Sát cánh cùng dân trong lũ dữ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, nhiều địa phương khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã có mưa lớn, gây ra lũ ống, lũ quét cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của người dân. Trước, trong mưa lũ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn có mặt, kề vai, sát cánh cùng nhân dân chống chọi với thiên tai khắc nghiệt.
Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vận chuyển hàng cứu trợ vào cho dân bản.
Chỉ tính riêng từ ngày 3/8 đến ngày 11/8/2019, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã cử nhiều đoàn công tác, huy động 1.599 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện không quản ngại vất vả, nguy hiểm để cùng chung sức với người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trận lũ quét kinh hoàng diễn ra bất ngờ vào sáng ngày 3/8, khiến cho bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị tàn phá tan hoang. Bản có 10 người mất tích, hầu như toàn bộ ngôi nhà bị cuốn trôi và hư hỏng nặng. Nước sông Luồng dâng cao, Sa Ná bị cô lập hoàn toàn. Không để người dân một mình trong cơn hoạn nạn, phải đến với nhân dân sớm nhất, bộ đội cùng các lực lượng đã kết bè mảng bằng luồng, trượt theo dây cáp căng ngang sông để tránh bị trôi. Bè được cán bộ, chiến sĩ LLVT kéo bằng sức người và mỗi lần chỉ có thể đưa tối đa 4 người vượt sông nên công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Để kịp thời tiếp sức cùng quân và dân nơi đây, sáng ngày 6/8/2019, Bộ Tư lệnh Quân khu đã điều động hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 cùng các phương tiện như 15 xuồng VS1500, các vệt cầu phao, xe Zil… nhanh chóng hành quân đến xã Na Mèo. Sau gần 1 ngày vượt hơn 300 km về đến xã Na Mèo lúc hơn 20 giờ tối, không chút nghỉ ngơi, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng triển khai phương án bắc cầu. Dòng nước chảy xiết hung dữ cuồn cuộn nguy hiểm, nhưng với tâm niệm phải khắc phục hậu quả cho dân bản nhanh nhất, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn dù rất mệt sau chặng đường hành quân dài song không ai bảo ai, mỗi người một việc tiến hành bắc cầu. Trong đêm tối mịt mù, trước dòng nước cuồn cuộn, ầm ào, khẩu lệnh của các chiến sĩ công binh vẫn vang lên dõng dạc; các động tác thuần thục, chính xác kết nối xuồng, vệt cầu phao để đôi bờ sông Luồng mỗi lúc thêm gần lại. Đến sáng hôm sau, chiếc cầu tạm nối bờ sông Luồng nối nhịp thành công giúp người dân và lực lượng thuận lợi hơn trong việc tiếp tế lương thực, khắc phục hậu quả cho bản Sa Ná.
Xuyên đêm vật lộn với dòng nước xiết để bắc cầu, song khi vào bản Sa Ná, tận mắt chứng kiến sự tuyệt vọng của người dân trước cảnh tan hoang của bản làng, cán bộ, chiến sĩ lại không cho phép mình nghỉ ngơi, tiếp tục hòa mình cùng với các lực lượng chung tay khắc phục hậu quả. Khuôn mặt lấm lem bùn đất, Binh nhất Nguyễn Trọng Cường, Đại đội 10, Tiểu đoàn 4 chia sẻ: “Ở đơn vị, chúng tôi nắm sơ qua tình hình mưa lũ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng khi tận mắt chứng kiến, tôi thấy thương người dân vô cùng. Dù rất mệt sau chặng đường hành quân dài và trắng đêm bắc cầu nhưng chúng tôi phải tiếp tục cố gắng để cùng các lực lượng sớm khắc phục hậu quả, chia sẻ phần nào tổn thất, đau thương của người dân…”
Lực lượng vũ trang giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Chia sẻ của Cường cũng là tâm trạng chung của mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, bởi khi người dân trong cơn hoạn nạn thì những người lính càng không được cho phép mình nghỉ ngơi. Chính vì thế mà Đội y học dự phòng Quân khu vừa cơ động đến Quan Sơn liền bắt tay vào việc xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho dân bản Sa Ná. Quá trưa, chỉ vội ăn qua loa lương khô, các anh liền cơ động qua các bản Son, Ché Lầu, Cha Khót, Na Poọng của xã Na Mèo để thực hiện nhiệm vụ, quyết không để nguồn nước bị ô nhiễm và người dân mắc dịch bệnh sau lũ.
Ở huyện Mường Lát, trong và sau khi xảy ra mưa lũ, 100% quân số của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5, lực lượng vũ trang huyện cùng nhiều phương tiện tỏa đi khắp các hướng trong vùng dự án để giúp nhân dân. Dù cho một số công trình của đơn vị hư hỏng do mưa lũ nhưng giúp dân là trên hết, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị ngày đêm như “con thoi” có mặt khắp các bản để sơ tán người, tài sản người dân đến nơi an toàn, rồi túc trực những nơi nguy hiểm và khắc phục hậu quả sau khi lũ rút.
Ông Lương Xuân Lâm, Trưởng bản Tén Tằn, huyện Mường Lát tâm sự: “Mưa lũ những ngày qua làm tôi nhớ lại trận lũ kinh hoàng cách đây một năm. Cứ lũ về lại khiến tôi và bà con ám ảnh, lo sợ, nhưng khi bộ đội Đoàn 5, Ban CHQS huyện, Biên phòng, dân quân có mặt thì chúng tôi thêm vững tin khi chống chọi với mưa lũ”.
Lữ đoàn Công binh 414 bắc cầu phao qua sông Luồng vào bản Sa Ná, xã Na Mèo.
Trước đó, khi đang mưa to trên diện rộng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã cử đoàn công tác do Đại tá Vũ Xuân Hùng, Phó tham mưu trưởng Quân khu làm trưởng đoàn đã cơ động đến các huyện Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Vĩnh Lộc, Lang Chánh… để nắm tình hình, chỉ đạo các lực lượng làm công tác phòng, chống, tìm kiếm nạn nhân mất tích và khắc phục hậu quả.
Trước thiệt hại của người dân, đoàn cứu trợ của Quân khu do Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu làm trưởng đoàn đã đến các vùng bị ngập lụt thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân 1 tấn lương khô, 3 tấn mỳ tôm cùng 200 triệu đồng, giúp nhân dân sớm khắc phục hậu quả.
Tính đến ngày 8/8, Quân khu đã huy động 1.599 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (trong đó có 342 bộ đội thường trực, 1.257 dân quân tự vệ) cùng hàng trăm lượt phương tiện và 17 tổ công tác liên tục bám nắm, tiếp cận các địa phương để giúp nhân dân khắc phục hậu quả.
Để sớm khắc phục hậu quả, ngày 8/8, Bộ Quốc phòng đã cử đoàn công tác đến Quan Sơn cấp hàng cứu trợ cho nhân dân gồm: 5 tấn lương khô, 2.000 áo phao, áo cứu sinh, 5 bộ máy bơm công suất cao, 20 bộ nhà bạt, 50 cưa xích cầm tay, 40 bộ thiết bị lọc nước.
Đến nay, nhiều bản làng miền Tây xứ Thanh vẫn còn ngổn ngang công việc khắc phục hậu quả. Song sự sát cánh, tiếp sức kịp thời của lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã phần nào chia sẻ những khó khăn, tổn thất để nhân dân tiếp tục kiên cường khắc phục hậu quả do mưa bão gây nên, nhằm sớm ổn định cuộc sống./.
Bài, ảnh: Nguyễn Đức Cương
Theo ĐCSVN
Tìm thấy xác bé trai 10 tuổi ở Sa Ná mất tích trên sông cách nhà 3 km
Lực lượng tìm kiếm vừa tìm thấy thi thể bé trai 10 tuổi ở bản Sa Ná trên sông Luồng, nâng tổng số người tử vong do mưa lũ những ngày qua ở huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) lên con số 4, hiện 8 người khác vẫn đang mất tích.
Video ghi lại cảnh bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) thời điểm xảy ra lũ ống, lũ quét nhấn chìm cả bản làng
Chiều ngày 6-8, ông Hà Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm 1 thi thể người dân ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) bị lũ cuốn mất tích sáng ngày 3-8.
Theo đó, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể bé trai Hà Văn Q. (10 tuổi, ngụ bản Sa Ná), con của anh Hà Văn Vân - người sống sót duy nhất trong gia đình có 6 người mất tích. Thi thể cháu Q. được tìm thấy trên sông Luồng, đoạn qua địa bàn bản Bo (xã Na Mèo), cách bản Na Sá khoảng 3 km.
Cảnh hoang tàn, đổ nát ở bản Sa Ná khi cơn lũ quét qua sáng ngày 3-8
Hiện thi thể cháu Q. đang được lực lượng chức năng đưa về bản để gia đình lo hậu sự.
Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Quan Sơn, lực lượng chức năng đã tìm thấy được thi thể 4 người mất tích (2 người ở bản Sa Ná, xã Na Mèo và 2 người ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy), hiện vẫn còn 8 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, bão số 3 đã làm 6 người chết (huyện Mường Lát 2 người; huyện Quan Sơn 4 người); mất tích 9 người (huyện Mường Lát 1 người, huyện Quan Sơn 8 người); bị thương 5 người trên địa bàn huyện Quan Sơn.
Người dân chuẩn bị hòm để lo hậu sự cho nạn nhân
Có 76 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 66 nhà bị thiệt hại rất nặng, 312 nhà bị thiệt hại một phần, 1.242 nhà bị ngập, phải di dời khẩn cấp 59 hộ. 14 điểm trường bị ảnh hưởng, 1 trạm y tế xã bị ngập; 2 nhà văn hóa thôn/bản bị sập hoàn toàn và 3 nhà bị hư hỏng do sạt lở. 136,1 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 930,62 ha lúa bị ngập...
Mưa lớn đã làm sạt lở taluy dương, sa bồi với khối lượng khoảng 168.000m3 tại hơn 340 vị trí, gây tắc 97 vị trí trên các tuyến Quốc lộ 15C, 16, 217, 47 thuộc địa bàn 4 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Nhiều tuyến đường tỉnh trên địa bàn các huyện miền núi cũng bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Chị Hà Thị Tiếng (28 tuổi) khóc nghẹn trên căn nhà của gia đình giờ chỉ còn là bãi đất trống
Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ, tỉnh Thanh Hóa đã cấp hỗ trợ 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 519 thùng nước uống. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 hỗ trợ 200 triệu đồng tiền mặt, 1 tấn lương khô, 1.345 thùng mì tôm; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 5 tấn gạo...
Tuấn Minh
Theo nld.com.vn
Sau bão, mưa lũ dồn dập Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sau khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, sáng 3-8, cơn bão số 3 (Wipha) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng tiếp tục hoạt động trên đất liền, di chuyển rất chậm về phía Nam đồng bằng sông Hồng, gây mưa to gió mạnh trên diện rộng, liên...