Sau bệnh viện Al-Shifa ở miền Bắc, mục tiêu tiếp theo của Israel là miền Nam Dải Gaza
Sau khi đột kích bệnh viện Al-Shifa lớn nhất Dải Gaza, Israel dường như sắp hoàn tất mục tiêu ở phía Bắc dải đất này và tiếp theo sẽ là miền Nam.
Thách thức ở miền Nam Gaza
Binh sĩ Israel triển khai chiến dịch trên bộ chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza ngày 7/11/2023. THX/TTXVN
Theo hãng tin AP, giai đoạn tiếp theo ở miền Nam Gaza sẽ tiềm ẩn nhiều thách thức đối với binh sĩ Israel.
Các nhà lãnh đạo Israel phần lớn đã bác bỏ những lo ngại của quốc tế về số người chết ngày càng tăng và tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi ở Gaza, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Hamas bị tiêu diệt.
Điều đó có nghĩa là các lực lượng Israel sẽ phải tấn công vào miền Nam Gaza – nơi đặt cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas, có hàng nghìn tay súng và mạng lưới đường hầm dưới lòng đất vẫn còn nguyên vẹn. Các quan chức Israel cũng nghi ngờ rằng các chỉ huy hàng đầu của Hamas có thể đang ẩn náu trong khu vực miền Nam.
Ngày 15/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với binh sĩ Israel dọc biên giới Gaza: “Không có nơi nào ở Gaza mà chúng ta sẽ không tới. Không có nơi ẩn náu, không có nơi trú ẩn, không có nơi dung thân cho Hamas”.
Ông Amir Avivi, từng là phó chỉ huy Sư đoàn Gaza của quân đội Israel, nhận định rằng việc dừng hoạt động lúc này không phải là một lựa chọn. Ông nói: “Chúng ta thực sự không thể tiêu diệt Hamas nếu không chiếm được toàn bộ Dải Gaza. Điều đó là không thể”.
Tuy nhiên, tiến vào miền Nam Gaza đặt ra nhiều thách thức cho Israel.
Do phần lớn dân số Gaza đang bị dồn vào các nơi trú ẩn công cộng hoặc nhà riêng và các tay súng Hamas hoạt động trong các khu dân cư, nên giao tranh ác liệt trên đường phố ở phía Nam có thể sẽ dẫn đến thương vong dân thường cao.
Israel cho rằng Hamas phải chịu trách nhiệm về những thương vong này và cáo buộc tổ chức này sử dụng dân thường làm lá chắn sống.
Dù vậy, cộng đồng quốc tế, trong đó có có cả đồng minh thân cận nhất là Mỹ, đã bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về số dân thường thiệt mạng. Mỹ chưa yêu cầu Israel kết thúc cuộc chiến chống Hamas nhưng đã cảnh báo người Israel rằng những lời chỉ trích của quốc tế sẽ ngày càng gia tăng khi chiến tranh kéo dài.
Theo ông Avivi, nhiều người Palestine có thể chuyển đến một khu vực nhân đạo mà Israel đang cố gắng thiết lập ở phía Tây Nam Gaza, hoặc tốt hơn là đến nước láng giềng Ai Cập.
Video đang HOT
Tuy nhiên, mỗi kịch bản này đều có vấn đề riêng. Ai Cập đã nhiều lần nói rõ rằng nước này không muốn hàng loạt người Palestine vào lãnh thổ của mình, còn chính quyền Mỹ đã cảnh báo không được đẩy người Palestine ra khỏi Gaza.
Trong khi đó, khu vực nhân đạo được đề xuất có tên Muwasi lại tương đối nhỏ và kém phát triển, không có cơ sở hạ tầng để hỗ trợ hàng trăm nghìn người. Trong những tháng mùa đông mưa nhiều, nhiệt độ giảm sâu, người dân không thể ở trong lều bạt tạm bợ.
Ông Giora Eiland, cựu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, cho rằng áp lực quốc tế sẽ có ít ảnh hưởng. Theo ông, Israel có sự ủng hộ rộng rãi cho cuộc chiến chống Hamas đến mức khó có thể ngăn chặn được và Israel có thể xem xét lại nếu Hamas đầu hàng, sụp đổ hoặc có thể bị thuyết phục thông qua các trung gian hòa giải quốc tế như Qatar để thả tất cả con tin. Đây là những kịch bản dường như khó xảy ra.
Khi Israel có thể sẽ mất thêm hai hoặc ba tháng nữa để hoàn thành cuộc tấn công Hamas, ông Eiland cho rằng tình trạng khẩn cấp về nhân đạo ngày càng tồi tệ là không thể tránh khỏi.
Ông nói: “Tôi không nghĩ có cách hợp lý nào để chúng ta có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đó. Mọi người đều có thể sẽ phải chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp ở đó. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản được Israel”.
Áp lực quốc tế khi Israel tiến vào Al-Shifa
Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza ngày 10/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, ngày 15/11, quân đội Israel thông báo đã tiến vào bệnh viện Al-Shifa – nơi mà lực lượng này tin là Hamas đặt trung tâm chỉ huy trong các đường hầm dưới lòng đất dù Hamas luôn bác bỏ. Binh sĩ Israel đã phát hiện nhiều loại vũ khí và các trang thiết bị của lực lượng Hamas ở bên trong bệnh viện Al-Shifa nhưng không có dấu hiệu con tin bị giam giữ tại đây.
Trước làn sóng phản đối từ dư luận, Israel tuyên bố sẽ chỉ tấn công chính xác và có chọn lọc nhằm vào các tay súng Hamas. Quân đội Israel còn cho biết đã đưa theo các đội hỗ trợ thực địa gồm các nhân viên y tế, những người nói tiếng Arab được huấn luyện đặc biệt để huy động tới môi trường phức tạp và nhạy cảm. Lực lượng này khẳng định mang theo đồ cứu trợ vào bệnh viện này ngay trong khi tiến hành chiến dịch bố ráp, theo đó các lồng ấp, thức ăn cho trẻ nhỏ và thiết bị y tế đã được lực lượng này đưa vào bệnh viện Al-Shifa.
Cơ quan Y tế Dải Gaza do Hamas kiểm soát đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc lập tức can thiệp và nhanh chóng ngăn chặn chiến dịch của Israel. Một quan chức cơ quan này cho biết bên trong bệnh viện có hàng nghìn người, trong đó 650 người bị ốm và hàng nghìn người khác bị thương.
Bệnh viện đã cạn kiệt nhiên liệu, mọi dịch vụ chăm sóc được thực hiện thủ công và ở mức cơ bản.
Các cơ quan của Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cũng đã bày tỏ lo ngại sau khi binh sĩ bố ráp bệnh viện Al-Shifa đồng thời yêu cầu phải bảo vệ hàng nghìn bệnh nhân và dân thường ở cơ sở này.
Tổ chức Y tế thế giới thông báo đã mất liên lạc với các nhân viên tại bệnh viện Al-Shifa sau khi lực lượng Israel bố ráp cơ sở này. Trên mạng xã hội X, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách cứu trợ nhân đạo Martin Griffiths kêu gọi bảo vệ trẻ sơ sinh, bệnh nhân và những người dân thường bên trong bệnh viện đồng thời nhấn mạnh các bệnh viện không thể trở thành chiến trường.
Cùng ngày, ICRC ra tuyên bố bày tỏ vô cùng lo ngại về tác động của cuộc tấn công đối với người bệnh và bị thương, đội ngũ nhân viên y tế và dân thường, đồng thời yêu cầu Israel phải thực hiện mọi biện pháp để tránh mọi hậu quả.
Bộ Ngoại giao Jordan ngày 15/11 cũng ra thông báo chỉ trích việc Israel bố ráp bệnh viện Al-Shifa là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Geneva về Bảo vệ Dân thường trong Chiến tranh.
Trước đó, Hội đồng An ninh Nhà Trắng ra thông báo khẳng định Washington không ủng hộ không kích bệnh viện và không muốn giao tranh xảy ra ở bệnh viện. Về phần mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi Israel kiềm chế tối đa, nêu rõ cần chấm dứt các hành động làm tổn hại tính mạng phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Israel tuyên bố chiếm được các vị trí chủ chốt của Hamas ở thủ phủ Gaza
Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã chiếm được các vị trí chủ chốt của Hamas ở thành phố Gaza, tiêu diệt 150 thành viên nhóm chiến binh Palestine này.
Binh sĩ Israel tham gia chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, trong ảnh công bố ngày 10/11/2023. Ảnh: IDF
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết quân đội nước này đã chiếm được các tiền đồn quan trọng của Hamas ở thành phố Gaza, thủ phủ của dải đất, trong ngày 10/11, tiêu diệt khoảng 150 thành viên Hamas. Trong khi đó, giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục diễn ra trong và xung quanh thành phố Gaza giữa quân đội và các tay súng Palestine.
IDF cho biết, trong những ngày gần đây, Lữ đoàn Thiết giáp 401 của họ đã dẫn đầu một cuộc tấn công vào cái gọi là tiền đồn Bader - căn cứ chính của Tiểu đoàn Trại tị nạn Al-Shati của Hamas - nằm liền kề với các ngôi nhà dân sự.
Quân đội Israel nói rằng trong cuộc đột kích vào đồn Bader, họ đã phá hủy trụ sở quân sự và các địa điểm phóng tên lửa. Ngoài ra, IDF cho biết Lữ đoàn 401 đã chiếm được một đồn khác của Hamas trong khu vực và phá hủy một nhà máy sản xuất vũ khí, các vị trí phóng tên lửa và đường hầm.
Trong một cuộc đột kích khác, IDF thông báo Lữ đoàn đã chiến đấu với các tay súng Hamas tại khách sản nghỉ dưỡng Blue Beach Resort trên bờ biển thành phố Gaza. Khoảng 30 thành viên Hamas ẩn náu tại khách sạn, bắn tên lửa chống tăng vào lực lượng Israel. IDF cho biết: "Sau khi bị bắt, người ta tiết lộ rằng những kẻ khủng bố đã sử dụng các phòng khách sạn làm nơi trú ẩn cũng như lên kế hoạch tấn công trên và dưới mặt đất".
Bệnh nhân và những người di tản tại bệnh viện Al-Shifa ở Thành phố Gaza vào ngày 10/11/2023. Ảnh: AFP
Diễn biến trên xảy ra khi giao tranh ác liệt được ghi nhận ở khu vực lân cận Bệnh viện Shifa, nơi Israel tin rằng ẩn chứa trụ sở chính của Hamas. Các báo cáo của người Palestine cho rằng lực lượng đặc biệt của Israel đang hoạt động trong khu vực và lực lượng thiết giáp đang áp sát.
Hãng tin AP cho biết hàng nghìn người Palestine đang chạy trốn khỏi khu vực xung quanh Shifa và tham gia vào cuộc di cư ngày càng đông đảo về phía nam dải đất. Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng nhà chức trách bệnh viện đã bắt đầu sơ tán trung tâm y tế theo lệnh của IDF.
Theo Cơ quan Y tế Gaza do Hamas điều hành, khoảng 50.000 đến 60.000 người trước đây đã trú ẩn trong và xung quanh khuôn viên bệnh viện Shifa, nơi cũng đang cứu chữa 2.500 bệnh nhân.
Vào tối 10/11 (theo giờ địa phương), quân đội khẳng định rằng vụ nổ mà các quan chức y tế Gaza cho biết đã giết chết 13 người tại khu bệnh viện Shifa trước đó trong ngày là do các tay súng Palestine gây ra. Tuy nhiên, Hamas đổ lỗi vụ việc cho cuộc tấn công của Israel.
Người phát ngôn tiếng Arab của IDF, Avichay Adraee, cho biết vụ nổ là do một tên lửa phóng nhằm về phía lực lượng Israel hoạt động gần bệnh viện, nhưng đã bắn trượt và đánh trúng trung tâm y tế.
Trong khi đó, báo cáo của phía Palestine cho biết một vụ nổ khác tại trường Al-Buraq ở thành phố Gaza đã giết chết 50 người, trong đó có cháu gái của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Israel chưa bình luận về vụ nổ này và báo cáo đó không thể được xác minh. Theo tờ Times of Israel, các trường học ở Gaza hiện không hoạt động và không rõ những ai ở trong khu nhà.
Những người lính Israel tham gia chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, trong ảnh công bố ngày 10/11/2023. Ảnh: IDF
IDF sẽ chiến đấu trong 1 năm, nhưng không tái chiếm Gaza
Kênh 12 của Israel đưa tin ngày 10/11 rằng IDF dự kiến sẽ chiến đấu ở Gaza trong một năm. Kênh này dẫn báo cáo cho biết các chỉ huy quân sự được thông báo rằng không có áp lực nào phải vội vàng và IDF đang chuẩn bị cho một năm chiến đấu "để đi đến giai đoạn thứ tư của cuộc chiến này là: Sự thành lập của một chính phủ mới ở Gaza không phải của Hamas và không được người Iran hậu thuẫn".
Mặc dù hỏa lực tên lửa từ Gaza đã giảm đi đáng kể trong suốt cuộc chiến, nhưng vào chiều 10/11, một quả tên lửa đã được bắn vào miền trung Israel từ Gaza. Hai người bị thương do mảnh tên lửa rơi sau vụ đánh chặn của hệ thống Vòm Sắt ở Tel Aviv.
Quân đội Israel cũng cho biết họ đã tấn công khoảng 15.000 mục tiêu thuộc các nhóm chiến binh ở Dải Gaza kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 7/10, đồng thời thu giữ và phá hủy khoảng 6.000 vũ khí, bao gồm súng cầm tay, rocket, tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, thiết bị nổ và đạn dược.
Theo IDF, các lực lượng mặt đất, không quân và hải quân tiếp tục tấn công các mục tiêu của Hamas trên khắp Dải Gaza, bao gồm các trung tâm chỉ huy, bệ phóng tên lửa, kho vũ khí, đường hầm và cơ sở hạ tầng khác được nhóm này sử dụng.
Cùng ngày 10/11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố IDF sẽ vẫn kiểm soát Dải Gaza sau khi chiến tranh kết thúc và sẽ không dựa vào các lực lượng quốc tế để giám sát an ninh dọc biên giới.
Ông Netanyahu đưa ra bình luận này trong cuộc gặp tại Tel Aviv với thị trưởng các thị trấn giáp biên giới Gaza. Chính phủ Israel hiện vẫn chưa rõ ràng về kịch bản cho Gaza sau chiến tranh. Chỉ vài giờ trước đó, ông Netanyahu nói với đài Fox News rằng Israel không muốn tái chiếm hoặc cai trị Dải Gaza.
Trước đó, vào đầu tuần này, ông Netanyahu nói với kênh ABC News rằng Israel sẽ chịu "trách nhiệm an ninh tổng thể" đối với Dải Gaza "trong một thời gian không xác định" sau khi cuộc chiến chống lại Hamas kết thúc.
Trong khi đó, ngày 10/11 Cơ quan Y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết hơn 11.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 7/10 với các cuộc tấn công chết chóc của Hamas vào miền nam Israel. Các số liệu này không thể được xác minh độc lập và được cho là bao gồm cả các chiến binh Palestine bị IDF tiêu diệt.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo hôm 10/11 rằng hệ thống y tế ở Gaza đang "suy sụp", lưu ý rằng một nửa trong số 36 bệnh viện trên vùng lãnh thổ này không còn hoạt động.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, ông Ghebreyesus mô tả tình hình thực tế: "Các hành lang bệnh viện chen chúc những người bị thương, người bệnh, người hấp hối; nhà xác tràn ngập; phẫu thuật không gây mê; hàng chục nghìn người di tản đang trú ẩn tại bệnh viện."
Xung đột Hamas - Israel: Israel phủ nhận thông tin về lệnh ngừng bắn tại Gaza Theo hãng tin AFP, ngày 16/10, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chính thức bác bỏ các thông tin về lệnh ngừng bắn tạm thời trên Dải Gaza nhằm mở đường cho các công dân nước ngoài rời khỏi dải đất này để đến Ai Cập. Binh sĩ Israel tuần tra tại khu vực phía Bắc nước này, giáp Liban ngày...