Sau lên gân, Kim Jong Un bắt đầu “chùn tay”
Sau hơn hai tháng dồn dập đưa ra những động thái, những lời đe doạ đáng sợ khiến khu vực “sôi sùng sục”, Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong Un bắt đầu có những dấu hiệu “chùn tay”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un
Hôm 10/4, một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết, Triều Tiên đã đặt bệ phóng tên lửa – được cho là có sẵn tên lửa tầm trung Musudan, vào vị trí bắn. Tên lửa này được phát hiện đang chĩa thẳng lên bầu trời.
Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ vừa cho biết, hiện tại, tên lửa của Triều Tiên đã được đẩy sâu trở lại vào trong bệ phóng, không còn hướng lên trời. Điều đó có nghĩa là Triều Tiên sẽ không phóng tên lửa trong thời gian tới hoặc là nước này chỉ đang thử nghiệm thiết bị. Dù thế nào thì đây cũng là dấu hiệu đầu tiên thể hiện ông Kim Jong Un đã lùi lại sau một loạt bước đi đầy khiêu khích trước đó.
Video đang HOT
Ngoài dấu hiệu trên, ngày hôm qua (11/4), hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên – KCNA còn cho biết, việc đóng cửa tổ hợp khu công nghiệp Kaesong chỉ là “tạm thời”. Hôm thứ Hai đầu tuần (8/4), Bình Nhưỡng đã khiến các nước “phát sốt” khi tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp Keasong, cắt đứt mối dây liên hệ cuối cùng với Seoul. Khu công nghiệp Kaesong được xem là biểu tượng duy nhất còn lại về sự hợp tác giữa hai miền liên Triều. Hành động của Bình Nhưỡng khiến người ta nghĩ đến viễn cảnh về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra.
Tuy nhiên, với thông báo của KCNA cho biết, việc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong chỉ là “tạm thời”, các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, có thể “thờ phào nhẹ nhõm”.
Ông Kim Yong Hyun – một giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên ở thủ đô Seoul, cho rằng, lời tuyên bố được đăng tải trên hãng tin KCNA “có thể được hiểu là một dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang cố gắng giữ cho tình hình hiện nay không trở nên tồi tệ hơn ít nhất là vào thời điểm này”.
Ông Daniel Pinkston, một chuyên gia khác chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cũng cho biết, trong tuần qua, báo chí Triều Tiên tập trung nhiều hơn vào các vấn đề như phát triển kinh tế thay vì đưa ra những lời cảnh báo, đe doạ chiến tranh như mọi khi.
Theo ông Pinkston, một khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc kết thúc cuộc tập trận chung hiện nay vào ngày 30/4 tới thì Triều Tiên “có thể sẽ tuyên bố chiến thắng… Họ sẽ nói rằng, &’hãy nhìn xem, người Mỹ đã thực sự định xâm lược chúng ta. Họ đã chuẩn bị cho điều đó và họ đã phải hoảng sợ tháo chạy vì khả năng răn đe hạt nhân của chúng ta cũng như vị chỉ huy vĩ đại của chúng ta… Giờ đây chúng ta có thể ăn mừng”".
Quan điểm của hai chuyên gia Kim và Pinkston cũng trùng với phân tích của ông James Clapper – Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, đưa ra hôm 10/4. Ông này cho biết, Mỹ tin rằng, những lời phát biểu đầy cứng rắn và thách thức của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong thời gian vừa qua chỉ là để “củng cố và khẳng định quyền lực” của ông này và cũng để thể hiện “ông ấy đang kiểm soát đất nước Triều Tiên”.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống xấu nào xảy ra.
Ngoài việc triển khai cùng lúc 14 tên lửa đánh chặn được thiết kế để có thể hạ gục tên lửa tầm xa của Triều Tiên ở Alaska, Mỹ còn triển khai các tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đến khu vực xúc tiến lắp đặt một Hệ thống Phòng thủ Tên lửa giai đoạn cuối tầm cao – THAAD ở Guam và triển khai máy bay do thám cùng hệ thống radar tối tân. Tất cả các động thái này đều nhằm để chuẩn bị khả năng sẵn sàng ứng phó với tên lửa được phóng đi từ Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ đến Seoul bàn chuyện đối phó với Triều Tiên
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay (12/4) đã đặt chân đến Hàn Quốc trong một chuyến thăm được cho là có trọng tâm hướng tới việc giải quyết mối đe doạ hạt nhân và những thách thức gần đây của CHDCND Triều Tiên.
Ông Kerry hiện đã có mặt ở thủ đô Seoul – nơi chỉ cách khu vực phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên chưa đầy 50km.
Trong chuyến công du Châu Á lần này, ngoài Hàn Quốc, ông Kerry sẽ dừng chân ở Trung Quốc và Nhật Bản. Chuyến thăm này được thực hiện ở thời điểm cả 3 nước trên đều có nhà lãnh đạo mới. Đây cũng là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Barack Obama đến thăm ba nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc trong cùng một chuyến đi, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry có mục đích chính là tháo gỡ cuộc khủng hoảng đang ngày một trầm trọng trên bán đảo Triều Tiên. Chuyến đi này được thực hiện vài ngày sau khi ông Kerry cảnh báo về cái mà ông này miêu tả là những hành động, lời nói “nguy hiểm, bất cẩn và đầy khiêu khích” của Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong Un.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được tin là sẽ tìm cách thuyết phục Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Triều Tiên. Mỹ muốn Trung Quốc hiểu rằng, Bình Nhưỡng “đang đặt lợi ích riêng của Trung Quốc vào nguy hiểm”, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết.
Theo nhận định của các quan chức Mỹ, Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về những hành động khiêu khích và cứng rắn của đồng minh Triều Tiên. Bắc Kinh cũng đang theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của Washington trong khu vực nhằm đối phó với mối đe doạ đặt ra từ Bình Nhưỡng.
Hành động cứng rắn của Triều Tiên là mối đe doạ trước mắt đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cái mà Trung Quốc lo ngại hơn là chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ bởi chiến lược này được cho là sẽ gây ra hệ luỵ chiến lược lớn hơn đối với Bắc Kinh.
Theo vietbao