Sau Biển Đông, Trung Quốc sẽ xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương?
Việc đảo quốc Maldives cho phép người nước ngoài mua đảo khiến các quan chức Ấn Độ lo ngại Trung Quốc có thể sớm tiến hành cải tạo, xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương, song song với hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Hoàng hôn ở bờ biển thủ đô Male của Maldives – Ảnh: Reuters
Chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 29.7 đăng bài viết “Hãy sẵn sàng: Trung Quốc sẽ xây đảo nhân tạo sát Ấn Độ”. Theo bài viết, Bắc Kinh có thể lên kế hoạch mở rộng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương sau khi chính quyền Maldives hồi tuần rồi cho phép người nước ngoài mua đất đai của đảo quốc này.
Chính quyền Ấn Độ, lâu nay có mối quan hệ chặt chẽ với Maldives và Sri Lanka, đã bày tỏ quan ngại trước động thái này của Maldives, đồng thời lo ngại Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để bành trướng sang Maldives, một đảo quốc có 1.200 hòn đảo, nằm tại vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Bà Eva Abdullah, một trong số 14 nghị sĩ Maldives phản đối, bỏ phiếu chống lại việc điều chỉnh luật, cho biết động thái này “sẽ biến Maldives trở thành thuộc địa của Trung Quốc”.
“Tôi lo ngại chúng ta đang mở đường cho Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Maldives và biến đất nước chúng ta thành nước tiền tuyến giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đe dọa cán cân quyền lực ở Ấn Độ. Chúng tôi không thể phớt lờ sự đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, bà Eva nói với chuyên san The Diplomat.
Nhằm trấn an Ấn Độ và dư luận quốc tế, Tổng thống Maldives, Abdulla Yameen đã bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ dùng những đảo mua từ Maldives để làm căn cứ quân sự.
“Chính phủ Maldives đảm bảo với chính phủ Ấn Độ và các nước láng giềng sẽ giữ Ấn Độ Dương là khu vực phi quân sự”, ông Yameen tuyên bố.
Trả phỏng vấn tờ The Hindu (Ấn Độ) hồi tuần rồi, Phó Tổng thống Maldives, Ahmed Adeeb nói: “Chúng tôi không rao bán chủ quyền. Chúng tôi không muốn các quốc gia láng giềng, bao gồm Ấn Độ, phải lo ngại. Chúng tôi không muốn trở thành một mối đe dọa với các quốc gia láng giềng”.
Video đang HOT
Bắc Kinh lâu nay luôn khẳng định nước này không cần phải có căn cứ quân sự ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một thông cáo gần đây cho hay việc điều chỉnh luật là vấn đề nội bộ của Maldives, đồng thời cho rằng không dùng Maldives để bành trướng.
Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo vừa qua tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cảnh báo Trung Quốc đang tiến hành chiến lược bành trướng mở căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương, thông qua các hoạt động tập trận chống hải tặc và ghé thăm cảng tại một số quốc gia nằm ở vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, theo The Diplomat.
Các chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc một ngày nào đó sẽ vượt qua các rào cản và thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích của nước này, theo tờ The Philippine Star (Philippines) ngày 30.7.
Các quan chức Mỹ cũng từng cảnh báo Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa là nhằm biến chúng thành căn cứ quân sự, thực hiện mưu đồ bành trướng Biển Đông.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Ấn Độ "lo sốt vó" Trung Quốc bành trướng Ấn Độ Dương
Theo tờ Indian Express, giới chức trách Ấn Độ đang rất quan ngại nguy cơ Trung Quốc mua đảo, xây dựng các căn cứ tại Maldives - Quốc đảo Ấn Độ Dương - hòng tiến hành kế hoạch bành trướng tại khu vực này.
Tờ Indian Express đưa tin, hồi chuông cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc bành trướng tại Ấn Độ Dương được gióng lên tại New Delhi ngay sau khi Quốc hội Maldives phê chuẩn dự luật sửa đổi Hiến pháp cho phép các cá nhân/tổ chức nước ngoài mua và sở hữu đất thuộc Quốc đảo này hồi giữa tuần này.
Cụ thể, luật sửa đổi được các nghị sĩ Maldives thông qua ngày 22.7 sẽ cho phép các cá nhân/tổ chức nước ngoài đầu tư trên1 tỷ USD vào Quốc đảo Ấn Độ Dương, được mua và sở hữu đất thuộc vùng dự án, với điều kiện ít nhất 70% đất dự án phải được họ bồi đắp từ biển.
Dự luật sửa đổi về sở hữu đất của Quốc đảo Ấ Độ Dương Maldives đang khiến giới chức trách Ấn Độ "mất ăn mất ngủ".
Trước đó, Hiến pháp Maldives chưa được sửa đổi cấm sở hữu nước ngoài đối với bất cứ phần lãnh thổ nào của Quốc đảo này mà chỉ cho phép thuê đất với thời hạn lên tới 99 năm.
Theo tờ Indian Express, New Delhi đã bị bất ngờ trước việc Quốc hội Maldives thông qua dự luật sửa đổi nói trên với tốc độ quá nhanh.
Dự luật được đệ trình đầu tuần, vào thứ Hai (20.7), và được gửi tới một ủy ban đánh giá, xem xét. Ủy ban này tổ chức họp bất thường vào ngay đêm thứ Ba (21.7) và sáng hôm sau - thứ Tư (22.7), Quốc hội Maldives tổ chức biểu quyết thông qua dự luật.
"Quốc hội (Maldives) đã xem xét và thông qua dự luật chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ... làm dấy lên hồi chuông cảnh báo", Indian Express dẫn một nguồn tin chính phủ.
Giới quan sát bình luận, New Delhi lâu nay vẫn nghi ngờ Bắc Kinh đang ra sức bành trướng tại Ấn Độ Dương khi con rồng châu Á tỏ ra hào phóng chi những khoản tín dụng cho một số láng giềng xung quanh Ấn Độ xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng dân sự từ Gwadar (Pakistan) cho đến Kyaukpyu (Myamar), đi ngang qua Chittagong (Bangladesh). Thậm chí vào cuối năm 2013, Bắc Kinh còn hứa rằng sẵn sàng "chia sẻ thịnh vượng" cho những quốc gia tham gia vào việc thành lập "con đường tơ lụa trên biển" với gói đầu tư quan trọng 40 tỷ USD.
Bắc Kinh còn tăng cường hiện diện quân sự như neo đậu tàu ngầm tại Sri Lanka (10.2014), dùng đảo Seychelles như cảng tiếp liệu cho các tàu chiến tham gia chống hải tặc.
Giờ đây, New Delhi càng "mất ăn mất ngủ" hơn khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen công bố chính sách đối ngoại xoay trục về phía Đông hồi năm ngoái trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ và quốc đảo này "cơm không lành, canh không ngọt".
Mối quan hệ giữa 2 bên xấu đi sau khi Maldives bỏ tù cựu Tổng thống Mohammad Nasheed hồi đầu năm nay. Bốn tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí đã hủy bỏ chuyến thăm tới Maldives để phản đối vụ bắt giữ.
Trong khi đó, Maldives và Trung Quốc lại đang xích lại gần nhau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành vị nguyên thủ đầu tiên tới thăm Maldives sau khi Tổng thống Yameen lên cầm quyền.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong chuyến thăm của ông Tập tới Quốc đảo này tháng 9 năm ngoái.
Kết quả sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập, Maldives đã nhất trí trở thành đối tác trong dự án con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Đây là tuyến đường thương mại kéo dài từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc tới Biển Địa Trung Hải qua Nam Á và Đông Phi.
Về phần mình, Bắc Kinh nhất trí tài trợ dự án xây cầu quy mô tại Maldives. Mới đây, tập đoàn GMR của Ấn Độ bị loại khỏi dự án phát triển sân bay của Maldives. Đối thủ của họ, các công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng béo bở này.
Ngoài ra, hồi tháng 1 năm nay, các đảng đối lập ở Maldives còn cáo buộc chính phủ có kế hoạch cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại khu vực Laamu Atoll, phía nam Quốc đảo này. Tuy nhiên, ngay sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Maldives đã bác bỏ cáo buộc.
Trong khi đó, chính quyền Maldives tuyên bố rằng, việc phê chuẩn luật sở hữu đất mới là rất cần thiết nhằm thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời giúp nước này tiến hành "các dự án vĩ mô" được mô tả là sẽ giúp Quốc đảo này "chuyển hóa" nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào du lịch.
Đích thân Tổng thống Maldives Abdulla Yameen mới đây cũng đã lên tiếng bác bỏ các quan ngại của Ấn Độ và mạnh mẽ cam kết rằng, chính phủ của ông sẽ nỗ lực để bảo đảm Ấn Độ Dương là một khu vực phi quân sự.
Về phần mình, để đối phó với các nguy cơ đến từ Trung Quốc, mới đây Hải quân Ấn Độ tuyên bố sẽ triển khai thêm một hạm đội tàu chiến 200 chiếc vào năm 2027 để bảo vệ các lợi ích của quốc gia này tại các vùng biển xung quanh Ấn Độ.
Báo Economist Times ngày 16.7 dẫn lời Phó Đô đốc P. Murugesan (phó chỉ huy hải quân Ấn Độ) cho biết, tham vọng của Hải quân Ấn Độ là sẽ phát triển hạm đội tàu chiến và tàu ngầm 137 chiếc hiện nay lên 200 chiếc trong vòng 12 năm tới.
Phương Đăng (Theo People Daily, Indianexpress)
Theo danviet
Đoàn cấp cao Philippines sang La Haye quyết theo đuổi vụ kiện Trung Quốc Bộ Ngoại giao Philippines ngày 4/7 thông báo cử luật sư chính của chính phủ và các quan chức cấp cao khác tới Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La Haye, để bắt đầu phiên xét xử liên quan tới vụ Manila kiện Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose....