Sau gạo đến xoài Campuchia tấn công thị trường Việt
Trái đẹp, có thể ăn xanh, giá cả lại bình dân nên xoài Campuchia ngày càng được người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng.
Khảo sát tại các cửa hàng, chợ TP HCM cho thấy xoài Campuchia được bày bán ở hầu hết các quầy hàng trái cây. Tại chợ Văn Thánh (Bình Thạnh) đa phần các tiểu thương đều cho biết, hai năm trở lại đây, xoài được họ nhập phần lớn có nguồn gốc Campuchia. Riêng xoài cát hay xoài miên thì chỉ nhập với số lượng nhỏ và bán và dịp Tết.
“Xoài Việt Nam chủ yếu là xoài ăn chín, mẫu mã lại không bắt mắt, trong khi đó, xoài Campuchia trái đẹp, giá lại bình dân nên được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Nếu xoài cát giá cả lên xuống thất thường 35.000-70.000 đồng một kg thì xoài keo Campuchia chỉ quanh mức 20.000-30.000 đồng, hay xoài Miên ăn chín như xoài cát giá cũng chỉ 30.000-40.000 đồng” – chị Hoa, tiểu thương tại chợ Văn Thánh cho biết.
Trong khi đó, anh Phát – một thương lái chuyên thu mua xoài ở cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), cho biết thông thường xoài keo Campuchia có vụ chính vào tháng 10-11 nhưng thời gian gần đây, nông dân nước này đã cải thiện và chăm sóc để cây ra hoa 2 vụ trong năm nên số lượng khá dồi dào.
Thổ nhưỡng của Campuchia phù hợp với xoài keo nên sản phẩm của nước này chất lượng tốt, mẫu mã đẹp hơn so với xoài cùng loại của Việt Nam. Ngoài ra, còn khá nhiều sản phẩm xoài xuất khẩu của Campuchia có chất lượng khá tốt được thị trường Việt đón nhận nhưng vì hàng không nhiều nên người tiêu dùng ít biết đến.
Mặc dù được trung bày ở vị trí bắt mắt hơn so với xoài keo Campuchia nhưng xoài cát Việt Nam vẫn kén khách. Ảnh: NLĐ
“Campuchia có tới 3 – 4 cấp độ sản phẩm cho nhu cầu của từng thương lái. Riêng hàng xuất khẩu giá dao động 35.000 – 40.000 đồng một kg. Còn loại 2, 3 chỉ 10.000-20.000 đồng một kg. Ngoài sản phẩm xoài keo chiếm số lượng lớn tại Việt Nam thì xoài cát, xoài Miên cũng bán đầy thị trường” – anh Phát cho biết.
Video đang HOT
Anh Phát cũng cho hay nhập khoảng 5-7 tấn mỗi ngày qua cửa khẩu Tịnh Biên, với những ngày thấp điểm khoảng 2-3 tấn. Trung bình, sản lượng xoài từ Campuchia qua Việt Nam 30 – 40 tấn một ngày, được phân phối ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, miền Tây và TP HCM là nơi tiêu thụ lớn nhất.
Cũng thừa nhận xoài Việt đang bị sức ép từ xoài Campuchia, ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm hợp tác xã Hòa Lộc (Tiền Giang), cho biết hiện lượng xoài cung ứng cho thị trường không đủ mà giá lại cao 60.000-70.000 đồng một kg nên các thương lái nhập ồ ạt mua hàng Campuchia về bán.
“Vụ mùa năm nay, toàn xã dự kiến thu hoạch 500-600 tấn, tuy nhiên, số lượng này có thể sẽ không đủ cung ứng cho thị trường vào dịp Tết” – ông Nhơn nói.
Không chỉ xoài Campuchia mà trước đó một số doanh nghiệp (DN) tại chợ đầu mối Bà Đắc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết gạo Campuchia cũng đang được người tiêu dùng phía Nam ưa chuộng…
Mặc dù mùi vị các loại gạo này không có gì đặc biệt, nhưng các vựa gạo cho biết gạo Campuchia nở nhiều, mềm, cơm xốp nên được quán ăn chọn mua. Cũng có không ít người tiêu dùng khẳng định đây là loại gạo lúa mùa, ít sử dụng thuốc trừ sâu nên an toàn. Các loại gạo Campuchia phổ biến nhất là Sa Mơ, Sa Ri, Móng Chim và Sóc Miên.
Theo anh Trung – chủ DNTN Kiều Oanh nơi chuyên bán gạo Campuchia quy mô lớn ở chợ đầu mối Bà Đắc cho biết, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này giao cho bạn hàng ở các tỉnh miền Đông và TP HCM chừng 500 tấn gạo Campuchia các loại.
Gạo Móng Chim của Campuchia trong kho một doanh nghiệp ở chợ đầu mối Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang) – Ảnh: NLĐ
“Tôi qua Campuchia mua lúa rồi chở về xay xát, đóng gói luôn chứ không qua trung gian nên giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo” – anh Trung nói.
Bên kia cầu An Cư, cách đó chừng 200m là DNTN Tuấn Mỹ của chị Nguyễn Thị Tím cũng chuyên bán gạo Campuchia. Theo chị Tím, mỗi ngày doanh nghiệp này giao cho bạn hàng ở Bình Thuận, Ninh Thuận, TP.HCM… khoảng 10 tấn, trung bình mỗi tháng bán khoảng 300-400 tấn. Vựa của chị thường xuyên có ba loại gạo Campuchia gồm: Sa Mơ, Móng Chim, Sóc Miên.
Nói về lý do chỉ kinh doanh gạo Campuchia, chị Tím giải thích: “Lúa gạo Campuchia giá rất ổn định, không có chuyện rớt giá nên không sợ lỗ. Thị trường tiêu thụ gạo này ngày càng nhiều nên cũng yên tâm hơn kinh doanh lúa gạo trong nước”.
Chị Đỗ Thị Mùi – chủ hai đại lý gạo tại Phan Thiết cho biết cứ 1-2 ngày chị đến chợ đầu mối Bà Đắc mua một xe gạo, phân nửa là gạo Campuchia bán cho người dân Bình Thuận, còn lại là gạo thơm bán cho thị trường Hà Nội.
Theo chị Mùi, nhiều năm nay người dân tại Bình Thuận bắt đầu ăn gạo Campuchia, chủ yếu là Sa Mơ và Móng Chim, nên chị phải vào tận Tiền Giang để mua hàng.
Gia Hân (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Tiểu thương vây UBND phường vì không muốn di dời chợ
Sáng 1-12, hàng chục tiểu thương tại chợ tạm đầu mối Phú Hậu (TP Huế) đã tới khu vực trước UBND phường Phú Hậu, TP Huế để phản đối việc di dời chợ đầu mối Phú Hậu về chợ đầu mối Phú Hậu mới được xây dựng cách chợ cũ khoảng 400 m.
Từ sáng sớm cho đến trưa, các tiểu thương đã đứng trước phía bên kia đường đối diện UBND phường Phú Hậu để phản đối việc di dời chợ đầu mối tạm về chợ mới vừa được xây dựng xong.
Chị Lê Thị Tuyên (52 tuổi) ở xã Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, có chín năm buôn bán tại chợ đầu mối Phú Hậu tạm bức xúc, việc di dời chợ tạm đầu mối họ không được báo trước, diện tích tại chợ đầu mối mới được xây dựng quá hẹp, giá mặt bằng lại cao, tiểu thương chịu không nổi. Từ khi di dời từ bến Chương Dương chợ Đông Ba về đây, cuộc sống buôn bán của các tiểu thương đã ổn định.
Chợ đầu mối Phú Hậu mới xây dựng xong nhưng tiểu thương chê lô hẹp, không tiện cho việc buôn bán. Ảnh: Vạn An.
Chị Nguyễn Thị Ny (27 tuổi) buôn bán đã chín năm tại chợ đầu mối tạm cho biết nguyện vọng của tiểu thương ở đây là nếu được thì cải tạo lại chợ cũ để thuận tiện việc kinh doanh của tiểu thương. Tiểu thương sẵn sàng chung tay góp tiền để xây dựng với Nhà nước.
Cũng ngay sáng 1-12, lãnh đạo UBND TP Huế đã trực tiếp về UBND phường Phú Hậu họp để tháo gỡ những khúc mắc của người dân về chợ đầu mối.
Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, cho biết việc di dời chợ đầu mối Phú Hậu đã có từ lâu. UBND thành phố cũng yêu cầu nhà đầu tư mở rộng mặt bằng các lô ở chợ đầu mối Phú Hậu mới cho phù hợp với nhu cầu các tiểu thương. Bên cạnh đó, hai tháng đầu tiên kinh doanh tại chợ mới, các tiểu thương sẽ không phải đóng một khoảng phí nào.
Cũng theo ông Tuấn, mặc dù chính quyền đã thông báo các chính sách tại chợ đầu mối mới cho các tiểu thương biết nhưng các tiểu thương vẫn chưa hiểu nên mới xảy ra tình trạng như thế.
VẠN AN
Theo_PLO
Kinh doanh xăng E5 không lời bằng RON92? Theo các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, hiện giá vốn của xăng E5 cao hơn xăng RON92 khoảng 400 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí pha chế, bán hàng).... Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay việc kinh doanh xăng E5 chưa đem lại hiệu quả kinh tế như xăng RON92. Theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, kể...