Sau đảo chính, thế lực Tổng thống Erdogan ngày càng mạnh hơn
Thổ Nhĩ Kỳ đang vướng vào một cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, khiến chính phủ dân chủ bị lung lay và đe dọa đến tương lai của nước này.
Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 nổ ra, đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP) cầm quyền do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thành lập đang chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến chính trị với phe cánh ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen. Cuộc xung đột này đang khiến phương Tây lo ngại, trong khi quốc gia có đường biên giới sát với Iraq và Syria này trở nên bất ổn.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại một khu vực ở thủ đô Ankara để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Erdogan.
Ông Erdogan cáo buộc ông Gulen là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính vừa qua, đồng thời đã bắt giữ hơn 60.000 người nhằm loại bỏ cái mà ông này gọi là “virut Gulen”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với những vụ tấn công do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành, trong khi xung đột giữa chính phủ và cộng đồng người Kurd ở miền Đông Nam đất nước vẫn chưa có hồi kết.
“Bọn chúng là những kẻ phản quốc”, ông Erdogan trả lời hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn. Ông mô tả phe cánh của Gulen giống như “một loại bệnh ung thư” và coi những người này “giống như một tổ chức khủng bố” và quyết tâm triệt tiêu tận gốc.
Về phần mình, ông Gulen phủ nhận có kế hoạch lật đổ chính phủ và cho rằng vụ đảo chính này có thể đã được dàn dựng để có cớ loại bỏ những người ủng hộ ông. Những người này, trong đó có cả những nhà báo uy tín, hiện đang lẩn trốn hoặc tìm cách thoát ra nước ngoài.
Một nhà báo giấu tên đang làm việc cho một tờ báo theo tư tưởng chính trị của Gulen cho biết: “Tôi đã khuyên đồng nghiệp của mình không nên đến tòa soạn để đảm bảo an toàn. Tờ báo giờ đây có thể nói là không còn hoạt động nữa. Tôi đang rất lo lắng cho gia đình cũng như cho bản thân mình. Bây giờ ra ngoài đường rất nguy hiểm”.
Nhà báo này nói thêm: “Tôi có thể sẽ bị bắt nếu ở nhà có một cuốn sách do Gulen viết. Người theo chủ nghĩa Gulen nào cũng sợ liên lạc với bạn bè mình do lo ngại họ cũng sẽ bị bắt. Đâu đâu cũng bao trùm một nỗi sợ hãi”.
Ông Erdogan từng là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 cho đến năm 2014, khi ông được bầu làm Tổng thống. Vào những năm 2007 – 2008, ông Erdogan đã quay sang liên kết với ông Gulen, người được nhiều người trong ngành cảnh sát, tư pháp và công chức ủng hộ, trong bối cảnh quân đội và nhiều quan chức chính phủ đang cố làm suy giảm ảnh hưởng của đảng AKP.
Ông Gulen sống tại bang Pennsylvania (Mỹ) kể từ năm 1999, và đã thành lập một tổ chức truyền bá đạo Hồi có tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới, đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục, tiến bộ khoa học, bình đẳng tôn giáo và xóa bỏ đói nghèo.
Ông Erdogan và đảng AKP phụ thuộc rất nhiều vào những người ủng hộ Gulen, và chính những người này đã tổ chức hai phiên tòa lớn nhằm vào những quan chức cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và loại bỏ những đối thủ chính trị quan trọng, qua đó giúp AKP không bị cấm hoạt động chính trị.
Video đang HOT
Thế nhưng, sau khi đảng AKP thoát khỏi sự khống chế của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã có nhiều quyền lực trong tay mình và dần xa rời những người ủng hộ Gulen.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.
Theo Infonet
Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ gieo họa cho cuộc chiến chống IS
Những rối loạn do cuộc đảo chính bất thành gây ra đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất vai trò của mình trong cuộc chiến chống IS ở khu vực.
Cường kích A-10 Mỹ triển khai tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: USAF
Cuộc thanh trừng quy mô lớn trong lực lượng quân đội và an ninh mà Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 đã gây ra những xáo trộn rất lớn trong nội bộ nước này, và có thể gây ra những hậu quả to lớn về lâu dài đối với các đồng minh trong khu vực và quốc tế, theoFT.
Khi các tướng lĩnh quân đội huy động lực lượng để tìm cách lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, họ đã đóng cửa căn cứ không quân Incirlik ở miền nam trong vài giờ đồng hồ, nhưng quãng thời gian này là quá đủ để chứng minh sự bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra hậu quả lớn như thế nào ở Trung Đông.
Trong vài giờ căn cứ Incirlik đóng cửa, các chiến đấu cơ của liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu triển khai ở đây buộc phải ngừng hoạt động, và IS đã tận dụng thời cơ phát động một loạt vụ đánh bom tự sát nhắm vào dân quân người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn.
Những cuộc tấn công đó đã khiến hàng chục tay súng của Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) người Kurd thiệt mạng, theo các nguồn tin trên chiến trường. "YPG về cơ bản đã mất lực lượng không quân. Đó có thể là một thảm họa nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra", một quan chức an ninh khu vực giấu tên nói.
Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc ở Trung Đông, và các đồng minh của nước này lo ngại rằng tình trạng bất ổn nội bộ và sự dịch chuyển trọng tâm chính sách vào xử lý các vấn đề trong nước của Ankara sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước với khu vực.
Trong cuộc chiến chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ mở cửa căn cứ không quân Incirlik cho các đối tác phương Tây, mà còn ủng hộ lớn về tiền bạc, vũ khí cho các nhóm nổi dậy Syria hoạt động dọc biên giới, nhằm mục đích diệt IS và lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al Assad.
Các nhóm nổi dậy Syria cho biết hồi tuần trước họ đã nhận thấy sự thay đổi trong chính sách của Ankara. Lúc đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra thờ ơ một cách đáng ngạc nhiên, trong khi phe nổi dậy phải gồng mình chống lại quân đội chính phủ Syria ở thành phố bị vây hãm Aleppo. Nếu Aleppo thất thủ, phe nổi dậy Syria coi như bị xóa sổ, và cục diện chiến trường sẽ thay đổi nhanh chóng.
"Trước đây, người Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tới chỗ chúng tôi, gặp gỡ các chỉ huy và đảm bảo mọi người làm đúng việc của mình, đúng kế hoạch vạch ra", một chỉ huy nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn cho biết. "Người Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát được tình hình, nhưng giờ đây họ hoàn toàn vắng mặt".
Cho đến nay, đã có 6.000 tướng lĩnh, sĩ quan, binh sĩ và gần 9.000 nhân viên Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ, điều tra với cáo buộc tham gia cuộc đảo chính. Chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik và sư đoàn trưởng sư đoàn phụ trách Syria, Iraq cũng nằm trong số hơn 100 tướng quân đội bị bắt giữ.
Aaron Stein, chuyên gia phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho rằng sự hỗn độn trong bộ máy quân sự và an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trong đợt thanh trừng có thể gây ra những rắc rối lớn về khả năng phối hợp với các đồng minh NATO.
Các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ sau cuộc đảo chính. Ảnh: Reuters
"Các nước phương Tây đang rất bối rối, không hiểu đối tác của mình có thể làm được việc nữa hay không", ông Stein nói. "Các quan chức an ninh phương Tây đang giữ rịt lấy điện thoại để liên hệ với các đối tác ở Thổ Nhĩ Kỳ".
Căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
Một mối lo ngại nữa là cuộc khẩu chiến đang diễn ra giữa Ankara và Washington, khi ông Erdogan khăng khăng đòi Mỹ phải dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen về nước để xét xử với tội danh xúi giục đảo chính. Trong khi đó, Mỹ khẳng định việc dẫn độ ông Gulen phải tuân thủ quy trình pháp lý, và phải có bằng chứng xác thực chống lại ông.
Tổng thống Barack Obama hôm thứ sáu tuần trước một lần nữa nhấn mạnh phía Mỹ không biết và không liên quan gì tới âm mưu đảo chính này, thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Washington.
"Nếu mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi, chúng ta có thể chứng kiến thời kỳ hỗn loạn nhất từ trước tới nay", một lãnh đạo phe nổi dậy ở Syria nói. Ông này lo sợ rằng cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể chống lại nhau bằng "cuộc chiến ủy nhiệm" trên chiến trường Syria.
Soner Cagaptay, nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington, cho rằng cách xử lý trường hợp của giáo sĩ Gulen có thể tác động rất lớn đến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. "Nếu Erdogan không cho rằng chính phủ Mỹ đang xử lý vấn đề này một cách nghiêm túc, ông ta có thể ngả theo phe của Nga", Cagaptay nhận định.
Một số chuyên gia phân tích quân sự cho rằng nếu không có căn cứ Incirlik, Mỹ vẫn có thể sử dụng các căn cứ khác ở Vùng Vịnh để ném bom IS. Tuy nhiên, phe nổi dậy Syria cho rằng quãng đường bay một tiếng đồng hồ từ các căn cứ đó đến chiến trường là quá lâu để có thể ngăn chặn những đợt tấn công tự sát bằng bom xe, trong khi những chiến đấu cơ cất cánh từ Incirlik chỉ cần 15 phút là đến được mục tiêu.
Nhắm mục tiêu vào người Kurd
Theo chuyên gia phân tích Kamal Chomani, trong trường hợp các phe phái ở Thổ Nhĩ Kỳ đấu đá kịch liệt sau cuộc đảo chính bất thành, Ankara có thể hướng mũi dùi ra bên ngoài, bằng cách tăng cường cuộc chiến chống lại dân quân người Kurd đòi ly khai, đặc biệt là Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Ông Chomani cho rằng trong cuộc chiến chống IS hiện nay, lực lượng dân quân người Kurd đang trở thành mục tiêu dễ dàng hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi họ phải di chuyển ra khỏi các căn cứ địa ở vùng núi để tấn công phiến quân ở những địa hình trống trải, ngay sát biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.
"PKK đang phải tìm biện pháp đối phó vì ông Erdogan có thể ra lệnh cho quân đội tấn công dân quân người Kurd, nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc trong quân đội và thu hút sự ủng hộ của xã hội", Chomani nói.
Dân quân người Kurd chiến đấu chống phiến quân IS. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh đó, dường như những đối thủ của ông Erdogan và những người ủng hộ ông Assad là cảm thấy vui mừng nhất, khi một trong những thế lực lớn nhất trong cuộc nội chiến ở Syria giờ đây đang phải vật lộn với những vấn đề nội bộ của mình.
Một nhà ngoại giao thân cận với Nga cho biết ông Assad vẫn đang "chờ đợi và theo dõi" để xem ông có thể lợi dụng tình trạng bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ để gây sức ép buộc Ankara phải thỏa thuận chấm dứt hợp tác với phe nổi dậy, góp phần kết thúc cuộc chiến tương tàn ở Syria.
"Họ (Ankara) đang bị vướng vào những rắc rối của riêng mình, không thể quan tâm quá nhiều đến phần còn lại của khu vực được. Thật khó để giả vờ nói rằng tôi không vui mừng trước việc đó", nhà ngoại giao này nói.
Trí Dũng
Theo VNE
Thổ Nhĩ Kỳ sắp giải tán đội cận vệ tinh nhuệ của tổng thống Lực lượng cận vệ tinh nhuệ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị giải tán sau khi gần 300 thành viên bị giam giữ trong cuộc đảo chính bất thành tuần trước. Xe bọc thép bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lại sau khi đảo chính bất thành. Ảnh:Reuters BBC dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho hay...