dày mà người dân cũng đã kiệt sức qua hai trận lũ lớn”.
Cần sớm có phương án di dời dân…
Ông Lê Thiệu – Trưởng thôn Bắc, xã Nhân Trạch cho biết: “Việc 13 hộ dân của thôn đã và đang bị đe dọa bởi nạn biển lấn, chúng tôi đã đề nghị xã, huyện và tỉnh sớm kiểm tra xem xét và có kế hoạch di dời để ổn định đời sống cho bà con. Tuy nhiên hơn 1 tháng nay, mọi việc dậm chân tại chỗ. Cũng đã có nhiều đoàn ở các cấp về kiểm tra khảo sát nhưng các hộ dân vẫn từng ngày “thoi ngóp” chờ cấp trên giải quyết”.
Việc di dời dân là việc cấp thiết, người dân thôn Bắc bỏ nhiều tiền của để đúc bi, tự làm kè chắn sóng xung quanh nhà mình nhưng thực tại, nước biển đã lấn quá sâu và không còn đủ khả năng để chống lại, mà chỉ cầm cự để tìm kiếm nơi ở mới. Do vậy ý kiến đề xuất của ông trưởng thôn là vấn đề cấp bách mà lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần sớm giải quyết để những người dân an cư và lạc nghiệp trên vùng đất mới, không còn lo lắng cho tài sản, tính mạng của mình trước miệng hà bá này…
Theo GiađinhNet
Suốt 10 năm, cả làng không một đám cưới
Làng Hồng Lam nổi lên giữa sông Lam, nhìn từ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)
Trong căn nhà gỗ kiên cố, ông Trần Đình Hòa, xóm trưởng làng Hồng Lam, ngồi trầm ngâm một hồi lâu rồi nói: "Một thập niên nay chúng tôi chỉ có kính thưa tang quyến mà chưa có kính thưa hai họ, chúc phúc".
Khi mùa mưa lũ về, làng Hồng Lam (rộng 3 km2) bị nước sông, biển dâng lên nhấn chìm. Làng cô độc giữa mênh mông sóng nước.
Gần một nửa dân số của làng Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh - nằm cô lập giữa hạ nguồn dòng sông Lam đổ ra Cửa Hội) đã di cư vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên... tránh bão, tạo dựng kinh tế. Mỗi khi có bão thì trẻ em và người già trong làng tất tả lên thuyền di tản vào đất liền tránh bão quật. Còn mùa lũ lụt thì cả làng lên sống trên chạn (sàn gỗ áp mái nhà) hoặc tầng hai của trường tiểu học - nơi cao nhất làng.
Trên cầu Bến Thủy bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhìn xuống hạ nguồn thấy làng Hồng Lam nổi lên giữa dòng sông như một cù lao.
Suốt mười năm cả làng không một đám cưới
Để vào làng chỉ có một con đường duy nhất là "lụy đò" từ bờ sông Lam phía Hà Tĩnh ra giữa sông. Sau 10 phút tròng trành trên con đò 15 CV, tôi chạy xe máy dọc theo con đường bê tông kiên cố quanh làng, chủ yếu gặp các cụ già và người trung niên.
Trong căn nhà gỗ kiên cố, ông Trần Đình Hòa, xóm trưởng làng Hồng Lam, ngồi trầm ngâm một hồi lâu rồi nói: "Một thập niên nay chúng tôi chỉ có kính thưa tang quyến mà chưa có kính thưa hai họ, chúc phúc". Cụ Trần Đình Trì (90 tuổi) là một trong những người già nhất làng góp thêm: "Đúng là buồn thật. Đám ma thì nhiều mà đám cưới các cháu trẻ ở làng lâu nay không có chú à. Mong ước ngàn đời của người dân nơi đây là mong có chiếc cầu nối làng vào bờ nhưng chưa có".
"Chúng tôi ở làng đây cách TP Vinh (Nghệ An) chừng nửa cây số và cách thị trấn huyện Nghi Xuân, núi Hồng hơn một cây số nhưng lại bị cô lập giữa sông Lam. Dù đã nhiều đời nay cả làng xác định sống chung với bão lũ, thủy triều nhưng cứ đến mùa bão lũ, chúng tôi lại thấy lẻ loi, đầy lo lắng. Trẻ em sinh ra trên làng, khi đi vững là được đưa ra sông Lam tập bơi để thích nghi với lũ lụt. Nay cả làng, đàn bà, học sinh đều bơi giỏi cả. Vợ tôi mùa nước nổi bơi qua sông Lam là chuyện bình thường. Năm nào cũng chạy lũ nhưng mười năm nay cả làng không có ai bị thiệt mạng do lũ dữ đâu" - ông Hòa nói.
Làng Hồng Lam có nghề truyền thống trồng cói và dệt chiếu cói cung cấp cho cả thị xã Hồng Lĩnh và TP Vinh, có thời điểm còn xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác. Sau các cơn bão lũ, mùa màng thiệt hại nặng nề vào năm 1988, 1989. Người dân quá khiếp cảnh sống nơi cuối sông, đầu sóng biển nên bắt đầu bỏ nghề trồng cói đi vào Nam tìm việc làm. Do vậy, dân số sinh sống ở làng Hồng Lam cứ giảm dần theo thời gian từ đó đến nay.
Bà Ngô Thị Nguyệt cho biết: "Từ năm 2000, gia đình tôi tổ chức đám cưới con gái đầu với người cùng làng, đến nay chưa có thêm một đám cưới nào. Cưới nhau được ba năm, vợ chồng chúng cũng rời làng vào Long Thành (Đồng Nai) xây dựng kinh tế mới. Rồi con gái thứ hai của tôi cũng vào Nam làm và cưới chồng trong đó luôn". Trước đợt lũ lụt vào cuối tháng 10 vừa qua, sáu gia đình đã rời làng Hồng Lam chuyển nhà vô Nam sinh sống. Vào thời điểm năm 1995, làng Hồng Lam có gần 1.500 người. Do chạy bão, hiện làng chỉ còn 674 người.
Cụ Trần Đình Trì (90 tuổi, làng Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang động viên thanh niên ở lại xây dựng gia đình, bởi 10 năm nay cả làng không có đám cưới
Lớp học teo dần
Cụ Trì cho biết ngày xưa làng Hồng Lam thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đến năm 1952 làng được cắt sang thuộc xã Xuân Giang (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để cho dễ bề quản lý.
Năm 2002, biết làng Hồng Lam quá khó khăn, Bộ Công an đã phát động cán bộ, chiến sĩ trích lương đóng góp để tài trợ xây dựng Trường Tiểu học Xuân Giang 2 - nơi cao nhất làng Hồng Lam. Ngôi trường cao hai tầng là nơi để cho các em học tiểu học tại làng, không phải qua đò sang đất liền học. Đồng thời, tầng hai ngôi trường cũng là nơi để người dân, học sinh tránh bão, trú lụt hằng năm.
Hằng ngày, chín giáo viên đến làng Hồng Lam dạy học phải đi ba chặng, từ nhà đến bến đò gửi xe nhà dân để lên đò vượt sông Lam rồi đi bộ chừng 1 km đến lớp. Nhưng lớp học đang vắng dần học sinh bởi các em cũng theo cha mẹ di cư chạy bão. Trước đây trường có hơn 200 học sinh. Đến năm học 2008-2009, trường chỉ có 56 em và nay vỏn vẹn 38 học sinh. Các giáo viên cho biết ra giảng dạy ở làng Hồng Lam không được hưởng chế độ đặc thù. Chỉ riêng tiền gửi xe và đi đò hằng tháng, giáo viên phải trích lương hơn 100.000 đồng. Mỗi khi có thủy triều lên hoặc mưa lớn, lũ lụt, các giáo viên phải cho học sinh ở làng Hồng Lam nghỉ học, rồi sau đó dạy bù vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Người dân làng Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) phải vất vả trung chuyển tấm lợp vượt sông Lam về làng lợp nhà
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, các em ở làng Hồng Lam phải vất vả qua đò mới đến được trường học tiếp lên cấp 2, cấp 3 nên nhiều em đã sớm bỏ học đi kiếm việc làm rồi đi khỏi làng.
Sông cũng đuổi làng
Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, cho biết: "Những khi có bão lớn, sợ những cột sóng cao ập tấp cuốn làng, chính quyền địa phương phải điều tàu lớn đưa trẻ em và người già sang tránh bão tại đất liền ở UBND xã và Trạm xá xã Xuân Giang. Đến khi trời yên, sông lặng thì chở họ trở về làng".
Dễ cũng đã gần 10 năm nay, nước sông Lam không xanh trong, thơ mộng như trong những câu hát, điệu hò ngân nga ngày nào. Đứng đầu làng, nhìn lên thượng nguồn sông Lam bắt gặp những chiếc thuyền, tiếng máy 10-15 CV nổ ầm ĩ, thọc "vòi rồng" xuống lòng sông hùng hục hút. Người dân Hồng Lam cho biết trước đây đứng đầu làng nhìn lên thấy cầu Bến Thủy rất gần nhưng nay thì thấy xa lắm rồi. Thời gian qua, do nạn "cát tặc" cùng với mưa lũ làm cho sông lở ngoạm cả làng Hồng Lam. Chỉ tính riêng sau cơn bão số 3 và trận lũ lụt vừa qua, sông Lam đã cuốn sâu vào đầu làng Hồng Lam gần 50 m, dài chừng một cây số.
"Đất nông nghiệp của chúng tôi bị sông lở cứ teo tóp dần. Hai đứa con trai đều đã vào Nam làm việc. Cuối tháng 11 này, vợ chồng chúng tôi vào Bình Dương tổ chức đám cưới cho con. Cả hai con đều không trở về làng quê sinh sống. Sau này có lẽ chúng tôi cũng phải theo con bỏ làng vào Nam sinh sống thôi" - ông Đinh Thông (51 tuổi) nói.
Ngôi trường ở làng Hồng Lam bề thế nhưng học sinh đang vắng dần
Sóng nước sông Lam đang ngoạm đất tiến sâu vào làng Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Ông Trần Văn Tường cho biết thêm: "Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng người dân biết nạn "cát tặc" nhưng không đủ phương tiện và lực lượng để thường xuyên truy quét. Còn các đối tượng khi bị lực lượng chức năng địa phương này rượt đuổi thì nhổ neo chạy sang địa phận tỉnh Nghệ An. UBND xã đã báo cáo UBND huyện Nghi Xuân và Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Hà Tĩnh để sớm ngăn chặn nạn hút "cát tặc" và có phương án chống xói lở sông Lam, bảo vệ các tuyến đê và rừng phòng hộ, bảo vệ làng Hồng Lam".
Hà Tĩnh là một trong những địa phương chịu nhiều biến động mạnh của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình tăng vào loại cao nhất nước. Làng Hồng Lam là làng điển hình trong nhiều làng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh người dân đang di chuyển vào Nam, đi Tây Nguyên để tránh khí hậu khắc nghiệt và xây dựng kinh tế.
Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, làng Hồng Lam là một trong những nơi nổi dậy đầu tiên. Tại đây có một liệt sĩ hy sinh vào giai đoạn 1930-1931. Thời chiến tranh chống Mỹ xâm lược, máy bay địch trút xuống hàng chục tấn bom đạn các loại xuống phà Bến Thủy (qua sông Lam) và xuống làng Hồng Lam hòng chặt đứt điểm tiếp nối giao thông quan trọng của hai miền Bắc-Nam. Nhất là vào các năm 1964, 1968, 1972, làng Hồng Lam bị bom Mỹ dội xuống san phẳng các nhà dân làm khoảng 20 người chết, hàng trăm người bị thương. Chiến tranh đã đi qua nhưng những hố bom vẫn còn nhiều trong làng. Trạm y tế trong làng Hồng Lam đã được các tổ chức phi chính phủ tài trợ xây dựng khang trang nhiều năm nay. Nhưng hiện vẫn chưa có y, bác sĩ túc trực chăm sóc sức khỏe. Khi người bệnh trong làng phải đưa đi cấp cứu thì phải chạy đò vượt sông Lam sang thị trấn huyện Nghi Xuân.
Theo Pháp luật TP.HCM
Trắng tay sau lũ Làng chài thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) sau cơn lũ quét Hôm qua, lũ ở các tỉnh miền Trung bắt đầu rút, để lại nhiều vùng quê tan hoang, xơ xác. Trắng tay Tại Quảng Ngãi, suốt mấy ngày qua, gia đình ông Tiêu Viết Sang ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn dầm mình...